Pháp luật của Pháp về quyền tự do ngôn luận trên Internet

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về quyền tự do ngôn luận trên internet ở việt nam hiện nay (Trang 28 - 31)

1.4. Pháp luật về quyền tự do ngôn luận trên Internet ở một số

1.4.2. Pháp luật của Pháp về quyền tự do ngôn luận trên Internet

Pháp là một trong những quốc gia phát triển nhưng đã từng khá “dè dặt” với Internet. Bên cạnh đó, Pháp cũng là quốc gia từ lâu đã có các quy tắc về bảo vệ tự do cá nhân, quyền tự do ngôn luận trên internet. Tự do ngôn luận được bảo vệ ngay trong Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp. Pháp đã xây dựng một hệ thống pháp lý tương đối đầy đủ nhằm bảo đảm tối ưu quyền tự do ngôn luận thông qua Luật Tự do báo chí năm 1881 (Luật 1881). Luật này được coi như là bộ luật gốc điều chỉnh các hành vi bày tỏ ngôn luận của mọi người. Mặc dù vậy, pháp luật của Pháp cũng đưa ra các giới hạn, các chế tài nghiêm khắc trừng trị người nào lạm dụng quyền tự do ngôn luận ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Những quy định này được nêu tại Bộ luật 1881 về quyền tự do báo chí và Bộ luật Dân sự Napoleong. Các quy định có liên quan bao gồm: bảo vệ nhân phẩm con người, chống lại việc vụ khống, bôi nhọ (Điều 29 Luật 1881), bảo vệ chống lại việc xâm phạm đời tư (Điều 9 Bộ luật Dân sự), chống phân biệt chủng tộc, tôn giáo (Điều 32 Luật 1881), kích động bạo lực, gây hận thù (Điều 24 Luật 1881).

Điều 29 Luật 1881 quy định: “Tất cả những nhận định hoặc quy kết cho một sự kiện gây thiệt hại đến danh dự hoặc nhân phẩm của cá nhân hoặc tổ chức có liên quan đến sự kiện đó đều bị coi là hành động vu khống”. Điều luật này đưa ra định nghĩa về bôi nhọ: “Tất cả những phát ngôn có tính chất lăng nhục, sử dụng thuật ngữ miệt thị hoặc chưa được kiểm chứng”. Như vậy, phạm vi áp dụng Điều 29 Luật 1881 rất rộng, không chỉ để bảo vệ uy tín, danh dự cho một cá nhân, mà cho cả các cơ quan, tổ chức. Các án lệ từ trước đến nay đưa ra hàng loạt cơ quan, tổ chức cần phải bảo vệ trước hành vi vu khống, đó là: các cơ quan nhà nước (án lệ Tòa phá án hình sự ngày 26/4/1952), Quốc hội, Trường Đại học, Hội đồng nhân dân (án lệ Tòa phá án hình sự ngày 23/5/1955), bệnh viện công (án lệ Tòa dân sự ngày 30/9/1998; tòa hình sự ngày 03/7/1996), cơ quan cảnh sát (án lệ Tòa hình sự ngày 3/12/2002).

Về các vi phạm trên Internet, Internet là một trong các phương tiện để mọi người thể hiện ý kiến của mình. Do vậy việc bày tỏ quan điểm trên Internet cũng chịu sự điều chỉnh của Luật 1881. Án lệ của Pháp đã đưa ra rất nhiều vụ việc lạm dụng Internet để vu khống, bôi nhọ. Mới đây nhất là việc Tòa án công nhận nhiều quyết định sa thải nhân viên do đã lạm dụng facebook để vu khống, nói xấu người khác. Vụ việc đầu tiên là vào năm 2010, một số nhân viên của một công ty viết trên “tường” của facebook các câu chê bai doanh nghiệp của mình. Họ đã bị cho nghỉ việc. Các nhân viên này kiện ra tòa với lý do facebook chỉ là nhật ký mang tính đời tư (cá nhân) cho nên họ có quyền viết lên đó các suy nghĩ của mình. Tuy nhiên Tòa lao động vùng Boulougne – Billancourt đã chứng minh rằng “bức tường” facebook đã không còn mang tính riêng tư khi mọi người đều và đọc được. Do đó tòa đã công nhận quyết định sa thải của công ty (báo Le Monde ngày 19-11-2010) [37].

Điều 11 Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789 ghi nhận tự do ngôn luận là một quyền cơ bản của con người: “Tự do ngôn luận các tư tưởng, ý nghĩ là một trong những quyền quý báu nhất của con người. Tất cả công dân có quyền phát ngôn, viết, xuất bản một cách tự do, trừ trường hợp xác định để giới hạn quyền này theo luật”. Hội đồng Bảo hiến trong Quyết định số 2009-580 DC ngày 10-6-2009 đã cho rằng: dựa trên bối cảnh hiện tại của các phương tiện truyền thông, dựa trên sự phát triển phổ biến của các dịch vụ truyền thông trên mạng cũng như tầm quan trọng của các dịch vụ này đối với sự tham gia của công chúng vào đời sống dân chủ, vào việc thể hiện các tư tưởng và ý kiến, thì việc thực hiện quyền tự do ngôn luận được hiểu là bao hàm quyền tự do truy cập vào Internet.

Trong Quyết định ban hành ngày 10-6-2009, Hội đồng Bảo hiến tuyên bố cơ chế bảo vệ hiến pháp về quyền tự do giao tiếp và biểu đạt được áp dụng cho internet do vai trò ngày càng tăng của phương tiện này trong việc tiếp cận

thông tin của công dân. Hội đồng Bảo hiến cũng nhấn mạnh rằng internet là công cụ, thông qua e-mail, mạng xã hội, blog và các diễn đàn thảo luận khác, thực hiện quyền tự do ngôn luận và góp phần phổ biến thông tin và tham gia lưu thông, trao đổi ý tưởng. Nhìn từ góc độ tự do ngôn luận thì internet mang đến cả hai chiều hướng: chiều thụ động, tức là thông qua các trang báo mạng, tin mạng hay truyền hình mạng; và chiều chủ động, với email, sự bùng nổ của các mạng xã hội, blog và các diễn đàn khác, để thực hiện tự do ngôn luận. Nó thực sự là một phương tiện mới cung cấp cho người dùng internet khả năng đóng góp cho việc phổ biến thông tin và tham gia vào việc lưu thông và trao đổi ý kiến.

Như vậy, quyền truy cập và sử dụng internet được coi như một phần của tự do ngôn luận và là quyền cơ bản của con người, có giá trị hiến định ở Pháp. Điều này xuất phát từ đặc thù của pháp luật Pháp: bên cạnh hiến pháp thì các phán quyết của Hội đồng bảo hiến, các điều khoản của Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền được coi là các quy phạm có giá trị Hiến pháp [10].

Sự tôn trọng tự do ngôn luận không có nghĩa là cho phép phỉ báng, tấn công vào phẩm giá của những người khác bằng những thông điệp, âm thanh, hình ảnh hoặc dàn dựng việc khiêu dâm trẻ em. Trong các phiên tòa ở Pháp, thẩm phán cân nhắc đến cả những trao đổi được thực hiện trên Internet, ví dụ như trên Facebook, mà bị xem là vi phạm theo luật pháp. Các cuộc trò chuyện trên Twitter hoặc Facebook nếu xúc phạm hay ảnh hưởng đến người khác vẫn có thể trở thành đối tượng của các vụ kiện thông thường.

Internet đã làm tăng sự tự do ngôn luận và giao tiếp, mặt khác cũng dẫn đến những khó khăn do sự lạm dụng của nó. Theo báo cáo của Christian Paul về quyền và tự do Internet trình Thủ tướng Chính phủ ngày 29-6-2000 đã lưu ý, “internet đặt ra các vấn đề mới và đa dạng cho pháp luật”. Trong thực tế, cuộc chiến chống lại nội dung bất hợp pháp không chỉ liên quan đến các đặc

tính kỹ thuật vốn có của mạng Internet, mà còn liên quan đến sự đa dạng của các quan niệm về tự do ngôn luận ở các quốc gia khác nhau. Nội dung của một tin nhắn được chuyển tải qua Internet có thể được coi là hợp pháp ở một quốc gia, nhưng lại bị coi là bất hợp pháp ở quốc gia khác. Ví dụ, các nội dung khiêu dâm bị cấm ở Ireland, bị xử phạt ở Saudi Arabia, song lại hoàn toàn hợp pháp ở Thụy Điển. Tại một số nước, các bài phát biểu kích động thù hằn chủng tộc (tân phát xít) được dung thứ dưới tên gọi quyền tự do ngôn luận, trong khi đó chúng sẽ bị truy tố ở Pháp vì xâm phạm đến phẩm giá con người [1, tr. 338].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về quyền tự do ngôn luận trên internet ở việt nam hiện nay (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(85 trang)