2.2. Một số trường hợp cụ thể của thế chấp tài sản để bảo đảm thực hiện
2.2.2. Thế chấp tàu bay, tàu biển
2.2.2.1. Thế chấp tàu bay
Bên thế chấp tàu bay là chủ sở hữu tàu bay hoặc bên thuê tàu bay theo hình thức thuê không có tổ bay, thuê mua đã được đăng ký quốc tịch Việt Nam và được cấp giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay. Thế chấp tàu bay thuộc sở hữu chung phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả các đồng chủ sở hữu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Trong thời hạn thế chấp bên thế chấp phải giao bản chính Giấy chứng nhận đăng ký quốc tịch tàu bay cho bên nhận thế chấp, không được chuyển quyền sở hữu tàu bay trừ trường hợp có sự đồng ý của người nhận thế chấp.
Đối tượng thế chấp tàu bay bao gồm toàn bộ thân, động cơ tàu bay, cánh quạt tàu bay, trang bị, thiết bị vô tuyến điện của tàu bay và các trang bị,
thiết bị khác được sử dụng trên tàu bay đó không phụ thuộc vào việc đã lắp đặt trên tàu bay hoặc tạm thời tháo khỏi tàu bay.
Hợp đồng thế chấp tàu bay phải được lập thành văn bản và là đối tượng bắt buộc phải đăng ký theo quy định tại nghị định 83/2010/NĐ-CP. Cục Hàng không Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền đăng ký thế chấp tàu bay. Hợp đồng thế chấp tàu bay có hiệu lực kể từ khi được đăng ký trong Sổ đăng bạ tàu bay Việt Nam.
Trong trường hợp tàu bay thế chấp bị mất tích hoặc hư hỏng đã được bảo hiểm thì người nhận thế chấp đã đăng ký thế chấp được hưởng số tiền bảo hiểm đó. Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký tàu bay sau khi đã thanh toán các khoản nợ ưu tiên (nếu có) như: án phí và các chi phí cho việc thi hành án, tiền công cứu hộ, giữ gìn tàu bay và các chi phí có liên quan.
2.2.2.2. Thế chấp tàu biển
Theo quy định tại khoản 1 điều 33 Luật Hàng hải năm 2005: Thế chấp tàu biển là việc chủ tàu dùng tàu biển thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên có quyền và không phải chuyển giao tàu biển đó cho bên nhận thế chấp giữ. Như vậy, bên thế chấp phải là chủ sở hữu tàu biển được thể hiện bằng Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển. Tàu biển đang đóng cũng có thể trở thành đối tượng của thế chấp nếu chủ sở hữu đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển đang đóng. Việc thế chấp tàu biển thuộc sở hữu của hai chủ sở hữu trở lên thì phải được sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu đó trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Luật Hàng hải năm 2005 không quy định rõ hình thức đồng ý của các đồng sở hữu chủ phải bằng văn bản như Luật Hàng không dân dụng năm 2006.
Về nguyên tắc tàu biển thế chấp phải được chủ tàu mua bảo hiểm, trừ trường hợp các có bên thỏa thuận khác, bởi đây là loại tài sản có giá trị lớn và
có thể gặp rủi ro trong quá trình hoạt động do nguyên nhân khách quan gây ra (tàu biển hư hỏng do gặp bão lớn) làm giảm giá trị của tàu biển một cách nhanh chóng ảnh hưởng đến quyền lợi của bên nhận bảo đảm. Trong thời hạn thế chấp, bên nhận thế chấp chỉ giữ bản sao của Giấy chứng nhận đăng ký tàu biển bởi trong quá trình lưu thông bên thế chấp phải xuất trình bản chính nếu có yêu cầu kiểm tra. Ngoài ra, bên thế chấp không được chuyển quyền sở hữu tàu biển nếu không có sự đồng ý của người nhận thế chấp tàu biển.
Hợp đồng thế chấp tàu biển phải được lập thành văn bản và là đối tượng bắt buộc phải đăng ký theo quy định tại nghị định 83/2010/NĐ-CP. Cơ quan đăng ký tàu biển Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền đăng ký thế chấp tàu biển. Hợp đồng thế chấp tàu biển có hiệu lực kể từ khi được đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam.
Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm được xác định theo thứ tự đăng ký tàu biển. Trường hợp tàu biển bị tổn thất toàn bộ thì việc thế chấp chấm dứt, người nhận thế chấp được hưởng quyền ưu tiên đối với khoản tiền bồi thường mà người bảo hiểm trả cho việc bồi thường tổn thất toàn bộ của tàu biển.