- Chủ đầu tư không thực hiện đúng nội dung dự án hoặc sau 12 tháng, kể từ tháng nhận bàn giao đất mà không triển khai thực hiện dự án
2.2.3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
2.2.3.1. Nguyên nhân chủ quan
Nguyên nhân chủ quan khiến cho việc chuyển nhượng dự án trong đầu tư, kinh doanh BĐS hiện nay còn gặp một số khó khăn là do quy mô thị trường BĐS Việt Nam chưa phải là lớn. Quá trình đô thị hóa mới đang ở giai đoạn đầu, đặc biệt đối với các đô thị như Hà Nội, TP.HCM, thời điểm chuyển nhượng BĐS thường tùy thuộc vào chiến lược cũng như “hoàn cảnh” của từng nhà đầu tư.
Hơn nữa, pháp luật về kinh doanh BĐS nói chung và pháp luật về chuyển nhượng dự án đầu tư, kinh doanh BĐS nói riêng là lĩnh vực pháp
luật còn khá non trẻ và đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Vì vậy, chúng ta còn thiếu kinh nghiệm về thực tiễn pháp lý đối với việc điều chỉnh các quan hệ về chuyển nhượng dự án đầu tư, kinh doanh BĐS. Điều này là nguyên nhân làm cho một số nội dung quy định được ban hành chưa phù hợp với thực tiễn; đồng thời, làm bộc lộ một số “khoảng trống” trong lĩnh vực pháp luật về vấn đề này.
2.2.3.2. Nguyên nhân khách quan
Trên thực tế, khi chuyển nhượng dự án, các nhà đầu tư thường gặp nhiều khó khăn bởi trong quá trình tiến hành phải trải qua nhiều khâu phức tạp, mất thời gian, mà nguyên nhân chủ yếu là do các thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà. Cụ thể, trong quá trình thực hiện Đề án 30 của Chính phủ về việc đơn giản hoá thủ tục hành chính nhà nước giai đoạn 2001- 2010, tính đến hết ngày 31/8/2009, thống kê của Nhóm chuyên trách về cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ cho thấy vẫn còn 5.700 thủ tục hành chính, 7.870 văn bản quy định về thủ tục hành chính và 85.000 biểu mẫu cần phải được rà soát để loại bỏ. Qua những thống kê trên có thể thấy, hiện nay, mặc dù Nhà nước có chủ trương giảm thiểu các thủ tục hành chính, nhưng trên thực tế, cụ thể trong chuyển nhượng dự án, các nhà đầu tư vẫn phải đến từng cơ quan chuyên môn để giải quyết các loại thủ tục đầu tư khác nhau. Không kể mỗi tỉnh, thành lại có một cơ chế khác nhau đối với nhà đầu tư. Do vậy, hiện nay, thủ tục hành chính vẫn là một rào cản lớn, gây hạn chế hiệu quả đầu tư của việc chuyển nhượng dự án trong đầu tư, kinh doanh BĐS.
Ngoài ra, theo như phân tích ở trên thì nguồn vốn đầu tư, kinh doanh BĐS chủ yếu của doanh nghiệp thường phụ thuộc vào các ngân hàng. Mà thị trường hiện nay đang trong giai đoạn khó khăn, Chính phủ đang tập trung chống lạm phát. Do đó, việc vay vốn đầu tư BĐS cũng gặp nhiều khó khăn và nếu vay được thì lãi suất cũng khá cao. Bên cạnh đó, lạm phát, tỉ giá ngoại tệ, giá cả vật tư đều có xu hướng tăng cao làm chi phí đầu tư và
giá thành sản phẩm BĐS sẽ tăng đáng kể. Hiện nay, các ngân hàng đang tích cực thu hồi nợ và thúc ép các khoản vay liên quan đến BĐS. Một số chủ đầu tư và nhà đầu tư mua bán BĐS sử dụng tỷ lệ vay tiền từ ngân hàng cao sẽ bị ảnh hưởng lớn. Chính vì vậy, sẽ gây ra nhiều bất lợi đối với các nhà đầu tư.