2.3. Những vấn đề đặt ra từ thực trạng pháp luật về quản trị, điều hành
2.3.2. Vấn đề bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số
Cổ đông thiểu số được hiểu là những cổ đông sở hữu một tỷ lệ nhỏ cổ phần và bị hạn chế về khả năng quản lý, cũng như kiểm soát các hoạt động trong công ty cổ phần. Quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông thiểu số trong NHTMCP rất dễ bị xâm phạm nếu vấn đề quản trị, điều hành không được đảm bảo. Đó là sự xâm phạm từ phía các thành viên HĐQT, Tổng giám đốc hay các chức danh quản lý khác, tuy nhiên rất khó để nhận biết. Việc bảo vệ quyền và lợi ích cho cổ đông thiểu số có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi lẽ, điều đó sẽ giúp cho cổ đông chống lại các hành vi xâm hại, chèn ép từ người quản lý ngân hàng, đảm bảo sự công bằng cho cổ đông trong quá trình đầu tư. Từ đó, sẽ khuyến khích các nhà đầu tư yên tâm và tin tưởng bỏ vốn, tài sản đầu tư vào NHTMCP tạo nguồn vốn dồi dào phát triển quy mô hoạt động của NHTMCP, nguồn cung tiền chủ yếu cho nền kinh tế, cụ thể là đối với nền kinh tế Việt Nam.
Trong thời điểm thị trường chứng khoán sụt giảm như hiện nay, giá cổ phiếu sụt giảm mạnh, danh mục đầu tư, kế hoạch tăng vốn và hàng loạt vấn đề về quản trị doanh nghiệp đã được đưa ra xem xét kỹ hơn tại các cuộc họp ĐHĐCĐ. Tuy nhiên, tiếng nói của cổ đông nhỏ gần như có cũng như không. Qua một số kỳ ĐHĐCĐ cho thấy, sự có mặt của các cổ đông nhỏ lẻ gần như chỉ để đủ cơ cấu, không thể hiện được quyền của mình trong vấn đề hoạt động
của NHTMCP mà họ góp vốn. Điều này thể hiện rõ nét hơn cả ở những NHTMCP đã cổ phần hóa, song số vốn nhà nước chiếm hơn 50%. Hầu hết tại các ĐHĐCĐ, chủ yếu là thông qua những nội dung mà HĐQT đã chuẩn bị sẵn. Việc lạm quyền của cổ đông lớn kéo dài một phần vì nhiều cổ đông nhỏ lẻ do chưa hiểu hoặc ít quan tâm đến quyền lợi của mình nên đã phó thác phần vốn góp của mình cho HĐQT, miễn sao giá cổ phiếu tăng trưởng theo thời gian và cổ tức được chia tăng hàng năm. Dựa vào điểm yếu này, không ít ngân hàng khi muốn thay đổi một số nội dung trong điều lệ hoạt động hoặc kế hoạch kinh doanh, Chủ tịch HĐQT chỉ thăm dò thái độ đồng tình của các cổ đông lớn mà bỏ qua các cổ đông nhỏ.
NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) là một ví dụ. Trong kỳ ĐHĐCĐ lần thứ nhất của Vietcombank gần đây, nhiều cổ đông nhỏ đã bày tỏ băn khoăn về quyền lợi của mình. Dù có 15.500 nhà đầu tư gồm cả các nhà đầu tư nắm giữ cổ phần qua phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), trái phiếu chuyển đổi, cán bộ nhân viên mua ưu đãi… nhưng tổng số cổ phần các nhà đầu tư này nắm giữ cũng chỉ chiếm khoảng 9%. Trong khi đó, Nhà nước vẫn nắm giữ chủ yếu cổ phần với hơn 90%. Vì thế, nhiều nhà đầu tư lo ngại quyền và lợi ích hợp pháp của mình sẽ không được tôn trọng. Trong tất cả mọi vấn đề đưa ra tại ĐHĐCĐ, chỉ cần ba đại diện vốn Nhà nước thông qua thì coi như vấn đề được giải quyết. Thực tế, dựa vào lý do “thời gian có hạn”, HĐQT Vietcombank đã bác quyền được phát biểu của các cổ đông, gây nên những phản đối quyết liệt và không ít cổ đông đã bỏ về.
Việc bảo vệ quyền lợi cho những cổ đông nhỏ lẻ không phải dễ dàng mặc dù sự bắt tay liên kết giữa các cổ đông nhỏ lẻ để tự bảo vệ quyền lợi của mình đã đạt một số kết quả khả quan. Bởi thực tế, vẫn còn những điểm vướng mắc do chưa được pháp luật quy định. Quy định trong các văn bản pháp luật của nước ta vẫn chưa đặt quan hệ cổ đông lớn và nhỏ với các tiêu chí, tiêu
chuẩn rõ ràng… Chính vì vậy, các cổ đông phổ thông cần nhóm họp, tập hợp, liên kết nhau lại trên cơ sở quyền lợi giống nhau để thực hiện quyền của cổ đông thiểu số, để có thể yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ, yêu cầu BKS nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình, yêu cầu HĐQT về mặt quản lý, cung cấp thông tin…
Các cổ đông lớn với số biểu quyết lớn hơn do đó tiếng nói lớn hơn khi họ liên thủ, thỏa hiệp lại với nhau thì hầu hết các quyết định dễ dàng được thông qua. Một thực tế nữa là cổ đông lớn thường nằm trong các cơ quan như HĐQT, BKS, vì vậy họ dễ dàng thỏa hiệp với nhau. Cổ đông nhỏ cho dù không muốn nhưng họ chẳng làm được gì một phần do tiếng nói của họ nhỏ bé nên có phản đối thì vẫn không thay đổi được gì, mặt khác do tâm lý phó mặc của cổ đông nhỏ và thiếu đoàn kết dẫn đến tình trạng này.
Về quyền đề cử người vào HĐQT và BKS quy định tại điểm a khoản 2 Điều 79 Luật Doanh nghiệp 2005 và được chi tiết hóa tại Điều 29 Nghị định số 102/2010/NĐ-CP ghi nhận về số lượng ứng cử viên cụ thể mà mỗi nhóm cổ đông được đề cử. Số lượng này phụ thuộc tỷ lệ sở hữu cổ phần của mỗi nhóm và số lượng ứng cử viên do ĐHĐCĐ quy định. Đối với quyền đề cử người vào HĐQT và BKS, quy định này có ý nghĩa quan trọng trong bảo vệ quyền của cổ đông nói chung và quyền của cổ đông thiểu số nói riêng vì nó quy định khả năng gom nhóm của cổ đông để nâng cao quyền lực cho cổ đông, thực hiện quyền một cách tập thể. Bằng cách hợp nhóm, các cổ đông thiểu số có quyền đề cử, ứng cử người vào HĐQT và BKS góp tiếng nói vào việc quản lý ngân hàng và từ đó hạn chế sự lạm dụng quyền lực của những người quản trị, điều hành ngân hàng. Đây là cơ chế đảm bảo các cổ đông phổ thông luôn có đại diện của mình trong HĐQT và BKS. Có đại diện là thành viên HĐQT, họ có thể nắm bắt được thông tin và tham gia quyết định, góp ý một số vấn đề quan trọng, đặc biệt là việc liên quan đến quyết định chào bán
cổ phần, cổ phiếu và giá cổ phần chào bán ra bên ngoài, một vấn đề mà hầu hết các cổ đông đều quan tâm. Hầu hết tại các cuộc họp ĐHĐCĐ chủ yếu thông qua những nội dung mà HĐQT đã chuẩn bị sẵn.
Trở lại trường hợp ĐHĐCĐ của Vietcombank, có nhiều ý kiến cho rằng cần tạo ra một liên kết giữa các cổ đông, có thể thông qua việc tập hợp chữ ký. Tuy nhiên, pháp luật lại chưa có quy định như vậy. Một ý kiến khác lại cho rằng, do tỷ lệ sở hữu của các cổ đông trong đợt đấu giá IPO chỉ chiếm 10% vốn điều lệ là rất nhỏ, nên nâng tỷ lệ biểu quyết lên tới hơn 90% số phiếu và cần phải sửa đổi quy định để cổ đông nhỏ có một đại diện trong HĐQT. Bởi nếu tính gộp tổng tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhỏ lại thì cũng chưa thỏa mãn tỷ lệ 5% yêu cầu theo quy định của luật. Chính vì vậy, một số cổ đông kiến nghị nên giảm tỷ lệ này xuống hoặc HĐQT Vietcombank nên có đặc cách một thành viên trong HĐQT do nhóm cổ đông nhỏ (hiện chiếm số lượng rất lớn) bầu chọn. Như vậy sẽ tránh tình trạng với tỷ lệ sở hữu hơn 90%, cổ đông Nhà nước có thể đơn phương đưa ra mọi quyết định gây ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông thiểu số.