Về thành viên HĐQT độc lập

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về quản trị, điều hành ngân hàng thương mại cổ phần ở việt nam (Trang 78 - 81)

2.3. Những vấn đề đặt ra từ thực trạng pháp luật về quản trị, điều hành

2.3.4. Về thành viên HĐQT độc lập

Thông tư số 121/TT-BTC của Bộ Tài chính, có hiệu lực từ ngày 17/9/2012 và áp dụng từ mùa ĐHĐCĐ năm 2013, yêu cầu các công ty đại chúng quy mô lớn và công ty niêm yết phải có ít nhất là năm thành viên và tối đa 11 thành viên HĐQT. Trong đó tối thiểu một phần ba tổng số thành viên là thành viên độc lập.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Kế toán - Tài chính Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, chỉ ra một thực tế: có những thành viên HĐQT thoạt nhìn có vai trò độc lập nhưng thực tế lại là người của các nhóm cổ đông lớn "cài cắm" vào để tạo ảnh hưởng. Từ đây, các vai trò như giám sát, phản biện một cách khách quan của thành viên HĐQT độc lập không còn, điều này rõ ràng đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của HĐQT.

Cách nhìn nhận của nhà đầu tư cá nhân, cổ đông nhỏ lẻ với thành viên HĐQT độc lập cũng có nhiều vấn đề đáng nói. Thực tế, khi có ý định đầu tư vào một ngân hàng, những cổ đông, nhà đầu tư nhỏ lẻ bên ngoài cũng chỉ quan tâm đến hai vị trí chủ chốt là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc và thường không chú trọng đến các thành viên còn lại. Cũng vì tính chất độc lập chưa thể hiện rõ nên ngân hàng cũng thường không dám mạnh dạn nhấn mạnh về các thành viên HĐQT của mình.

Cho đến thời điểm này, chưa có một quy chuẩn chung cho việc tuyển chọn các thành viên HĐQT độc lập, thường mỗi doanh nghiệp có một cách làm và yếu tố quen biết chi phối khá đậm nét. Đây cũng là một ưu điểm giúp cho các ứng viên hiểu rõ doanh nghiệp hơn. Nhưng cũng vì quen biết rất dễ dẫn đến những thành viên vào HĐQT mang tính hình thức không có vai trò,

hoạt động gì. Quan trọng hơn nữa, yếu tố quen biết còn ngăn cản những ứng viên xứng đáng hơn tham gia vào HĐQT. Một hiện tượng khá phổ biến vẫn xuất hiện khi bầu thành viên HĐQT là cổ đông khi tham dự ĐHĐCĐ sẽ nhận được danh sách các ứng viên. Các cổ đông nhỏ lẻ mất quyền chủ động lựa chọn, và chỉ bao nhiêu đó cũng đã đánh mất tính độc lập.

Đã từng có những ý kiến chỉ ra rằng các cổ đông hoàn toàn có thể lựa chọn ứng viên cho mình, và từ đó đề cử vào HĐQT làm thành viên độc lập. Nhưng trong thực tế, tính chất liên kết của các cổ đông nhỏ lẻ hiện nay vô cùng lỏng lẻo. Mỗi năm, các cổ đông chỉ gặp nhau một lần tại ĐHĐCĐ, chưa kể đến vấn đề nhiều nhà đầu tư mua vào chỉ để lướt sóng, vì vậy, thời gian nắm giữ rất ngắn, dù ai có ý định tập hợp, liên kết cổ đông cũng rất khó khăn. Điều này tất yếu đẩy các cổ đông vào thế bị động khi tham dự ĐHĐCĐ.

Hiện nay, tại một số quốc gia trên thế giới, đã có những quy định hết sức chặt chẽ về vai trò của từng thành viên HĐQT trong đó có thành viên độc lập. Theo đó, khi tiến cử thành viên HĐQT, phía doanh nghiệp sẽ phải đặt ra những tiêu chí hết sức rõ ràng, từ định tính, đến định lượng và tất nhiên là phải công bố rộng rãi đến với các cổ đông bên ngoài của mình. Nhờ vậy, các cổ đông có thể lựa chọn các thành viên HĐQT theo từng giai đoạn để từ đó có những yêu cầu, áp lực nhằm nâng cao hiệu quả.

So với các công ty đại chúng thông thường, việc bầu thành viên HĐQT độc lập trong cơ cấu HĐQT tại các NHTMCP được thực hiện sớm và có phần tốt hơn. Tuy nhiên, tính đến năm 2012, trong cơ cấu HĐQT các NHTMCP thường chỉ có một thành viên độc lập, nhiều ngân hàng chưa có thành viên độc lập theo quy định và chưa thể hiện được vị trí, vai trò của mình trong HĐQT (Với 09 thành viên trong HĐQT, Vietcombank cũng chỉ có ông Lê Đắc Cù, theo như phần công bố thông tin của Ngân hàng, là thành viên HĐQT độc lập, còn lại đều là thành viên HĐQT điều hành hoặc người đại diện cho cổ đông lớn…). Trong trường hợp

doanh nghiệp không "cởi mở", nếu muốn, các nhà đầu tư có thể liên kết với nhau ban đầu là từng nhóm nhỏ, sau đó sẽ nhờ các nhân viên môi giới tìm kiếm thêm các cổ đông khác, từ đó mở rộng mối liên kết của mình. Đây là những việc ban đầu tuy có một chút khó khăn, nhưng vẫn có thể thực hiện dần, từ đó các cổ đông có thể liên kết với nhau, tuyển chọn thành viên HĐQT độc lập cho chính mình, để bảo đảm quyền lợi.

Tiêu chí thành viên HĐQT độc lập khá đơn giản nhưng tiêu chí về chuyên môn, kinh nghiệm, uy tín, những thứ để đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả, nâng cao tiếng nói của thành viên HĐQT độc lập trong HĐQT thì lại chưa có.

Kết luận chương 2

Như vậy, dù đã được bổ sung, sửa đổi, song những quy định pháp luật về hoạt động quản trị, điều hành NHTMCP Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại nhiều vấn đề bất cập cần tiếp tục cải thiện. Đó là vấn đề quy định về quyền hạn, nghĩa vụ của thành viên HĐQT độc lập, BKS trong việc quản trị, điều hành ngân hàng. Vẫn tồn tại hiện tượng thành viên HĐQT độc lập, BKS không được trao quyền lợi rõ ràng nên không thể hiện được vai trò tích cực của mình trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông, nhất là các cổ đông nhỏ; hoặc thành viên HĐQT độc lập, BKS không đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đặt ra. Có những trường hợp do tư cách, phẩm chất kém đã cấu kết với những bộ phận khác trong HĐQT tìm cách thu lợi ích bất chính. Chính từ những mối liên hệ đó mà hoạt động của thành viên HĐQT độc lập, BKS không còn khách quan, không đúng theo mục tiêu mà pháp luật đã quy định, làm ảnh hưởng tiêu cực tới quyền và lợi ích của các cổ đông.

Chương 3: ĐỊNH HƯỚNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN PHÁP

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật về quản trị, điều hành ngân hàng thương mại cổ phần ở việt nam (Trang 78 - 81)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(102 trang)