3.1. Những định hướng cho việc hoàn thiện pháp luật về quản trị, điều hành
3.1.3. Khắc phục những bất cập của pháp luật về quản trị, điều hành
NHTMCP ở Việt Nam
Từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng tại Đại hội VI, nền kinh tế nước ta đã có những bước phát triển nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng cao, liên tục trong nhiều năm làm thay đổi bộ mặt kinh tế đất nước, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Góp phần vào những thành tựu chung đó là sự đóng góp không nhỏ của hệ thống tài chính mà xương sống là các tổ chức tín dụng nói chung và NHTMCP nói riêng, đặc biệt là với sự tác động của hàng loạt cơ chế và chính sách khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế phát triển và khẳng định vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Thực tế những năm qua cho thấy, việc xây dựng hàng lang pháp lý ngày càng hoàn thiện, đầy đủ và ổn định, phù hợp với các cam kết quốc tế của Nhà nước Việt Nam là cơ sở quan trọng để hình thành cơ chế quản trị doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp mọi thành phần kinh tế, đảm bảo cho nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Yêu cầu lớn nhất hiện nay trong việc đề ra các cơ chế quản trị doanh nghiệp và xác định đúng những vấn đề cấp thiết đặt ra và đưa ra những giải pháp mang tính đột phá, góp phần huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, phù hợp với các thông lệ và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Xét về khía cạnh quản trị, điều hành NHTMCP, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 đã xác định nền tảng cho cơ chế quản trị, điều hành NHTMCP, bên cạnh đó là các nghị định của Chính phủ, thông tư, quyết định
hướng dẫn của NHNN. Sự ra đời của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 đã quy định tương đối toàn diện, rõ ràng, phù hợp tạo khung pháp lý vững chắc để hình thành cơ chế quản trị có hiệu quả cho các tổ chức tín dụng, nhất là đối với loại hình tổ chức tín dụng phổ biến hiện nay là NHTMCP. Cụ thể, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 có các quy định bảo vệ và tạo điều kiện cho việc thực hiện các quyền hạn chính đáng của chủ sở hữu; bảo đảm đối xử công bằng giữa các chủ sở hữu; công khai thông tin và minh bạch hóa cơ chế quản trị; các quyền của HĐQT và cơ chế giám sát HĐQT, Ban điều hành của BKS… Đó là cơ sở pháp lý quan trọng và cụ thể nhất cho hoạt động quản trị hiện nay, đồng thời quy định cụ thể về quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên liên quan như cổ đông, ĐHĐCĐ, HĐQT, Tổng giám đốc, trong đó đã chú ý bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số…
Đi đôi với quyền lợi, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 cũng xác định rõ hơn các nghĩa vụ của người quản lý, nhất là đối với thành viên HĐQT và Tổng giám đốc, đặc biệt là nghĩa vụ trung thành, trung thực và cẩn trọng; thiết lập chế độ thù lao, tiền lương gắn với kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; yêu cầu công khai và minh bạch hóa, nhất là đối với những người quản lý…
Tuy nhiên, kiến thức về quản trị, điều hành NHTMCP cũng như thực tế áp dụng về quản trị, điều hành NHTMCP vẫn còn nhiều mới mẻ. Nhiều NHTMCP đã và đang gặp phải các vấn đề liên quan đến quản trị. Thực tế thi hành cho thấy trong thời gian qua đã có không ít vi phạm các quyền cơ bản của cổ đông. Việc phần lớn cổ đông không tiếp cận được với thông tin của NHTMCP hoặc tiếp cận thông tin không đầy đủ, chính xác và trung thực là hiện tượng khá phổ biến. Cổ đông thiểu số hầu như không nhận được thông báo về các quyết định của ĐHĐCĐ, không nhận được tóm tắt báo cáo tài chính hàng năm, không nhận được cả thông báo về trả cổ tức. Bên cạnh đó là hành động lạm quyền của HĐQT.
Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy các NHTMCP trong nước cần nghiên cứu và tiến tới áp dụng những chuẩn mực về quản trị NHTMCP trong hoạt
động của mình bởi: Thứ nhất là quản trị NHTMCP theo kiểu “công ty gia
đình” hay theo “sự thuận tiện” khá phổ biến trong nhiều NHTMCP ở Việt Nam hiện không còn phù hợp, không thể đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và phát
triển trong thời gian tới. Thứ hai là hệ thống pháp luật Việt Nam đang phát
triển theo hướng hoàn thiện thể chế thị trường, phù hợp với các cam kết và luật pháp, thông lệ quốc tế. Hệ thống này chỉ phát huy hiệu lực và hiệu quả khi bộ máy nhà nước ta và NHTMCP đều có ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật nghiêm túc. Thói quen hành xử dựa vào quan hệ phải được thay thế
bằng thói quen hành xử theo pháp luật. Thứ ba là xuất phát từ đòi hỏi của sự
hội nhập. Việt Nam đã gia nhập WTO từ năm 2006 nhưng thực tế, hiệu quả đem lại không đáng là bao trong khi những yếu kém và hạn chế trong nội tại lại bộc lộ rõ nét hơn. Tại Hội thảo công bố báo cáo “Đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập Tổ chức thương mại thế giới” ngày 03/04/2013, các chuyên gia đã đánh giá: trong hệ thống ngân hàng, việc hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn trong giai đoạn 2007- 2011 cũng làm rủi ro tài chính tăng lên đáng kể. Áp lực tái cơ cấu hệ thống ngân hàng càng trở nên nghiêm trọng khiến Chính phủ phải tái cơ cấu hệ thống này từ cuối năm 2011, mở đầu bằng việc sáp nhập ba NHTMCP Sài Gòn (SCB), NHTMCP Đệ nhất và NHTMCP Tín Nghĩa. Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện quản lý kinh tế trung ương nhận xét, Việt Nam trở thành nền kinh tế dễ tổn thương nhất trước các cú sốc so với các nước Đông Á khác, cả cú sốc từ bên ngoài lẫn từ trong bên trong [59, Kinh tế đi xuống sau 5 năm gia nhập WTO]. Điều đó cho thấy, cùng với Nhà nước, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và NHTMCP nói riêng phải tìm hiểu cặn kẽ những quy định pháp lý, những thông lệ, tập quán quốc tế để có thể mở rộng hợp tác làm ăn
với các nước, đồng thời học hỏi, áp dụng dần những tập quán tốt, nâng dần trình độ và năng lực nhằm tạo vị thế cạnh tranh.
Về phương diện lý luận, sự hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản trị, điều hành NHTMCP luôn có tính tương đối, thích ứng với từng giai đoạn pháp triển của nền kinh tế. Vì vậy việc xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản trị, điều hành NHTMCP phải được xác định là một quá trình liên tục, với những bước đi và giải pháp phù hợp. Việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản trị, điều hành NHTMCP một mặt nhằm khác phục kịp thời những khó khăn cho việc tổ chức, vận hành NHTMCP, mặt khác phải hướng tới việc tạo dựng một hành lang pháp lý đầy đủ và phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển ổn định lâu dài của loại hình NHTMCP. Với cách tiếp cận như vậy, từ những cơ sở lý luận và thực tiễn ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng việc hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản trị, điều hành NHTMCP cần được thực hiện theo những định hướng sau đây.