3.1. Những định hướng cho việc hoàn thiện pháp luật về quản trị, điều hành
3.1.2. Nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tăng tính tự chủ cho các
các NHTMCP đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế
3.1.2.1. Nâng cao năng lực quản trị, điều hành trong từng NHTMCP
Năng lực quản trị, điều hành, đặc biệt là năng lực quản trị nội bộ là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại trong kinh doanh của ngân hàng. Vì
vậy, quản trị, điều hành ngân hàng nói chung và quản trị rủi ro nói riêng, cần dựa trên một số nguyên tắc sau: nguyên tắc chấp nhận rủi ro; nguyên tắc điều hành rủi ro cho phép; nguyên tắc quản trị độc lập các rủi ro riêng biệt; nguyên tắc phù hợp giữa mức độ rủi ro cho phép và khả năng tài chính; nguyên tắc hiệu quả kinh tế; nguyên tắc hợp lý về thời gian và phù hợp với chiến lược chung của ngân hàng… Để thực hiện tốt những nguyên tắc này, ngoài việc quản lý tốt tài sản nợ - tài sản có theo nguyên tắc của Ủy ban Basel, xây dựng văn hóa quản trị lành mạnh, tạo môi trường thuận lợi cho việc áp dụng các nguyên tắc quản trị rủi ro, các NHTMCP cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác kiểm soát nội bộ trên cơ sở áp dụng hệ thống công nghệ ngân hàng hiện đại, để phát hiện những rủi ro tiềm ẩn, có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Nhưng cũng không nên quá nhấn mạnh đến kiểm tra, kiểm soát nội bộ dễ dẫn đến khuôn mẫu cứng nhắc trong công việc.
3.1.2.2. Tăng tính tự chủ cho các NHTMCP
Pháp luật cần thay đổi theo hướng hạn chế sự can thiệp quá sâu của NHNN vào hoạt động của NHTMCP, đặc biệt trong việc thay đổi các chức danh quản lý, điều hành NHTMCP (thành viên HĐQT, thành viên BKS, Tổng giám đốc, Phó Tổng giám đốc). Danh sách dự kiến những người được bầu, bổ nhiệm cho các chức danh trên phải được NHNN chấp thuận. Và sau khi NHTMCP tiến hành bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức danh này nên thay thế quy định phải được chuẩn y của Thống đốc NHNN bằng việc NHTMCP phải thông báo với NHNN về những người được bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm trong khoảng thời gian hợp lý. Quy định như vậy sẽ hạn chế được giấy phép con, làm cho thủ tục đơn giản và tiết kiệm thời gian hơn. Hơn nữa, đảm bảo tính tự chủ, tự quyết của các NHTMP, đồng thời vẫn đảm bảo nguyên tắc quản lý, giám sát chặt chẽ, toàn diện của NHNN.
Trong quá trình xây dựng các văn bản pháp luật về ngân hàng cần có các quy định về chế độ báo cáo và công khai thông tin trên cơ sở các nguyên tắc của Ủy ban Basel và OECD. Mục đích của việc yêu cầu ngân hàng công khai thông tin là nhằm giúp cổ đông và thị trường có thể hiểu đúng đắn về tình hình tài chính; quản trị, điều hành của ngân hàng. Đồng thời cũng phải đưa ra những quy định về trách nhiệm đảm bảo tính xác thực và đầy đủ của các thông tin được công bố.
Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản trị, điều hành NHTMCP theo hướng phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, dự kiến trước tình hình phát triển của các NHTMCP và thị trường tài chính sẽ tạo ra một hành lang pháp lý đồng bộ, ổn định, an toàn cho hoạt động của các NHTMCP Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các NHTMCP Việt Nam trên thị trường tài chính - ngân hàng.
Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đã phát triển đến giai đoạn mở cửa, tự do hóa rộng rãi. Trong thời đại hiện nay, hầu hết các nước đang cố gắng thích ứng hệ thống pháp luật của nước mình với tính hợp lý của thị trường thế giới trong xu thế hội nhập. Những sự tương đồng như thế trong hệ thống pháp luật của nước ta sẽ tạo những điều kiện thuận lợi pháp lý nhất định cho việc hội nhập và hợp tác với các nước và các tổ chức kinh tế quốc tế.
Với yêu cầu của thực tiễn hiện nay, trong quá trình nghiên cứu và vận hành luật pháp, các nhà nghiên cứu và các nhà thực tiễn từng bước phải đi đến đánh giá đầy đủ hơn về cách thức hệ thống pháp luật của mỗi nước ảnh hưởng tới nền kinh tế của nước đó như thế nào, cũng như những yếu tố truyền thống, tập quán khác nhau của mỗi nước đã giải đáp cho những vấn đề vượt ra khỏi biên giới một quốc gia như thế nào. Điều này lại càng được thể hiện một cách rõ ràng và đặt ra nhiều vấn đề cấp bách phải giải quyết ở những nước đang chuyển đổi, trong đó có Việt Nam.
Trước đòi hỏi của tiến trình hội nhập, các quy định về quản trị, điều hành NHTMCP một mặt phải phản ánh những điều kiện cụ thể và đáp ứng yêu cầu nội tại của nền kinh tế thị trường Việt Nam; mặt khác cần tiếp thu những giá trị tiến bộ, phù hợp với thông lệ và tập quán quốc tế.