PHẦN 3 ĐẶC ĐIỂM ĐỊA BÀN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.2. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.2.1. Phương pháp thu thập số liệu
3.2.1.1. Phương pháp thu thập số liệu thứ cấp
Trong quá trình nghiên cứu, dữ liệu thứ cấp được thu thập từ những nguồn sau đây:
- Các sách, báo, tạp chí chuyên ngành, các báo cáo có liên quan, những báo cáo khoa học đã được công bố và mạng Internet…liên quan đến đề tài nghiên cứu: Các thông tin, tài liệu phục vụ cho nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã của huyện.
- Cục Thống kê, UBND huyện Tiên Du, Phòng Nội vụ huyện Tiên Du và các cơ quan, đơn vị cấp xã: Thu thập các thông tin, số liệu về đặc điểm tự nhiên, điều kiện kinh tế-xã hội của huyện Tiên Du và thông tin, số liệu liên quan đến việc đánh giá thực trạng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.
- Các cơ quan thống kê Trung ương, các viện nghiên cứu, các trường đại học và các ngành có liên quan: Các vấn đề có liên quan đến giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã huyện Tiên Du.
3.2.1.2. Phương pháp thu thập số liệu sơ cấp
Dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua phỏng vấn và thảo luận nhóm với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã của huyện.
- Thu thập số liệu bằng bảng hỏi: được xây dựng cho 180 phiếu hỏi, với 3 mẫu phiếu dùng để thu thập số liệu về chủ đề nghiên cứu của luận văn (có phụ lục kèm theo). Trong đó:
+ Mẫu phiếu 1: Điều tra cán bộ, công chức cấp xã: 80 người.
Trong đó: Cán bộ 40 người gồm các chức danh như: chủ tịch phụ nữ xã, chủ tịch nông dân xã, bí thư đoàn thanh niên xã… của 14 xã, thị trấn (Thị trấn Lim, Nội Duệ: mỗi xã 02 cán bộ; Các xã còn lại: mỗi xã 03 cán bộ).
Công chức 40 người tại các vị trí như: tư pháp-hộ tịch, văn phòng-thống kê, văn hóa xã hội… của 14 xã, thị trấn (Thị trấn Lim, Nội Duệ: mỗi xã 02 cán bộ; Các xã còn lại: mỗi xã 03 cán bộ).
+ Mẫu phiếu 2: Điều tra cán bộ, công chức cấp huyện 40 người gồm công chức và lãnh đạo tại 12 phòng ban chuyên môn thuộc huyện.
+ Mẫu phiếu 3: Điều tra công dân địa phương: 60 người (xã Việt Đoàn: 20 người; xã Phật Tích: 20 người, xã Đại Đồng: 20 người).
Thông qua ý kiến nhận xét của ba đối tượng được phát phiếu bảng hỏi trên, chúng tôi có thêm cơ sở để đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã một cách khách quan nhất.
3.2.2. Phương pháp xử lý số liệu
- Đối với tài liệu thứ cấp, sau khi thu thập sẽ tiến hành tổng hợp và lựa chọn những số liệu liên quan đến đề tài phục vụ cho công tác nghiên cứu.
- Đối với tài liệu sơ cấp, sau khi thu thập sẽ tiến hành tổng hợp xử lý bằng phương pháp phân tích thống kê với sự hỗ trợ của phần mềm Excel.
3.2.3. Phương pháp phân tích 3.2.3.1. Phương pháp thống kê mô tả 3.2.3.1. Phương pháp thống kê mô tả
Sử dụng phương pháp thống kê mô tả để đánh giá năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã về kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc. Thông qua các chỉ tiêu tổng hợp như số tuyệt đối, số tương đối, số bình quân để mô tả thực trạng, nhận dạng đặc điểm đội ngũ CBCC cấp xã, những thuận lợi, khó khăn của CBCC cấp xã trong quá trình làm việc.
3.2.3.2. Phương pháp so sánh
Phương pháp này được sử dụng để so sánh giữa thực tế năng lực của đội ngũ CBCC cấp xã với năng lực mà họ cần phải có trong tương lai để đáp ứng yêu cầu công việc. Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC cấp xã trong thời gian tới.
3.2.4. Hệ thống chỉ tiêu sử dụng trong nghiên cứu
3.2.4.1. Nhóm chỉ tiêu đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã
- Về số lượng và cơ cấu; - Trình độ văn hóa;
- Trình độ chuyên môn; - Trình độ lý luận chính trị;
- Trình độ quản lý nhà nước, trình độ tin học, ngoại ngữ;
- Khả năng đáp ứng nhiệm vụ, yêu cầu trong thực hiện công việc; - Các kỹ năng thực thi công vụ;
- Khả năng hoàn thành nhiệm vụ.
3.2.4.2. Nhóm chỉ tiêu đánh giá thực trạng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã
- Thực trạng nâng cao thể lực; - Thực trạng nâng cao trí lực; - Thực trạng nâng cao tâm lực.