Đổi mới tòa soạn, ban biên tập tạp chí

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thông điệp về vấn đề làm đẹp cho phụ nữ trên tạp chí heritage fashion, đẹp, thời trang trẻ ( khảo sát từ tháng 01 2010 đến tháng 06 2014) (Trang 102 - 105)

3.2 Giải pháp phát triển tạp chí chuyên về làm đẹp cho phụ nữ

3.2.3 Đổi mới tòa soạn, ban biên tập tạp chí

Việc đổi mới trong tòa soạn báo, tạp chí là đòi hỏi khách quan tất yếu của quá trình phát triển của báo chí trong nước nói chung và tạp chí nói riêng. Quan trọng hơn, sự đổi mới này là phù hợp với tình hình phát triển hiện nay của các tòa soạn báo, tạp chí trong nước.

Đầu tiên, tòa soạn cần tìm hiểu kỹ hơn nhu cầu của độc giả nữ để cái tiến, nâng cao chất lượng nội dung và hình thức cho ấn phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và khó tính của chị em phụ nữ. Có thể định kỳ hàng quý hay nửa năm, hoặc một năm, tòa soạn tiến hành điều tra xã hội học, qua đó nắm bắt được nhu cầu, mong mỏi độc giả đối với ấn phẩm tạp chí để từ đấy cải tiến, nâng cao chất lượng ấn phẩm cho gần gũi, thiết thực hơn với bạn đọc.

Không chỉ hướng tới đối tượng độc giả nữ ở thành thị và những người có thu nhập cao, các tạp chí cần bổ sung thêm những bài viết về cuộc sống và sinh hoạt của phụ nữ ở nông thôn, những vùng miền còn khó khăn, để vừa đa dạng hóa nội dung, vừa phản ánh một cách chân thực và sống động hơn về phụ nữ Việt Nam, tránh tạo nên sự đơn điệu, lặp đi lặp lại thường thấy qua các ấn phẩm tạp chí dành cho nữ giới.

Các tòa soạn tạp chí chú ý điều tiết giữa trang nội dung tin với phần quảng cáo, tạp chí không nên chạy theo mục đích kinh tế mà phần quảng cáo lấn át cả nội dung và tạo điều kiện cho các bài viết “PR trá hình” xuất hiện nhiều trên ấn phẩm, vì như thế sẽ khiến độc giả khó chịu và mất niềm tin vào tờ tạp chí mà họ hằng yêu thích.

Công tác phát hành, quảng bá ấn phẩm tạp chí cần được chú trọng, không chỉ tập trung quảng bá, phát hành ở những thành phố lớn mà còn hướng tới những địa phương, nơi có lực lượng độc giả khá đông đảo nhưng vẫn còn đang thiếu nguồn tạp chí phục vụ nhu cầu đọc hàng ngày. Tuy nhiên, để có thể hướng đến những đối tượng bạn đọc này, các tòa soạn phải có kế hoạch cụ thể về công tác phát hành, định giá bán ấn phẩm để phù hợp với khả năng tài chính của người dân vùng nông thôn.

Vai trò và trách nhiệm của mỗi một vị trí trong toà soạn báo, tạp chí cần được định hình và nhìn nhận lại, với đầy đủ hơn nữa các chức năng, nhiệm vụ, từ

các chức danh quản lý cho đến các vị trí chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, việc xây dựng hệ thống tiêu chí và yêu cầu mới dành cho mỗi vị trí trong toà soạn cũng cần được quan tâm điều chỉnh và thay đổi phù hợp với tình hình mới. Đối với các tòa soạn tạp chí giải trí – chỉ dẫn, với những đặc trưng riêng của mình, nhiều vị trí sẽ có những thay đổi cơ bản nhằm nâng cao hiệu quả công việc, trong khi một số vị trí sẽ bị loại bỏ do không phù hợp, gây chồng chéo.

Chẳng hạn, thư ký tòa soạn tạp chí thay vì là công việc của một cá nhân như trước đây, nay sẽ trở thành một ban hoàn chỉnh, với trưởng ban thư ký tòa soạn và các thành viên. Mỗi người đảm nhiệm những vai trò khác nhau, nhưng có mối quan hệ gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó, chức năng và nhiệm vụ của trưởng thư ký tòa soạn sẽ nặng nề hơn rất nhiều, đòi hỏi sự linh hoạt, khéo léo khi làm việc trong một môi trường luôn thay đổi và có những đặc trưng riêng, bên cạnh tri thức và các kỹ năng nghề nghiệp vốn có. Tương tự như vậy, một số vị trí trong tòa soạn các tạp chí giải trí – chỉ dẫn được đề cao về nhiệm vụ và tầm quan trọng như các phóng viên ảnh, đội ngũ thiết kế…

Kế đó là sự xuất hiện phòng hoặc ban chuyên về mảng kinh doanh báo, tạp chí trong tòa soạn bên cạnh các phòng, ban chuyên môn. Thậm chí ở một số tòa soạn báo lớn sẽ có thêm các phòng, ban phụ trách mảng quan hệ công chúng và tổ chức sự kiện. Đây là những phòng, ban đóng vai trò quan trọng, mang lại doanh thu lớn cho tòa soạn. Ngoài ra, việc phân nhỏ hoặc chia tách các phòng, ban chuyên môn, hay sự chia tách chuyên môn trong các phòng, ban thường xảy ra nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong công việc, đồng thời khai thác tối đa nguồn nhân lực vốn có. Một số phòng, ban không phù hợp với sự phát triển của tòa soạn có thể bị xóa bỏ. Sự gộp lại, chia tách hay xóa bỏ các phòng, ban dựa trên việc nghiên cứu, đánh giá tình hình tòa soạn, năng lực của mỗi cá nhân và nằm trong chiến lược phát triển của tòa soạn.

Như vậy, có thể thấy bộ máy cơ cấu của tòa soạn báo, tạp chí, đặc biệt là ở các tạp chí giải trí – chỉ dẫn trong giai đoạn hiện nay được tinh giảm, gọn gàng và ít cồng kềnh hơn. Thêm vào đó, các chức năng, nhiệm vụ giữa các phòng ban rạch ròi và cụ thể, hạn chế tối đa sự chồng chéo trong quá trình hoạt động. Ở tòa soạn các tạp chí giải trí – chỉ dẫn, bên cạnh tổng biên tập chịu trách nhiệm cao

nhất, hai phó tổng biên tập thực hiện hai vai trò khác nhau (mảng tài chính và mảng nội dung tạp chí). Ngoài ra, ban thư ký tòa soạn cũng là một bộ phận quan trọng của tòa soạn với một trưởng ban thư ký chịu trách nhiệm chung, các thành viên còn lại đảm nhiệm những vai trò khác nhau trong ban.. Các phòng, ban được xây dựng dựa với những chức năng, nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, tạo được mối quan hệ tương hỗ, gắn bó, tránh sự chồng chéo và lạm quyền trong công việc.

Mối quan hệ giữa tòa soạn và phóng viên có nhiều thay đổi tích cực về mặt hình thức và nội dung, nhằm tăng sự gắn kết trong công việc. Phóng viên tạo nhiều điều kiện hơn về vật chất và tinh thần trong quá trình làm việc để họ chủ động, sáng tạo, phát huy hết khả năng. Hiện nay, đội ngũ phóng viên của các báo, tạp chí luôn được trang bị và hỗ trợ đầy đủ các trang thiết bị cần thiết cho quá trình tác nghiệp của mình. Sự quản lý của tòa soạn đối với công việc của phóng viên được thực hiện bằng nhiều cách thức khác nhau thay vì phải trực tiếp như trước đây, chẳng hạn qua điện thoại, thư điện tử, qua mạng Internet…, góp phần giúp đội ngũ phóng viên chủ động trong công việc, mà hiệu quả công việc cao hơn. Nhưng điều này không có nghĩa sự quản lý của tòa soạn với phóng viên trở nên lỏng lẻo, mà ngược lại, các phóng viên phải chịu nhiều áp lực hơn về thời gian để hoàn thành công việc của mình.

Một đặc điểm nữa rất đáng quan tâm chính là tính tương tác giữa tòa soạn – phóng viên – công chúng được đẩy mạnh. Điều này được thể hiện trên nhiều khía cạnh khác nhau. Trước hết là ở sự tham gia tích cực hơn của nhà báo công dân trên các báo và tạp chí. Cụm từ này không còn quá mới mẻ trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong thời gian gần đây, bởi các nhà báo công dân đã và đang đóng vai trò quan trọng đối với bất cứ một tờ báo hay tạp chí nào. Và việc nhìn nhận, đánh giá và sử dụng nguồn lực này một cách hiệu quả chính là tiêu chí đánh giá thành công của các báo, tạp chí. Cách thức trao đổi thông tin giữa tòa soạn – phóng viên – công chúng có nhiều thay đổi, chuyển dần từ những mô hình truyền thống như tòa soạn nhận thông tin phản hồi qua ban bạn đọc bằng thư từ, điện thoại và trả lời thông qua các hộp thư bạn đọc… sang cách thức hiện đại, hợp thời hơn như nhận và trả lời qua hộp thư điện tử, hoặc trực tiếp trên các trang báo điện tử, thậm chí nhiều tạp chí còn lập các forum (diễn đàn), tham gia

mạng xã hội (như Facebook) trên Internet để trực tiếp nhận và phản hồi thông tin từ công chúng.

Tóm lại, sự đổi mới trong các tòa soạn báo, tạp chí là những tín hiệu đáng mừng cho thấy sự vận động, hòa nhập của báo chí Việt Nam vào sự phát triển không ngừng của báo chí thế giới. Tuy nhiên, sự đổi mới này vẫn cần thiết phải có các nghiên cứu cụ thể, nhằm đánh giá mức độ phù hợp, cũng như hiệu quả của chúng đối với báo, tạp chí Việt Nam hiện nay. Từ đó, đưa ra một số nhóm giải pháp để góp phần định hướng, nhân rộng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thông điệp về vấn đề làm đẹp cho phụ nữ trên tạp chí heritage fashion, đẹp, thời trang trẻ ( khảo sát từ tháng 01 2010 đến tháng 06 2014) (Trang 102 - 105)