Sự hình thành và phát triển tạp chí ở Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thông điệp về vấn đề làm đẹp cho phụ nữ trên tạp chí heritage fashion, đẹp, thời trang trẻ ( khảo sát từ tháng 01 2010 đến tháng 06 2014) (Trang 27)

Ngày 15/4/1865: Gia Định báo - tờ báo quốc ngữ Việt Nam đầu tiên - ra số 1 tại Sài Gòn, đánh dấu cột mốc khởi nguyên của lịch sử báo chí Việt Nam. Cho đến nay báo chí Việt Nam đã trải qua gần 150 năm xây dựng và trưởng thành. Từ chỗ chỉ cố một số tờ báo nhỏ, giấy in xấu, tin bài đơn giản, thông tin chậm, đội ngũ nhà báo thưa thớt… cho đến nay chúng ta đã có một nền báo chí phát triển mạnh, thu được nhiều thành tựu, là cánh tay đặc lực của Đảng và Nhà nước trong công cuộc đổi mới đất nước, nâng cao chất lượng đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân, nâng cao trình độ dân trí, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Không còn nữa những tờ báo in trên khổ giấy nhỏ lem nhem màu vàng mà thay vào đó là những tờ báo, tạp chí có chất lượng giấy đẹp, thông tin cập nhật nhanh chóng và chính xác, thể hiện sức mạnh lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đồng thời cũng là diễn đàn rộng rãi của nhân dân. Đội ngũ những người làm báo cũng không ngừng lớn mạnh, ngày càng quy tụ những người có tâm với nghề, sẵn sàng lăn xả vào công việc, sẵn sàng nói lên những góc khuất của xã hội, phản ánh mọi mặt đời sống của nhân dân, đáp ứng nhu cầu thông tin cũng như giải trí của người dân.

Trong bức tranh toàn cảnh, tạp chí có một vai trò không nhỏ. Tuy nhiên phần lớn các công trình nghiên cứu về báo chí đã được xuất bản thường đi sâu phân tích về khuynh hướng của các tờ báo, các dòng báo và sự tác động của bối cảnh xã hội đến sự ra đời và phát triển của báo chí. Việc tìm hiểu để xác định nguồn gốc ra đời của loại hình tạp chí xuất bản định kỳ chưa được lưu tâm để có sự đánh giá thống nhất, chỉ ra tờ nào là tờ đầu tiên.

Tìm trong cuốn “Thư tịch báo chí Việt Nam” do PGS. TS Tô Huy Rứa chủ biên và các cuốn “Lược sử báo chí Việt Nam” của Nguyễn Viết Chước, “Lịch sử báo chí Việt Nam” do PGS. TS Đỗ Quang Hưng chủ biên mà xem xét thì tờ

Đông Dương tạp chí ra số 1 ngày 15/5/1913 là tờ báo mang tính chất tạp chí đầu tiên.

Như vậy, tờ tạp chí xuất bản đầu tiên của báo chí Việt ngữ là tờ Đông Dương tạp chí, số 1 ra ngày 15/5/1913 do Schneider làm chủ nhân và Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút dưới sự điều khiển của nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương. Trên phương diện chính trị đây là tờ báo có bổn phận là vũ khí tinh thần cho chính phủ Bảo hộ, chống nước Đức và tuyên truyền sức mạnh Đại Pháp. Thời gian đầu Đông Dương tạp chí đã làm đúng với nhiệm vụ của mình nhưng càng về cuối tờ tạp chí này càng ngả dần về khảo cứu văn học, hơi hướng chính trị nhạt dần. Sự ra đời của Đông Dương tạp chí đã mở ra mở ra nghề làm tạp chí trong nghề báo nói chung. Mặc dù ở giai đoạn đầu nó mang tính chất như một tờ báo tuần nhưng phần nào đã biểu hiện rõ diện mạo của một loại hình báo chí, khởi đầu cho giai đoạn phát triển tạp chí sau này.

Thời kỳ từ năm 1913 – 1940, tạp chí xuất hiện nhiều và đã có dấu ấn rõ nét về diện mạo, nội dung và nghệ thuật tạp chí. Tiên phong trong giai đoạn này là

Đông Dương tạp chí, tiếp theo là tạp chí Nam Phong (1917), Đại Việt tạp chí

(1918) và Học Báo (1918). Các tạp chí giai đoạn này nội dung chủ yếu phục vụ cho chế độ cai trị và khai thác thuộc địa, cổ vũ tư tưởng Pháp Việt đề huề. Phương thức thể hiện chủ yếu dưới dạng khảo cứu, luận bàn về các vấn đề chính trị, triết học, văn học và xã hội. Nghệ thuật làm tạp chí tuy mới bước đầu nhưng đã để lại một dấu ấn sâu đậm về tổ chức trang báo, tổ chức chuyên mục. Đặc biệt một số tờ đã vận dụng một số thể loại có xu hướng tiếp cận với báo chí hiện đại.

Đáng chú ý ở giai đoạn này là xuất hiện các tạp chí xuất bản định kỳ mang tính chất chuyên ngành. Về khoa học có Khoa học Tạp chí (1927), về y học có Vệ sinh Y báo (1928), Phục Pháp Âu dược (1929), về kỹ thuật có Điện xa tạp chí (1928), về tôn giáo có Đuốc Tuệ (Phật giáo, 1937), Đa Minh (công giáo, 1937) …, về thanh niên có Việt Nam Thanh niên tạp chí (1923)… Đặc biệt có tờ An Nam tạp chí (1926) do Tản Đà, Nguyễn Khắc Hiếu làm chủ nhiệm, mang tính cách văn hóa xã hội. An Nam tạp chí là tờ mở đầu cho loại hình tạp chí chuyên viết về văn học sau này.

Thời kỳ này cũng xuất hiện một dòng báo mới bí mật, bất hợp pháp đối lập với dòng báo do Nhà nước Bảo hộ nắm giữ và chi phối, đó là dòng báo chí Cách mạng, mở đầu là tờ Thanh niên (1925) do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và chỉ đạo. Đồng thời với việc xuất bản các tờ báo, những người cộng sản chủ trương xuất bản tạp chí làm vũ khí tuyên truyền lý luận chủ nghĩa Mác và giáo dục đường lối, chính sách của Đảng trong giai đoạn đầu Đảng mới thành lập. Tạp chí Đỏ là tờ tạp chí đầu tiên của dòng tạp chí Cách mạng, số 1 được xuất bản ngày 5/8/1930.

Trong những năm 1940 – 1945, tạp chí phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Nhiều tờ đã chuyển tải một dung lượng lớn về thông tin mang tính chất văn học – khoa học – xã hội, ít nhiều có bàn luận về thời sự, kinh tế, chính trị. Các tờ tạp chí này xuất bản với nhiều khuynh hướng khác nhau, họ có quan niệm nhìn nhận xã hội sau chiến tranh khác nhau nhưng nói chung là tiến bộ, có tinh thần yêu nước. Tiêu biểu là tạp chí Tri Tân, tạp chí Thanh Nghị, Văn Mới,

Khoa học

Trong giai đoạn này, tạp chí ngành chuyên biệt được thể hiện với một diện mạo rõ hơn. Tạp chí cho các giới khá phong phú và có nhiều tờ hay, các tờ tạp chí chuyên biệt cho từng ngành đã làm cho loại hình tạp chí giai đoạn này càng thêm phong phú và là điều kiện tốt cho sự phát triển của tạp chí sau này.

Các tờ tạp chí Cách mạng mặc dầu xuất bản bí mật và luôn bị thực dân Pháp đàn áp nhưng vẫn phát triển mạnh. Sau Tạp chí Đỏ ra đời đầu năm 1931, Đảng Cộng sản Đông Dương cho xuất bản Tạp chí Cộng sản, tạp chí Bônsêvich

làm cơ quan tuyên truyền lý luận và thống nhất tư tưởng trong Đảng, hướng dẫn tranh đấu cho quần chúng cách mạng.

Trong giai đoạn từ 1945 – 1954, về tạp chí có khoảng 10 tờ, phần lớn là các tạp chí của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở các khu, các vùng như tạp chí Tìm hiểu của Hội nghiên cứu chủ nghĩa khu IV, tạp chí Thống nhất của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Nam Bộ, các tạp chí của các cơ quan Đảng bộ các tỉnh ở miền Nam như Tạp chí Tu chỉnh (Sài Gòn, Chợ Lớn)…

Trong giai đoạn từ 1954 – 1960, cả nước có khoảng hơn 70 tờ tạp chí, tập san của các ngành. Đặc biệt trong đó có các tờ tạp chí thuộc Ủy ban khoa học

xã hội (nay là Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia) như tạp chí Lịch sử Đảng, tạp chí Dân tộc học, tạp chí Văn học, tạp chí Nghiên cứu Kinh tế. Một số tờ tạp chí ngành ra đời sớm như: tạp chí Giao thông vận tải, tạp chí hoạt động Hóa học (1959); tạp chí của các Hội, như tạp chí Âm nhạc của Hội nhạc sĩ… Thời kỳ 1965 – 1975, số lượng tạp chí mới xuất bản không nhiều, đến thời kỳ 1975 – 1985, có thêm 10 tạp chí ngành, tạp chí của các Hội cũng nở rộ với hơn 10 tờ tạp chí nữa ra đời. Các tờ tạp chí của các cơ quan đoàn thể và tạp chí văn nghệ của các địa phương giai đoạn này cũng bắt đầu xuất hiện .

Đến giai đoạn 1985 – 2000, cùng với báo, tạp chí phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, nhất là từ năm 1999 – 2000. Theo niên giám báo chí Việt Nam xuất bản năm 2000 thì đến thời điểm năm 2000, cả nước có 250 tờ tạp chí xuất bản bằng Tiếng Việt chưa kể đến hành loạt tờ xuất bản dưới dạng phụ trương, số chuyên đề, nguyệt san và bán nguyệt san…Tạp chí trong giai đoạn này có ở hầu hết các lĩnh vực đời sống, từ chính trị, xã hội, kinh tế đến phong tục, tập quán; từ nghiên cứu lý luận chính trị, nghiên cứu chuyên môn, chuyên sâu, chuyên ngành đến các tạp chí văn hóa giải trí phục vụ cho nhu cầu đời sống hàng ngày. Nhóm đối tượng nào có nhu cầu thông tin thì hầu như đều có báo và tạp chí đáp ứng. Từ sau năm 2000 cho đến nay, hệ thống tạp chí ở nước ta phát triển với nhịp độ ngày càng nhanh. Đặc biệt, bên cạnh dòng tạp chí lý luận chính trị và dòng tạp chí khoa học thì có một dòng tạp chí mới ra đời là dòng tạp chí chỉ dẫn – giải trí, góp phần đáp ứng tốt hơn nhu cầu của bạn đọc.

Nhìn một cách khái quát, hệ thống tạp chí nước ta không ngừng gia tăng cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội của đất nước. Năm 1993 số đầu tạp chí trong cả nước là 174 tờ, đến năm 1996 lên tới 302 tờ, tăng 73,5 %, cuối năm 2001 là 326 tờ, tăng 11,2 % so với năm 1996, đến đầu năm 2007 cả nước đã có 448 tờ tạp chí, tăng 37 % so với cuối năm 2001. Tính đến hết năm 2013 cả nước có 617 tạp chí. Như vậy so với năm 2007, số tạp chí ở Việt Nam đã tăng thêm 169 đầu tạp chí. Những con số thống kê chưa đầy đủ đó đã chứng tỏ sự phát triển không ngừng của hệ thống tạp chí Việt Nam.

Đi đôi với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội đất nước, trình độ dân trí từng bước được nâng cao, nhu cầu thông tin cũng đa dạng hơn, hệ thống tổ chức quản lý xã hội ngày càng được mở rộng và hoàn thiện, yêu cầu cấp bách để đáp ứng nhu cầu thông tin vừa rộng, vừa chuyên sâu cho các loại đối tượng công chúng được tăng cường… Do đó, các loại hình tạp chí được phát triển đa dạng, cùng với hệ thống báo phát triển mạnh ở cả Trung ương và địa phương, không chỉ các tạp chí bằng tiếng Việt mà cả tạp chí bằng tiếng nước ngoài cũng từng bước được xuất bản với nhiều loại hình phong phú và đa dạng.

Trong một lĩnh vực hay một ngành nhất định thường xuất hiện nhiều thể loại tạp chí khác nhau đáp ứng từng loại đối tượng khác nhau. Ví dụ trong lĩnh vực y tế hay giáo dục… mỗi ngành hay cấp học khác nhau đều cần đáp ứng nhu cầu thông tin thích hợp, từ đó nảy sinh yêu cầu mở rộng xuất bản thêm những tạp chí mới. Đây là yếu tố tạo cho hệ thống các tạp chí của từng Bộ hay cả nước thêm phong phú, đa dạng đáp ứng mọi nhu cầu thông tin của các đối tượng khác nhau. Ở đây, hệ thống các tạp chí nước ta có bình diện thông tin rộng từ việc nghiên cứu khoa học ứng dụng, từ các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa… đến những khía cạnh cụ thể của từng lĩnh vực, từ phạm vi tổng hợp ở cấp Trung ương đến phạm vi hẹp hơn ở địa phương và các cơ sở; tạp chí không chỉ chuyển tải những thông tin lý luận mà còn có thông tin mang tính nghiên cứu thực tiễn, tuyên truyền hướng dẫn thực tiễn… gắn với chức năng hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức khoa học, tổ chức kinh tế và chính trị xã hội. Vì vậy mà tạp chí được coi là phương tiện thông tin cần thiết vừa phục vụ công tác chỉ đạo, vừa đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng công chúng. Về phương diện này tạp chí là món ăn tinh thần không thể thiếu của công chúng.

Chất lượng thông tin của nhiều tạp chí nói chung từng bước được đổi mới. Các tạp chí nghiên cứu lý luận chính trị, kinh tế, khoa học hay khoa học công nghệ vừa chuyển tải nội dung thông tin vừa đảm bảo tôn chỉ mục đích, đáp ứng nhu cầu thông tin thiết thực giúp cho công chúng hiểu biết hơn về những vấn đề lý luận và thực tiễn. Các tạp chí giải trí – chỉ dẫn cũng vừa chuyển tải những thông tin chỉ dẫn hữu ích tới độc giả vừa là món ăn tinh thần lành mạnh của bạn đọc, đặc

biệt là giới trẻ. Những thông tin chỉ dẫn được đăng tải trên dòng tạp chí này không mang tính kinh viện, khô cứng mà là những thông tin chỉ dẫn thiết thực với cuộc sống của chúng ta hằng ngày, từ cách thức làm đẹp đến cách thức chăm sóc sức khỏe, chỉ dẫn tiêu dùng hay chỉ dẫn tâm lý… Những thông tin giải trí cũng đảm bảo tính thiết thực, lành mạnh, được trình bày với hình thức đẹp, độc giả có thể hoàn toàn yên tâm và tin cậy, khác với tình trạng thông tin bị sai lệch, thông tin “đen” trên báo mạng.

1.1.5 Sự hình thành và phát triển của tạp chí chuyên về làm đẹp cho phụ nữ ở Việt Nam

So với các nước trong khu vực và trên thế giới, các tạp chí dành cho phụ nữ của Việt Nam xuất hiện rất muộn. Điều này được lý giải là do mức sống của người dân chưa cao, nên sự quan tâm vào các vấn đẹp làm đẹp còn nhiều hạn chế. Chỉ sau khi nền kinh tế Việt Nam bước vào hội nhập, đặc biệt là kể từ khi gia nhập WTO năm 2006, nhiều thay đổi đáng kể về kinh tế - xã hội đã diễn ra. Bên cạnh đó, với sự tác động mạnh mẽ của xu hướng toàn cầu hóa, quốc tế hóa xuất hiện, các tạp chí chuyên về làm đẹp dành cho phụ nữ mới bắt đầu hình thành và dần dần có chỗ đứng nhất định trong lòng công chúng.

Điểm qua lịch sử báo chí Việt Nam thì có thể thấy các tờ báo giải trí đơn thuần xuất hiện từ khá sớm. Thời kỳ báo chí Pháp thuộc, các tờ báo chuyên biệt về văn hóa (Thông Loại Khóa Trình), về phụ nữ (Phụ Nữ Tân Văn, Nữ giới chung), về châm biếm (Con Ong) xuất hiện trong giai đoạn 1865 – 1918, Loa

(1935), Vịt Đực (1938), Cười (1936) giai đoạn 1930 – 1938, với ngôn ngữ, nội dung, hình thức ổn định, hợp thời. Đây được xem như những tờ báo chuyên về văn hóa – xã hội đầu tiên ở Việt Nam. Báo và tạp chí dành cho phụ nữ thời kỳ này cũng được quan tâm. Kể từ khi ấn phẩm đầu tiên dành cho nữ giới xuất hiện năm 1918 (Nữ giới chung), giai đoạn năm 1929 – 1941, cả nước có tới 10 tờ báo, tạp chí phục vụ công chúng nữ, như tờ Phụ nữ thời đàm (1933) do bà Nguyễn Văn Đa chủ nhiệm, Phụ nữ tân tiến (1933) do Hồ Phú Viên sáng lập cùng con gái Hồ Thị Thục.

Trong giai đoạn hiện nay, với sự bùng nổ của khoa học, công nghệ và xu hướng toàn cầu hóa trên toàn thế giới, ở Việt Nam, báo chí thực hiện chức năng

thông tin của mình có nhiều nét khác biệt so với truyền thống. Sự khác biệt này là theo đúng xu thế phát triển của thời đại thông tin. Một trong những sự thay đổi đó chính là sự chuyên biệt hóa trong quá trình chuyển tải thông tin, đây chính là nguyên nhân của sự xuất hiện ồ ạt của nhiều tạp chí về làm đẹp dành cho phụ nữ. Ngoài ra, sự thay đổi trong nhu cầu tiếp cận thông tin của công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ ở thành thị và nhu cầu quảng cáo ngày càng cao của doanh nghiệp cũng góp phần vào “cuộc đột phá” của các tạp chí chuyên về làm đẹp.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh mạnh mẽ, gay gắt của các tạp chí cũng chính là một trong những lý do khiến dòng tạp chí này phát triển “bùng nổ” như vậy.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thông điệp về vấn đề làm đẹp cho phụ nữ trên tạp chí heritage fashion, đẹp, thời trang trẻ ( khảo sát từ tháng 01 2010 đến tháng 06 2014) (Trang 27)