Tỷ lệ thể loại trên trang nghề báo năm 2012

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thông tin trên trang nghề báo của báo nhà báo và công luận thực trạng và giải pháp phát triển ( khảo sát năm 2011 2012) (Trang 63 - 71)

Với việc thống kê và sử dụng biểu đồ để phác họa tỷ lệ thể loại đã đưa ra những kết quả khách quan nhất về hình thức chuyên trang. Qua đó, có thể thấy rằng, trong diện tích một trang báo thông tin được thể hiện khá sinh động, bắt mắt trong sự phối hợp nhịp nhàng giữa đầy đủ các thể loại: tin, bài phản ánh, phóng sự, phỏng vấn… Trong đó, tỷ lệ ảnh chiếm nhiều nhất ( năm 2011: 42%, năm 2012: 40%); các bài phỏng vấn chiếm tương đối cao (năm 2011: 30%, năm 2012: 29%); còn lại là phán ánh, phóng sự và tin không nhiều…Tỷ lệ này phụ thuộc vào nội dung thông tin cũng như tình hình đời sống báo chí trong thời gian đó mà các tác giả lựa chọn thể hiện cho phù hợp. Điều đáng nói là việc sử dụng đa dạng thể loại đã tạo nên cho chuyên trang sự phong phú, giúp độc giả tiếp nhận thông tin hiệu quả hơn. Đặc biệt, nhiều ảnh là một lợi thế bắt mắt người đọc và thể loại phỏng vấn cũng được coi là “dễ tiêu hóa” nhất đối với công chúng tiếp nhận.

2.2.2.2. Đánh giá ưu điểm và hạn chế về hình thức chuyên trang

*Về ưu điểm:

+ Nhiều tít, sapo hấp dẫn

Có thể nhận thấy cách đặt tít rất được coi trọng trên chuyên trang trên bình diện chung của tờ báo. Nhiều bài nghe tít bài đã rất hào hứng để đọc, chẳng hạn như bài phỏng vấn nhà báo Nguyễn Như Phong – Tổng Biên tập báo Năng lượng Mới với tít “Tôi không muốn làm một ông quan báo”; phỏng vấn nhà báo Nguyễn Thành Phong – Tổng Biên tập báo Lao động và Xã hội

với tít “Tổng Biên tập phải vừa chạy… vừa ngó nghiêng”; hay bài viết về NSNA Nguyễn Bá Thước với tít “Người suốt đời dấn thân và đắm đuối với nghề”; chuyên đề về nghề thư ký tòa soạn với tít “Thư ký tòa soạn như người đi trên dây”; bài viết “Chủ tịch Phan Quang – người về tầm nhìn ở lại”; bài viết về nhà báo Hữu Thọ với tít “Muốn chạm tay vào sự trung thực phải biết hy sinh”; Phỏng vấn nhà báo Nguyễn Hồng Việt với tít bài “Tờ báo nào cũng có thể “khai hoang” đất mới… Tít bài được đánh giá là điểm thu hút độc giả nhất khi bắt đầu mở đến trang báo. Và do vậy, trang Nghề báo đã phần nào có những dấu ấn ban đầu khi đầu tư chỉn chu trong việc giật tít phù hợp, hấp dẫn. Bên cạnh đó, sapo của bài báo cũng được “gọt giũa” khá tỉ mỉ và cẩn trọng nên nhiều bài viết trong chuyên trang đã có được cảm tình của độc giả ngay từ đầu. Chẳng hạn như trong bài “Nghề báo cho tôi một tài sản khổng lồ” trên số 45/2011 được mở đầu bài phỏng vấn một cách tự nhiên và gợi nhiều tò mò về nhân vật: Đam mê khi nhắc đến nghề báo, say sưa khi kể về công việc của một nữ “thủ lĩnh”, chị nói chuyện như người truyền lửa chứ không chỉ đơn giản là trả lời phỏng vấn. Nghề báo cho chị thỏa ước mơ đi, gặp, viết và giúp đỡ mọi người, cho chị những người bạn, những mối quan hệ và hạnh phúc giản đơn của người được sống là chính mình… Trong cuộc trò chuyện này mọi nhọc nhằn dường như tan biến với nhà báo Phạm Mỵ, chỉ thấy ở chị tình

yêu với nghề mà hơn 30 năm nay dường như chưa bao giờ tắt.

“Điểm cộng” cho những sapo này đó là việc vào đề một cách trực tiếp, với lối dẫn dắt tạo cảm giác gần gũi và thu hút. Chẳng hạn như trong bài phỏng vấn BTV Thanh Hường trên số 40/2012, sapo được viết: “Tôi và các đồng nghiệp ở phòng Trò chuyện và gặp gỡ truyền hình 1 luôn thích đương đầu với thử thách để hiểu mình là ai và đang ở vị trí nào” – BTV Thanh Hường chia sẻ về chương trình “café sáng” với VTV3 phát sóng trực tiếp mỗi ngày… Trang nghề báo cũng khá chú trọng đến việc bám sát sự kiện “nóng”, mang tính thời sự nên trong nhiều sapo, tác giả luôn đẩy vấn đề chính, nhằm “cuốn” độc giả vào câu chuyện sắp kể. Trong bài “tác nghiệp trong tâm bão” trên số 45/2012, sapo đã thể hiện được ưu điểm này: Những ngày qua, đường đi cũng như ảnh hưởng cơn bão số 8 luôn là những thông tin “nóng” được cập nhật liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng, thu hút sự chú ý của người dân cả nước. Đặc biệt, mỗi bản tin lên sóng từng giờ của Đài THVN đã đem lại những hiệu ứng thông tin rõ rệt. Khán giả cả nước đã không thể quên hình ảnh những phóng viên Ban Thời sự (VTV) như Việt Cường, Việt Hà, Việt Hùng, Đỗ Hải, Tùng Thư, Nguyễn Ngân… đã bất chấp gió mưa, lao vào tâm bão để có được thông tin sớm nhất cho khán giả…

Hay có những cách vào đề khá mềm mại, đi vào lòng người cũng tạo ra cảm hứng tiếp nhận cho công chúng, như trong bài viết về nhà quay phim, đạo diễn, NSUT Việt Tùng: Hà Nội linh thiêng, trong cuộc tập kích chiến lược bằng B52 năm 1972 của không lực Hoa Kỳ vào Hà Nội suốt 12 ngày đêm, dù chìm trong cảnh “đất rung, ngói tan, gạch nát” song Thủ đô của chúng ta luôn toát lên tâm thế hào hùng. …”. 40 năm đã trôi qua, nhưng những kí ức về những ngày tác nghiệp tại Hà Nội trong những ngày “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972 dường như vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí nhà quay phim, đạo diễn, NSƯT Phạm Việt Tùng. Số phận đã giúp ông

có cơ may ghi lại thời khắc lịch sử, làm nên bộ phim nổi tiếng “Hà Nội - Điện Biên Phủ”.

Tóm lại, có thể nói rằng, với việc chú trọng đến tít và sapo, nhiều bài viết của chuyên trang đã thực sự để lại ấn tượng tốt đối với độc giả. Vẫn còn có những tít, sapo chưa thực sự “đạt chuẩn” nhưng về cơ bản tỷ lệ bài viết có tít và sapo tốt chiếm đa số trong năm 2011 – 2012.

+ Ngôn ngữ sinh động, linh hoạt

Với “gu” của một chuyên trang “mở” và mang tiêu chí linh hoạt, không gò bó khuôn mẫu đã tạo nên cho Nghề báo một lối ngôn ngữ khá mềm mại và sinh động. Ngôn ngữ này đã tạo sức hút đối với công chúng và cũng tạo hiệu quả thông tin hữu hiệu cho mỗi tác phẩm. Trong những bài viết, văn phong không một màu mà đa dạng, hài hòa và được đầu tư khá kĩ càng trong lối viết. Chẳng hạn như trong bài “Muốn chạm tới sự trung thực phải biết hy sinh”, viết về nhà báo lão thành Hữu Thọ có những lối viết nhẹ nhàng, gần gũi nhưng ngôn ngữ đầy sức nặng: Suốt một đời dành tâm sức cho ngòi bút, có thể nói nhà báo Hữu Thọ là một trong những cây đa, cây đề của làng báo Việt Nam không chỉ bởi bút lực mà còn bởi nhân cách và cái tâm thanh liêm của ông với nghề. Chính vì thế, nhắc đến đạo đức nghề báo, nhắc đến vấn đề tu dưỡng đạo đức cho người viết báo, lớp nhà báo trẻ chúng tôi luôn muốn nghe ông nói…

Hay trong bài viết về nhà báo Thái Duy “người suốt đời mang nghiệp phóng viên”, ngôn ngữ trong sáng và uyển chuyển khiến cho bài viết trở nên hấp dẫn và ấn tượng: Tôi tìm gặp nhà báo Thái Duy giữa những ngày thu tháng 8. Thế hệ chúng tôi có lẽ không thể cảm nhận đến tận cùng ánh nắng thu trên quảng trường Ba Đình lịch sử nhưng chúng tôi biết kính trọng những ngòi bút, những nhà báo bước ra từ những năm tháng lịch sử oai hùng ấy. Hơn nửa thế kỉ làm nghề, ông là nhà báo suốt đời trung thành với một tờ báo,

suốt đời mang nghiệp phóng viên, từ chối mọi chức tước địa vị chỉ bởi sự say mê viết. Từ những năm 1947 bắt đầu bước chân vào báo Cứu quốc đến nay đôi chân ấy vẫn không biết mỏi. Ông không bước ra khỏi quỹ đạo của mảnh đất nhiều “duyên nợ” đó nhưng dấu chân ông đã đều đặn trên mọi ngả đường, kinh qua những năm tháng chiến tranh và hòa bình. Thành thật tôi mừng đến run rẩy khi gặp được ông, bởi tôi biết sẽ là một cuộc trò chuyện giữa hai thế hệ mà không hề có khoảng cách, có chăng chỉ là những gì ông nói tôi sẽ phải viết ra và ngẫm ngợi nhiều lắm mới thấm thía bởi đó đều là những tinh túy ông chắt lọc cả đời lăn lộn với nghiệp báo. Tôi cho những điều bổ ích trong cuộc gặp gỡ đầu tiên này giống như một chất men, càng uống càng say…

+ Câu hỏi phỏng vấn sắc sảo

Chiếm tỷ lệ cao trong chuyên trang, phỏng vấn được coi là một thể loại làm nên được “chất” cho Nghề báo. Thông qua nhiều cách dẫn dắt, tác giả phỏng vấn nhân vật theo phong cách gần gũi, tự nhiên. Vì thế, cách đặt câu hỏi cũng rất thú vị, vừa tạo nên sự nhẹ nhàng, dễ chịu cho người được phỏng vấn, vừa…cân não nhân vật. Chẳng hạn như trong bài phỏng vấn nhà báo Nguyễn Như Phong – Tổng biên tập báo Năng lượng Mới có rất nhiều câu hỏi sắc sảo, có nghề và tạo cho bài phỏng vấn sinh động. Ngay mở đầu là cách dẫn khéo léo: Tôi đã “bám riết” lấy cái tên Nguyễn Như Phong, bởi tôi mê phóng sự, trong đó có những phóng sự nổi tiếng của ông. Với những phóng viên trẻ thế hệ tôi, cây bút lão làng như ông gây rất nhiều tò mò? Hay kiểu hỏi vừa như để hỏi, vừa như trả lời, gợi mở: Thế mà có những đồng nghiệp nói với tôi rằng: Nguyễn Như Phong là một lão nhà văn, nhà báo… tham lam lắm. Giải thưởng nào cũng thấy xướng tên, mà toàn những giải thưởng cao? Đặc biệt, cũng có những câu hỏi mang tính “xung đột” nhưng lại rất mềm mại: Có vẻ

hòa, thông cảm giữa hai thế hệ làm báo hay sao. Chúng tôi cũng say mê, yêu nghề thưa ông?. Thậm chí thẳng thắn: Có đồng nghiệp bảo rằng: ông vẫn tự mình chụp ảnh, viết tin, vẫn vùng dậy lúc 2h sáng bám theo sự kiện… ngay cả khi đã làm Phó Tổng biên tập, thậm chí đang ngồi vào ghế Tổng biên tập. Ông không tin vào phóng viên để giao việc cho họ? hoặc: Còn sự phát triển như vũ bão của báo điện tử? Ông sẽ làm thế nào khi “hòn đá khổng lồ” đó đang cản đường?...

Những câu hỏi phỏng vấn sắc sảo, trực diện thể hiện những người phỏng vấn có nghề đã giúp những tác phẩm có “hồn” và sinh động. Người phỏng vấn làm chủ được cuộc trò chuyện và kéo người được phỏng vấn cùng độc giả của mình vào những câu chuyện thú vị. Có thể ví dụ về bài phỏng vấn nhà báo Phạm Thanh Hà - Phó Trưởng ban Thời Nay của báo Nhân dân với tít “Phóng viên văn hóa phải đủ văn hóa để biết mình là ai” trên số 42/2011. Ngay từ câu hỏi đầu tiên, người phóng vấn đã đi thẳng vào vấn đề quan trọng nhất: Là nhà báo chuyên viết về văn hóa, người đọc “mê” những bài bình luận của chị với những bút danh: Remote, Camera… Chị suy nghĩ thế nào khi có ý kiến, các bài báo về văn hóa bây giờ thật…ít văn hóa? Và sau khi nghe câu trả lời, tác giả tiếp tục lật vấn đề một cách rất khéo léo: Nhưng những bức ảnh thiếu vải, những màn khoe thân, lộ hàng…lại câu khách và tăng lượng view? Có phải phóng viên bây giờ chạy theo “mốt” viết bài kiểu ấy? Và cũng không ngại đặt ra những câu hỏi “hóc búa” cho người trả lời: Có ý kiến cho rằng, chính nhà báo đã tạo ra “thị hiếu tầm thường” cho độc giả. Chị nghĩ sao về điều đó?...

Làm chủ các cuộc phỏng vấn là điều dễ nhận thấy trong các cuộc phỏng vấn trên chuyên trang và đó được coi là ưu điểm làm nên tính hấp dẫn cho tác phẩm.

*Hạn chế về hình thức

+ Cách thể hiện còn theo lối mòn

Mặc dù mục đích của trang Nghề báo là thông tin chuyên sâu nhằm cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn diện, xuyên suốt về diện mạo và sự phát triển của nền báo chí nước nhà. Nhưng do chuyên trang ít phóng viên, chỉ có 1 người phụ trách và khoảng 2, 3 cây viết công tác không thường xuyên nên không thể tránh những khuôn mẫu, công thức nhất định trong cơ cấu, cách thức tổ chức thông tin. Mặc dù mỗi chủ đề là một sự kiện, đề tài khác nhau, nhưng việc dập khuôn theo cách thức tổ chức thông tin như vậy cũng khó tạo ra sự mới lạ, đột phá, tạo sức cuốn hút bạn đọc.

+ Thông tin chưa thật “đắt”, còn thiếu chuyên mục

Vấn đề chia các chuyên mục trong chuyên trang thực sự chưa được đầu tư và chưa mang tính ổn định (đa số trang nghề báo được sắp xếp ở trang 12 nhưng có những tuần lại ở vị trí số 10, hoặc 8…). Chuyên trang được bố trí tùy hứng, tùy điều kiện nên chất lượng hiệu quả chưa thật cao. Các chủ đề, vấn đề được chọn dù khá thời sự, nhưng đôi khi chưa đủ “đắt”, chưa đặc sắc. Một vấn đề khác, việc tổ chức thông tin dưới các thể loại khác nhau, nhân vật khác nhau nhưng đôi khi bị trùng lặp, bàn cùng một vấn đề. Hơn thế, các thông tin lại không được bố trí theo hệ thống, đôi khi còn bị động nên gây khó khăn cho độc giả khi tiếp nhận thông tin.

+ Một số tồn tại trong trình bày

Lý thuyết báo chí chỉ ra rằng: Một thiết kế, trình bày tốt là một thiết kế, trình bày có hiệu quả, đảm bảo được mục đích chuyển tải thông điệp đến với người đọc và thu hút được sự quan tâm của họ. Theo đánh giá của nhiều độc giả và đồng nghiệp, trang Nghề báo đã được trình bày thoáng, dễ theo dõi. Dẫu vậy, vẫn còn không ít bài quá dài, có những trang vẫn đặc chữ. Nhiều bài viết dài, dàn trải. Xu hướng viết dài, tràn cả trang đã tạo ra hạn chế trong hình thức của

chuyên trang. Rất nhiều bài phỏng vấn được trình bày cả một trang mà chỉ có duy nhất một tấm ảnh minh họa về nhân vật. Nhiều bài khá dài, khô cứng, hơi khó đọc. Các bài viết thường không có các box, chưa sử dụng kênh đồ họa nhiều nên còn khá nặng.

(Một số trang báo dài và trình bày không đẹp mắt trên trang Nghề báo)

Vấn đề sử dụng ảnh cũng còn những hạn chế. Ảnh còn mang tính minh họa, ít thông tin nên tác dụng hỗ trợ bài viết còn hạn chế; ảnh báo chí còn ít. Nhiều ảnh chân dung tĩnh không sinh động nên chưa bắt mắt. Vấn đề khác là, việc bố trí ảnh đôi khi còn khá dễ dãi, ảnh đặt gây cảm giác khó chịu, đơn điệu, có những số cả bài dài chỉ có 1 ảnh.

Tóm lại, dù hình thức và nội dung đã dần được cải tiến, tạo dấu ấn tốt hơn, được nhiều đồng nghiệp trong làng báo ghi nhận, nhưng hiệu ứng xã hội tạo ra từ tờ báo vẫn hạn chế.

2.3. Khảo sát mức độ quan tâm của độc giả tới trang Nghề báo

Để đánh giá được hiệu quả thông tin trên chuyên trang, tác giả luận văn đã thực hiện điều tra xã hội học trên khoảng 300 đối tượng, ở nhiều lứa tuổi, giới tính, trình độ, nghề nghiệp…nhằm có được kết quả chính xác, thiết thực nhất cho quá trình khảo sát, nhận định.

Với 300 phiếu phát ra, chúng tôi đã có một số kết quả như sau:

Mức độ Số lượng Tỷ lệ(%)

Thường xuyên 80 26,7

Thỉnh thoảng 120 40

Ít đọc 70 23,3

Không bao giờ 30 10

Tổng 300 100

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thông tin trên trang nghề báo của báo nhà báo và công luận thực trạng và giải pháp phát triển ( khảo sát năm 2011 2012) (Trang 63 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)