Mô hình 3.2 : Maket chuyên trang Nghề báo với diện tích 2 trang
3.3. Giải pháp nâng cao hình thức
3.3.1. Nên tăng thêm diện tích cho Nghề báo
Là diễn đàn của giới báo chí nhưng trang Nghề báo của Nhà báo và Công luận hiện nay chỉ có diện tích 1 trang báo trong khi những vấn đề của đời sống báo chí ngày càng sôi động, đa dạng. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần tăng diện tích trang báo lên hai trang để đáp ứng nhu cầu của độc giả. Theo Nhà báo Lê Như – Phó Tổng biên tập báo Tiếng Nói Việt Nam: Báo Nhà báo và Công luận ra mỗi tuần một số nhưng chuyên mục Nghề báo chỉ có 1 trang, và trong 1 trang ấy thường chỉ viết hoặc trò chuyện về 1 nhân vật. Như vậy, trong 1 năm có tổng cộng khoảng 52 nhân vật. Tôi cho là quá ít. Nên tăng thêm diện tích cho Nghề báo ( Xem thêm phần phụ lục số 3).
3.3.2. Chuyên nghiệp và hiện đại hơn trong trình bày
Người đọc ngày nay được tiếp cận một cách nhanh chóng với thông tin từ rất nhiều nguồn khác nhau, họ có nhiều cơ hội để lựa chọn thông tin nhưng
thời gian dành cho việc đọc thì ngày càng bị rút ngắn do áp lực của công việc. Việc phải đọc những bài viết dài, tốn nhiều thời gian sẽ làm độc giả “ngại”, do đó hiệu quả thông tin của báo sẽ bị giảm. Tóm lại là phải làm trang báo sinh động và hấp dẫn hơn trên tinh thần: “thông tin tối đa trong lượng chữ tối thiểu”, nghĩa là chữ viết trong bài cần được thu gọn một cách tối đa, nhiều ảnh, cách bố trí trang báo tạo ấn tượng về sự đơn giản, dễ dàng cho người đọc...
Để công chúng nhận thức nội dung tác phẩm tương ứng với ý đồ tác giả, đòi hỏi ngôn ngữ của tác phẩm phải được công chúng nhận thức đầy đủ. Theo đó:
- Thay đổi kỹ thuật viết. Với lối viết truyền thống thì: Tít + sa-pô + ảnh thường nhỏ; Lối viết hiện đại: sa-pô ngắn gọn, nhiều tít phụ, ảnh lớn + hộp thông tin…
- Cân bằng giữa thông tin tư vấn, chỉ dẫn với thông tin khách quan
nhằm đáp ứng được các tiêu chí quan trọng của việc đưa thông điệp như: đem lại lợi ích cho công chúng; có khả năng tác động mạnh tới công chúng.
Cần đầu tư đặc biệt vào các yếu tố:
Tít bài: Việc đầu tư cho tít bài là rất cần thiết, tít bài nói chung nên ngắn gọn, chặt chẽ, nội dung tít phải độc đáo, gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Nhờ đó, việc trình bày tít bài một cách ấn tượng sẽ dễ dàng hơn, tính thẩm mỹ cũng vì thế mà cao hơn.
Ảnh và minh hoạ: Thông tin hình ảnh luôn đến với bạn đọc nhanh hơn rất nhiều thông tin chữ viết. Do đó, bên cạnh việc rút gọn nội dung bài viết, đặt tít ngắn gọn, ấn tượng... thì ngược lại, hình ảnh trên trang báo ngày càng cần phải nhiều hơn, diện tích lớn hơn, rõ ràng hơn, tính cập nhật phải cao hơn. Sự kết hợp giữa ảnh, minh họa và tít bài là mối quan hệ hữu cơ không thể thiếu, giúp nâng cao giá trị của bài viết.
Sa-pô, hộp thông tin: Sự dài dòng của bài viết dễ làm cho người đọc cảm thấy chán, ngại đọc. Thiết lập sapo và box chính là để mở ra nhiều cửa sổ
giúp bạn đọc tiếp cận bài báo một cách nhanh nhất, xoá đi cảm giác nhàm chán khi đọc, góp phần làm tăng tính sinh động khi trình bày trang báo.
Thực hiện các nguyên tắc cơ bản trong trình bày:
Việc trình bày tin, bài của từng trang (hay còn gọi là làm ma-két) có vai trò quan trọng đáng kể đối với một sản phẩm báo in. Chúng không chỉ đơn thuần là các thao tác nghiệp vụ mà còn rất cần sự soi sáng bằng cơ sở khoa học, ít ra là từ các bình diện: báo chí học, đồ họa, công nghệ in, tâm lý, thị hiếu thẩm mỹ công chúng báo chí... Vì vậy, việc trình bày các trang báo phải luôn tuân thủ những nguyên tắc cơ bản về tính logic và thẩm mỹ với mọi nội dung đề cập của bài viết, đó là: Logic thị giác khi đọc báo, nguyên tắc chính - phụ, nguyên tắc phân chia ranh giới, nguyên tắc nhấn mạnh…
Trong ma-két hiện đại có nhiều cửa thông tin, đó là các yếu tố: text (nội dung) rất ngắn, ảnh (tốt, lớn, có mối quan hệ chặt chẽ với tít và bài, các bảng, biểu đồ, hộp thông tin… để độc giả có thể đọc rất nhanh. Thông tin đưa đến độc giả phải là thông tin có giá trị nhất, thông tin đến cùng, dùng nhiều hình thức minh họa để người đọc lập tức hiểu nội dung câu chuyện diễn ra như thế nào.
3.3.3. Áp dụng hợp lý “thuyết nhiều cửa”
Trong những xu thế phát triển của báo chí hiện đại, có một xu thế mà báo in ứng dụng khá thành công và đạt hiệu quả tương đối rõ rệt, đó là việc sử dụng “thuyết nhiều cửa” (many dimension), nghĩa là cùng lúc sử dụng nhiều công cụ trên một bài báo, một trang báo, từ phần nội dung đến kênh đồ họa. Trong mỗi một cửa, là một loại công cụ khác nhau. Đó là đồ họa, phát biểu của nhân vật, ảnh... Việc sử dụng nhiều cửa thỏa mãn 2 điều kiện hết sức quan trọng của bạn đọc thời công nghiệp, đó là: Đọc theo nhu cầu và đọc ở bất cứ thời điểm nào trong ngày. Việc sử dụng nhiều công cụ trong một bài báo, số báo góp phần làm cho hình thức của ấn phẩm hấp dẫn, sinh động, lôi cuốn hơn vì không “đặc sệt” chỉ chữ là chữ, rất dễ gây cảm giác nặng nề cho bạn
đọc. Đồng thời, nó giúp công chúng dễ lựa chọn thông tin theo nhu cầu của mình; họ có thể đọc trước những gì quan tâm. Họ chỉ cần lướt qua đã biết những thông tin cần thiết, và khi có đủ thời gian và hứng thú, họ sẽ đọc hết. Mặt khác, nó cũng tạo ra cảm giác nhẹ nhàng, đỡ mỏi mắt khi theo dõi... Mặt khác, việc có nhiều “cửa sổ” trong một bài báo, trang báo cũng giúp phân chia thứ bậc chính - phụ của thông tin, giúp bạn đọc dễ dàng lựa chọn thông tin theo nhu cầu của mình. Trình bày như vậy sẽ giúp bạn đọc có thể đọc trước những gì họ quan tâm, xem và nghiên cứu trước những gì thấy cần thiết, có thể chỉ là một tấm biểu đồ, một câu phát biểu, hay những số liệu trích dẫn quan trọng... Bạn đọc chỉ có thể cần đọc lướt qua đã biết được những thông tin cần thiết, và khi có đủ thời gian và sự hứng thú, họ sẽ đọc hết.
Trang Nghề báo hiện nay chưa áp dụng “thuyết nhiều cửa” đã khiến tờ báo được trình bày thiếu sự hiện đại, ấn tượng, đẹp mắt, khoa học và tiện lợi cho việc tiếp nhận thông tin. Đặc biệt, hầu hết các trang đều không có kênh đồ họa. Đó là việc sử dụng ảnh, minh họa, biếm họa, bảng biểu, bản đồ, đồ thị, mô hình, box… Đặc biệt là trong một số bài viết về xu hướng phát triển báo chí, quan điểm nhận định của các chuyên gia về báo chí… Cùng với việc gia tăng lượng thông tin thì trình bày cần ấn tượng và lôi cuốn hơn. Bạn đọc giờ đây có quá nhiều sự lựa chọn nhưng lại quá ít sự kiên nhẫn để đọc, họ cần thông tin tối đa trong lượng chữ tối thiểu. Đôi khi họ chỉ “lướt báo” để tìm thông tin chứ không “đọc báo” nên bài viết cần ngắn hơn (các bài hiện nay trên Nghề báo thường theo thể phỏng vấn và chiếm trọn trang - quá dài). Trong trường hợp bài không thể viết ngắn thì cũng nên tạo cảm giác ngắn trong trang bằng cách mở nhiều “cửa sổ” để độc giả đỡ “mệt”. Tuy nhiên, việc sử dụng kênh đồ họa phải khoa học, để tránh bị rối mắt, lộn xộn trang báo khiến người đọc khó nhận biết đâu là thông tin chính, đâu là thông tin phụ, khó theo dõi một cách trình tự. Bản thân các thông tin đồ họa cũng phải được thể hiện một cách dễ hiểu, phù hợp với trình độ của đối tượng độc giả chính để họ có thể tiếp nhận được một cách dễ dàng.
3.3.4. Cần thiết kế, trình bày trang báo hấp dẫn hơn
Một trang báo với phong cách trình bày ổn định sẽ giúp độc giả ấn tượng hơn, vì nó tạo ra sự chuẩn mực và gây bất ngờ về thị giác cho độc giả. Tuy nhiên, việc trình bày cũng không nên quá nguyên tắc, cứng nhắc, bởi nó sẽ gây ra sự lặp lại, buồn tẻ mặt khác nguyên tắc được đặt ra là để… bị phá vỡ, khi có lý do chính đáng. Do vậy, cần mạnh dạn sáng tạo từ những nguyên tắc cơ bản, để có thể gây bất ngờ cho bạn đọc. Trên mỗi số chuyên trang luôn cần mang đến cho bạn độc một vài điều bất ngờ. Đó có thể là một một tít bài báo ấn tượng, một bức ảnh, một câu chuyện hay hình đồ họa đặc biệt, khiến bạn đọc phải lưu tâm.
Lý thuyết báo chí nói rằng, việc trình bày tốt trang báo là trình bày một cách có ích, nhằm hỗ trợ độc giả. Những trang thiết kế thành công sẽ có các yếu tố theo chiều dọc và chiều ngang; những yếu tố chủ đạo và yếu tố phụ, những tiêu đề chính và những tít thứ yếu. Việc trình bày đẹp cần tránh sự cầu kỳ, rối rắm không cần thiết, đánh đố người đọc. Có thể nói, việc trình bày tốt cần tạo ra được trung tâm thị giác điểm nhìn giúp nhận dạng thông tin, chuyên mục dễ dàng; tận dụng các yếu tố về chữ, khoảng trắng... tạo ra quy trình đọc tốt hơn; đồng thời tạo ra phong cách riêng biệt, yếu tố để nhận dạng không lẫn với bất kỳ tờ trang báo nào khác. Như nhận xét góp ý của nhà báo Đinh Thị Thúy Hằng – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí –
HNBVN: Độc giả hướng tới của chuyên trang này là những người làm báo và
quan tâm đến báo chí. Họ là người tiếp nhận thông tin nhảy cảm với cách thể hiện nội dung nhàm chán. Do đó, về hình thức trình bày cần phải bắt mắt, dễ tiếp nhận. Thông tin cần phải được trình bày với nhiều tầng lớp, từ tít, sapo, ảnh, chú thích ảnh, các hộp dữ liệu, và lời viết cần phải chứa đựng nội dung thông tin và có vấn đề. Điều này, đòi hỏi các nhà báo đưa tin về chuyên trang cần tinh tế và có trình độ chuyên môn cao (Xem phụ lục 5).
3.2.5. Xây dựng hệ thống chuyên mục ổn định
Hệ thống chuyên mục là những điểm nhấn không thể thiếu đối với một tờ báo ấn tượng và thiết thực. Nếu các chuyên mục được duy trì tốt thì khả năng ghi nhớ của độc giả đối với tờ báo sẽ được cải thiện nhanh chóng. Mặt khác, có chuyên mục sẽ khiến cho bộ phận thư ký toà soạn chủ động hơn trong việc lập kế hoạch, xây dựng nội dung cho trang báo. Trang Nghề báo hiện nay vẫn chưa xây dựng một hệ thống chuyên mục ổn định và bền vững để có được tính thống nhất, chỉnh thể. Điều này sẽ nâng cao được chất lượng thông tin cũng như hình thức trang báo.
Góp ý cho chuyên trang Nhà báo Lê Như – Báo Tiếng nói Việt Nam cho rằng: Nên tạo sự phong phú về cơ cấu nội dung trong chuyên trang Nghề báo nhằm giảm bớt sự đơn điệu mà lại tăng được lượng thông tin. Chẳng hạn, có thể mở rộng đề tài thay vì chỉ có nhân vật; hoặc thêm chuyên mục nhỏ trong chuyên trang Nghề báo như: Chuyện tác nghiệp, Sổ tay nhà báo, Làm báo thời hiện đại (đôi khi chỉ là giới thiệu vài thiết bị mới phục vụ tác nghiệp), Trong di sản báo chí (trích giới thiệu nhân vật hoặc tác phẩm báo chí nổi tiếng qua các thời kỳ)… Những chuyên mục này không chỉ đơn thuần cung cấp thông tin cho độc giả, còn là nguồn tư liệu quý, sống động, đầy tính thực tiễn cho những người cần sử dụng vào mục đích nghiên cứu hoặc sinh viên báo chí - truyền thông mà không phải ai hoặc lúc nào cũng dễ dàng tìm được…( xem thêm phần phụ lục 3).