Hàng linh thú:

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vai trò của chùa Phật Tích đối với sự phát triển Phật giáo thời Lý (Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII) (Trang 80 - 85)

2.3. Dấu ấn kiến trúc và điêu khắc thời Lý tại chùa Phật Tích

2.3.7. Hàng linh thú:

Tượng 10 linh thú được công nhận bảo vật quốc gia đợt 6, năm 2017, gồm 5 cặp ngựa, tê giác, trâu, voi, sư tử được xếp đối xứng nhau phía trước hành lang tòa tam bảo. Mỗi linh thú cao khoảng 1,2 m, dài 1,5-1,8 m và đều được đặt trên bệ đá hoa sen dài 1,7 m, rộng 0,8 m và cao 0,36 m. Mặt trên của bệ đá tạc nổi hình tròn trang trí những cánh hoa sen cách điệu, mặt bên chạm nổi hình dàn nhạc công đang biểu diễn. Đây là những hiện vật gốc, độc bản, được tạo tác bằng đá sa thạch nguyên khối (trừ trâu). Riêng phần tai, sừng, đuôi được làm rời rồi lắp ghép vào thân linh thú bằng liên kết mộng. Mình của một số con thú được chạm văn mây, móc nối mềm mại.

Vị trí dẫy tượng thú ở chùa Phật Tích được đặt ở thềm bậc thứ hai, dàn hàng ngang, mỗi bên 5 con, giữa là lối đi. Với vị trí như thế, có nhiều cách lý giải khác nhau. Ý nghĩa thứ nhất đều thống nhất là các linh thú có vai trò canh giữ Phật pháp, giám hộ người qua lại.

Những con thú này đều có kích thước rất lớn cao gần 2m, tất cả đều được nghệ sĩ cho leo lên bệ sen hình hộp nằm thoải mái. Thú và bệ liền một khổ đá, hợp thành một khối đồ sộ và trang trọng.

Những con vật bình thường này khi được tạc tượng đặt vào ngôi chùa đã đươc linh thiêng hóa trở thành linh thú. Những đức tính và phẩm chất của các con thú đó đã được định nghĩa trong kinh Phật, trong sử Phật giáo phong phú, đặc sắc.

Điều ấy đã tạo thành biểu tượng vật chất, góp phần giáo hóa tín đồ bình hình ảnh sống động và dễ hiểu nhất.

Trước hết, để biểu dương sức mạnh Phật pháp thì tiếng hống của sư tử được nhắc đến rất nhiều trong kinh tạng. Sư tử được coi là vua trong vương quốc động vật, nó như không có bất kỳ kẻ thù tự nhiên nào. Ở châu Á và Việt Nam, điều kiện môi trường địa lý không hẳn là nơi sinh sống của sư tử, tuy nhiên hình tượng về con vật này được phổ biến rộng rãi với biểu trưng là sức mạnh và hùng tâm. Phật giáo đã chọn biểu tượng ấy, và tiếng gầm rống của sư tử tượng trưng cho “Âm vang đạo pháp”.

Kinh ngữ Simhanada, có nghĩa là sư tử hống hay tiếng gầm của loài sư tử. Kinh Phật dùng ảnh dụ này để chỉ âm thanh thuyết pháp của Đức phật như tiếng gầm của sư tử chúa, không sợ hãi bất cứ loài thú nào và còn làm cho các loài khác phải khiếp sợ mà nhiếp phục. Khi Phật thuyết pháp, hàng Bồ tát, Thanh văn đều phát tâm cầu đạo Bồ đề, còn ngoại đạo và ác ma thì kính phục, sợ hãi.

Không chỉ Đức Phật có tiếng vua sư tử hống mà các Tỷ kheo cũng phải “rống tiếng rống con sư tử, tuyên bố dứt khoát rằng chỉ ở đây (trong giáo pháp Đức Phật dậy) mới có Đệ nhất Sa môn tức là chứng quả Dự lưu; mới có Đệ nhị Sa môn tức là chứng quả Nhất lai; mới có Đệ tam Sa môn tức là chứng quả Bất lai; mới có Đệ tứ Sa môn tức là chứng quả A la hán; còn các ngoại đạo khác không có bốn hạng Sa môn như vậy”. Theo kinh Thắng man bảo quật , sư tử hống có ba nghĩa: Như thuyết tu hành, Vô úy thuyết, Quyết định thuyết. Như thuyết tu hành là lời nói hợp với sự tu hành, không phải lời nói suông. Vô úy thuyết là biện tài vô ngại, xiển dương diệu pháp mà không hề do dự, sợ hãi; nói với sự xác tín, kiên quyết (Vô úy có hai nghĩa; không sợ người và làm người sợ, bị nhiếp phục). Quyết định thuyết là nương theo chân lý để nói pháp lên sự thật, có khả năng hoằng dương đạo pháp, cứu độ chúng sanh, dẹp tả, hiển chánh. Theo kinh Đại bát niết bàn, sư tử hống gọi là quyết định thuyết, nói lên ý nghĩa “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, Như Lai thường trụ không có biển đổi”. Kinh Đại bát niết bàn nói về 11 ý nghĩa sư tử hống như sau: “Như sư tử chúa tự biết sức lực răng nanh bén nhọn, bốn chân chống đất đứng trong hang vẫy đuôi gầm ra tiếng. Nếu có người nào đủ những tướng như vậy

phải biết rằng có thể rống như sư tử, thiệt là sư tử chúa sáng sớm ra khỏi hang vươn vai ngáp, nhìn ngó bốn phương, cất tiếng rống ro. Làm như thể là vì mười một điều: Một là vì muốn phá dẹp những loài chẳng phải thiệt sư tử mà đòi làm sư tử; hai là vì muốn thử sức mình; ba là vì muốn khiến chỗ ở thanh tịnh; bốn là vì muốn bầy sư tử con biết chỗ nơi; năm là vì muốn đàn sư tử không tâm kinh sợ; sáu là vì muốn kẻ ngủ được thức tỉnh; bảy là vì muốn tất cả những thú phong phú dật được siêu năng chẳng phóng dật; tám là vì muốn những thú khác đến chầu hầu; chín là vì muốn điều phục đại hương tượng; mười là vì muốn dậy bảo các con cái; mười một là vì muốn trang nghiêm quyết thuộc của mình”.... Trong kinh điển Phật Giáo Bắc truyền, sư tử hống thường được dùng cho tiếng nói của các bậc đại trí, có thể chuyển mê khai ngộ, phát Bồ đề tâm.

Và Phật giáo cũng coi sư tử là Hộ giáo thần. Trong một số nghi lễ, sư tử được xuất hiện nhảy múa để xua đuổi tà mà. Còn trong điêu khắc, có hai mẫu sư tử thường thấy để trông coi, giữ cổng chùa Phật giáo, có ý nghĩa tượng trưng gần như đồng hóa với các nhân vương.

Cùng hàng tiếp theo sư tử là tượng voi. Voi là con vật bản địa, tuy không phổ biến ở Việt Nam, nhưng gắn bó mật thiết với đồng bào Tây Nguyên. Trong chiến tranh, voi được sử dụng làm tượng binh. Ở thần thoại Ấn Độ, ta có thể dễ dàng bắt gặp những chú voi bay Airavata, và trong xã hội Ấn Độ, voi mang lại may mắn, thịnh vượng. Phật giáo coi voi là biểu tượng của sức mạnh tinh thần. Khi bắt đầu của một người tu hành thì tâm trí không thể kiểm soát được, biểu tượng của một con voi xám có thể chạy hoang dã và tiêu diệt tất cả mọi thứ trên đường đi. Sau khi chế ngự được tâm trí thi có thể tời bất cứ nơi nào mà không bị chướng ngại vật trên đường cản trở. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã được sinh ra như con voi trong một số hóa thân trước đây của ông.

Trong nghệ thuật tranh tượng thần phổ của Phật giáo và Ấn giáo, mỗi một con vật tượng trưng cho mỗi một vị thần đặc thù. Mỗi con vật đó được thể hiện như một dạng bệ tượng mà các vị thần cưỡi trên lưng. Do vậy các con vật gắn với các Đại Phật hay Bồ Tát: Văn Thù Sư Lợi, Văn Thù Phổ Hiền… Ở Tây Tạng, Trung

Quốc và Nhật Bản sử dụng dạng bệ tượng các con vật như trên rất nhiều, trong khi đó biểu tượng về các vị thần ở phái Nam tông rất hiếm hoi.

Cạnh tượng voi là tượng Tê giác: Tê giác là con vật bản địa, nhưng nay không còn. Cặp tê giác nằm áp sát bụng xuống bệ sen, miệng ngậm, chiếc sừng nhú trên mũi, khối căng, đơn giản nhưng hiện thực.

Trong bài kinh Tê Giác, Đức Phật ca ngợi loài Tê giác như là biểu tượng cho những người tu hành kiên trì, nếu không có bạn đồng hành tu tập thì một mình tu tập tâm ý cho đến ngày giải thoát.

Nếu như hình ảnh Tê giác được xuất hiện không nhiều trong kinh Phật thì Ngựa được nhắc đến rất nhiều. Ngựa là một trong những con vật được thuần hóa sớm của loài người, ngoài việc làm phương tiện vận tải, ngựa còn có đặc điểm là chạy rất nhanh, trung thành và tinh nhậy, tốc độ di chuyển của ngựa còn thể hiện trong thần thoại Hy Lạp là những chú ngựa bay (có cánh). Ngựa cũng là biểu tượng của năng lượng và sức lực trong việc hành pháp, có khả năng kiểm soát tâm trí nhanh như sức gió, có thể điều chỉnh theo bất cứ hướng nào, tốc độ nào mà chúng ta muốn. Biểu tượng ngựa trong điêu khắc là bảo vệ Phật pháp, ngựa là xe của nhiều vị thần như Mahali hay vị thần ngựa Hayagriva. Có một số câu chuyện của Bồ tát Lokesvasa lấy hình dạng một chú ngựa để giúp chúng sinh. Một ví dụ điển hình về ngựa trong lịch sử Phật giáo là chú ngựa Kiến Trắc của Tất Đạt Đa, vào một đêm tối mùa xuân đã chở Đức Phật trong tương lai vượt hoàng thành, mở đầu chuyến đi lịch sử, và hình ảnh ngựa đã xuất hiện rất nhiều trên các tờ kinh cổ.

Trong Đạo Phật để dậy người Phật tử cách điều phục Tâm của mình cho nên Tâm được ví với con Trâu hoang và sự điều Tâm, tức là làm thế nào để “cột trâu”. Trâu có bản tính là siêng năng, nhẫn nại, không hung hăng nhưng vô trí, đó cũng là đặc tính của chúng sinh. Kinh phật nói đến trâu là nói đến bản tính vô trí nơi mỗi loài chúng sinh. Hiệu của Phật cũng là Điều ngự sư, nên Ngài là một người chăn hay một người đánh xe khéo léo, đưa chúng sinh đến thành trì an lạc và giải thoát. Tùy theo cấp bậc vô trí của chúng sinh mà có cách hàng phục riêng biệt, từ hàng phàm phu, cho đến hàng Thanh Văn, Bồ Tát cho đên các thiền sư là khác nhau.

Phật giáo Đại thừa lấy việc chăn trâu dụ cho việc luyện tâm. Cái tâm đó, nguyên lai thuần hậu, nhưng đã bị đánh lạc mất, để nó chạy rông theo sở thích không biết gì đến những hiểm nguy rình rập, cho nên phải tìm lại, và chế ngự cho thuần tính. Từ khi tìm trâu để chăn cho đến khi việc chăn thành công, trải qua mười giai đoạn. Liên hệ sự huấn luyện Tâm với phép Chăn trâu, có kinh Di Giáo và Thập mục ngưu đồ (10 bức tranh chăn trâu). Tranh Đại thừa thi vẽ con Trâu đen, lần lượt qua các bức họa, trâu đen trở thành trắng dần dần, trắng từ đầu dần đến mình rồi cuối cùng trắng đến chót đuôi. Đó là tượng trưng cho phép tu Tiệm, nghĩa là nhờ công phu tu tập lâu ngày đi lần tiến lên từng bậc thang giác ngộ.

Tranh Thiền tông thi có loại vẽ trâu trắng, có loại vẽ trâu đen; nhưng dù trắng hay đen, con trâu trong tranh Thiền vẫn giữ một màu đó xuyên qua những giai đoạn biến chuyển; đó là pháp tu Đốn. Đốn giáo dạy rằng thành Phật là thành ở nội tâm, thành ngay tức khắc chứ không thành Phật từ từ, dó là hai quan điểm khác nhau của hai bộ Tranh Thập Mục Ngưu Đồ của Đại thừa và Thiền tông.

Còn tượng đôi trâu ở chùa Phật tích, có đặc điểm nổi bật là cặp sừng to, cong và đôi tai dài. Được tạc tách rời nhau rồi ghép vào bằng các mộng. 5 cặp linh thú trên ngoại trừ chi tiết trên đầu của đôi trâu, thì đều được tạc liền khối với bệ tượng, bố cục khép kín nhưng đơn giản, mộc mạc. Các khối cơ thể được diễn tả căng, khỏe, đặt trong không gian với tư thế nằm thủ phục trên bệ tượng tạo cảm giác nghỉ ngơi, thư thái. Mang ý nghĩa giải thoát tự nhiên, tự tại trong thế giới của Phật.

Bệ tượng đá nâng đỡ các linh thú ở chùa Phật Tích được chạm khắc theo dạng đơn giản, bằng đá nguyên khối, rắn chắc đã để lại vết đục đẽo, nên nhìn các con vật rất hiện thực, sống động. Khác với chất liệu đá mà điêu khắc Chăm sử dụng chủ yêu là đá Sa thạch là những hạt cát kết dính lại với nhau, tạo nên độ mềm mại, uyển chuyển, bóng bẩy trong từng tác phẩm. Dù chất liệu đá khác nhau nhưng đường diềm chạm nổi quanh bệ tượng là các con sói, quái vật đồng nhất với đề tài trang trí trong nghệ thuật điêu khắc Chăm.

Vị trí dẫy tượng thú ở chùa Phật Tích được đặt ở thềm bậc thứ hai, dàn hàng ngang, mỗi bên 5 con, giữa là lối đi. Với vị trí như thế, có nhiều cách lý giải khác nhau. Ý nghĩa thứ nhất đều thống nhất là các linh thú có vai trò canh giữ Phật pháp,

giám hộ người qua lại. Ý nghĩa thứ hai thì theo nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh cho đây là hệ thống các vị thần Hộ pháp, hai con voi là thần Indra (Đế Thích) nhiếp chính phương Đông, hai con trâu là thần Yama (Diêm Vương) nhiếp chính phương Nam, hai con là tê giác là thần Agni (thần lửa) nhiếp chính phương phụ Đông Nam, hai con ngựa là thần Vaynu (thần Gió) nhiếp chính phương phụ Tây Bắc...

Mỗi một thời đại đã qua thường để lại dấu ấn của riêng mình..Mỹ thuật thời Lý là một nét son rực rỡ trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Do đấy, việc phát hiện các hiện vật có tuổi nghìn năm với nghệ thuật tạo hình đặc sắc ở chùa Phật Tích, trên cơ sở đóng góp vào công việc nghiên cứu di sản văn hóa, cho ta hình dung phần nào về cuộc sống vật chất và tinh thần của cư dân Đại Việt cách đây cả ngàn năm, xứng đáng là đỉnh cao của nền nghệ thuật tạo hình dân tộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vai trò của chùa Phật Tích đối với sự phát triển Phật giáo thời Lý (Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII) (Trang 80 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)