Quy mô kiến trúc khảo cổ chùa Phật Tích

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vai trò của chùa Phật Tích đối với sự phát triển Phật giáo thời Lý (Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII) (Trang 31 - 49)

1.7. Quy mô kiến trúc khảo cổ và hiện nay tại chùa Phật Tích

1.7.2. Quy mô kiến trúc khảo cổ chùa Phật Tích

Thực hiện kế hoạch trùng tu tôn tạo di tích chùa Phật Tích đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt, tháng 11 năm 2008, công việc trùng tu, tôn tạo di tích chùa Phật Tích đã được triển khai. Trong quá trình thi công trùng tu tôn tạo chùa Phật Tích tại cấp nền này đó làm xuất lộ di tích móng tháp thời Lý được xây dựng bằng gạch. Phát hiện có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định rõ những kết quả nghiên cứu trước của học giả người Pháp Bơzacier và các nghiên cứu của các học giả Việt Nam trong nhiều năm qua, đồng thời đây là lần đầu tiên chúng ta nhận diện rõ về vị trí, qui mô mặt bằng và trình độ xây dựng tháp Phật thời Lý tại di tích chùa Phật Tích.

Trước phát hiện quan trọng nói trên, để tìm hiểu giá trị và đề xuất hướng nghiên cứu, bảo tồn di tích, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo tiến hành khai quật khảo cổ học đợt 2 tại khu vực phát hiện dấu tích tháp gạch tại chùa Phật Tích, từ ngày 23/11/2008 đến ngày 25/12/2008, trước đó (đợt 1) đã tiến hành khai quật 1 hố nhỏ có diện tích khoảng 10m2 tại khu vực góc đông - bắc làm xuất lộ dấu tích rất đậm đặc được đoán định có thể là phần tháp đổ. Như vậy, trong 2 đợt khai quật, một vẫn đề quan trọng ở đây đã được giải quyết: đó là dấu tích nền móng tháp, và hướng đổ của tháp.

Nhằm bảo tồn, nghiên cứu, lập hồ sơ đánh giá giá trị của di tích trước khi tiến hành các bước tiếp theo, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã mời các nhà khoa học của Viện Khảo cổ để nghiên cứu, xây dựng hồ sơ tư liệu khoa học, từ đó đưa ra các giải pháp bảo tồn di tích phục vụ cho việc trưng bày giới thiệu. Theo hồ sơ Chùa Phật Tích di tích Quốc Gia Đặc Biệt ngày 4/3/2013 của Ban quản lý di tích – Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã lập các hạng mục khai quật khảo cổ học tại chùa Phật Tích như sau:

1.7.2.1. Hiện trạng của móng tháp:

Khi các nhà Khảo cổ của Viện Khảo cổ học có mặt thì toàn bộ ngôi chùa cũ đã được hạ dải, đơn vị thi công đang tiến hành các công việc xây dựng, gia cố nền móng để phục vụ cho việc trùng tu, phục dựng lại ngôi chùa cũ. Một số móng trụ đã được xây dựng trong phạm vi dấu tích nền chùa.

Phần móng tháp đã được làm xuất lộ toàn bộ với quy mô chân tháp xây dựng bằng gạch hết sức to lớn. Bề mặt của chân móng đã được làm xuất lộ cho thấy nó bị

phá hủy theo chiều thấp dần về phía nam. Trong tổng số 4 mặt của các cạnh tháp, bề mặt phía nam bị phá hủy nghiêm trọng nhất, ở đó có nhiều các viên gạch bị bong lên khỏi bề mặt, cao độ của bề mặt chỉ tương đương ở khoảng giật cấp 2 trong số 3 cấp tường móng quan sát được ở bờ tường phía bắc.

Bờ tường phía bắc và phía đông còn nguyên vẹn nhất với dấu tích tường xuất lộ với 3 cấp thu hẹp dần theo chiều từ dưới lên trên. Tại bờ vách bắc còn nhận diện được dấu tích của tường xây của giai đoạn 1991 (một bộ phận nằm trong gian thờ chính của ngôi chùa cũ đã được hạ dải). Trên đoạn tường đó, bề mặt trong còn có dấu tích dùng vôi vữa trát khá bằng phẳng. Pho tượng A-di-đà được đặt ở khoảng chính giữa của đoạn tường và nằm lui về phía bắc trên một đế đã được gia cố bằng bê-tông.

Xung quanh bên ngoài các cạnh của móng tháp đã được khai quật sâu xuống, làm lộ hết toàn bộ chân móng tường của tháp.

Trong lòng tháp cũng được khai quật sâu xuống, bóc đi toàn bộ lớp vật liệu lấp lại. Theo suy đoán của những người tham gia xử lý khai quật, thì lòng tháp này là dấu tích do Bơzacier đào, sau đó lấp lại. Sau khi bóc bỏ đi toàn bộ lớp đất lấp đó, phần gia cố nền phía dưới được xuất lộ nguyên trạng với các lớp sỏi-đất sét đồi đầm chặt thành từng lớp riêng biệt.

Trên toàn bộ các cạnh tháp còn lại, góc tây-nam bị phá hủy mạnh nhất, thấp xuống tới bề mặt của giật cấp thứ nhất (tính từ dưới lên).

Góc tây-bắc có một khoảng (hình gần tứ giác) ở đó các viên gạch được đầm vụn, các viên gạch xung quanh có chiều hướng xô nghiêng vào tâm của khoảng đầm. Do vậy, đoán định tác động này có thể hình thành từ thời Lê thế kỷ XVII (năm 1686) khi ngôi chùa được đại trùng tu, vị trí đó có thể là dấu tích của đầm cột để phục vụ cho việc xây dựng bên trên.

Để triển khai công việc, từ dưới chân núi phía nam, lấy cos (0;0) tại điểm bậc thềm đá (nằm trong lòng của giếng cổ), dẫn điểm lên móng tháp, đồng thời dựng một trục toạ độ chuẩn nằm ngang theo chiều bắc-nam của móng tháp nhằm tạo cơ sở cho việc vẽ lại toàn bộ di tích.

1.7.2.2. Địa tầng di tích:

Tại các vách của hố khai quật, địa tầng phía trên đều không còn, sự mất đi này có thể do trong quá trình thi công xây dựng. Tuy nhiên, tại các vách vẫn còn nhận diện được địa tầng, nhưng đứt đoạn, không liên tục.

Địa tầng vách nam còn nguyên vẹn nhất, do đó được xác định để nghiên cứu, sau đó có thể quy chiếu, so sánh để tìm hiểu tại các vách khác còn lại.

Nhìn chung, trên tổng thể địa tầng đều xuất lộ các lớp gia cố móng và xung quanh tháp.

Các lớp đầm gia cố xuất lộ với cao độ tương đương nhau (960cm), đồng thời có tính ổn định và chặt chẽ, cho thấy khi xây dựng tháp, người ta đã phải tiến hành đầm nền trên một quy mô rộng hơn diện tích của móng tháp. Theo hiện trường xuất lộ, thì các

H2: Địa tầng vách Nam

lớp đầm này ngoài việc phục vụ cho việc xây dựng tháp, người ta còn đầm nền để xây dựng các khoảng sân xung quanh chân tháp. Đây là một hiểu biết có thể mới nhất của kỹ thuật đầm nền xây dựng tháp thời Lý.

Địa tầng được nghiên cứu ở đây đều nằm phía ngoài của chân móng tháp, điều này đưa đến suy đoán, sau khi xây dựng chân móng tháp bằng gạch, người ta tiếp tục đầm gia cố rộng ra xung quanh có thể để lát gạch tạo không gian thoáng cho tháp, đây cũng là không gian tâm linh của tháp.

Tại vách nam, nghiên cứu kỹ còn quan sát được các lớp đất có niên đại muộn hơn nằm đè lên các lớp gia cố. Niên đại của các lớp đất phủ lên bên trên lớp đầm có thể được hình thành vào thời Lê (1686). Mặt khác, do đây là hướng nam, nên có thể có một lối vào trong lòng tháp từ hướng này, do đó người ta dùng các vật liệu đắp phủ lên còn để xây dựng một lối vào bên trong tháp.

Từ trên xuống dưới, diễn biến địa tầng gồm 3 tầng văn hoá như sau: - Tầng văn hoá (PT.08.N.TV01): ở

dạng đất đồi có màu nâu, dễ bở rời, xốp, pha nhiều sạn sỏi, khi bị ẩm ướt rất dính, lồi lõm không đều nhau, dày trung bình 20cm. Bề mặt lớp này không bằng phẳng, nhiều đoạn bị thấp lõm xuống, đây có thể là do nguyên nhân khi thi công xây dựng tạo thành. Đây là lớp đất hiện đại, được chúng tôi xác định là lớp đất mặt, bị xáo trộn mạnh và xâm thực xuống tầng văn hoá 2.

- Tầng văn hoá 2 (PT.08.N.TV02): bị

tầng văn hóa 1 phủ đè lên, có diễn biến rất phức tạp, các lớp văn hóa trong đó không bằng phẳng, mà thường xuyên có những thay đổi đi lên, hoặc đi xuống, một số vị trí tạo thành các ổ sét lớn khá thuần.

Do diễn biến và tính chất phức tạp, nên tầng văn hóa được chia thành 3 lớp như sau:

H4: Tầng văn hóa 2 – Địa tầng

+ Lớp PT.08.N.TV02-A:

Lớp này chỉ xuất lộ ở phạm vi nhỏ nằm về phía tây của vách, rộng 218cm, dày 60cm, mỏng dần về phía đông. Đất ở dạng sét có màu vàng, bị laterit hoá nhẹ, lẫn nhiều các mảnh ngói có niên đại thế kỷ XVII. Trong lớp đất loang nổ các ổ sét màu trắng xám, khá thuần, nằm xen kẽ trong lớp đất của lớp văn hóa.

Tính chất của lớp này có thể vẫn là lớp đất xáo trộn, nhưng được hình thành vào thời Lê hoặc là lớp san lấp khi ngôi chùa thời Lê bị phá huỷ. Khi trùng tu xây dựng, người ta đã tôn cao nền của ngôi chùa lên, phủ đè lên toàn bộ nền đầm gia cố của thời Lý. Khi tôn cao nền, lớp đất này được dùng với công năng làm cao mặt bằng ngôi chùa, sau đó bên trên người ta dùng gạch lát chùm lên. Tuy nhiên, phạm vi này rất gần với bậc thềm từ phí dưới đi lên, do đó khu vực này có thể đảm trách công năng như là nền phía trước của chùa.

+ Lớp PT.08.N.TV02-B:

Đất trong lớp này là loại đất sét thuần, có màu vàng trắng, không chứa di vật, xuất lộ tạo thành 2 khoảng ở 2 bên phía đông và tây của đường lên chùa (vách nam), dày trung bình 60cm. Ở đáy của lớp này chứa các di vật vật liệu kiến trúc gạch, ngói của thời Trần và thời Lê.

Lớp đất này có hình dạng xiên, theo chiều hướng đi từ trên xuống dưới, xen giữa lớp đất này có các ổ ken dày các vật liệu xây dựng như ngói, gạch vụn. Hiện trạng xuất lộ như vậy đưa đến một giả thuyết đây là lớp đất san gạt, tân lấp, tôn cao nền của thời sau (thời Lê). Lớp đất này nhìn chung nằm dưới PT.08.N.TV02-A, nhưng tính chất thì tương đồng – đều là lớp tôn cao nền của thời Lê (1686) so với nền ban đầu của công trình kiến trúc.

Khi ngôi chùa thời Lý-Trần bị xuống cấp, người ta đã tiến hành san gạt lại mặt bằng, sau đó xây dựng ngôi chùa thời Lê lên đó. Vì vậy trong lớp này, nhận thấy có nhiều ngói thời Trần và đất sét thuần.

+ Lớp PT.08.N.TV02-C:

Đây là lớp dưới cùng của tầng văn hóa 2. Đất sét có màu nâu đỏ xẫm, pha cát mịn (dạng cát đồi), dải đều trên bề mặt lớp gia cố, dày trung bình 17cm. Đây là lớp đất ngăn cách giữa lớp đầm nền gia cố của thời Lý và lớp nền tôn cao của thời Lê.

Nhìn chung lớp này khá ổn định, hình dạng nằm trải đều trên bờ vách, tuy nhiên bề mặt của lớp này vẫn không bằng phẳng, cao thấp ở nhiều vị trí khác nhau do sự phá hủy và xâm thực của thời sau (thời Lê-1686).

Tính chất của lớp này có thể hiểu, ban đầu đây là lớp đầm nền của thời Lý (đáy lớp này rất ổn định, bằng phẳng, nối liền thể hiện sự tiếp nối liên tục lớp các lớp đầm phía dưới), đến thời Lê, khi chùa cũ được trùng tu, nền bị phá hủy tôn cao. Việc này chỉ tác động, ảnh hưởng đến bề mặt của lớp này.

Như vậy, mặc dù có niên đại thuộc thời Lý, nhưng do tính chất và dấu tích tác động của thời sau, nên lớp này vẫn được xếp vào thời Lê. Đây là dấu tích cho thấy sự chuyển tiếp, trùng tu giữa hai giai đoạn Lý-Trần và thời Lê.

- Tầng văn hoá 3 (PT.08.N.TV03):

Bắt đầu từ độ sâu 960cm (đáy của lớp đầm PT.08.N.TV02-C) đến độ sâu 1147cm (và còn có thể sâu nữa) là lớp gia cố móng nền của kiến trúc của thời Lý.

Như đã trình bày phía trên, bề mặt lớp đầm nền thời Lý có thể đã bị phá hủy vào thời Lê, tuy nhiên bắt đầu từ đây xuống đến hết phạm vi móng, các lớp đầm rất ổn định. Tính ổn định không chỉ thể hiện trên vách nam, mà các lớp đầm còn ổn định, đều trên toàn bộ các vách địa tầng. Điều này cho thấy, sau khi xây dựng chân đế tháp âm xuống phía dưới, trên toàn bộ bề mặt người ta tiến hành đầm trên một diện rộng, đều, đồng nhất giữa các lớp đầm. Điều đó cho thấy, việc xây dựng hết sức tỉ mỉ.

Kỹ thuật gia cố hết sức kiên cố: cứ 1 lớp sỏi dầy từ 3cm đến 5cm rồi đến 1 lớp đất sét đồi dày trung bình 5cm. Kiểu gia cố này giống với cách gia cố các móng trụ kiến trúc thời Lý tìm được ở Hoàng thành Thăng Long, nhưng vật liệu đất sét có khác nhau: nếu như ở Phật Tích, người ta dùng đất sét đồi có độ cứng cao nhưng dễ bở dời để đầm xen với các lớp sỏi, thì ở Hoàng thành Thăng Long người ta dùng đất sét dẻo, có độ dính cao để liên kết các lớp sỏi.

1.7.2.3. Di tích:

Bề mặt di tích xuất lộ không đều nhau, cạnh phía bắc còn cao nhất, ở đó còn dấu tích nền chùa được xây dựng những năm 90 (1991) của thế kỷ trước đã nằm đè lên bề mặt của tường, đồng thời móng bệ tượng được gia cố bằng bê-tông chiếm mất 1/3 phần giữa của chiều dài tường phía bắc. Mặt tường tháp xung quanh thấp dần về phía nam, góc tây-

nam thấp nhất (bị phá huỷ đến giật cấp 1 của tường tháp). Các viên gạch trên bề mặt tường tháp đều có dấu hiệu bị tác động mạnh từ bên trên, một số viên gạch bị bong lên khỏi bề mặt.

Các tường tháp không bằng phẳng mà uốn cong lên ở 4 góc kiểu đao đình. Hiện tượng này là do người xây dựng cố tình tạo ra, bằng chứng có thể nhận thấy rất rõ ở hàng dưới cùng của giật cấp 1, ở đó các hàng gạch không chạy thẳng theo hàng mà bị ngắt quãng. Có thể hiểu nôm na rằng đó là những hàng gạch đệm, kê cao các góc của tháp.

Đặc điểm chi tiết còn lại của các tường chân móng tháp như sau:

* Móng tường phía bắc: dài theo chiều đông-tây 918cm, dày 250cm, lòng tháp tường dài đông-tây: 418cm. Đây là phần tường còn nguyên vẹn nhất trong toàn bộ chân móng tháp. Hiện xuất lộ với chiều cao 3.6m, được xếp 60 lượt gạch chập khối đều từ trên xuống dưới. Mặt ngoài khá bằng phẳng, mặt bên trong lồi lõm không đều. Còn quan sát được 3 giật cấp thu nhỏ dần vào từ dưới lên trên.

Phía đông của tường, các hàng gạch còn thẳng hàng ngay ngắn, đều theo chiều đông-tây. Tuy nhiên, từ vị trí bệ tượng A-di-đà về phía tây, các hàng gạch bị xô nghiêng mạnh theo hướng cong võng về giữa. Góc ngoài cùng phía tây cong vút

H5: Bề mặt tường bắc và dấu tích của nền chùa hiện đại nằm đè lên

mạnh lên bất thường (nhịp cong mạnh hơn so với các góc tường còn lại của chân móng tháp). Bề mặt tường ở vị trí này, các viên gạch bị vỡ vụn thành các mảnh rất nhỏ, nhiều vị trí ở dạng bột, do đó đây có thể là dấu tích đầm cột của thời Lê.

Ngôi chùa được trùng tu vào thời Lê, có thể có một cột được đặt tại vị trí này, do vậy khi đầm cột, người ta đã làm biến dạng các viên gạch ở đây.

Hiện tượng này cũng có một số ý kiến cho rằng, đó là do bản thân tường tháp bị phá hủy, và là nguyên nhân làm cho tháp bị đổ.

Tuy nhiên, giải thích này có những mâu thuẫn nhất định:

+ Thứ nhất, nếu vị trí này bị xuống cấp đến mức làm cho ngôi tháp bị đổ thì chiều đổ của tháp phải nằm về phía tây-bắc.

Như vậy mâu thuẫn với kết quả khai quật thám sát lần 1, tìm được dấu tích của tháp đổ về phía góc đông-bắc, cũng như mâu thuẫn với truyền thuyết về một ngồi tháp đổ về phía này (ở đây còn có địa danh Ngõ Gạch-tương truyền khi tháp đổ về phía đó có nhiều gạch nằm ngổn ngang, do đó dân trong vùng gọi là Ngõ Gạch).

+ Thứ hai, nếu vì vị trí này mà tháp bị đổ thì các viên gạch ở đó không thể vỡ vụn (dạng bột đầm chặt), các viên gạch xung quanh bị xô nghiêng vào tâm của khoảng gạch đầm.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Vai trò của chùa Phật Tích đối với sự phát triển Phật giáo thời Lý (Từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIII) (Trang 31 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)