2.2. Chùa Phật Tích là trung tâm Phật giáo thời Lý
2.2.1. Đôi nét về lịch sử Phật giáo thời Lý
Trong buổi bình minh, lịch sử dựng nước và giữ nước luôn gắn liền với lịch sử Phật giáo Việt Nam. Trải bao hưng phế, thăng trầm Phật giáo đã có một vai trò, một vị trí quan trọng nhất định trong lịch sử dân tộc. Phật giáo từ một tôn giáo ngoại lai đã trở thành tôn giáo dân tộc. Nhất là Phật giáo Lý đã thể hiện trí tuệ và từ bi sâu sắc bằng sự nhập thế sinh động và đa dạng qua tư tưởng, lời nói, hành động gắn bó với cuộc sống an vui hạnh phúc của dân tộc.
Triều đại Lý, Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Lúc bấy giờ, cả nước từ vua, quan đến thứ dân đều theo Phật, đến chùa quy y, giữ giới, tụng kinh, Thiền định nên mới có được một tinh thần an lạc, hòa hợp và thuần từ.
Thâm nhập giáo lý nhà Phật qua chính sách an dân trị nước nên các vua nhà Lý đã chinh phục trái tim, khối óc con người bằng đức trị thay pháp trị. Đạo đức vô ngã đã tạo cho con người một cuộc sống hòa hợp, giản dị nhưng tạo lực tác động mạnh mẽ vô cùng.
Triều đại nhà Lý tồn tại hơn 200 năm (1010-1225) với chín đời vua. Trong lịch sử Việt Nam, triều Lý là một triều đại lớn và để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trên các lĩnh vực khác nhau. Dấu ấn quan trọng nhất về lĩnh vực chính trị chính là sự kiện lịch sử năm 1010, sau khi lên ngôi, Lý Thái Tổ đã cho dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long.
Theo nội dung chiếu dời đô trong Đại Việt Sử Ký toàn thư:
“Thành Đại La ở giữa khu vực của đất trời, có cái thế long, hổ vững bền, địa thế rộng và bằng phẳng, đất thì cao mà sáng sủa, rõ là khu vực phồn thịnh thật. Đã xét khắp đất Việt chỉ có nơi ấy thắng địa, là nơi đô hội thật là kinh đô của muôn đời sau”.
sử quan trọng tiếp theo, đó là đến năm 1054, triều Lý lại đặt quốc hiệu mới cho nước Đại Việt và buộc nhà Tống phải thừa nhận nước ta là một quốc gia riêng. Khẳng định độc lập, tự chủ, để lại dấu ấn trên trang sử hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc cũng như thực hiện các chính sách chăm lo phát triển kinh tế, thúc đẩy văn hóa nên đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ...
Thời Lý sự hưng thịnh của đạo Phật là một mốc son quan trọng, nó quyết định đường hướng các chủ trương, chính sách đối với việc vận hành nhà nước và xã hội. Hình thành mô hình quản trị xã hội theo đường lối tư tưởng, tinh thần vô ngã và tự giác của đạo Phật.
Sự hưng thịnh của đạo Phật thời Lý biểu hiện rõ nhất ở tổ chức tăng đoàn. Không chỉ có số lượng Phật tử đông đảo, các tầng lớp từ vua, quan đến dân đều theo đạo Phật mà tăng đoàn còn có nguồn ruộng đất và tài sản riêng rất lớn.
Tổ chức tăng sĩ có học vấn uyên bác được các vua Lý hết sức trọng dụng. Có sư là thầy dạy của vua và được phong làm Quốc sư. Dưới thời Lý một loạt nhà sư được ban hiệu Quốc sư như Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Thông Biện, Viên Thông, Không Lộ. Trình độ học vấn và tri thức của các Quốc sư có vai trò và vị trí quan trọng, họ là những cố vấn đắc lực trên mọi mặt từ giáo lý đạo Phật, đạo Lão, đạo Nho, từ đó tham mưu những sách lược đối với những vấn đề về chính trị, ngoại giao, quân sự, văn hóa...
Nhà Lý đề cao Phật giáo do xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Xét về quan hệ, thái tổ nhà Lý (Lý Công Uẩn) có mối quan hệ đặc biệt với các nhà sư đương thời, thuở nhỏ từng là con nuôi của sư Lý Khánh Vân và là đệ tử thụ giáo của sư Vạn Hạnh. Đó là nguyên do nhà Lý rất sùng đạo Phật, và có công hậu thuẫn to lớn của thế lực Phật giáo trong nước đứng đầu là sư Vạn Hạnh. Quan trọng là những chính sách đề cao Phật giáo là đúng đắn, bởi về sau, các nhà sư lại trở thành những trợ thủ đắc lực phò vua giúp nước. Nhà Lý muốn tận dụng những ưu điểm của Phật giáo, lấy hệ tư tưởng của đạo Phật để cai trị, dung hòa những mâu thuẫn đối kháng trong xã hội, hệ quả của suy thoái tàn dư từ triều đại phong kiến cũ, tạo được sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, là sức mạnh tiên quyết trong việc bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và đọc lập, tự chủ.
Có thể nói, Phật giáo thời Lý đã làm nên một trang sử vẻ vang, huy hoàng trong qua trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Phật giáo thời này có sức sống mãnh liệt bằng tinh tinh thần vô ngã vị tha; thể hiện sức sống tự lực tự cường với tinh thần độc lập dân tộc. Nó đi đúng đừng lối tu hành của đạo Phật, dung hợp với bản sắc văn hóa dân tộc để tạo thành nét đặc thù cho nền Phật giáo Việt Nam thời đại nhà Lý. Con đường này phù hợp với quy luật phát triển của tâm thức để phát sinh tuệ giác đưa con người đến chỗ giác ngộ giải thoát ngay trong hiện tại.
Phật giáo thời Lý đã đóng góp vào việc xây dựng nền văn minh Đại Việt thịnh trị trong hơn hai thế kỷ. Bởi vì về cả phương diện tinh thần và phương diện vật chất, ảnh hưởng của Phật giáo giai đoạn này là quá rõ trên tất cả các hoạt động trong nước. Ngày nay, tinh thần đạo Phật không tách khỏi tinh thần dân tộc, văn hóa Phật giáo trở thành một bộ phận quan trọng của văn hóa dân tộc Việt Nam. Điều này là do trong buổi đầu hình thành văn hóa, dân tộc Việt Nam, đã được thấm nhuần tinh thần Phật giáo, ăn sâu vào tâm thức Việt và trở thành lớp văn hóa kháng thể đối với công cuộc đấu tranh, gìn giữ bản sắc Việt trong suốt ngàn năm chính sách đồng hóa văn hóa phương Bắc.