CHƯƠNG I CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.2. Một số khái niệm cơ bản
1.2.4. Các mặt biểu hiện của tự đánh giá của học sinh THPT
1.2.4.1. Tự đánh giá về thể chất
Lứa tuổi học sinh THPT là thời kỳ hoàn thiện về thể chất cả về phương diện cấu tạo và chức năng. Trên cơ sở của sự chín muồi của quá trình phát triển các đặc điểm sinh lý giới, học sinh cảm nhận rõ hơn về tính chất người lớn của bản thân, đồng thời gắn kết mình vào một giới nhất định. Ở học sinh dần hình thành những nhu cầu, động cơ, định hướng giá trị, các quan hệ và các kiểu hành vi ứng xử đặc trưng cho giới.
Khía cạnh đầu tiên của TĐG ở học sinh THPT là các em đánh giá về ngoại hình của mình. Đây là lứa tuổi rất nhạy cảm về ngoại hình của bản thân, cụ thể là các em so sánh mình với người khác, nhất là trong nhóm bạn bè. Một số học sinh thường mặc cảm khi bị bạn bè, người lớn đánh giá không tốt như: màu da, kiểu tóc, chiều cao… nhất là với những em bị thiếu hụt một bộ phận nào đó
trên cơ thể… Khi nỗi thất vọng lên cao, học sinh dễ lâm vào tình trạng bệnh lý mặc cảm về ngoại hình (Body dysmorphic disorder – Morselli): lo lắng, mất ngủ, chán ăn, thậm chí là stress… Đây là một trạng thái tâm lý tiêu cực, trong đó các em thể hiện sự chú ý và lo âu quá mức đến khiếm khuyết nhỏ nào đó trên cơ thể như sẹo trên mặt, mũi không cao, tóc thưa…, thậm chí ngay cả khi khiếm khuyết đó không tồn tại. Điều này làm suy giảm chức năng xã hội, ảnh hưởng đến công việc học tập và giao tiếp của học sinh.
Giá trị xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng về vẻ đẹp thể chất ảnh hưởng rất nhiều đến nhận thức và TĐG của học sinh; và ngược lại nhận thức của các em về ngoại hình của mình sẽ là yếu tố gây cản trở hoặc thúc đẩy các em trong việc tham gia vào các hoạt động xã hội. Các em thường không hài lòng về chiều cao (quá cao hay quá thấp), vóc dáng thân thể (quá béo hay quá gầy) và thường mơ ước có vẻ bề ngoài lý tưởng (mắt đẹp, mũi cao …). Câu hỏi thường trực đối với nhiều em là hình ảnh về ngoại hình của mình như thế nào trong mắt người khác - nhất là trong mắt bạn bè. Rất nhiều học sinh xây dựng và thực hiện rất nghiêm kế hoạch rèn luyện thân thể và các hành vi ứng xử, không chỉ để tăng cường sức khỏe mà để tạo ra hình ảnh hấp dẫn, uy tín và sự mến phục của bạn bè.
Nói chung TĐG về các đặc điểm ngoại hình cơ thể là một thành tố quan trọng trong ý thức của học sinh THPT, một trong những đặc trưng tâm lý điển hình của lứa tuổi này. Khi học sinh mặc cảm, không hài lòng với ngoại hình của mình có ảnh hưởng tiêu cực khi tham gia vào các hoạt động. Học sinh cảm thấy thiếu tự tin, rụt rè e ngại... Do đó, cảm nhận tích cực về ngoại hình hoặc có sự hài lòng nhất định về thể chất giúp học sinh cởi mở, tự tin để thiết lập các mối quan hệ xã hội.
1.2.4.2. Tự đánh giá về giao tiếp xã hội
Sự mở rộng các mối quan hệ xã hội đòi hỏi học sinh tích cực hoạt động và giao lưu, vì vậy hoạt động giao tiếp cũng là hoạt động chủ đạo của học sinh THPT: “Thông qua giao tiếp, cá nhân có được những thái độ và đánh giá
của những người xung quanh về bản thân mình để làm cơ sở cho tự đánh giá” [12; tr. 46]. Giao tiếp xã hội của học sinh xoay quanh 3 mối quan hệ chính, ảnh hưởng trực tiếp đến TĐG của các em là: giao tiếp trong gia đình (cha mẹ và những người thân), giao tiếp với bạn bè cùng tuổi, và giao tiếp với thầy cô.
Cùng với sự trưởng thành nhiều mặt, quan hệ dựa dẫm, phụ thuộc vào cha mẹ dần dần được thay thế bằng quan hệ bình đẳng, tự lập. Tuy nhiên, khi bàn đến những giá trị sâu sắc hơn như: chọn nghề, thế giới quan, những giá trị đạo đức thì ảnh hưởng của cha mẹ lại có vai trò quan trọng.
Cảm nhận về "tính người lớn" là một trong những nét tâm lý đặc trưng, xuất hiện trong giai đoạn chuyển từ lứa tuổi thiếu niên sang tuổi thanh niên. Trong quan hệ với người khác và đặc biệt là trong quan hệ với bạn bè, học sinh THPT có xu hướng cố gắng thể hiện mình như những người đã lớn. Các em hướng tới các giá trị của người lớn, mong muốn được tự lập, tự chủ trong giải quyết các vấn đề cá nhân. Tuy nhiên so sánh mình với người lớn, các em hiểu rằng mình vẫn còn phụ thuộc. Do đó, xuất hiện một mâu thuẫn giữa ý muốn chủ quan và hiện thực khách quan: muốn trở thành người lớn, song các em vẫn ý thức được rằng mình chưa là người lớn. Việc nảy sinh cảm nhận này ở lứa tuổi thanh niên là một trong những yếu tố tâm lý dễ tạo nên sự không bình ổn giữa cha mẹ và con cái, làm cho tần số giao tiếp giữa cha mẹ và con cái giảm xuống và thay vào đó là nhu cầu giao tiếp của thanh niên với bạn đồng lứa tăng lên. Những nghiên cứu về tính cách thanh niên bằng các trắc nghiệm TAT và Rorschach cho thấy rằng tính hay lo lắng đã tăng từ độ tuổi 12 đến độ tuổi 16. So với các lứa tuổi trước đó mức độ lo lắng trong giao tiếp với mọi người (với bạn bè, thầy cô giáo, người lớn…) ở lứa tuổi thanh niên cao hơn hẳn và đặc biệt cao trong giao tiếp với bố mẹ hay với những người lớn mà thanh niên cảm thấy bị phụ thuộc.
Bên cạnh mối quan hệ gia đình, điều quan trọng đối với học sinh THPT là được sinh hoạt cùng với các bạn cùng lứa: “Nhu cầu giao tiếp, đặc biệt là giao tiếp với bạn bè đồng lứa phát triển mạnh ở lứa tuổi này. Giao tiếp với
bạn bè đã thực hiện một chức năng quan trọng là giúp thanh niên dần hiểu mình rõ hơn, đánh giá bản thân chính xác hơn thông qua những cuộc trao đổi thông tin, đánh giá về các hiện tượng mà họ quan tâm” [4; tr. 217].
“Sự mở rộng phạm vi giao tiếp và sự phức tạp hóa của các hoạt động riêng của thanh niên học sinh khiến cho số lượng nhóm quy chiếu của các em tăng lên rõ rệt. Việc tham gia vào nhiều nhóm sẽ dẫn đến những sự khác nhau nhất định về quan điểm, định hướng giá trị, vai trò… và có thể xung đột về vai trò nếu cá nhân phải lựa chọn giữa các vai trò khác nhau ở các nhóm” [15; tr. 67]. Như vậy tham gia vào quá trình giao tiếp trong nhóm bạn bè là môi trường để học sinh đưa ra những quan điểm, suy nghĩ của mình và các em tự điều chỉnh mình để được bạn bè đánh giá thừa nhận. Do đó, phụ huynh cần quan tâm đến các nhóm bạn của con để giáo dục đúng cách.
Tóm lại, giao tiếp xã hội đóng vai trò quan trọng đối với học sinh THPT. Thông qua giao tiếp xã hội, học sinh học hỏi được những kiến thức từ các mối quan hệ xã hội, đồng thời đó cũng là cơ hội để các em thể hiện năng lực của bản thân, là tấm gương phản chiếu giúp học sinh nhìn nhận ra chính mình, hình thành nên TĐG phù hợp.
1.2.4.3. Tự đánh giá về học tập
Hoạt động học tập cùng với định hướng nghề nghiệp là hoạt động chủ đạo của học sinh THPT nên thành tích học tập được các em coi như một tiêu chuẩn để đánh giá bản thân và các bạn trong lớp. Sự khác nhau về khả năng nhận thức, năng lực học tập và sự lĩnh hội kiến thức giữa các học sinh dẫn đến sự phân hóa giữa học sinh giỏi, khá, trung bình và yếu kém. Sự phân hóa này đã làm phát triển tự ý thức về khả năng học tập, các em lấy đó là tiêu chuẩn để đánh giá năng lực bản thân và so sánh đối chiếu với bạn bè.
Dựa trên đặc điểm sự phát triển của tư duy, nhận thức, hoạt động tư duy của học sinh THPT rất tích cực và hướng tới tính độc lập: Tư duy lý luận phát triển mạnh, học sinh có khả năng và rất ưa thích khái quát hóa các vấn đề. Đồng thời, sự phát triển mạnh của tư duy lý luận liên quan chặt chẽ với khả năng sáng
tạo, các em có khả năng phát hiện ra những cái mới. Học sinh đánh giá năng lực học tập của bạn bè trong lớp không chỉ dựa vào điểm số mà dựa vào cách thức giải bài tập. Các em có xu hướng đánh giá cao các bạn thông minh và những thầy cô có phương pháp giảng tích cực và có sự tôn trọng ý kiến cũng như thể hiện sự khích lệ động viên các em.
Theo Lê Văn Hồng, Lê Ngọc Lan: “Học sinh càng trưởng thành, kinh nghiệm sống càng phong phú, các em càng có ý thức được rằng mình đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Do vậy, thái độ có ý thức của các em đối với học tập ngày càng phát triển. Các em hiểu được rằng, vốn tri thức, kỹ năng, kỹ xảo là điều kiện cần thiết để các em bước vào cuộc sống tương lai. Do vậy, nhu cầu tri thức của các em tăng lên”[15; tr. 56].
Thái độ học tập của học sinh đối với các môn học trở nên có sự lựa chọn hơn: một mặt các em có tính tự giác cao hơn, tích cực hơn so với lứa tuổi trước do ý thức được tầm quan trọng của việc học tập đối với nghề nghiệp trong tương lai; mặt khác thái độ học tập của các em đã có sự phân hóa cao, việc học tập của các em đã có sự lựa chọn rõ ràng, học sinh đã hình thành những hứng thú học tập gắn liền với khuynh hướng nghề nghiệp.
Cuối bậc THPT, học sinh đã có hứng thú ổn định với môn học hay đối với một lĩnh vực tri thức nhất định. Hứng thú này thường liên quan với việc chọn một nghề nghiệp tương lai. Hơn nữa, hứng thú của thanh niên học sinh mang tính chất rộng rãi, sâu và bền vững hơn thiếu niên [6; tr. 56 - 57]. Như vậy với học sinh THPT, thái độ đối với việc học tập và năng lực TĐG của các em về sự cần thiết của môn học ngày càng được thể hiện rõ, nó liên quan trực tiếp đến định hướng nghề nghiệp tương lai.
1.2.4.4. Tự đánh giá về định hướng tương lai
Bước sang cấp 3, học sinh có ý thức hơn trong việc định hướng tương lai của bản thân. Do đó vấn đề quan trọng nhất của học sinh là việc tự xác định nghề nghiệp cho mình. Việc lựa chọn này không chỉ xác định họ “sẽ là ai?” mà còn đề cập đến khía cạnh “sẽ là người như thế nào?”. Theo Nguyễn
Khắc Viện: “Chọn nghề không nên chỉ căn cứ vào sở thích hay nguyện vọng. Sở thích (dù là thích đến tột đỉnh) cũng chưa hẳn là sở trường đích thực. Mặt khác, nếu có sở thích mà chỉ nuôi dưỡng nó bằng sự đam mê chứ không bằng sự dày công luyện tập và chí thú học hỏi, thì sớm muộn sở thích đó cũng sẽ bị “giã từ”. Do đó, những yếu tố cơ bản của việc tự xác định nghề nghiệp là năng lực học tập của các em và trình độ hiểu biết thông tin về nghề lựa chọn của học sinh và mức độ kỳ vọng của các em.
Theo Nguyễn Thạc, Phạm Thành Nghị: lứa tuổi học sinh THPT là giai đoạn lựa chọn sơ bộ về nghề nghiệp. Ở thời kỳ này, các hoạt động nghề nghiệp khác nhau được thanh thiếu niên thảo luận và đánh giá mới đầu phụ thuộc vào hứng thú, sau đó là năng lực của chúng và cuối cùng là chú ý đến hệ thống các giá trị. Các hứng thú, năng lực và các giá trị được biểu hiện ở các giai đoạn bất kỳ của việc lựa chọn nghề nghiệp mặc dù là chưa thật rõ ràng. Nhưng những giá trị xã hội (như ý thức giá trị xã hội của nghề nghiệp) hoặc những giá tri cá nhân được khái quát hóa hơn và được ý thức muộn hơn là các hứng thú và năng lực. Sự phân hóa và kết hợp các thuộc tính trên diễn ra trong mối quan hệ, liên hệ với nhau. Hứng thú với môn học nào đó kích thích học sinh học môn đó nhiều hơn và điều đó làm phát triển năng lực của các em. Những năng lực được bộc lộ sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động và dẫn tới sự thừa nhận của mọi người xung quanh và do đó những năng lực đó càng được của cố bền vững [28; tr. 53].
Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy: thái độ của học sinh các lớp cuối THPT đối với nghề nghiệp phụ thuộc vào những kinh nghiệm từ các nguồn khác nhau: cha mẹ, người quen, bạn bè, thầy cô giáo… Chọn nghề là một quá trình lâu dài và phức tạp, nếu trong quá trình này, học sinh THPT không có hứng thú bền vững rõ rệt thì sẽ khó khăn và giao động trong việc chọn nghề. Điều đó biểu hiện sự chưa chín muồi trong việc định hướng xã hội của thanh niên. Tự xác định nghề nghiệp là một trong những thành phần
chủ yếu của sự trưởng thành và hình ảnh bền vững của cái Tôi và lòng tự trọng [28; tr. 55].
Đa số học sinh có mơ ước được học trong các trường đại học sau khi tốt nghiệp phổ thông (kể cả các em có học lực yếu). Điều này cũng cho thấy học sinh và phụ huynh chưa thực sự đánh giá đúng ngành nghề, yêu cầu của ngành nghề đối với năng lực cá nhân. Ước mơ của các em đôi khi còn xa vời thực tế và hoạt động nghề nghiệp, chưa thấy được giá trị đích thực của nghề. Học sinh có kỳ vọng quá cao vào một số nghề nhưng khi tiếp xúc với nghề trong thực tế, các em thường thất vọng. Nhìn chung học sinh chưa có khả năng phân biệt đúng giữa hứng thú, thiên hướng và năng lực của bản thân. Do vậy, các em bị bối rối trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Do đó, cần có sự định hướng của gia đình và nhà trường để các em khi chọn nghề biết cách kết hợp 3 yếu tố: nguyện vọng năng lực của cá nhân, những đòi hỏi của nghề nghiệp và yêu cầu của xã hội.
Tóm lại, đến cuối cấp THPT (16-18 tuổi), nhu cầu được định hướng nghề nghiệp của học sinh là rất cao. Cơ sở định hướng nghề nghiệpkhông chỉ là sở thích mà còn dựa trên năng lực của từng em trong từng môn hoặc trong từng lĩnh vực. Một số học sinh còn gặp khó khăn trong định hướng tương lai và tự xác định nghề nghiệp do không biết được năng lực của mình. Với những học sinh TĐG đúng năng lực bản thân các em có những lựa chọn phù hợp với nhu cầu nghề nghiệp của mình. Vì vậy, một vấn đề đặt ra là để lựa chọn một nghề phù hợp, học sinh cần hiểu về đặc điểm, yêu cầu của nghề để không chệch hướng. Bên cạnh đó các em cần dựa trên điều kiện, hoàn cảnh gia đình để theo đuổi nghề nghiệp phù hợp với bản thân.