CHƯƠNG I CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.2. Một số khái niệm cơ bản
1.2.3. Khái niệm tự đánh giá của học sinh THPT
Từ những nội dung phân tích ở trên cho thấy, TĐG bản thân là thuộc tính tâm lý điển hình của lứa tuổi học sinh THPT; điều này khẳng định rằng nhu cầu tự phân tích là một dấu hiệu cần thiết của một nhân cách phát triển, là tiền đề của sự tự giáo dục có mục đích.
Dựa trên khái niệm TĐG và các đặc điểm tâm lý lứa tuổi học sinh THPT, theo chúng tôi khái niệm TĐG của học sinh THPT được hiểu là đánh
giá tổng thể của học sinh với tư cách là một thành viên của xã hội về các giá trị của bản thân, thể hiện qua tự đánh giá về thể chất, về học tập, về giao tiếp và tự định hướng tương lai.
Theo khái niệm này, TĐG của học sinh THPT có một số đặc điểm sau: - Một là: TĐG của học sinh THPT xoay quanh các mối quan hệ xã hội chính là gia đình – nhà trường – bạn bè. Các em đã có ý kiến rõ ràng và có sự đối chiếu với chuẩn mực của xã hội, qua đó, học sinh khám phá ra những giá trị của bản thân. Do đó các em đánh giá bản thân dựa vào nhận thức của mình, tuy nhiên vẫn còn nhiều em chưa đánh giá đúng, khách quan do khả năng nhận thức về bản thân chưa thực sự khái quát và sâu sắc.
- Hai là: TĐG của học sinh THPT về giá trị bản thân biểu hiện qua các mặt cụ thể như: đánh giá về mặt thể chất, về mặt học tập, đánh giá về giao tiếp xã hội và trên cơ sở đó các em tự định hướng tương lai bản thân.
- Ba là: ý thức về các phẩm chất tâm lý của cá nhân được phản ánh một cách rõ nét hơn. Học sinh ý thức rõ hơn về cái tôi của bản thân và vị trí xã hội của mình trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội: “Những vấn đề như tôi là ai? Tôi là người như thế nào? Tôi có năng lực vượt trội nào? Lý tưởng của tôi là gì? (…) Tôi muốn trở thành người như thế nào? Tôi phải làm gì để cho bản thân tôi cũng như cho mọi người xung quanh được tốt hơn?... là những vấn đề trăn trở suốt thời kỳ thanh niên, nhất là giai đoạn đầu thanh niên” [10; tr. 203]. Chúng trở thành nhu cầu và là một yếu tố quan trọng của sự tự xác định về mặt đạo đức – xã hội của học sinh, quy định các hành vi tu dưỡng của học sinh.
- Bốn là: TĐG của học sinh THPT có chiều sâu và khái quát hơn nhiều so với tuổi thiếu niên [4; tr. 203]. Các em đã đánh giá về các mặt tâm lý nhân cách của mình trên cơ sở phân tích và khái quát hóa các đặc trưng riêng Các em không chỉ ý thức và đánh giá về “cái tôi hiện thực” (Tôi là ai?) mà còn đánh giá “cái tôi lý tưởng” (Tôi muốn trở thành người như thế nào?), “cái tôi
- Năm là: TĐG của học sinh THPT được thực hiện theo 2 cách.
Thứ nhất: là các em so sánh mức độ kỳ vọng của mình với kết quả đạt được, đa số các em đánh giá cao năng lực và các phẩm chất tâm lý - xã hội của mình. Sự kì vọng về bản thân và tính sẵn sàng cao để khẳng định mình là cơ sở của tính tích cực hoạt động của tuổi thanh niên. Tuy nhiên các em còn hạn chế vì kinh nghiệm sống còn chưa nhiều nên quá trình tự kiểm tra còn khó khăn. Một số học sinh dễ gặp thất bại trong cuộc sống (học tập, xác định lý tưởng sống…) nên có xu hướng TĐG tiêu cực. Vì vậy, gia đình và nhà trường cần động viên kịp thời để các em vượt qua những khó khăn này.
Thứ hai: về mặt xã hội, TĐG về các năng lực bản thân, học sinh đối chiếu ý kiến đánh giá của mọi người xung quanh về mình, đồng thời coi đó là tiêu chuẩn để đánh giá và đánh giá lại.
Tóm lại, TĐG của học sinh THPT là một vấn đề cần được nghiên cứu và phân tích sâu, giúp các nhà giáo dục và các bậc cha mẹ hiểu hơn về tâm lý của lứa tuổi này, từ đó có những biện pháp giáo dục phù hợp để phát triển nhân cách của con em mình.