Điều kiện lịch sử xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu phát triển du lịch tỉnh bắc kạn (Trang 30 - 37)

1.7 .Quan niệm về bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên du lịch

2.1. Tiềm năng phát triển du lịch

2.1.3. Điều kiện lịch sử xã hội

a) Lịch sử hình thành và phát triển

Vào thời đại các vua Hùng dựng nước, Bắc Kạn thuộc bộ Vũ Định (một trong 15 bộ của Văn Lang). Dưới thời thuộc Đường nơi đây là đất châu Võ Nga. Từ thời Lý, khi ông cha ta bắt đầu đầu xây dựng và phát triển nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền, Bắc Kạn thuộc châu Thái Nguyên đời Trần. Trong buổi đầu thời Lê, đây là vùng đất thuộc Bắc đạo. Năm Quang Thuận thứ 7 (1466) đất Bắc Kạn thuộc Thái Nguyên Thừa tuyên, rồi Ninh Sóc Thừa tuyên năm Quang Thuận thứ 10 (1469). Năm Hồng Đức thứ 21 (1490) phủ Thông Hóa (gồm huyện Cảm Hóa và châu Bạch Thông) thuộc xứ Thái Nguyên đất Bắc Kạn. [44]

31

Dưới thời Nguyễn, năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), trấn Thái Nguyên đổi thành tỉnh, Bắc Kạn cơ bản vẫn là đất phủ Thông Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Sau khi đánh chiếm và áp đặt bộ máy cai trị trên địa phận Thái Nguyên, thực dân Pháp đã nhiều lần thay đổi đơn vị hành chính. Theo Nghị định ngày 20/8/1891 và Nghị định ngày 9/9/1891 của Toàn quyền Đông Dương, địa bàn Bắc Kạn thuộc hai đạo quan binh: Phần phía Đông và Nam thuộc Tiểu quân khu Thái Nguyên, Đạo quan binh 1 và phần phía Bắc thuộc Tiểu quân khu Lạng Sơn, Đạo quan binh [44]

Ngày 11/4/1900, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định lấy phần đất thuộc phủ Thông Hóa thành lập tỉnh Bắc Kạn gồm các châu Bạch Thông, Chợ Rã, Thông Hóa (sau đổi thành Na Rỳ), Cảm Hóa (sau đổi thành Ngân Sơn). Tiếp theo đó, ngày 25/6/1901, Toàn quyền Đông Dương lại ra Nghị định tách tổng Yên Đĩnh thuộc huyện Phú Lương (Thái Nguyên) nhập vào châu Bạch Thông (Bắc Kạn). Năm 1916, theo Nghị định của Thống sứ Bắc Kỳ, một tổng của châu Bạch Thông, Chợ Rã và tổng An Biện Thượng thuộc Định Hóa (Thái Nguyên) tách ra lập thành châu Chợ Đồn. Thời gian đó, Bắc Kạn có 5 châu (Bạch Thông, Na Rỳ, Ngân Sơn, Chợ Rã và Chợ Đồn) với 20 tổng và 103 xã. [44]

Ngày 21/4/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (nay là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam) ra Quyết định số 103-NQ-TVQH thành lập tỉnh Bắc Thái trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Ngày 14/4/1967, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 50-CP đặt thị xã Bắc Kạn thành thị trấn Bắc Kạn trực thuộc huyện Bạch Thông. Tiếp theo đó, 29/12/1978, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa VI nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã quyết nghị phân định địa giới giữa Bắc Thái và Cao Bằng, tách 2 huyện Ngân Sơn và Chợ Rã thuộc tỉnh Bắc Thái nhập vào tỉnh Cao Bằng. [44]

32

Để đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân các dân tộc và yêu cầu sự nghiệp cách mạng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 6/11/1996, Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 10 đã phê chuẩn việc chia tỉnh Bắc Thái thành 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Tỉnh Bắc Kạn được tái lập. Các huyện Ngân Sơn, Ba Bể (Chợ Rã) được tái nhập lại tỉnh Bắc Kạn. Tháng 8/1998, thành lập thêm huyện Chợ Mới.[44]

Mặc dù có không ít những thay đổi về địa dư hành chính nhưng Bắc Kạn vẫn là một địa bàn được gắn kết bởi quá trình lịch sử văn hóa trên nền tảng cảnh quan địa lý với các sắc thái độc đáo và đa dạng. Trải qua một quá trình xây dựng và trưởng thành Bắc Kạn ngày nay đang từng bước đi lên xây dựng phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng.

b) Kinh tế xã hội tỉnh Bắc Kạn

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, vùng đất Bắc Kạn có nhiều đổi thay. Đến nay, Bắc Kạn có 8 đơn vị hành chính bao gồm 01 thị xã và 07 huyện (Thị xã Bắc Kạn, các huyện: Chợ Mới, Chợ Đồn, Bạch Thông, Ngân Sơn, Ba Bể, Na Rỳ, Pác Nặm), với tổng số 122 xã, phường, thị trấn. [17, tr. 20]

Dân số

Bắc Kạn có tổng diện tích tự nhiên là 4.868,41 km2 và dân số là 294.660 người, với 07 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó:người Tày chiếm: 54%; người Dao: 16,8%, người Kinh: 14%; người Nùng: 9%, người Mông: 5,5%, người Hoa: 0,4%, người Sán Chay: 0,3%. Mỗi một dân tộc đều có những nét bản sắc văn hóa riêng rất độc đáo tạo nguồn cảm hứng cho du khách đến tìm hiểu và nghiên cứu. [17, tr. 23]

Giao thông

Bắc Kạn là tỉnh có điều kiện giao thông tương đối thuận lợi. Loại hình giao thông chính của Bắc Kạn là đường bộ, đường sông. Trong những năm

33

gần đây hệ thống giao thông của tỉnh phát triển mạnh tạo điều kiện cho việc thông thương và tiếp cận của khách du lịch qua các tuyến quốc lộ liên tỉnh.

Đến hết năm 2015 toàn tỉnh Bắc Kạn có trên 4.000 km đường bộ, khoảng 325 km đường bộ tiêu chuẩn. Tỉnh có tuyến quốc lộ 3 chạy qua, quốc lộ 279 từ huyện Na Rì qua huyện Ngân Sơn, Ba Bể sang Tuyên Quang, Hà Giang [8, tr 73]. Một số tuyến đường giao thông đến các khu, điểm du lịch đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp như: Đường tỉnh lộ 258, đường vào động Nàng Tiên (Na Rì), đường nối khu du lịch Ba Bể với khu du lịch sinh thái Na Hang (Tuyên Quang), các tuyến đường đi bộ trong vườn quốc gia Ba Bể [41, tr.4].

Tháng 1 năm 2017 tuyến đường BOT Thái Nguyên – Chợ Mới (dài hơn 40km) đã chính thức thông xe đưa vào khai thác nhờ đó rút ngắn thời gian đi lại từ Hà Nội – Chợ Mới còn 2 giờ đồng hồ thay vì gần 4 giờ như trước đây. Thời gian đi từ Thái Nguyên – Chợ Mới rút ngắn còn 1 giờ thay vì 1 giờ 45 phút khi đi qua quốc lộ 3 cũ. Tuyến đường Thái Nguyên – Chợ Mới được thiết kế 2 làn xe ô tô với 2 làn xe thô sơ, bề rộng làn đường 12 m, tốc độ thiết kế xe chạy 80km/ giờ. Tuyến đường này tạo điều kiện thuận lợi hơn đưa du khách tới tỉnh Bắc Kạn.

Một số công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh đã trang bị xe ô tô chuyên để phục vụ khách. Ngoài ra, một số nhà xe chất lượng cao như: Chiến Viên, Hưng Thành, Thưởng Nga, Khoa Mận. Đây đều là những đơn vị vận chuyển hành khách đạt chất lượng cao: Nhân viên phục vụ tận tình, chuyên nghiệp, xe giường nằm đời mới trang bị máy lạnh, ti vi, radio, wifi. Phần nào đáp ứng nhu cầu di chuyển của khách du lịch.

Giao thông đường thủy của tỉnh hiện có hơn 23 km gồm: Tuyến Puốc Lốm, xã Khang Ninh - Hồ Ba Bể và tuyến hồ Ba Bể - Thác Đầu Đẳng được khai thác phục vụ du lịch. Các bến thuyền, nhà chờ thuyền được xây dựng, toàn tỉnh có khoảng 195 xuồng vận chuyển khách du lịch. Tuy nhiên, việc

34

đảm bảo an ninh vận tải đường thủy cho du khách chưa được quan tâm đúng mức. Sự buông lỏng trong công tác quản lí dẫn đến tình trạng hầu hết các nhà thuyền không thông báo du khách mặc áo phao khi lên thuyền .

Về đường sắt và đường hàng không tại Bắc Kạn chưa phát triển. Tuy nhiên với khoảng cách tới thủ đô Hà Nội chỉ khoảng 168 km đường bộ không khó khăn để khách du lịch tiếp cận với các điểm du lịch của tỉnh.

Bên cạnh những thành tựu trong phát triển hệ thống giao thông vẫn tồn tại những hạn chế như: Đường nhỏ, mặt đường xuống cấp, cầu tải trọng thấp. Hiện tại đường rẽ vào tham quan tại các điểm di tích thuộc ATK Chợ Đồn đều là đường xe tạm, xe ô tô du lịch không vào được. Nhiều nhà chờ, bến xe xuống cấp chưa được đầu tư nâng cấp ngay cả các bến xe trung tâm như bến xe thành phố Bắc Kạn.

Hệ thống điện

Bắc Kạn có 3 nhà máy thủy điện: Thủy điện Nậm Cắt công suất 3,2 Mw; thủy điện Tà Làng 4,5 Mw; thủy điện Thượng Ân 2,4 Mw, hệ thống điện lưới từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, bản [9, tr. 73]. Hiện nay 100% các xã tại Bắc Kạn đã có điện lưới quốc gia đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn. Thời gian qua ngành điện của tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng cải tạo hệ thống điện. Đặc biệt năm 2012 nhà máy thủy điện Nậm Cắt – công trình thủy điện lớn nhất tỉnh Bắc Kạn được đưa vào hoạt động. Cùng với hệ thống điện lưới quốc gia, nhìn chung đã phục vụ được sản xuất và sinh hoạt của người dân. Mặc dù vậy tình trạng cắt điện, quá tải vào những giờ cao điểm vẫn xảy ra ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và cả hoạt động kinh doanh du lịch.

Hệ thống cấp thoát nước

Bắc Kạn là đầu nguồn của 5 con sông lớn thuộc vùng Đông Bắc là sông Lô, sông Gâm, sông Kỳ Cùng, sông Bằng Giang, sông Cầu. Dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, tỉnh đã tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống thủy lợi hiện

35

có; xây dựng và củng cố hệ thống kè bờ sông, hệ thống hồ chứa. Đến nay, toàn tỉnh có 955 công trình thủy lợi lớn nhỏ, trong đó có 35 công trình hồ chứa và 742 đập dâng; 144 hệ thống kênh mương, 10 xi phông; 24 trạm bơm điện phục vụ cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt [9, tr.60]. Các công trình thủy lợi đảm bảo cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, cải tạo môi trường và an toàn cho nhân dân.

Bên cạnh đó, tỉnh đã tập trung, lồng ghép các chương trình như chương trình 135, chương trình Môi trường quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chương trình 134, chương trình 30a,… nhằm đầu tư nâng cấp, xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ và công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn. Toàn tỉnh có 4 nhà máy cung cấp nước sạch tại các huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Na Rì và thành phố Bắc Kạn. Công suất mỗi nhà máy đạt 8650 m3/ ngày đêm [9, tr. 73]. Tuy nhiên, việc cung cấp nước máy mới chỉ đáp ứng nhu cầu ở thành phố, các thị xã, trung tâm, các khu vực khác hầu như chưa có nước sạch, chủ yếu người dân tự khai thác từ các điều kiện tự nhiên như sông suối, ao hồ, các mạch nước ngầm.

Nước thải từ sinh hoạt và kinh doanh du lịch vẫn chưa được xử lí mà chủ yếu được thải trực tiếp ra môi trường từ nhiên. Đây là cũng là một trong những vấn nạn chung của rất nhiều điểm du lịch, tác động tiêu cực tới môi trường.

Hệ thống thông tin liên lạc

Cũng như các địa phương khác hiện nay Bắc Kạn có dịch vụ bưu chính viễn thông khá phát triển, đảm bảo liên lạc thông suốt và vẫn tiếp tục được đầu tư hiện đại hóa. Cổng giao tiếp điện tử và bán điện tử được đưa vào sử dụng phục vụ cho công tác quản lí và hiện đại hóa dịch vụ thông tin.Đến nay, 24/28 cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước trực thuộc tỉnh có trang/cổng thông tin điện tử, đạt 85,7%.

36

- Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ được triển khai ở 28 đơn vị cấp sở, huyện để quản lý văn bản đi đến, chuyển nhận văn bản trên môi trường mạng.

- Hệ thống thư điện tử của tỉnh đưa vào sử dụng tại địa chỉ http://mail.backan.gov.vn đến nay đã cấp cho 100% cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Hạ tầng CNTT tại các cơ quan nhà nước cũng được nâng cấp và bổ sung đảm bảo phục vụ công tác chuyên môn và đảm bảo cho 80% cán bộ, công chức của cơ quan QLNN từ cấp huyện trở lên trên địa bàn tỉnh có điều kiện sử dụng thư điện tử và khai thác thông tin trên mạng Internet phục vụ cho công việc. Hiện nay 100% các sở, ban, ngành và các huyện thị trong tỉnh đã có mạng LAN, tỷ lệ kết nối Internet đạt trên 95%; 100% xã, phường được đầu tư máy tính hỗ trợ làm việc và 65,6% xã, phường có kết nối Internet. Đến nay 100% cán bộ, công chức cấp huyện trở lên và 60% cán bộ, công chức cấp xã được phổ cập tin học cơ bản. [9, tr. 35]

Nhìn chung cơ sở hạ tầng ở Bắc Kạn có nhiều thuận lợi, nhưng bên cạnh đó không tránh khỏi những hạn chế. Vì vậy, trong thời gian tới vẫn cần đầu tư để đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu sản xuất, phục vụ du lịch của tỉnh góp phần đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp lớn vào GDP chung toàn tỉnh.

Hệ thống dịch vụ tài chính ngân hàng bảo hiểm

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 04 chi nhánh ngân hàng thương mại, 01 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội và 01 phòng giao dịch của Ngân hàng Phát triển Việt Nam đang hoạt động [9, tr 31]. Cùng với việc tập trung phát triển ở trung tâm tỉnh, thời gian qua, các chi nhánh ngân hàng cũng nỗ lực mở rộng thêm nhiều chi nhánh, phòng giao dịch ở các huyện.

Hiện tại, mạng lưới Ngân hàng Chính sách xã hội đã mở rộng các điểm giao dịch đến 122 xã, phường, thị trấn; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển

37

nông thôn có 9 chi nhánh tại các huyện và thị xã, Chi nhánh ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã nâng cấp quỹ tiết kiệm tại 03 huyện lên thành phòng giao dịch [9, tr.31].

Riêng đối với Chi nhánh Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt, dù mới đi vào hoạt động trên địa bàn từ năm 2013 nhưng ngân hàng cũng đã có những hướng đi mới nhằm mở rộng mạng lưới hoạt động. Với đặc thù thừa hưởng nhiều cơ sở vật chất từ hệ thống bưu điện trên địa bàn, hiện ngân hàng đã hoàn thành các thủ tục để tiếp nhận các phòng giao dịch tiết kiệm bưu điện tại các huyện và có định hướng nâng cấp thành các phòng giao dịch trong thời gian tới. Tuy nhiên, hệ thống dịch vụ tài chính ngân hàng bảo hiểm chưa thực sự mở rộng hoạt động để đáp ứng được các hình thức thanh toán ngày càng linh hoạt và cung cấp các dịch vụ tài chính, bảo hiểm cho khách du lịch trong và ngoài nước. Tỉnh cần có định hướng phát triển hệ thống dịch vụ này phải thỏa mãn các yêu cầu đơn giản, nhanh, chính xác, kịp thời.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu phát triển du lịch tỉnh bắc kạn (Trang 30 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(145 trang)