Hợp tác công tư trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu công tác quản lý điểm đến du lịch tại khu du lịch tam cốc – bích động (ninh bình) (Trang 69 - 72)

7. Bố cục của luận văn

2.2. Thực trạng công tác quản lý điểm đến du lịch tại KDLTam Cố c–

2.2.2.2. Hợp tác công tư trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch

KDL Tam Cốc – Bích Động thuộc quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản hỗn hợp văn hóa và tự nhiên của thế giới, do đó công tác quảng bá du lịch những năm gần đây được chú trọng và đầu tư mạnh mẽ hơn. Trung bình hàng năm Sở Du lịch Ninh Bình chi khoảng 10 tỉ để thực hiện việc quảng bá, triển lãm, tham dự hội chợ, in ấn tài liệu và sản xuất phim về du lịch. Sở đã chủ động mời và phối hợp cùng các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tuyên truyền, giới thiệu về di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, sản phẩm, dịch vụ du lịch Ninh Bình trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hình ảnh các điểm du lịch nổi tiếng của Ninh Bình như chùa Bái Đính, KDL sinh thái Tràng An, KDL Tam Cốc – Bích Động xuất hiện trên các kênh truyền hình, báo, tạp chí trung ương và địa phương như: Tạp chí du lịch, VTV2, VTC1, VTC2, VTC4, VTC9, đài truyền hình Việt Nam, đài phát thanh và truyền hình Ninh Bình, kênh truyền hình Nhật Bản TBS, NHK…[11,tr.4]. Qua tiến hành khảo sát các nguồn thông tin khách biết

đến KDL Tam Cốc – Bích Động, kết quả thu được có 82% khách biết qua internet, phương tiện truyền thông, 66% qua bạn bè, người quen, 53% qua các ấn phẩm, 25% qua công ty, đại lý du lịch và chỉ có 2% qua các hội chợ, triển lãm. Như vậy, có thể thấy, quảng bá điểm đến thông qua internet, phương tiện truyền thông là cách tiếp cận được khách hàng sử dụng nhiều nhất, sau đó tới lời giới thiệu của bạn bè, người thân, qua các ấn phẩm và cuối cùng là thông qua các hội chợ, triển lãm. Để giới thiệu điểm đến tới đông đảo khách du lịch, Trung tâm xúc tiến, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa các kênh thông tin đặc biệt là qua các công ty du lịch và các hội chợ triển lãm, bởi đây chính là những đầu nối trung gian trong việc tiếp cận khách hàng với số lượng lớn và mang tính chất lâu dài. Tuy nhiên, trên thực tế vấn đề hợp tác trong xúc tiến, quảng bá du lịch tại Tam Cốc – Bích Động còn nhiều hạn chế, cụ thể:

Các website du lịch của tỉnh như http://www.dulichninhbinh.com.vn, http://hotrodukhachninhbinh.vn/, http://www.trangandanhthang.vn được đầu tư chú trọng hơn về hình thức và nội dung, trong đó giới thiệu những thông tin liên quan tới các điểm thuộc KDL Tam Cốc – Bích Động. Tuy nhiên những thông tin này còn chung chung, thiếu các link liên kết với website riêng của doanh nghiệp. Hiện nay đối với tuyến Đình Các - Tam Cốc, doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường vẫn sử dụng website của ban quản lý cũ http://www.tamcocbichdong.com.vn với hai ngôn ngữ chính là tiếng anh và tiếng việt. Tuy nhiên, chất lượng website hạn chế, giao diện không hấp dẫn, thiếu tính tương tác trực tiếp với khách hàng, nội dung các bài viết thiếu tính hấp dẫn và đa dạng, không cập nhật trong vài năm gần đây, nhiều mục không có nội dung bài viết. Do đó, việc giới thiệu sản phẩm, dịch vụ bị hạn chế, vai trò của website không được chú trọng. Đối với công ty CPDVTMDL Doanh Sinh, hiện đang sử dụng website http://vuonchimthungnham.com/ một cách khá hiệu quả. Các công ty lữ hành hay khách du lịch dễ dàng tìm hiểu các thông tin cần thiết cũng như liên lạc với doanh nghiệp quản lý một cách thuận lợi. Các thông tin và hình ảnh của điểm được cập nhật và đổi mới liên tục, giao diện bắt mắt, dễ nhìn. Tuy nhiên, doanh nghiệp trọng tâm hướng tới đối tượng khách Việt, khách nghỉ dưỡng cuối tuần, hội nghỉ hội thảo, khách đoàn

do đó website chỉ sử dụng một ngôn ngữ là tiếng việt. Ngoài ra, các doanh nghiệp khác như công ty TNHHDVDL Bích Động, doanh nghiệp tư nhân Ngôi Sao, công ty TNHHMTVTMDL Lạc Hồng không xây dựng trang website riêng cho điểm. Do đó, các thông tin trên internet của các tuyến điểm như động Thiên Hà, hang Múa, tuyến Thung Nắng – Thạch Bích, tuyến Linh Cốc…khách du lịch tự tìm kiếm trên các website của tỉnh hay trên website khác của các công ty lữ hành và trang báo mạng. Sự liên kết giữa các website du lịch còn chưa chặt chẽ, hạn hẹp kinh phí trong quản trị website là một trong những nguyên nhân dẫn tới hiệu quả xúc tiến chưa cao.

Trong những năm qua, để tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch hướng tới thu hút khách quốc tế, trong số nhiều loại phương tiện truyền tải thông tin, các ấn phẩm đã được in nhiều hơn nhằm cung cấp cho khách du lịch tiềm năng. Các tài liệu như sách “Non nước Ninh Bình”, “Cẩm nang du lịch Ninh Bình”, bản đồ du lịch Ninh Bình, tập ảnh “Ninh Bình - mảnh đất níu chân người…” đã góp phần giới thiệu các điểm đến du lịch Ninh Bình nói chung, điểm đến KDL Tam Cốc – Bích Động nói riêng tới đông đảo đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu các ấn phẩm, tờ rơi, tập gấp về mỗi điểm du lịch trong địa bàn tỉnh Ninh Bình, hạn chế các thông tin chi tiết, cụ thể về tuyến điểm và dịch vụ, bản đồ tại mỗi điểm. Mặc dù, được in ấn với số lượng lớn, tuy nhiên vẫn còn thiếu các ấn phẩm phát miễn phí cho khách du lịch. Tại bến tàu, bến xe, các cơ sở kinh doanh, đặc biệt là cơ sở lưu trú số lượng các ấn phẩm du lịch KDL Tam Cốc - Bích Động nói riêng, du lịch Ninh Bình nói chung còn rất hạn chế.

UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo Sở Du lịch đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến điểm đến trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội chợ, hội thảo... Phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, trong đó có các doanh nghiệp đang kinh doanh tại KDL Tam Cốc – Bích Động tổ chức tham gia quảng bá, xúc tiến điểm đến du lịch Ninh Bình trong và ngoài nước. Phối hợp với các công ty lữ hành, phóng viên báo, đài về khảo sát xây dựng tour tuyến, sản phẩm du lịch và các bài viết quảng bá về di sản. Năm 2016 công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến hỗ trợ khách du lịch được đẩy mạnh với trên

20 sự kiện xúc tiến du lịch được tổ chức, tham gia, tiêu biểu như hội chợ VITM Hà Nội, ITE Hồ Chí Minh, BMTM Đà Nẵng, festival Huế, lễ hội Hoa Lư, lễ hội hoa Ban, Điện Biên, farmtrip Ninh Bình 2016. Hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến là công việc không chỉ của riêng tổ chức, cá nhân nào, đòi hỏi sự hợp tác của các bên liên quan đặc biệt giữa cơ quan quản lý du lịch và doanh nghiệp kinh doanh. Tuy nhiên, theo bảng phụ lục 05 “Hoạt động giới thiệu điểm đến KDL Tam Cốc –Bích Động năm 2016”, có thể nhận thấy, hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến KDL đã được quan tâm và thực hiện một cách khá thường xuyên. Nhưng công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý, cụ thể là Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Bình và các doanh nghiệp còn yếu và thiếu đồng bộ. Nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động xúc tiến chủ yếu từ ngân sách nhà nước, dẫn đến hạn chế trong quy mô, hình thức và chất lượng. Các hoạt động xúc tiến chủ yếu thực hiện trong nước, hoạt động ngoài nước còn yếu và chưa hiệu quả. Trong các doanh nghiệp đang khai thác tại khu du lịch, mới chỉ có doanh nghiệp tư nhân Ngôi Sao tích cực phối hợp với Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Ninh Bình trong việc tham gia farmtrip, hội chợ nhằm giới thiệu các sản phẩm dịch vụ tại động Thiên Hà. Các doanh nghiệp còn lại thiếu tính chủ động, không mặn mà trong công tác phối hợp xúc tiến. Có thể thấy, sự hợp tác công tư trong xúc tiến du lịch điểm đến còn yếu, thiếu tính liên kết, do đó cần có những giải pháp đồng bộ để nâng cao hiệu quả của công tác này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu công tác quản lý điểm đến du lịch tại khu du lịch tam cốc – bích động (ninh bình) (Trang 69 - 72)