Nâng cao chất lượng nhân lực du lịch tại điểm đến

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu công tác quản lý điểm đến du lịch tại khu du lịch tam cốc – bích động (ninh bình) (Trang 113 - 117)

7. Bố cục của luận văn

3.2. Một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý điểm đến du lịch tạ

3.2.3. Nâng cao chất lượng nhân lực du lịch tại điểm đến

Phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp kinh doanh và cơ sở đào tạo

Nâng cao chất lượng nhân lực du lịch tại điểm đến cần những giải pháp tổng thể với sự tham gia của các bên nhất là nhà nước, cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cần phối hợp với doanh nghiệp lập hệ thống cơ sở dữ liệu về lao động tại các điểm đến nói riêng và toàn tỉnh Ninh Bình nói chung. Cần có những nghiên cứu và xây dựng kế hoạch tổng thể cho phát triển du lịch của địa phương, đánh giá, dự báo được nhu cầu lao động trong tương lai. Những kế hoạch phát triển lao động du lịch cần được cụ thể hóa thành các chiến lược đào tạo cụ thể tại các cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần tạo điều kiện về chính sách trong việc thu hút nguồn lao động có trình độ cao ngoài tỉnh, bao gồm cả nguồn lao động quốc tế cũng là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng lao động tại điểm đến.

Đối với doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại KDL Tam Cốc – Bích Động cần có những phản hồi ngược lại với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cơ sở đào tạo nhằm đưa ra các yêu cầu về số lượng và chất lượng lao động trong thực tế. Phối hợp chặt chẽ với cơ sở đào tạo để xây dựng môi trường đào tạo tại chính doanh nghiệp, kết hợp giữa lý thuyết, thực hành nhằm nâng cao chất lượng lao động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tập trung vào việc thu hút và giữ chân lao động có tay nghề và chất lượng cao, cần có chính sách tuyển dụng và đào tạo lao động rõ ràng, các lao động được tuyển dụng cần được thông tin đầy đủ về các bước phát triển và thăng tiến trong doanh nghiệp, từ đó xây dựng động cơ và hướng phấn đấu dài hạn cho lao động. Đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng hạn chế tình trạng chuyển việc, nhất là với những lao động chất lượng cao.

Đối với cơ sở đào tạo cần lấy ý kiến của các doanh nghiệp nhằm đào tạo theo hướng đáp ứng yêu cầu – nhu cầu của xã hội, đồng thời gắn kết đào tạo tại trường với thực tiễn tại doanh nghiệp là một yêu cầu thường xuyên và cần thiết. Việc này cho phép cơ sở đào tạo nhận thức được yêu cầu về nguồn lực từ đó có những định hướng và giải pháp đào tạo và cung cấp nguồn lực có chất lượng. Tăng cường liên kết giữa Đại học Hoa Lư và các doanh nghiệp kinh doanh tại KDL Tam Cốc – Bích Động để đào tào và sử dụng sinh viên ngành Việt Nam học (văn hóa – du lịch). Sự liên kết này nhằm nâng cao chất lượng cho cơ sở đào tạo nghề du lịch, đồng thời đảm bảo nguồn cung du lịch

chất lượng cao. Cơ sở đào tạo nghề du lịch cử giảng viên và sinh viên đến thực tế, thực tập tại các doanh nghiệp nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng và thực tế.

Phát triển, chương trình nội dung đào tạo

Chất lượng lao động luôn là yếu tố quan trọng quyết định đến sự phát triển du lịch của mỗi điểm đến. Việc nâng cao chất lượng hay đào tạo và đạo tạo lại lao động du lịch tại KDL Tam Cốc – Bích Động là việc làm cần thiết và thường xuyên, trong đó chú trọng đến các yếu tố về thái độ, kiến thức và kỹ năng của người lao động. Trên cơ sở tiêu chuẩn các chức danh lao động du lịch, xây dựng và đưa vào áp dụng khung chương trình, nội dung bồi dưỡng, kiến thức nghiệp vụ, ngoại ngữ đối với từng đối tượng.

Đối với đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành tại các điểm du lịch cần tạo điều kiện hơn nữa trong việc đi học tập và trao đổi kinh nghiệm ở các địa phương trong và ngoài nước thành công trong phát triển du lịch. Chú trọng bồi dưỡng kiến thức du lịch cho cán bộ xã phường nơi có điểm du lịch hoạt động. Tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng anh, gắn kết quả học tập với đánh giá chất lượng hoàn thành nhiệm vụ cuối năm. Thường xuyên bồi dưỡng kiến thức về kinh tế và kinh doanh du lịch, quản lý hành chính, tâm lý khách, về môi trường và dịch vụ du lịch, văn hóa ứng xử trong hoạt động du lịch, cập nhật đường lối chính sách các văn bản quản lý phát triển du lịch, kiến thức về du lịch quốc tế, cung cấp kinh nghiệm và tiếp xúc với thực tiễn quốc tế trong phát triển du lịch…

Đối với lao động tại các doanh nghiệp: rà soát, đánh giá thực tế từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo tại chỗ, các khóa ngắn hạn bổ sung kiến thức và nâng cao kỹ năng nghề, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tập trung vào thực hành, huy động sự tham gia giảng dạy của các cá nhân có kinh nghiệm và tay nghề cao. Đối với từng đối tượng lao động cần có chương trình đào tạo gắn với thực tế riêng như các khóa đào tạo về kỹ năng thực hành nghề. Định kỳ hàng năm tổ chức các cuộc thi mang tính chất nghiệp vụ, tay nghề. Chú trọng mở các lớp tập huấn thuyết minh, đặc biệt là các lớp ngoại ngữ cho đội ngũ thuyết minh viên. Hiện nay số lượng thuyết minh viên tại điểm còn hạn chế,

các doanh nghiệp cần tuyển dụng làm mạnh thêm đội ngũ này, chú ý đảm bảo số lượng phục vụ khách nội địa và quốc tế. Đồng thời cần thường xuyên nâng cao và kiểm tra đánh giá thái độ, kiến thức, kỹ năng của họ trong quá trình làm việc. Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng các bài thuyết minh mẫu, để những người chèo thuyền cũng có thể trở thành những người hướng dẫn, giới thiệu cho khách du lịch về những nét hay độc đáo của quê hương mình.

Đối với các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ du lịch nhỏ lẻ cần tuyên truyền làm cho họ nhận thức rõ và tạo điều kiện thuận lợi để họ đăng ký kinh doanh. Phương pháp giáo dục, đào tạo kiến thức và kỹ năng phục vụ du lịch cho đối tượng này tốt nhất là bắt đầu từ nhóm nhỏ, thông qua nhóm nhỏ theo cách “cầm tay chỉ việc”. Phương pháp này có nghĩa là chọn nhóm nhỏ để giáo dục và đào tạo từ đó nhân rộng ra. Nội dung được giảng trong các khóa học phải đơn giản, dễ hiểu phù hợp với trình độ và yêu cầu đặt ra của hoạt động du lịch với lao động địa phương. Chú trọng đào tạo ngoại ngữ (những câu giao tiếp cơ bản) hoặc cung cấp những kiến thức về môi trường, pháp luật, an ninh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm…các kỹ năng phục vụ, trang phục vệ sinh cá nhân…

Đối với những cơ sở cung ứng hàng hóa và dịch vụ du lịch, cần được bổ sung theo hướng có kiến thức rộng, biết nhiều, biết sâu về loại dịch vụ mà mình cung cấp. Yêu cầu đối với các cơ sở cung ứng hàng hóa dịch vụ tại các điểm du lịch đảm bảo nhà vệ sinh đạt chuẩn, bãi đậu xe, bảng niêm yết giá cả minh bạch, phải ký bản cam kết hợp đồng toàn diện (giờ hoạt động, thực đơn đồ dùng, dụng cụ phục vụ, đồ đạc và trang trí, tuân thủ quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả, an ninh, an toàn) với các cơ quan có thẩm quyền.

Đối với dân cư tại điểm đến cần có những đánh giá kết quả sau những khóa tập huấn tuyên truyền, từ đó có những thay đổi trong nội dung và hình thức giảng dạy phù hợp. Tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương thông qua nhiều kênh khác nhau như: tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của thôn xóm, vẽ các pano, áp phích tại các nơi tập trung đông dân cư, tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ thôn xóm, phát các tài liệu tờ rơi về quy tắc ứng xử du lịch, nội dung bảo vệ môi trường tự nhiên, xã hội…Các nội

dung tuyên truyền cần đơn giản, dễ nhớ, góp phần nâng cao nhận thức và huy động cộng đồng địa phương tham gia vào phát triển du lịch. Chính quyền địa phương cần phối hợp thường xuyên với Sở Du lịch, các doanh nghiệp khai thác du lịch Tam Cốc – Bích Động tổ chức định kỳ các đợt tập huấn, nội dung tập trung vào các kiến thức thực tế, đào tạo các kỹ năng, kiến thức chuyên môn từ việc đón tiếp đến cung cấp các sản phẩm du lịch, các kỹ năng về giao tiếp, bán hàng, xử lý tình huống,...Tổ chức các lớp ngắn hạn từ 1-3 tháng hướng tới đào tạo ngoại ngữ giao tiếp cơ bản cho những lao động trực tiếp tham gia phục vụ khách du lịch. Chính quyền phối hợp với doanh nghiệp có chế tài xử phạt để buộc người dân tham gia các lớp tập huấn về an toàn đường thủy, cấp chứng chỉ chuyên môn. Tạo điều kiện tổ chức cho người dân đi tham quan học hỏi kinh nghiệm ở một số làng bản đã xây dựng thành công mô hình làng du lịch như Bản Lác (Mai Châu – Hòa Bình), làng làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), làng rau Trà Quế (Quảng Nam)… Để đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm, đối tượng được cử đi học tập kinh nghiệm là người đứng đầu các hội, nhóm, câu lạc bộ như hội trưởng phụ nữ, hội trưởng cựu chiến binh… hay một số người làm du lịch giỏi có tiếng nói trong cộng đồng địa phương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu công tác quản lý điểm đến du lịch tại khu du lịch tam cốc – bích động (ninh bình) (Trang 113 - 117)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(149 trang)