Thứ nhất, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho người nghèo
Phòng Lao động thương binh và xã hội trình UBND huyện duyệt danh sách các hộ nghèo để thực hiện chương trình. Ban quản lý điều hành các nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm gồm các thành viên: Phòng Lao động thương binh và xã hội, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến
binh, Ủy ban Mặt trận tổ quốc huyện mỗi năm họp hai lần để xây dựng và thống nhất các chương trình và báo cáo giải quyết việc làm và giảm nghèo. Trên cơ sở đó có các văn bản hướng dẫn cụ thể để chỉ đạo UBND các xã, thị trấn làm thủ tục cho các hộ nghèo chuẩn mực được vay vốn ở Ngân hàng Chính sách thông qua các dự án đã được duyệt và thông qua nguồn vốn vay của Chính phủ.
Trong cả giai đoạn từ năm 2006 - 2013 có khoảng hơn 20.000 người được vay vốn, như vậy tính trung bình hằng năm có khoảng gần 3.000 người được vay vốn từ các nguồn khác nhau, nhưng chủ yếu là nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Cụ thể năm 2009 cho 2.100 lượt hộ nghèo, cận nghèo, HSSV vay vốn với tổng số vốn vay là 24.571 triệu đồng [79].
Năm 2010 đã giải quyết cho 1.156 lượt hộ nghèo, cận nghèo, HSSV được vay vốn với số vốn vay là 21.368 triệu đồng [80].
Năm 2011 tổng số vốn cho 3.116 lượt hộ nghèo, cận nghèo và HSSV vay là 34.718 triệu đồng [81].
Ngoài ra, Đảng bộ huyện còn chú trọng các hình thức khác để huy động vốn thực hiện chính sách tín dụng cho người nghèo. Đó là các nguồn vốn được huy động từ các tổ chức xã hội, từ chương trình vay vốn Việt - Đức…
Chương trình vay vốn Việt - Đức là chương trình hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức do Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức tài trợ. Ban đầu chương trình chỉ giới hạn ở đối tượng là những người từ Cộng hòa liên bang Đức trở về Việt Nam, tuy nhiên sau này đối tượng của chương trình được mở rộng hơn.
Trong những năm qua, thực hiện dự án tín dụng vay vốn Việt - Đức, Phòng LĐTB&XH (cơ quan thường trực của dự án) phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo cho 1.008 lượt hộ nghèo vay vốn với tổng số tiền là 5.633 triệu đồng, doanh số thu nợ 3.477 triệu đồng [81], [85]. Các hộ được vay vốn của dự án đều sử dụng vốn đúng mục đích,
có hiệu quả, không có trường hợp khê đọng hoặc không trả được vốn, đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu chương trình xóa đói giảm nghèo của huyện.
Thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ vốn sản xuất cho người nghèo đã trở thành một nguồn lực quan trọng giúp hàng ngàn hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh nói chung và của huyện nói riêng.
Thứ hai, thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục đào tạo
Trong 8 năm qua, Phòng LĐTB&XH huyện Ý Yên đã phối hợp chặt chẽ với các phòng ban hữu quan thực hiện có hiệu quả chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học bổng, trợ cấp xã hội và hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh nghèo ở các cấp học, nhất là bậc mầm non; tiếp tục thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên, nhất là sinh viên nghèo. Hằng năm số học sinh được hỗ trợ miễn, giảm học phí đều tăng.
Thực hiện Quyết định số 62/2005/QĐ-TTg ngày 24/3/2005 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phổ cập giáo dục trung học cơ sở, số học sinh được hỗ trợ là con em hộ nghèo khoảng 11.653 học sinh được miễn giảm học phí [81]. Ngoài số học sinh được miễn học phí 100%, học sinh các hộ nghèo và cận nghèo còn được trợ cấp một lần để mua sách, vở và đồ dùng học tập với mức trợ cấp một lần như sau:
Học sinh lớp 6, lớp 7: Trợ cấp 120.000 đồng/năm học/học sinh. Học sinh lớp 8, lớp 9: Trợ cấp 140.000 đồng/năm học/học sinh.
Thực hiện Thông tư liên tịch số 53/1998/TTLT/BGDĐT-BCT- BLĐTBXH ngày 15/8/1998 của Liên Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động TB&XH về ưu đãi học sinh, sinh viên đang học ở các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, dạy nghề.
Thông tư liên tịch số 18/2009/TTLT/BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 3/9/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 53/1998 đến ngày
30/6/2013 đã làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho hơn 14.000 em là con em hộ nghèo để làm thủ tục giảm học phí cho sinh viên.
Triển khai thực hiện có hiệu quả và đúng quy định Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015. Từ năm học 2010-2011 Phòng Giáo dục đã kết hợp với các phòng, ban có liên quan tiến hành làm thủ tục hỗ trợ miễn học phí cho 1.275 học sinh thuộc diện hộ nghèo, và hỗ trợ giảm 50% học phí cho học sinh thuộc diện hộ cận nghèo [83].
Huyện đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học để trẻ em nói chung và trẻ em con hộ nghèo, cận nghèo nói riêng có điều kiện học tập thuận lợi; ưu tiên đầu tư trước cho các cơ sở trường, lớp học ở các xã nghèo theo tiêu chí nông thôn mới. Trên toàn huyện đã xây mới được 3 trường và đầu tư, sửa chữa 5 trường khác đạt tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia. Tiếp tục thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi đối với học sinh, sinh viên nhất là sinh viên nghèo, sinh viên thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài việc quan tâm đến học sinh thuộc diện nghèo và cận nghèo, Huyện Ý Yên còn thực hiện chính sách ưu đãi, thu hút đối với giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, trực tiếp giúp đỡ về vật chất cũng như động viên về tinh thần đối với những giáo viên công tác ở những xã nghèo và những giáo viên có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời ở mỗi xã cũng đã khuyến khích xây dựng và mở rộng “Quỹ khuyến học”. “Quỹ khuyến học” được thành lập tại 32/32 xã, thị trấn của huyện với mục đích khuyến khích động viên những học sinh có thành tích học tập tốt đặc biệt là con em các gia đình nghèo đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Quỹ. “Quỹ khuyến học” ở các xã đều hoạt động có hiệu quả và hằng năm đều có những hội nghị sơ kết, tổng kết cấp xã và cấp huyện. Năm 2006, “Quỹ khuyến học” đã trao gần 200 xuất quà, trị giá mỗi
xuất quà 100.000 đồng cho học sinh thuộc diện hộ nghèo. Mỗi năm, số lượng học sinh được “Quỹ khuyến học” trao học bổng đều tăng. Cụ thể năm 2006 quỹ đã trao 76 xuất học bổng; năm 2007 là 84 xuất học bổng; năm 2008 là 90 xuất học bổng; năm 2009 là 95 xuất học bổng…tổng cộng trong 8 năm có 791 xuất học bổng được trao cho học sinh thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo nhưng có thành tích tốt trong học tập [81], [85].
Huyện Ý Yên đã tăng cường nhiều chính sách giáo dục như: miễn giảm học phí và các khoản đóng góp; hỗ trợ sách giáo khoa, giấy vở học sinh con hộ nghèo; hỗ trợ học bổng...Học sinh, sinh viên là con em hộ nghèo được tạo những điều kiện thuận lợi để vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, từ đó góp phần không nhỏ trong việc giải quyết những khó khăn về kinh tế giúp những gia đình còn nghèo khó có động lực và điều kiện giúp con em mình được học hành đầy đủ. Giải quyết về cơ bản bài toán phổ cập trong giáo dục, thúc đẩy nền giáo dục cả huyện nhất là với một địa phương có truyền thống hiếu học như huyện Ý Yên.
Thứ ba, thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo về nhà ở
Nhà ở của hộ nghèo trong huyện chủ yếu là nhà cấp 4, có một phần nhỏ trong số những hộ nghèo là còn nhà tranh tre, nứa lá hoặc nhà lợp ngói xuống cấp thì đều rơi vào diện hộ nghèo có người tàn tật , tâm thần, người già cô đơn, người đơn thân. Ủy ban MTTQ huyện và ban vận động quỹ “ Vì người nghèo” phối kết hợp với các cơ quan, đơn vị và UBND các cấp trong các năm từ 2006 - 2012 đã sửa chữa và xây mới cho 2.434 hộ gia đình nghèo [81], [85].
Căn cứ vào Quyết định số 167/QĐ- TTg ngày 12/12/2008 về việc hỗ trợ nhà ở cho hộ gia đình nghèo (thường được gọi là Chương trình 167). Mục đích của Chương trình 167 là hỗ trợ các hộ nghèo để có nhà ở ổn định, an toàn, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững. Đối tượng của Chưong trình 167 là: hộ nghèo ở khu vực nông thôn chưa có nhà (hoặc nhà tạm bợ, nhà đã hỏng) và không thuộc diện đối tượng
của Chương trình 134. Các đối tượng trên sẽ nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ theo một trật tự ưu tiên quy định trong Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg. Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng được một căn nhà có diện tích sử dụng tối thiểu 24m²; tuổi thọ căn nhà từ 10 năm trở lên.
Nhờ Chương trình 167, người nghèo tự tin hơn, chủ động vươn lên trong cuộc sống; đồng thời, khơi dậy truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái của cộng đồng cùng chung sức trợ giúp người nghèo, người có công cải thiện nhà ở; góp phần thay đổi diện mạo tại các địa phương. Có nhà ở an toàn, ổn định, gần 200 hộ nghèo được hỗ trợ theo Chương trình 167 đã an cư, lạc nghiệp, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế để từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu XĐGN, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong Chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011 - 2015, đã có những thay đổi, bổ sung phù hợp với tình hình mới. Tại thời điểm 2008, giá thành căn nhà diện tích 24m2, tuổi thọ từ 10 năm trở lên khoảng 25 triệu đồng. Theo quy định, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ 7,2 triệu đồng/hộ, riêng đối với những hộ cư trú tại vùng khó khăn theo Quyết định 30/2007/QÐ-TTg thì Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ với mức 8,4 triệu đồng/hộ, Ngân hàng Chính sách xã hội của huyện cho vay mức 8 triệu đồng/hộ. Phần còn lại do hộ gia đình tham gia đóng góp và sự ủng hộ, giúp đỡ của cộng đồng. Tuy nhiên, theo tính toán tại thời điểm năm 2011, giá thành xây dựng căn nhà có diện tích tương đương lên khoảng 35 - 40 triệu đồng. Như vậy, mức hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước tăng lên 12 triệu đồng/hộ. Chương trình 167 giai đoạn 2 (2011 - 2015) đã tiếp tục được triển khai với việc mở rộng đối tượng được thụ hưởng chính sách. Theo đó trên địa bàn huyện đã có 106 hộ gia đình được hưởng lợi từ Chương trình, 104/106 căn nhà được xây mới, đạt 98% kế hoạch đề ra, với số tiền hỗ trợ trên 1.248 triệu đồng từ Ngân hàng Nhà nước [85].
Ngoài tiền hỗ trợ của Nhà nước, tiền vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, nhiều địa phương còn lồng ghép các nguồn vốn nhằm gúp hộ nghèo có thêm tiềm lực xây nhà kiên cố. Đặc biệt, một số xã được hỗ trợ từ các doanh nghiệp Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam hỗ trợ xã Yên Trung, Yên Bình xóa hàng trăm nhà tạm.
Cùng với việc triển khai thực hiện Chương trình 167, Thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Lao động TB&XH huyện, UBND các xã thị trấn đã lập danh sách các hộ nghèo cần được hỗ trợ về nhà ở. Năm 2006 toàn huyện có 14 căn nhà được xây mới; năm 2007 có 49 căn nhà được xây mới; năm 2008 là 42 căn nhà, năm 2009 là 25 căn nhà được khởi công xây mới; năm 2010 là 33 căn nhà; năm 2011 là 66 căn nhà; năm 2012 là 12 căn nhà; năm 2013 có 72 căn nhà được xây mới. Phòng LĐTB&XH đã hỗ trợ cho tổng số 317 hộ làm nhà mới, sửa chữa cho tổng số 118 căn nhà tạm với tổng số kinh phí xây mới và hỗ trợ sửa chữa nhà lên tới gần 20 tỷ đồng [81], [85].
Thứ tư, thực hiện chính sách hỗ trợ y tế cho người nghèo
BHYT toàn dân nói chung, cấp thẻ BHYT miễn phí cho người nghèo, cận nghèo là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân. Cùng với việc cấp phát thẻ BHYT cho người nghèo, cận nghèo, huyện cũng đã chỉ đạo cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế triển khai công tác khám, chữa bệnh BHYT về Trạm Y tế các xã, thị trấn, tạo điều kiện cho người có thẻ BHYT, nhất là người nghèo được khám, chữa bệnh ngay tại nơi mình sinh sống. Bên cạnh đó, UBND huyện, Phòng Y tế cũng đã quan tâm, đầu tư tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị y tế, cải thiện điều kiện làm việc cho các cơ sở y tế, mang lại nhiều lợi ích cho người có thẻ BHYT. Chính vì vậy số người nghèo có thẻ BHYT được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế hiện đại tại cộng đồng ngày một nhiều.
Căn cứ vào Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo, đối tượng được áp
dụng theo Quyết định này là người nghèo theo quy định hiện hành về chuẩn hộ nghèo quy định tại Quyết định số 1143/2000/QĐ-LĐTBXH ngày 01/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg ngày 01/03/2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ- TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo. Đối tượng áp dụng Quyết định này là người nghèo thuộc hộ nghèo theo chuẩn nghèo hiện hành. Theo đó thì người nghèo được cấp thẻ BHYT, được hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, một phần chi phí đi lại…
Tỷ lệ hộ nghèo được cấp BHYT đạt 100%, trừ những người đã có BHYT ở các kênh khác. Năm 2009 đã cấp thẻ BHYT cho 16.595 người với số tiền 3.617,784 triệu đồng. Năm 2010 đã cấp thẻ BHYT cho 12.181 người với tổng số tiền 4.615,805 triệu đồng. Năm 2011 đã cấp thẻ BHYT cho 18.366 người nghèo với số kinh phí lên tới 7.901,053 triệu đồng. Năm 2012 cấp 15.981 thẻ BHYT với số tiền là 11.047,945 triệu đồng. Năm 2013 cấp 18.085 thẻ BHYT được cấp với số kinh phí là 13.537,256 triệu đồng. Như vậy, riêng chỉ tính từ năm 2009 - 2013 đã có 81.208 người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế với tổng số tiền hỗ trợ lên tới 40.719,834 triệu đồng [79], [80], [82], [83], [84], [85].
Ngoài hỗ trợ về cấp thẻ BHYT miễn phí, người nghèo còn được Bệnh viện đa khoa huyện tổ chức các đợt khám bệnh miễn phí về từng xã. Mỗi năm trung bình có khoảng 2 đợt khám bệnh về cấp xã có sự phối hợp giữa trạm y tế các xã, bệnh viện đa khoa huyện Ý Yên và một số bệnh viện lớn ở tuyến trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt – Đức….Người nghèo có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế và đội ngũ y, bác sỹ có tay nghề cao. Qua những đợt khám bệnh như vậy rất nhiều người nghèo biết được tình hình sức khỏe của mình và nhờ đó chữa trị kịp thời.