- Phân biệt tục ngữ và thành ngữ
2.2. Tục ngữ Thăng Long – Hà Nội phản ánh văn hóa ứng xử gia đình – họ
họ hàng, tổ tiên
Tổ tiên theo quan niệm của người Việt Nam, trước hết là những người cùng huyết thống, như cha, mẹ, ông, bà, cụ, kỵ v.v... là người đã sinh ra mình. Tổ tiên cũng là những người có công tạo dựng nên cuộc sống hiện tại như các vị "Thành hoàng làng", các "Nghề tổ". Không chỉ thế, tổ tiên còn là những người có công bảo vệ làng xóm, quê hương, đất nước khỏi nạn ngoại xâm như Trần Hưng Đạo. Tổ tiên trong tín ngưỡng của người Việt Nam còn là "Mẹ Âu Cơ", còn là "Vua Hùng", là người sinh ra các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam.
Cội, nguồn là cách gọi họ hàng, tổ tông của dân gian. Cách gọi này khẳng định mối quan hệ gắn bó của con cháu với tổ tông, họ hàng là một điều tất yếu. Người Hà Nội coi trọng tổ tiên và sống vì cái ân, cái nghĩa đối với cha ông của mình chứ không vì vật chất tầm thường. Điều quan trọng với họ là sự gắn bó, hòa thuận, đoàn kết giữa những người trong dòng tộc, biết dựa vào quan hệ này để tạo sức mạnh trong làm ăn, sinh sống.
Truyền thống gia phong là truyền thống đạo đức gia đình, của dòng tộc được giữ gìn và tiếp nối qua nhiều thế hệ. Theo phong tục tập quán người Việt, các thành viên trong gia đình thường về tụ hội đông đủ vào dịp Tết Nguyên Đán hàng năm. Ngoài ra các dịp đám cưới, đám tang, đám giỗ cũng là thời gian để các thành viên trong gia đình tập hợp lại. Ông cha ta luôn tôn trọng tục lệ “ăn giỗ” ở nhà một vị tộc trưởng hoặc đích tôn, vì những người này chịu trách nhiệm cúng giỗ ông bà. Đây là một tục lệ mang nhiều ý nghĩa sâu xa.
Ngày giỗ Tổ, con cháu tập trung ở từ đường để cùng nhau tưởng nhớ tổ tiên. Tục ngữ Hà Nội đã phản ánh rõ nét lối sống đó của nhân dân:
Bà con vì tổ vì tiên, không phải vì tiền vì gạo.
TNHN III tr.107
Người trong họ luôn mong có sự gắn kết vì cội nguồn. Trong quan hệ gia đình – họ hàng, tổ tiên, tục ngữ luôn nhắc đến biểu hiện sự tin tưởng vào sức mạnh đoàn kết của những người trong họ tộc, đồng thời nhắc nhở mỗi thành viên phải sống có nhân nghĩa, sống hướng về nguồn cội:
Sống về mồ về mả, chẳng ai sống về cả bát cơm.
TNHN III tr.172
Việc thờ phụng tổ tiên là để thể hiện lòng tri ân đối với công ơn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất. Con cháu bày tỏ lòng thành kính và biết ơn đối với các thế hệ đã có công sinh thành và nuôi dưỡng con cháu nên người. Các cụ xưa thường dạy: con người ta phải có tổ tiên mới có các thế hệ hiện nay. Con cháu không nhớ đến công ơn tổ tiên, chính là quên mất nguồn gốc bao đời của mình.
Chim có tổ, người có tông.
TNHN III tr.119
Bên cạnh đó, thờ phụng tổ tiên lại có ý nghĩa thiết thực, sâu sắc, giúp cha mẹ giáo dục con cháu lòng biết ơn tổ tiên, dòng họ của mình; học tập tấm gương đạo đức, nhân cách trong sáng của họ, tinh thần lao động cần cù, họ đã
vượt qua bao khó khăn, gian khổ, mới nuôi dưỡng được các thế hệ con cháu. Đồng thời, phong tục thờ phụng tổ tiên tạo nên cơ hội tốt nhất, là mục tiêu để phát triển mối quan hệ anh em, họ hàng cùng dòng họ, cùng nguồn gốc máu mủ chung. Chính điều này đã gắn bó không chỉ các thành viên của gia đình nhỏ (cha mẹ, con cái) mà còn củng cố mối quan hệ họ hàng, dòng họ, cùng chung một ông Tổ. Từ đó gắn bó thêm các mối quan hệ chú bác, cô dì, con cháu bên nội, bên ngoại .v..v… Những ngày giỗ, ngày tết là những dịp để tập hợp đầy đủ họ hàng, thân thích gần xa. Họ gặp mặt nhau, trước là để cúng bái tổ tiên, sau là để chuyện trò, thăm hỏi, chia sẻ vui buồn, khó khăn, tìm cách giúp đỡ nhau.
Mối quan hệ họ hàng, dòng họ đến nay được duy trì, củng cố chính từ phong tục thờ cúng tổ tiên vẫn đang được thực hiện ở nhiều gia đình Việt Nam và được tổ chức ngày càng nề nếp hơn. Những ngày giỗ tết của gia đình đâu có phải chỉ cần tổ chức mâm cao, cỗ đầy, đó chỉ là hình thức bề ngoài. Điều quan trọng là cái tâm, là việc làm chính đáng hàng ngày của con cháu. Đây cũng là một dịp để giáo dục con cái biết phát huy và làm rạng rỡ thêm công đức, việc làm tốt đẹp của tổ tiên, ông cha các thế hệ đã qua. Ông bà, tổ tiên để lại cho con cháu những giá trị văn hóa cổ truyền. Con cháu có nghĩa vụ tiếp nối, duy trì, phát triển.
Có thể nói, gia đình, họ tộc có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó với làng xã, cộng đồng. Gia đình có mạnh, họ tộc có lớn thì làng xã, cộng đồng mới vững bền. Trong mối quan hệ gia đình không chỉ chất chứa tình yêu thương mà có khi còn có khoảng cách hai thế hệ. Tuy nhiên, cha mẹ và con cái đều không thể thay thế, không ai lựa chọn được cha mẹ sinh ra mình và cha mẹ cũng không phải là người hoàn hảo. Cuộc sống gia đình sẽ ấm áp và hạnh phúc hơn khi mỗi thành viên biết quan tâm và chia sẽ với nhau những vấn đề trong cuộc sống.
TIỂU KẾT CHƢƠNG 2
Trong chương 2, chúng tôi tiến hành khảo sát, nghiên cứu các câu tục ngữ phản ánh văn hóa ứng xử trong gia đình của người Hà Nội, về cơ bản chia làm 4 mối quan hệ:
Tục ngữ về mối quan hệ cha mẹ – con cái. Tục ngữ về mối quan hệ vợ – chồng. Tục ngữ về mối quan hệ anh – chị em. Tục ngữ về mối quan hệ họ hàng, tổ tiên.
Có thể nói, sự phản ánh quan hệ gia đình trong tục ngữ lưu hành ở tiểu vùng Thăng Long – Hà Nội là sự phản ánh phong phú, chân thực các mối quan hệ gia đình ở nhiều góc độ. Gia đình Việt Nam nói chung hay gia đình người Hà Nội nói riêng luôn gắn với giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Mọi nết ăn, nết ở,
hành vi ứng xử của con người trong mỗi gia đình Hà Nội đều xuất phát từ cái gốc văn hóa của người Việt. Ngay từ thời nguyên thủy cho tới hiện nay, không phụ thuộc vào cách kiếm sống, gia đình luôn tồn tại và là nơi để đáp ứng những nhu cầu cơ bản cho các thành viên trong gia đình.
Tục ngữ về văn hóa ứng xử trong gia đình ở tiểu vùng Thăng Long – Hà Nội là một nguồn tư liệu quý phản ánh nhiều mặt các mối quan hệ trong đời sống hàng ngày của người dân Hà Nội. Cùng với các nguồn tư liệu khác, hệ thống các câu tục ngữ này giúp chúng ta nhìn nhận và đối chiếu nhiều khía cạnh khác nhau về các mối quan hệ trong gia đình người Hà Nội xưa và nay.
CHƢƠNG 3
TỤC NGỮ TIỂU VÙNG THĂNG LONG – HÀ NỘI PHẢN ÁNH VĂN HÓA ỨNG XỬ
QUA CÁC PHONG TỤC TẬP QUÁN CỦA CON NGƢỜI
Đồng bằng Bắc Bộ là cái nôi của nền văn hóa dân tộc, cái nôi của văn hiến. Xưa nay vẫn có thành ngữ “sĩ phu Bắc Hà” chính là nói về nền văn hiến ở khu vực này.
“Phong là nền nếp đã lan truyền rộng rãi. Tục là thói quen lâu đời. Nội dung phong tục bao hàm mọi mặt sinh hoạt xã hội” [62, tr.3]. Theo các sách Trung Quốc, khái niệm phong tục mang màu sắc Nho giáo và có tính giai cấp rõ rệt vì người đề xướng là quý tộc, thống trị, người noi theo là chúng dân bị trị. Nhưng với người Việt thì khái niệm phong tục được hiểu với tính toàn dân. Đó là những lề thói quy định cách sống của cá nhân cũng như một đơn vị cư dân trong mối tương quan với toàn bộ xã hội, đất nước. Mỗi nước có một phong tục riêng. Phong tục của cả nước có lề thói riêng của từng vùng. Mỗi vùng đóng góp những phong tục của mình vào phong tục chung, tạo nên sự phong phú cho diện mạo sinh hoạt tinh thần và vật chất của một dân tộc.
Hà Nội cũng vậy. Từ xưa đã hình thành một vùng văn hóa Kinh kỳ mà các đặc trưng cũng đã được đúc kết trong câu tục ngữ:
Khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ.
Phong tục tập quán của Hà Nội vận hành trên nền phong tục tập quán của cả nước, nhưng có sắc thái riêng, đường nét riêng.