- Phân biệt tục ngữ và thành ngữ
2.1. Tục ngữ Thăng Long – Hà Nội phản ánh văn hóa ứng xử gia đình
2.1.1. Mối quan hệ cha mẹ – con cái
Trong xã hội Việt Nam xưa kia, với lý tưởng thống nhất – ổn định – trật tự –
hòa mục của Nho học, người ta đề cao, biểu dương mẫu hình gia đình có gia giáo,
gia lễ, gia pháp, gia phong mà mỗi người trong gia đình phải tuân thủ theo hết sức nghiêm ngặt. Nội dung giáo dục gia đình nhằm duy trì lễ nghĩa được coi là tiêu chí quan trọng nhất, vì đó là cơ sở nền tảng đảm bảo cho sự ổn định, trật tự của xã hội.
Tục ngữ Việt nói chung và tục ngữ Thăng Long – Hà Nội nói riêng khẳng định cha mẹ là chỗ dựa cho con cái. Trách nhiệm chính của cha mẹ đối với con là nuôi nấng, dạy dỗ con thành người có ích cho xã hội. Sống dưới chế độ phụ quyền trong gia đình Việt, người cha có vai trò quan trọng đối với con trên những khía cạnh quan trọng nhất của cuộc sống, người mẹ đóng vai trò quan trọng
trong việc chăm sóc con. Quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ máu mủ ruột rà, là thiêng liêng nhất. Sự thiêng liêng không chỉ đơn thuần nằm ở mối quan hệ di truyền và huyết thống, mà đó còn là tất cả tình người, tính giáo dục, đạo đức của hai thế hệ, trước và sau, thế hệ sinh và thế hệ được sinh ra. Dù ở trong thời đại nào thì những đứa con lần lượt ra đời và lớn lên cũng được bàn tay cha mẹ chăm sóc, yêu thương. Bởi vậy, mọi hành động thường ngày của cha mẹ đều có ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành nhân cách của con cái. Cha mẹ không chỉ che chở, bảo vệ con cái mà còn là tấm gương mẫu mực về đạo đức và lối sống cho con cái noi theo. Mối quan hệ của cha mẹ như vậy được xem là nền tảng ban đầu, là cơ sở phát sinh các mối quan hệ đạo đức xã hội về sau.
Chúng ta đều biết, gia đình là tế bào của xã hội. Xã hội đã khác xưa, không cớ gì tế bào của nó lại không thay đổi. Gia đình truyền thống giờ đã biến đổi thích nghi với điều kiện xã hội hiện nay để trở thành những gia đình hiện đại. Trong đó sự thay đổi lớn nhất chính là những giá trị văn hóa.
Nói đến văn hóa gia đình, trước tiên nói đến văn hóa ứng xử giữa các thành viên trong gia đình. Nếu như trước kia, bố mẹ luôn là người có tiếng nói rất quan trọng, thể hiện rất rõ quyền uy đối với con cái, con cái chỉ biết nghe và chịu sự chi phối rất rõ nét thì ngày nay, con cái đã được đối thoại với cha mẹ, được trao đổi, thảo luận nhiều vấn đề trong cuộc sống. Con cái có thể nói lên những nguyện vọng, những chính kiến riêng của mình. Cha mẹ không chỉ đơn thuần là những người bề trên dạy bảo con cái mà hơn thế, trong rất nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình thành thị và trí thức, cha mẹ còn là những người bạn sẵn sàng chia sẻ tâm tư, tình cảm với con cái. Các bậc cha mẹ ngoài việc nuôi nấng con cái về thể chất, còn phải nuôi con cái bằng đạo đức và lòng yêu thương chân thành. Trong văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng, lòng yêu thương con cái của các bậc làm cha mẹ được thể hiện rất rõ. Tục ngữ Việt Nam có câu “Mẹ già
trăm tuổi thương con tám mươi” chính là thể hiện sự yêu thương con cái hết mực
Khi một đứa trẻ được sinh ra, chúng được dạy dỗ, chăm sóc, yêu thương, bảo vệ trong vòng tay của những người thân xung quanh và được lớn lên bằng bầu sữa ấm nóng ngọt ngào của người mẹ. Tình cảm, mối quan hệ huyết thống giữa cha mẹ và con cái, không chỉ tồn tại ở một vài xã hội nhất định mà nó bắt đầu ngay từ khi tạo hóa sinh ra loài người trên trái đất này. Nói như GS. Trần Quốc Vượng thì đó là nguyên lý cùng cội nguồn, một trong ba nguyên lý cơ bản tập hợp con người thành xã hội, khiến con người trở thành một sinh vật của xã hội. Chính vì thế, tình cảm giữa cha mẹ – con cái và ngược lại, đạo làm con đối với mẹ cha là nền tảng để xây dựng những mối quan hệ tình cảm khác trong xã hội chúng ta. Ở Việt Nam, từ xã hội phong kiến cho đến ngày nay, người phụ nữ tuy không phải là trụ cột chính trong gia đình, đôi khi còn bị tước bỏ quyền lợi nhưng lại giữ một chức trách vô cùng quan trọng và thiêng liêng. Đó là làm mẹ. Những đạo lí cơ bản để thành người là điều người mẹ nào cũng dạy cho con mình, đều mong cho con mình lĩnh hội những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Tất cả tâm huyết, tấm lòng của mẹ lúc nào cũng bao la, rộng lớn, lúc nào cũng hướng về con, che chở cho con. Chẳng thế mà, ông cha thường nói:
Phúc đức tại mẫu.
Quan niệm này không chỉ khẳng định lại vị trí mà còn nâng tầm quan trọng của thiên chức làm mẹ lên cao hơn. Nhưng cũng đè nặng thêm trách nhiệm của mẹ – làm sao nuôi dạy con cái khôn ngoan, trưởng thành. Đối với người dân Việt, chữ “hiếu” nặng hai vai nhưng bao giờ cũng nghiêng về bên mẹ.
Cũng như tình mẹ, công cha lớn lao và thiêng liêng vô cùng! Mặc dù
“Cha sinh không tày mẹ dưỡng” nhưng bao giờ trong tâm hồn, trong suy nghĩa của
con, người cha giống như một tấm gương lớn để con soi mình, để con học tập. Tình cảm của mẹ được thể hiện một cách rõ ràng, dễ thấy. Nhưng tình thương của cha thì luôn chìm lắng, lặng thầm. Cha đã dạy cho con nhiều điều bổ ích với những quy luật tất yếu trong cuộc sống. Trong xã hội phong kiến xưa, người cha có một vị trí quan trọng đối với gia đình. Người cha giống như người dẫn đường cho con bước đi, là người hướng cho con ánh sáng trong đời. Cha mẹ là chỗ dựa vững chắc
nhất cho con cái. Đối với con, cha mẹ là người dẫn đường chỉ lối, là người nâng bước con đến những thành công trong cuộc sống. Trong văn hoá ứng xử phương Đông, đặc biệt trong văn hóa ứng xử gia đình Hà Nội rất coi trọng chữ hiếu:
Đói lòng ăn hột chà là Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.
Khổng Tử cho rằng: Bất hiếu cha mẹ thờ kính vô ích. Do đó, phụng dưỡng cha mẹ là trách nhiệm, là bổn phận của đạo làm con.
Bên cha cũng kính, bên mẹ cũng vái.
TNHN III tr.109
Thăng Long – Hà Nội là nơi hội tụ văn hóa của bốn phương trời đất. Do đó, lối sống, cách ứng xử của người Hà Nội biểu hiện văn hóa của cả dân tộc ta. Gia đình truyền thống của người Hà Nội luôn vươn tới sự bình yên, hạnh phúc. Để có được điều đó, mọi thành viên trong gia đình phải có nhân cách. Nhân cách của con cái là điều cha mẹ luôn luôn phải quan tâm, lo lắng, vun trồng. Và trách nhiệm đạo đức trước tiên của một người con đối với hai đấng sinh thành ra mình là phải biết làm tăng thêm của cải, vật chất để nuôi dưỡng cha mẹ. Hay nói cách khác người con phải lấy sự báo đền cha mẹ bằng cách chăm sóc cha mẹ về đời sống vật chất, cũng như chính cha mẹ đã lo cho chúng ta trưởng thành.
Mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa riêng. Chính nét riêng ấy đã tạo nên và đóng góp cho nền văn hóa của nhân loại. Trong đó, mỗi gia đình đều có truyền thống mà các bậc tiền bối và tổ tiên đã dày công xây dựng. Người con hiếu thảo, ngoài việc làm tròn bổn phận, phụng dưỡng vật chất cho cha mẹ còn là người biết tôn trọng các giá trị văn hóa và di sản truyền thống tốt đẹp của gia đình, giống nòi và dân tộc.
Có thể nói, mối quan hệ giữa cha mẹ đối với con cái là mối quan hệ mang tính đạo đức và giáo dục rất cao. Các bậc cha mẹ không chỉ chăm lo về đời sống vật chất cho con cái mà quan trọng hơn hết là chăm lo và phát triển đời sống đạo đức và trí tuệ của chúng. Đồng thời bổn phận của con cái không chỉ là chăm lo
cho cha mẹ về mặt vật chất, mà phải luôn săn sóc cha mẹ về mặt tinh thần, không để cho cha mẹ phải phiền lòng.
Tuy vậy, hiếu thảo với cha mẹ là biết vâng lời cha mẹ và làm cho cha mẹ được vui vẻ, tinh thần được an ổn; chứ không phải là nuôi dưỡng cha mẹ, cho cha mẹ áo quần đẹp để mặc, rồi cho là đã hết lòng hiếu thảo.
Làm con trước tiên phải nhớ ân sinh sản, mẹ chín tháng cưu mang, ăn uống phải kiêng cử, giữ gìn cẩn thận trong khi làm việc hay đi, đứng, ngủ, nghỉ lúc thai mang. Trước khi sinh con đau đớn trăm bề, tính mạng hiểm nguy, có khi bị mất mạng. Còn cha phải lo làm lụng vất vả, nhọc nhằn để lo cho mẹ tròn con vuông.
Con cái chính là sự tiếp nối quan trọng, để duy trì nghề nghiệp, công việc của cha mẹ. Nếu trong gia đình mà không có người kế nghiệp được xem như là một bất hạnh lớn. Để tồn tại trên cuộc đời này, chúng ta cần phải có nghề nghiệp để sống, bất luận sang hèn, hay giàu nghèo. Không gì hạnh phúc hơn, tự hào hơn khi con cháu phát triển hơn cha ông mình. Đó là cái phúc lớn của gia đình. Câu tục ngữ dưới đây đã phản ánh một tư tưởng lớn, hợp với quy luật của sự tiến hóa. Cha mẹ phải thấy hạnh phúc khi con cái phát huy được cái chí của mình, đồng thời con cái cũng phải biết noi gương cha mẹ. Câu tục ngữ vừa là sự chúc tụng, vừa là mong ước của thế hệ trước, khát vọng của thế hệ sau.
Con hơn cha nhà có phúc.
TNHN III tr.124
Có thể nói, tình thương của cha mẹ dành cho con không gì có thể đong đếm được. Dạy con nên người là nghĩa vụ, là trách nhiệm lớn lao của những bậc làm cha, làm mẹ. Công việc ấy cũng cần thiết, cấp bách như việc đánh giặc để bảo vệ cuộc sống gia đình, quê hương, đất nước.