6. Cấu trúc của luận văn
1.3. Tiến hành cải cách giáo dục lần thứ ba
1.3.3. Quá trình thực hiện cải cách giáo dục phổ thông
Tiến hành cải cách giáo dục phổ thông ở nước ta không có nghĩa chỉ là chuyển sang hệ thống mới, với chương trình học mới, mà còn là cuộc vận động toàn Đảng, toàn dân làm theo đường lối, quan điểm giáo dục xã hội chủ nghĩa của Đảng. Vì thế năm học 1979 - 1980 tuy chưa chuyển sang hệ thống mới và chương trình mới, song đã từng bước thực hiện cải cách giáo dục.
Trong năm 1979, Nghị quyết đã được triển khai một cách rộng rãi, quy mô để các lực lượng trong và ngoài ngành học tập, nghiên cứu.
Cuộc cải cách lần này tiến hành làm 2 vòng. Vòng đầu là hình thành được những cơ sở và nội dung lớn của nền giáo dục mới, vòng 2 là vòng sửa đổi, bổ sung và hoàn chỉnh.
Cuộc cải cách giáo dục phổ thông triển khai theo cách “cuốn chiếu”, nghĩa là lần lượt làm từng lớp học, mỗi năm một lớp, bắt đầu từ năm học 1981 - 1982, thay sách cải cách giáo dục ở lớp 1. Như vậy sẽ kéo dài 12 năm mới thay sách cải cách giáo dục đến lớp 12. Toàn ngành, toàn cơ quan Bộ đều hăng hái và nỗ lực, nhưng đã phải vượt qua bao nhiêu vất vả và khó khăn.
Ngày 27/3/1979, Ủy ban cải cách giáo dục đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ tọa của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Ủy ban và đồng chí Tố Hữu, phó chủ tịch Ủy ban.
Để mở đầu cho việc thực hiện Nghị quyết, bước vào năm học 1979 - 1980, Ủy ban cải cách giáo dục Trung ương đã ra quyết định số 1 phát động phong trào tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng trong các trường học. Đối tượng giáo dục không chỉ là học sinh mà bao gồm cả giáo viên và cha mẹ học sinh. Cuộc vận động này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc chuẩn bị tiền đề để nâng cao chất lượng giáo dục toàn
diện, nâng cao sức chiến đấu của nhà trường chống những hiện tượng tiêu cực, chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình mới, hệ thống mới.
Do hậu quả của chiến tranh biên giới và thiên tai, năm học 1979 - 1980 diễn ra trong hoàn cảnh có nhiều khó khăn to lớn song sự nghiệp giáo dục vẫn tiếp tục phát triển ở tất cả các ngành học. Riêng giáo dục phổ thông, số lượng học sinh ba cấp của cả nước đều tăng, cụ thể là “cuối năm 1979, tổng số học sinh phổ thông lên tới 11.803.869 em, trong đó cấp I có 8.025.909, cấp II có 3.139.739 em và cấp III là 638.221 em”. [75, tr. 164]. Phong trào phổ cập cấp I cho trẻ và người lớn cũng được đẩy mạnh hơn.
Chỉ thị số 06/CT (tháng 3/1983) của Bộ giáo dục quy định tiêu chuẩn phổ cập cấp I cho trẻ em gắn với điều kiện phải có về số lượng, chất lượng giáo viên, về cơ sở vật chất thiết bị của nhà trường để được công nhận là đơn vị đạt tiêu chuẩn phổ cập giáo dục cấp I. Chỉ thị 06 quy định 90% số trẻ em 15 tuổi phải học xong chương trình cấp I cải cách giáo dục (gọi là mức I) và 10% số trẻ em 15 tuổi phải học xong phải học xong chương trình cấp I ở mức thấp hơn (gọi là mức II). Trong khi chờ đợi Bộ ban hành chương trình cấp I phổ cập (ngắn hạn…) các địa phương tạm thời rút gọn chương trình cấp I cải cách giáo dục và sử dụng chung sách giáo khoa cải cách giáo dục để dạy học ở các lớp buổi tối, lớp tình thương…
Ngành giáo dục phổ thông đã tập trung nhiều công sức thực hiện phong trào học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tế. Lao động sản xuất và hướng nghiệp là một nội dung quan trọng trong trường học. Thực hiện quyết định 48/HĐBT (7/12/1982) của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức và hoạt động của các trung tâm khoa học kỹ thuật - hướng nghiệp, Bộ đã thành lập Ban lao động sản xuất về hướng nghiệp, đã chỉ đạo thành lập được hệ thống các trung tâm khoa học kỹ thuật - hướng nghiệp cấp tỉnh làm cơ sở cho sự phát triển hệ thống này ở cấp huyện. Đây là loại mô hình hướng nghiệp dạy nghề rất phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Nhiều trường phổ thông được tăng cường thiết bị thí nghiệm, trang bị xưởng trường. Các trường vừa học vừa làm được
thành lập ở nhiều dạng khác nhau. Không khí trường phổ thông trở nên sôi động hơn, gắn với đời sống xã hội hơn.
Ngành giáo dục phổ thông còn rất coi trọng việc giáo dục chính trị đạo đức cho học sinh, đã xây dựng chương trình chủ điểm cho từng cấp học, từng năm học gắn với các sự kiện chính trị lớn của đất nước, phù hợp với từng lứa tuổi với nhiều sinh hoạt phong phú hơn…Ngành cũng rất chú ý đến phát triển giáo dục ở miền núi, vùng khó khăn bằng cách xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú từ cấp Trung ương, tỉnh huyện đến cụm xã…Cũng trong giai đoạn này, hệ thống trường cán bộ quản lý được phát triển và củng cố.
Đối với các tỉnh phía Nam, việc tổng kết và mở Hội nghị khoa học về chương trình nghiên cứu giáo dục đồng bằng sông Cửu Long họp trong hai ngày 23 và 24/9/1981 đã được đánh giá là một sự kiện đầu tiên nghiên cứu giáo dục trên một địa bàn rộng lớn có tầm quan trọng đặc biệt về mặt nông nghiệp đối với cả nước.
Báo cáo của Bộ, do Thứ trưởng Hồ Trúc trình bày với nhan đề “Ngành giáo dục phổ thông đối với nhiệm vụ khoa học và kỹ thuật phát triển kinh tế và xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long” đã nêu lên một cách súc tích nhiều vấn đề có tầm quan trọng chiến lược cho giáo dục phổ thông đồng bằng sông Cửu Long, làm chuyển biến bước đầu các trường trong khu vực này.
Qua hội nghị, Bộ đã nhìn thấy rõ những khó khăn của giáo dục phổ thông khu vực này: ở các xã xa đường quốc lộ, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng căn cứ kháng chiến, chỉ có 40% - 50% số trẻ em trong độ tuổi đi học cấp I, tỉ lệ học sinh lưu ban và bỏ học có nơi tới 25% - 30%, ảnh hưởng của lũ lụt khiến cho số tuần thực học (35 tuần) của năm theo cải cách giáo dục không thể thực hiện được; giáo viên thiếu nhiều; học sinh ở vùng kênh rạch khó đi tới học ở các điểm trường lập trong xã…Vì vậy, Bộ đã đề ra chủ trương “Nghiên cứu ban hành chương trình cấp I ngắn hạn” (100 tuần), và năm 1984 ở vùng bị lũ lụt, Bộ cho rút gọn chương trình xuống còn 26 tuần thực học.
Hội nghị khoa học về giáo dục ở đồng bằng sông Cửu Long (1981) còn là tiền đề để đến năm 1985, phân viện Khoa học giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất một số biện pháp góp phần chuyển hướng giáo dục phổ thông ở vùng này.
Ngành giáo dục phổ thông cũng đã giải quyết tích cực những khó khăn trong đời sống giáo viên để thực hiện được yêu cầu đặt ra của công cuộc cải cách giáo dục. Trong những năm học 1978 - 1979 đến 1981 - 1982, đời sống khó khăn, tình trạng giáo viên, nhất là ở các tỉnh phía Nam, bỏ nghề đã trở thành mối quan tâm lớn của Bộ giáo dục. Bộ đã đề xuất với Đảng và Nhà nước giải quyết được một số vấn đề cụ thể, tồn tại từ lâu.
Bằng quyết định 15-CP (14/1/1981) Chính phủ cho phép ngành giáo dục lập “quỹ bảo trợ nhà trường”. Mục đích của quỹ bảo trợ là: góp phần sửa chữa, xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường, mua sắm thêm đồ dùng dạy học, giấy bút cho thầy giáo, góp phần cải thiện đời sống giáo viên, khen thưởng, khuyến khích thầy giáo dạy giỏi, học trò học giỏi.
Quyết định của Hội đồng Bộ trưởng ngày 28/9/1982 lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam. Nghị quyết 73/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 12/7/1983 điều chỉnh thang lương giáo viên tốt nghiệp đại học sư phạm theo thang lương kỹ sư, lương giáo viên tốt nghiệp trung học sư phạm theo thang lương kỹ thuật viên.
Ngành giáo dục phổ thông cũng rất quan tâm đến vai trò của các đoàn thể như phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đẩy mạnh việc giáo dục chính trị tư tưởng, phối hợp và tạo điều kiện hoạt động cho công đoàn giáo dục Việt Nam trong việc chỉ đạo thi đua hai tốt và chăm sóc đời sống thầy, cô giáo v.v…
Triển khai cải cách giáo dục đã có nhiều cố gắng trong xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật trường học. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 248/TTg ngày 23/11/1973 của Thủ tướng Chính phủ, “trong 10 năm từ 1975 đến 1985, cả nước đã xây dựng thêm được 185.000 nghìn phòng học các loại (trong đó có 130.000 phòng học kiên cố và bán kiên
cố) và hơn 2 triệu mét vuông các công trình phục vụ khác (thư viện, phòng thí nghiệm, nhà làm việc, nhà ở cho giáo viên, v.v…), với số vốn huy động khoảng 16 tỉ đồng (tính theo giá năm 1984)” [12, tr.349]. Đến năm học 1983 - 1984, các tỉnh phía Bắc đã căn bản thanh toán được tình trạng học 3 ca, 4 ca. Một số huyện đã có đủ phòng học bằng gạch ngói học 2 ca, số trường xây dựng kiên cố cao tầng theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm” ngày càng nhiều. Trường sở được xây dựng ngày càng đúng quy cách hơn do có sự hướng dẫn của Ban xây dựng cơ bản của Bộ Giáo dục.
Cùng với việc xây dựng trường sở, vấn đề trang thiết bị đồ gỗ (bàn ghế học sinh, giáo viên, bảng lớp, tủ…) cũng được chú ý tăng cường. Một số địa phương đã có ý thức đóng bàn ghế cho học sinh theo kích thước và mẫu hướng dẫn của Bộ. Riêng đối với các trường trực thuộc Bộ Giáo dục cũ, “trong 10 năm (1975 - 1985) đã đầu tư hơn 200 triệu đồng vốn xây dựng cơ bản và gần 100 triệu vốn sự nghiệp xây dựng được gần 300.000m2 nhà cửa và trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, lao động, sản xuất” [12, tr.350].
Thiết bị dạy học cho giáo dục phổ thông trong thời kỳ này cũng được chú ý hơn. Từ Bộ đến các địa phương đã có các cơ quan chuyên lo việc sản xuất, cung ứng, hướng dẫn tổ chức quản lý, sử dụng thiết bị dạy học cho các trường phổ thông. Bộ giáo dục đã ban hành quy chế bảo quản đồ dùng dạy học và bằng cách ấy khuyến khích các thầy cô giáo cải tiến đồ dùng dạy học. Chỉ thị 23/CT ngày 16/10/1984 quy định nội dung công việc giáo viên cần làm để sản xuất đồ dùng dạy học, quy định chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cộng tác viên làm đồ dùng dạy học. “Từ năm 1976 - 1985 các trường đã trang bị trên 1000 loại thiết bị dạy học khác nhau: tranh ảnh, bản đồ, phim đèn chiếu, phim xinê, băng đĩa ghi âm giáo khoa, mô hình, mẫu vật, dụng cụ thí nghiệm, máy móc v.v…Mỗi loại thiết bị hàng ngàn chiếc” [12, tr.350].
Để tăng cường thiết bị dạy học cho các trường phổ thông ngành giáo dục đã phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học với 2 cuộc thi và triển lãm thiết bị dạy học tự làm ở từng miền vào năm 1976 và 1978, và cuộc thi toàn quốc vào năm 1981, 1985 đã
thu hút hàng loạt giáo viên và học sinh tham gia, tạo ra hàng nghìn mẫu thiết bị dạy học phục vụ cho việc dạy học ở các trường phổ thông.
Cuộc tổng kết công tác giáo dục 10 năm (1975 - 1985) đã được tiến hành vào năm 1986 là một dịp nhìn lại quá trình phát triển của ngành sau một thập kỷ kể từ ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cuộc tổng kết đã điểm lại tình hình phát triển của các ngành học, những điều kiện chủ yếu để phát triển sự nghiệp giáo dục. Từ đó mà rút ra những nhận xét, đánh giá chung về những thành tựu, những tồn tại chủ yếu, những bài học kinh nghiệm lớn nhằm mở ra một thời kỳ mới của giáo dục.
Riêng về ngành học phổ thông, cuộc tổng kết đã đi sâu vào từng cấp học cả về số lượng và chất lượng.
Về cấp I phổ thông cơ sở: Trong 10 năm phát triển, đến 1986, mạng lưới trường cấp I phổ thông cơ sở đã mở rộng ở khắp các địa bàn. Hầu như ở mỗi xã đều có một trường phổ thông cơ sở hai cấp, hoặc ít nhất cũng có cấp I. Đây là điều kiện quan trọng để trẻ em đến tuổi đi học được thỏa mãn yêu cầu học tập.
Theo số liệu thống kê thì: “Năm học 1975 - 1976, trong cả nước có 7.404.000 trẻ em đi học cấp I phổ thông cơ sở. Đến năm học 1984 - 1985, con số đó lên tới 8.166.372 trẻ em, chiếm 13,69% dân số”. [21, tr. 17].
Nhìn chung trong cả nước, học sinh cấp I tăng không nhanh, song đều đặn, ổn định. Chủ trương phổ cập cấp I được tiến hành tích cực. “Việc huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp đạt một tỉ lệ cao (98% ở miền xuôi, 80% ở miền núi)”. [21, tr. 17].
Về chất lượng giáo dục, ở các trường tiên tiến và các trường trọng điểm cải cách giáo dục, học sinh đã được rèn luyện về nhiều mặt, các em chăm ngoan, có tiến bộ hơn trong học tập. Ở các lớp “thay sách”, nền nếp học tập và sinh hoạt được duy trì, kỷ luật trật tự khá hơn trước. Qua khảo sát ở một số địa phương, kết quả học tập ở lớp 1 “thay sách” hơn hẳn các lớp vỡ lòng trước đây, “Toán đạt 80%, học vần và tập đọc: 70%, tập viết: 50%”. [21, tr. 18].
Tuy vậy, sự phát triển về số lượng ở cấp I không đồng đều trên các địa bàn. Trong khi nhiều nơi đã hoàn thành việc phổ cập giáo dục cấp I và đang đi vào phổ cập cấp II, thì ở một số nơi khác, vấn đề phổ cập cấp I còn đang rất khó khăn. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, tỉ lệ trẻ đi học cấp I đúng độ tuổi chỉ đạt 60%. Ở vùng sâu, vùng cao còn thấp hơn nữa, dao động từ 20% đến 30%. Có những xã trẻ em chưa bao giờ học quá lớp 2. Tình trạng tái mù chữ ở trẻ em thể hiện khá rõ. Hiện tượng lưu ban và bỏ học ở cấp I không trầm trọng như ở cấp II và có xu hướng giảm đi, nhưng vẫn còn cao và là trở ngại lớn cho việc phổ cập cấp I. “Năm học 1984 - 1985, số học sinh lưu ban của toàn cấp học là 8,44%. Tình hình lưu ban ở lớp 1 còn đáng lo ngại hơn”. [21, tr. 19].
Chất lượng văn hóa cũng có sự chênh lệch khá lớn giữa các trường tiên tiến, các trường trọng điểm cải cách với các trường thuộc diện đại trà, giữa các trường ở miền xuôi với miền núi, ở thành thị với nông thôn (có nơi chất lượng văn hóa “đạt yêu cầu 95 - 100%, nhưng có nơi chỉ đạt 25 - 30%” [21, tr. 19] ).
Chất lượng giáo dục toàn diện của các lớp ở cấp I nhìn chung chưa có thay đổi, chuyển biến gì đáng kể. Giáo dục thể chất vẫn bị coi nhẹ. Rất nhiều học sinh cấp I bị cong vẹo cột sống, suy dinh dưỡng, giun sán, đau mắt hột. Công tác quản lý sức khỏe của học sinh còn rất lỏng lẻo vì chưa có quy định, cũng như chưa có tổ chức y tế trường học.
Giáo dục thẩm mĩ được chú ý hơn ở các lớp “thay sách”, nhưng lại rất thiếu cơ sở vật chất và giáo viên, cách dạy nặng về cung cấp kiến thức hơn là giáo dục tình cảm và thói quen tốt. Qua việc thay sách cấp I, một số vấn đề đặt ra là phải quan tâm hơn nữa đến công tác nghiên cứu khoa học giáo dục, tổ chức thực nghiệm đối với cấp I, tổng kết các lớp học trọng điểm cải cách để xác định phương pháp giáo dục ở cấp I, làm sáng tỏ về tâm lý lứa tuổi trẻ em Việt Nam. Từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội