Phần 4 Kết quả và thảo luận
4.2. Kết quả nghiên cứu triệu chứng lâm sàng của ngan,vịt mắc bệnh
VỊT MẮC BỆNH NẤM PHỔI
Sau khi mổ khám xác ngan, vịt chết gửi về các xã thuộc huyện Phú Xuyên, chúng tôi đã tiến hành xuống lấy mẫu tại cơ sở. Trong quá trình quan sát chúng tôi nhận thấy phần lớn ngan, vịt trong đàn gầy xơ xác, niêm mạc nhợt nhạt, mí mắt phù, ủ rũ, kém ăn, ỉa chảy, lỗ mũi đôi khi bị bịt kín bởi dịch nhày đặc đục màu xám, nhiều con bị xệ bụng.
Toàn bộ vùng bụng cứng, những con chết nhanh thường thấy vùng xác khô, lông xù, sờ nắn vùng bụng thấy rõ khối u lồi lên. Ấn vào thấy cứng và chắc. Tiến hành khảo sát cụ thể hai lần trên đàn mắc bệnh, thời gian khảo sát cách nhau 10 ngày chúng tôi đã ghi nhận được những triệu chứng lâm sàng của ngan, vịt mắc bệnh và trình bày ở bảng 4.2 và 4.3.
Nhìn vào bảng 4.2 ta nhận thấy biểu hiện triệu chứng lâm sàng ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau ở các con ngan, vịt mắc bệnh. Trong 40 con mắc bệnh có 37 con có biểu hiện gầy yếu, lông xơ xác, kém ăn, bỏ ăn và tình trạng cơ thể là gầy sút chiếm tỷ lệ 92,50%. Tỷ lệ ngan, vịt khó thở, thở nhanh, há mỏ, vươn cổ ra để thở, ngáp, hắt hơi cao 34/40 được kiểm tra chiếm 85,00%. Tỷ lệ ngan, vịt ỉa chảy phân trắng – xanh khá cao 25/40 chứng tỏ mầm bệnh có thể tấn công cả vào đường tiêu hoá lẫn hô hấp bệnh làm lây lan nhanh trong đàn. 21/40 ngan, vịt được kiểm tra có biểu hiện phù ở mí mắt chiếm 52,50% chứng tỏ mầm bệnh tác động cả vào thị giác của con vật, khi kiểm tra mắt chúng tôi có thể nhận thấy một vài con xuất hiện u hạt đặc trưng ở mắt. Những con đi lại khó khăn chủ yếu là những con bụng trương xệ sốt cao và thở rất khó. Những con bệnh này khi sờ vào vùng bụng thấy rất cứng, khi ấn mạnh con vật có cảm giác đau. 11/40 con vật được kiểm tra có biểu hiện sốt chiếm 27,50%. Con vật chết trong tư thế lả dần là 30/40,chiếm tỷ lệ 75%.
Bảng 4.2. Triệu chứng lâm sàng của ngan, vịt bệnh trong đợt kiểm tra lần thứ nhất
STT Triệu chứng Số con mắc bệnh Số con có triệu chứng Tỷ lệ (%)
1 Gầy sút 40 37 92,50
2 Ủ rũ, kém ăn hay bỏ ăn 40 36 90,00
3 Khó thở, thở nhanh 40 34 85,00
4 Lông khô, xơ xác 40 30 75,00
5 Chết ở tư thế lả dần 40 30 75,00
6 Ỉa chảy phân trắng – xanh 40 25 62,50
7 Ít cử động 40 23 57,50
8 Mí mắt phù 40 21 52,50
9 Đi lại khó khăn (bại liệt) 40 18 45,00
10 Bụng trương, xệ 40 12 30,00
11 Sốt cao >42o 40 11 27,50
Bảng 4.3. Triệu chứng lâm sàng của ngan, vịt quan sát được trong đợt kiểm tra lần thứ hai
STT Triệu chứng Số con kiểm tra Số con có triệu chứng Tỷ lệ (%)
1 Gầy sút 50 47 94,00
2 Lông khô, xơ xác 50 44 88,00
3 Ỉa chảy phân trắng – xanh 50 42 84,00
4 Chết ở tư thế lả dần 50 38 76,00
5 Mào tích tái 50 30 60,00
6 Bụng trương, xệ 50 28 56,00
7 Sốt cao >42o 50 27 54,00
8 Ủ rũ, kém ăn hay bỏ ăn 50 23 46,00
9 Đi lại khó khăn ( bại liệt) 50 22 44,00
10 Mí mắt phù 50 22 44,00
11 Khó thở, thở nhanh 50 18 36,00
Chúng tôi tiến hành khảo sát lần thứ 2 để xác định mức độ tiến triển của bệnh, trong lần khảo sát lần thứ 2 này, ngan, vịt đã bị chết tổng cộng là 30 con. Con bệnh chết, xác gầy và trương to do hạt nấm nổi cộm. Nhìn vào bảng 4.3 ta nhận thấy sau 10 ngày bệnh tiến triển khá nhanh, tỷ lệ gà ủ rũ, kém ăn và gầy sút lên tới 47/50 con được kiểm tra chiếm 94,00%. Ở nhiều con trông vẫn còn nhanh nhẹn nhưng đã thấy hiện tượng chán ăn, bỏ ăn. Khi nhiễm bệnh thể trạng của ngan, vịt rất kém, đa phần đều có hiện tượng bỏ ăn, đi lại khó khăn và khó thở. Những con sốt cao là những con quan sát thấy bụng xệ, ấn vào thấy cứng và to. Tỷ lệ gà sốt cao trong lần thứ kiểm tra thứ 2 gấp đôi lần thứ nhất chiếm 54,00% (trong lần thứ nhất là 27,50%). Trạng thái này được chúng tôi nhận định là ngan vịt đang ở thời kỳ bệnh tích lan rộng trong các cơ quan phủ tạng, gan sưng to, khối u dày đặc nên gây cảm giác cứng tay khi ấn vào.
Trong giai đoạn này, mầm bệnh tấn công mạnh vào các phủ tạng cũng như đường tiêu hoá làm tỷ lệ ngan, vịt bị ỉa chảy tăng lên rõ rệt 42/50 con được kiểm tra chiếm 84,00%. Con vật vẫn có hiện tượng chết trong tư thế là dần, 38/50 chiếm 76%.
Trong quá trình kiểm tra lâm sàng chúng tôi nhận thấy 10,00% ngan,vịt bị bệnh có hiện tượng không đi lại được, có triệu chứng thần kinh, trẹo cổ,cổ ngoẹo vào ngực, đứng nhắm mắt. Hiện tượng này chỉ quan sát được trong lần giám sát thứ 2, có thể là do những con này đang ở giai đoạn cuối của quá trình bệnh nên mầm bệnh đã gây ảnh hưởng tới hệ thần kinh.
Khi mô tả về các triệu chứng trên, tác giả Nguyễn Thát, Phạm Sỹ Lăng và cộng sự đã giải thích rằng: một phần bào tử và hệ sợi nấm bị phá hủy, kết quả do các chất độc của nám tiết ra. Chúng xâm nhập vào máu và ảnh hưởng lên cơ thể bằng đường dịch thể, dẫn đến phát triển các triệu chứng bổ sung. Điều đó đã giải thích vì sao có triệu chứng gian tuyến diều, viêm ruột (sung huyết và chảy máu ở ruột) và ỉa chảy (Nguyễn Thát, 1997); (Phạm Sỹ Lăng và cs., 2005)
Qua đây cho thấy hệ thần kinh đã tham gia vào quá trình sinh bệnh. Điều đó chứng minh cho hiện tượng mệt mỏi nặng, mất tri giác, loạng choạng, bại liệt. Nếu độc tố đó quá lớn cùng với sức đề kháng của thủy cầm kém thì bệnh sẽ càng trầm trọng gây hiện tượng co giật và thủy cầm chết nhanh. Hiện tượng chết nhanh, co giật quan sát được chiếm một tỷ lệ thấp.
Các hình ảnh triệu chứng của ngan, vịt mắc bệnh nấm phổi
Hình 4.1. Vịt bại liệt Hình 4.2. Vịt thở khó, ngoẹo đầu
Hình 4.3. Ngan ủ rũ, kém ăn Hình 4.4. Xác gầy
Hình 4.5. Xác khô, gầy, lông xơ xác xơ xác
Hình 4.6. Mí mắt phù, chảy nước mắt nước mắt
Theo tác giả Trần Văn Bình thì vịt con bị bệnh nấm phổi thể hiện ăn kém, chậm chạp, ít hoạt động, chảy dịch mũi, thở khó tăng dần, đôi khi có ỉa lỏng phân xanh vàng, chết sau 7 – 10 ngày với tỷ lệ cao 70 – 80% số vịt bệnh. Vịt trưởng thành bị bệnh có biểu hiện: chảy dich mũi, ăn giảm dần, thở khó, đặc biệt vịt cái đẻ trứng giảm, gầy yếu kéo dài trong suốt thời kỳ bệnh khoảng 2 - 3 tháng. Cuối cùng, vịt cũng chết do kiệt sức hoặc buộc phải loại thải (Trần Văn Bình, 2005).
Trên gà bệnh được tác giả Lê Hồng Mận và Xuân Giao mô tả triệu chứng cũng giống như trên ngan, vịt: gà ủ rũ, kém ăn, khó thở, khi thở phải nghển cổ, há miệng, tiếng kêu khàn. Bệnh nghiêm trọng hơn khi có kết hợp với các bệnh do các virus khác như bệnh viêm khí quản (IB), bệnh viêm thanh khí quản (LT). Trong các trường hợp này, gà thường thở rất khó khăn, khò khè; gà con thường bị chết trong khoảng 10 – 15 ngày (Lê Hồng Mận và Xuân Giao, 2002).
Như vậy, theo kết quả theo dõi triệu chứng lâm sàng trên đàn ngan, vịt chúng tôi rút ra kết luận: bệnh nấm phổi gia cầm có triệu chứng lâm sàng chủ yếu trên đường hô hấp, gia cầm khó thở, chảy nhiều dịch nước mũi, gia cầm bị bệnh suy kiệt, rối loạn hô hấp và chết lả dần.