6. Cấu trúc của luận văn
2.3 Con người đô thị trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn
2.3.1 Lối sống và thói quen sinh hoạt của người dân đô thị
Trong một không – thời gian hoàn toàn đặc trưng, những cư dân đô thị có một lối sống khác với những thành viên ở các miền quê. Lối sống ấy được thể hiện qua cách ăn uống, may mặc, và giao tiếp xã hội. Đặc biệt, khi viết về lối sống của con người đô thị, Đỗ Phấn luôn luôn trăn trở, xót xa cho không gian văn hóa thị thành dần mờ mỏng, phai nhạt. Ông bộc lộ những xúc cảm chân thành, tha thiết khi tái hiện “sự giằng co giữa một bên là ý thức gìn giữ truyền thống và một bên là thôi thúc đổi mới” [24]. Ông viết văn vừa như để ôn lại kỷ niệm, vừa như phác họa lại con người, văn hóa đô thị qua những thăng trầm thời gian. Như đã có lần ông trải lòng, viết văn là một hình thức tìm lại những điều đã mất.
2.3.1.1 Ẩm thực
Con người ăn uống để duy trì sự sống. Tuy nhiên, quan niệm về việc ăn uống giữa mỗi cá nhân, mỗi vùng miền lại có sự khác nhau. Ấn tượng đầu
tiên mà những trang văn của Đỗ Phấn mang lại về Hà Nội là một thành phố có vốn văn hóa ẩm thực phong phú. Lượng cư dân khổng lồ nơi đây như những mảnh ghép văn hóa ẩm thực kết hợp lại để tạo nên một “menu” đa dạng cho phố phường.
Không chỉ có đủ mọi nguyên liệu, món ăn, ẩm thực đô thị trong văn Đỗ Phấn còn hiện lên với tất cả sự tinh tế, cầu kì. Món ăn ngon không chỉ ở cách người ta nấu nướng, pha trộn mà còn ở thái độ, quy trình thưởng thức rất công phu. Đơn giản như một nắm cơm chấm với ruốc kèm một vài miếng ớt xanh cũng phải bắt đầu từ việc nắm sao cho đúng cách. Sau đó, phải nhai kỹ để cảm nhận vị ngọt của gạo, vị mặn của ruốc với vị cay xè của quả ớt xanh, chiêu thêm một ngụm nước chè nhâm nhi đầy khoái cảm.
Hầu hết các nhân vật thị dân lâu đời trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn đều có một vốn kiến thức ẩm thực dày dặn. Tất cả các món ăn từ đơn giản đến phức tạp đều được họ chế biến, thưởng thức như một môn nghệ thuật. Đĩa bún đậu với: “bát mắm tím xứ Thanh vắt chanh pha đường và ớt bột hồng hào tươi tắn… Bún lá dày dặn cắt miếng trắng phau. Đậu Mơ rán phồng giòn dai vừa vặn còn sủi tăm mỡ. Và rổ rau kinh giới kèm thêm những miếng dưa chuột thái mỏng” [32, tr.257]. Các nhân vật thưởng thức đồ ăn bằng cả khứu giác, thị giác và vị giác: “Mùi mắm tôm vắt chanh thơm lừng. Ớt đỏ và rau mùi tàu xanh sẫm gai gai mép. Vài nhánh húng mập mạp xếp gọn gàng cùng với hành hoa sống cắt ngắn. Đĩa lòng luộc vẫn còn hôi hổi bốc hơi” [30, tr.44]. Thậm chí: “Chỉ mấy củ lạc rang thôi anh cũng biết đến bốn cách làm. Rang mộc. Rang nước mắm. Rang lên xát vỏ đập giập chưng với mỡ, muối và hành xanh. Và dĩ nhiên làm muối vừng” [31, tr.58]. Đến những món có phần phức tạp hơn một chút như thịt gà ta luộc chấm muối chanh, cá chép tai trâu rán cả con thơm lừng mùi nếp, rô don hạt bưởi rán hai lửa giòn tan vàng sậm, nước mắm ớt gừng tỏi cay xé lưỡi…
Không hẳn vì các đô thị giàu có nên cư dân ở đây thưởng thức, chế biến đồ ăn một cách cầu kì, mà ngay cả thời nghèo khó, họ đã coi việc nấu ăn như một nghi thức hưởng thụ mang tính văn hóa. Họ được cha ông dạy rằng: “Càng nghèo càng phải biết cách nấu ăn ngon thì mới sống được” [30, tr.169]. Và trước khi muốn nấu được một món ăn ngon, người ta phải được thưởng thức chúng một cách đúng nghĩa.
Không chỉ ăn, mà thói quen uống của cư dân đô thị cũng khác biệt với nhiều vùng miền khác. Thói quen ăn sáng uống cà phê tồn tại như một điều thiết yếu của cuộc sống thị thành. Nó cũng bao gồm mùi vị, không gian và nét thư thái đặc trưng: “Hương thơm của nó có cảm giác như được dội lên từ đất” [29, tr.118]. “Mi nhấp một ngụm cà phê. Giữ lại giây lát trong miệng. Mùi cà phê ấm áp dâng đầy lên sống mũi” [29, tr.119]. Cà phê làm nên mùi phố. Mùi phố thoang thoảng hương cà phê.
Điều bức bối duy nhất trong văn hóa ẩm thực đô thị là những trà trộn công nghiệp sặc mùi kinh tế. Nó làm mất đi hương vị của món ăn, làm phai nhạt kí ức của thị dân về thành phố và phá hủy một phần không nhỏ văn hóa tinh tế của thị thành. Tiền bạc bon chen ngấm cả vào đồ ăn thức uống “tạo hương vị nhậm nhằn khó nuốt” [35, tr.53]. Cách chế biến cẩu thả, thô thiển làm hỏng những món ăn có tiếng: bát phở công nghiệp có “màu nước dùng lờ lợ đục và những cọng hành nhừ nát. Thịt gà công nghiệp trắng bở và mùi hoi nồng gắt như nước vặt lông” [35, tr.104]. Nó đi liền với những thị dân mới, cách hưởng thụ của các đại gia sang trọng trong nhà hàng với tất cả kiểu cách cầu kì, trừ hương vị của món ăn. Và cộng thêm vào đó là những cải biên theo chiều hướng phong phú không thể kiểm soát: “Ở Hà Nội bây giờ bún riêu ốc đã cho thêm giò và thịt bò tái. Sẽ chẳng ngạc nhiên nếu mai kia trong bát bún ốc còn có cả vài con châu chấu rang lá chanh” [33, tr.34].
Phải nói, lối sống của cư dân đô thị được thể hiện khá thành công qua những đồ ăn, thức uống phố phường. Nó vừa tinh tế, thanh nhã, cầu kì, cao đạo như nền văn hóa ngàn năm nơi đây, vừa pha trộn nhiều xô bồ, toan tính của nền kinh tế thị trường ồ ạt.
2.3.1.2 Trang phục
Lối sống của cư dân đô thị còn được Đỗ Phấn khắc họa qua trang phục. Đời sống thị thành hiện lên chân thực qua những gì thị dân khoác lên mình.
Đầu tiên là những trang phục theo xu hướng thịnh hành của từng giai đoạn – cái vẫn được gọi ngắn gọn là mốt: “Thành phố cái gì cũng theo phong trào. Xưa đã thế mà nay vẫn vậy. Đã có thời cả thành phố đen sì một màu vi- ni-lông ướt trên những chiếc áo rét dài trùm kín đít. Trông cứ như một chiếc cọc đuồn đuỗn đen đúa đi lại trên đường” [32, tr.215]. Rồi những “chiếc quần bó sát” theo kiểu “thời trang bít tất” ồ ạt tràn về.
Những cư dân cũ của thành phố phần lớn giữ được cái giản dị, thanh lịch cần thiết. Những phụ nữ như Phượng trong Vắng mặt thường “mặc một
chiếc quần lửng có dây buộc túm gấu. Chiếc áo ba lỗ hở một khoảng ngực trắng ngần lấp ló hai bầu ngực căng tràn. Mái tóc xù buộc gọn sau gáy để lộ ra chiếc cổ nhỏ và cao” [29, tr.165]. Họ có vẻ đẹp toát ra từ thần thái, không phụ thuộc vào vải vóc đắp lên người.
Làm nên diện mạo phố phường còn có một phần không nhỏ của những thị dân “dự bị”. Họ là đông đảo những cô gái ăn sương, cave lành nghề, hay những công dân mới của thành phố: “Mẹ Khánh Ly có cách ăn mặc trang điểm khá là cầu kì dị hợm quê mùa. Tóc búi cao cài chiếc trâm lủng lẳng hai con bướm bằng bạch kim nhỏ như hạt bưởi. Vàng đeo đỏ tay, cổ trĩu dây chuyền ngọc. Và đặc biệt là chiếc túi hàng hiệu có chữ LV sáng loáng luôn kề cận bên chỗ ngồi” [33, tr.139]. Ngoài ra, còn có những thanh niên nhuộm tóc xanh đỏ quần áo bó chẽn lố nhố, người sặc mùi mĩ phẩm đàn ông đắt tiền và
“những bộ trang phục dữ dội khoe hàng. Đảm bảo cho những tưởng tượng toàn diện về “món hàng” bên trong” [35, tr.58].
Trong nhiều trang viết, nhân vật của Đỗ Phấn bị tóm gọn bằng chính đặc điểm ngoại hình. Thay vì tên riêng, họ được gọi bằng “đàn bà son phấn như chị Tích vợ chủ tịch phường Bình Sơn trong Ruồi là ruồi. Hay các cô gái tiếp viên được gọi theo màu áo: Trắng – Đỏ – Tím thay cho những cái tên sến sẩm, mộng mơ mà chính họ còn không nhớ nổi. Có lẽ, khi hạn chế tiếp xúc và cởi mở với nhau, những thị dân hẳn chẳng còn cách nào khác để cảm nhận về đối phương qua phục trang, đồ đạc. Và từ đó nảy sinh những “ma nơ canh sống“ trưng bày hàng hiệu với sự phối hợp bất chấp kiểu dáng, phong cách miễn là chúng đắt tiền. Con người xấu xa, tốt đẹp, lố lăng hay giản dị đều được thể hiện một phần qua quần áo đắp lên người. Nhiều khi, chính họ đánh mất mình, tự biến mình thành những quần bò, áo hai dây Tím, Đỏ hoặc son phấn, nước hoa. Con người bị trang phục hóa, bị đồ vật hóa một cách kì lạ. Hẳn ngoài đô thị, chẳng có miền quê nào tồn tại nền thời trang – vỏ bọc phức tạp, đa dạng như thế.
2.3.1.3 Giao tiếp và mối quan hệ xã hội của con người đô thị
Mối quan hệ xã hội của con người không chỉ thể hiện được đặc trưng của văn hóa xã hội mà còn thể hiện được tính cách, tâm lý của từng cá thể. Những mối quan hệ xã hội được dựng lên trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn phản ánh đầy đủ các phương diện của xã hội thị thành với nền kinh tế phát triển như vũ bão. Ở đó, có cả lối nói chuyện nhã nhặn, thanh lịch, lẫn cái giả dối, trơ trẽn và thô thiển, bản năng. Đó là một hiện thực phức tạp, nhiều chiều, một phông nền không ngừng biến động.
Đầu tiên là lối giao tiếp thanh lịch của những thị dân lâu đời. Dẫu chỉ là một anh lái xe bình thường, Khai trong Ruồi là ruồi vẫn có sự lịch thiệp dễ
trong Rừng người nhẹ nhàng với cả những anh xe ôm ngoài bến xe. Hoặc như Thông trong Con mắt rỗng, khi đi vào nhà hàng đông đúc “anh cúi người thận trọng luồn lách qua đám khách đông nghịt luôn miệng xin lỗi, xin lỗi… Đúng là tác phong người Hà Nội nhưng ở ngay chính Hà Nội bây giờ tìm được một người như anh cũng rất hiếm” [32, tr.184]. Đặc biệt, những thị dân lâu đời có lối giao tiếp đầy tự trọng. Họ được dạy luôn biết rõ địa vị của mình, không nhận những đón rước thái quá, phù phiếm: “Lớn lên vào thời kì giáo dục dạy cho con người ta rất ý thức về vị trí trong xã hội, anh không cho phép mình có những cư xử vượt quá tầm vóc của mình. Nhún nhường đấy mà cũng là tự trọng” [31, tr.10].
Ở nơi phố phường đông đúc, chẳng có gì khó hiểu khi không phải thị dân nào cũng cư xử nhã nhặn, thanh lịch cả. Cư dân thành phố cũng có lối giao tiếp ngạo mạn, khinh người: “Người Hà Nội nổi tiếng khắp trong nam ngoài bắc về phong cách bán hàng như đuổi khách. Cái ngạo mạn của những thị dân đầu não dù kín đáo hay lộ liễu cũng chỉ là một mà thôi” [32, tr.22]. Thậm chí, trong lời ăn tiếng nói của họ có ý khách sáo quá đà, đến mức “giả dối và đầy cạm bẫy” [35, tr.313]. Tác giả viết những câu đầy chiêm nghiệm, với mong muốn góp tiếng nói làm cho lối ứng xử của con người tốt đẹp hơn, tránh xa hiện thực: “dân phố là thế. Luôn miệng hô khẩu hiệu học hỏi nhưng nếu được góp ý một chút thì lập tức xù lông phản pháo cũng bằng câu cửa miệng “Xin đừng dạy dỗ” [32, tr.213]. Ông còn đau xót nhận ra rằng: “Số người đóng kịch ở thành phố bao giờ cũng nhiều hơn những người sống thật” [35, tr.233]. Khó mà tránh được tình trạng đau lòng này khi mọi cư dân ồ ạt dồn ứ vào những thành phố lớn. Các mối quan hệ trở nên bão hòa, luôn luôn đổi mới tùy theo mục đích của con người.
Mối quan hệ giữa con người với con người nơi phố thị bị tiền bạc chen vào, nhanh chóng trở nên thực dụng: “Dân phố khi xong việc thường không
muốn có những tiếp xúc kéo dài mất thời gian” [35, tr.182]. Không chỉ vậy, mối quan hệ giữa người với người còn trơ trẽn đến tàn nhẫn như kiểu “biến bạn thành thực phẩm” [35, tr.90], hoặc ngập ngụa bon chen, giả dối, phiền lụy, ngờ vực của “những kẻ trơ trẽn đến mức thật thà? Hay giả dối đến độ lì lợm” [31, tr.12]. Thay vì nói chuyện, bắt tay, những cư dân sống ở những đô thị có một cách tạo lập, duy trì mối quan hệ xã hội rất đặc biệt – nhờ một phương tiện trung gian hiệu quả - tiền: “Hắn kín đáo chìa ra chỉ một loại giấy phép thôi… Cái giấy phép của hắn cũng đang trong thời kỳ chuyển đổi. Từ rít rịt cotton sang polymer trơn chuội” [35, tr.40]. Thậm chí, tiền còn trở thành “vật liệu xây dựng” của mọi công trình lớn nhỏ.
Mối quan hệ con người với con người trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn bị cuốn vào vòng xoáy của việc kiếm chác và bán mua danh vọng. Hiếm hoi lắm mới bắt gặp một tình cảm giản dị, đẹp đẽ như lão Quảng với lão Hoạt và những người già, trẻ em cơ nhỡ ở Trung tâm bảo trợ xã hội. Nếu không phục vụ một tham vọng nào đó, các nhân vật chỉ cần thờ ơ với nhau, cũng là một cách duy trì khoảng trống cho riêng mình: “Cuối cùng thì chỗ trú ẩn an toàn nhất lại chính là thành phố đông đúc. Chẳng ai quen ai ở đấy. Không cần biết nhau hoặc biết rồi quên” [35, tr.39].
Đỗ Phấn khắc họa lối sống của con người với ngổn ngang bề bộn như chính “Hà Nội của hôm nay, trên và dưới, trước và sau, hùng hục, sùng sục, quần quật trong công cuộc mưu sinh, làm giàu, hưởng thụ, và cả tự hủy” [19]. Ông luôn “tiếc nuối về một văn hóa ứng xử của người Hà Nội. Một đứt gãy vĩnh viễn không thể hàn gắn lại được nữa khi mà dân số tăng vọt với cuộc nhập cư ào ạt như bây giờ” [38]. Tuy nhiên, không phải tác giả chỉ hướng cái nhìn một chiều mang tính chất hoài cổ hoặc tiêu cực về thành phố. Ông nhận thức sâu sắc rằng: “Hà Nội phải phát triển, những ngói nâu tường cũ mất đi cũng là điều tất yếu”. Dù có luyến tiếc “nếp sống bình dị êm ả, tao nhã lịch
thiệp của một Hà Nội xưa đang dần bị mai một” nhưng Đỗ Phấn vẫn tràn đầy niềm tin vào “những thị dân cũ Hà Nội là hạt nhân đang cố sức giữ gìn nếp sống” – một dấu hiệu đáng mừng cho viễn cảnh “Hà Nội sẽ quay lại mạnh mẽ hơn với nếp sống thanh lịch, trật tự, tao nhã như ngày nào” [44].