Mối quan hệ gia đình trong môi trường đô thị

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong tiểu thuyết của đỗ phấn (Trang 57 - 60)

6. Cấu trúc của luận văn

2.3 Con người đô thị trong tiểu thuyết của Đỗ Phấn

2.3.2 Mối quan hệ gia đình trong môi trường đô thị

Gia đình chính là sự liên kết tình cảm bền chặt, một môi trường để cá nhân phát triển nhân cách, cũng là nguồn gốc tạo nên những công dân tốt cho xã hội. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế - văn hóa trong cơ chế thị trường, mô hình gia đình truyền thống đã có nhiều biến đổi. Nó xuất hiện những rạn nứt, những tan vỡ, đổ nát. Mùi tiền tài danh vọng bò lan qua khe cửa mỗi căn nhà, khiến con người trở nên tồi tệ hơn, mất hết niềm tin vào tổ ấm.

2.3.2.1 Sự nứt vỡ, tan rã mô hình gia đình truyền thống

Trước hết, Đỗ Phấn tái hiện sự rạn nứt của mô hình gia đình truyền thống. Những rạn nứt xuất hiện từ mối quan hệ lỏng lẻo của các thành viên. Liên trong Ruồi là ruồi chỉ muốn quên đứt ngôi làng vì “những người ruột thịt thân thiết lại chính là những kẻ gieo rắc tai họa” [35, tr.153]. Hoặc như Hà trong Vắng mặt, dẫu đã có vợ con vẫn sẵn sàng gia nhập cuộc chơi thâu đêm

suốt sáng vì mối quan hệ vợ chồng bị đánh đồng với tạm bợ gà vịt: “Có khi còn không bằng gà vịt vì đã mất hẳn đi cảm giác tự do hoang dại chiếm hữu” [29, tr.36]. Lại có những người chồng mải miết kinh doanh, “say mê công việc, đi nước ngoài quanh năm đến mức vợ ở nhà tòi ra một đứa con với người khác” như Bằng trong Gần như là sống [33, tr.151].

Nguyên nhân của những rạn nứt được tác giả lí giải từ nhiều phía. Một khía cạnh không nhỏ là do dục vọng của con người. Từ khi nào con người đến với nhau vì tiền bạc, thay vì tình yêu như Trọng trong Gần như là sống? Quan

hệ vợ chồng là vợ ra lệnh, chồng khúm núm phục tùng. Như Giang trong

Vắng mặt, lấy vợ kém những hai mươi tuổi, ba năm sau li dị, nàng ta lấy mất

nửa tài sản rồi bỏ đi kết hôn với người đàn ông khác. Gia đình còn bị đem lên bàn cân so sánh: “Thường thì người đàn bà thất vọng vì chồng mình không kiếm được nhiều tiền bằng chồng con bạn gái. Và đàn ông thì thất vọng vì gia đình vợ mình quá nghèo chẳng hiểu sao lại sinh ra vợ mình có nhiều đòi hỏi đến thế? Nhiều người lầm tưởng rằng ngoại tình cũng là một nguyên nhân để chia tay? Thực ra thì họ đã chia tay từ trước đấy” [31, tr.41].

Và không chỉ quá tham lam, con người đô thị còn mất đi sự thấu hiểu, đồng cảm lẫn nhau: “Chỉ có một nguyên nhân để người ta cưới nhau mà thôi. Tình yêu đến độ đơm hoa kết trái. Nhưng lại có muôn vàn nguyên nhân dẫn đến việc chia tay. Có khi chỉ là vì cô ấy có tật gội đầu vào buổi tối? Hay anh ấy có thói quen ăn xong cứ cắm cái tăm trên miệng mà chui vào giường… Và phần lớn những cuộc chia tay là vì chuyện eo xèo tiền bạc” [31, tr.40]. Có những người vợ nghi kị, ghen tuông mù quáng mà hủy hoại gia đình như nhân vật vợ chú Thuận, cũng có những gia đình bị bão táp thị thành xô đổ như nhà lão Hoạt trong Chảy qua bóng tối. Phải chăng gia đình cũng trở thành một

miếng mồi béo bở để những tị hiềm, ghen tuông, tham vọng, tiền bạc, tệ nạn phố phường rình rập bóp nghẹt?

Kết cục, “những cuộc hôn nhân trong thành phố là một cái gì đó kém bền vững nhất trên đời” [31, tr.40]. Nhan nhản trên trang văn Đỗ Phấn là những cuộc li hôn: Thành trong Chảy qua bóng tối, Khánh Ly trong Gần như

là sống, Hà trong Vắng mặt, Quân trong Con mắt rỗng. Cũng có những gia

đình tránh được cảnh eo sèo tiền bạc, nhưng không tránh khỏi sự tẻ nhạt, thờ ơ như gia đình của Hùng trong Ruồi là ruồi. Cô vợ xinh đẹp ngang hoa hậu của anh ta có việc chính là ở nhà đánh bài, cho vay lãi cùng mua bán các kiểu như “một búp bê tình dục trơ lì nhạt hoét” không hơn không kém [35, tr.29].

Không kể các nhân vật nam của Đỗ Phấn phần nhiều sợ trẻ con vì thấy mình không có gì để dạy chúng, hoặc chẳng quan tâm đến con cái nếu vợ không sinh được con trai.

Những gia đình trong Con mắt rỗng, Vắng mặt, Rừng người, Chảy qua bóng tối, Ruồi là ruồi,… đều mờ mỏng, rạn vỡ, phai nhạt, ảm đạm đến nao

lòng. Có chăng đời sống thị thành đã tàn phá chúng? Hay do con người nhu nhược buông xuôi? Vì lí do gì chăng nữa, sự đổ vỡ, mất mát của gia đình cả nghĩa đen và nghĩa bóng đều là vấn đề đáng lo ngại. Đỗ Phấn đang gióng lên một hồi chuông thê thiết: Không thể có được một vườn hoa đẹp khi cành gốc của chúng đã héo tàn, chia rẽ, mục ruỗng tự bên trong.

2.3.2.2 Sự phai nhạt niềm tin và ý thức về gia đình của một thế hệ

Hầu hết những nhân vật của Đỗ Phấn đều rơi vào tình trạng phai nhạt niềm tin về gia đình, tình yêu, hôn nhân cũng như sự chung thủy của nửa kia thế giới. Sự phai nhạt này tô đậm cái hư vô, trống rỗng, cô đơn, ủ dột của con người trong xã hội đô thị. Đối với họ, yêu đương là “thứ tình cảm quá cồng kềnh” trong cuộc sống không có nhiều khoảng trống để mang theo [33, tr.91]. Hoặc “Tình yêu nếu có, liệu có phải là sự lặp đi lặp lại một quá trình nhàm chán? Hòa hợp cả về tâm hồn thể xác chỉ là một ảo tưởng... làm cho cuộc đời rối tung rối mù lên vì những ghen tuông hờn giận. Và cả hận thù” [29, tr.156]. Từ đó, con mắt của thị dân hiện đại nhìn hôn nhân như một bức tranh u tối, giả tạo, chán chường. Họ sợ gia đình, sợ “mô hình hạnh phúc thị dân nhạt phèo… Thức dậy quần quần áo áo con đực cõng con cái ra khỏi nhà trên chiếc xe máy mò lên phố ăn sáng uống cà phê… Cả hai lên giường vùi mình vào giấc ngủ không cần đến mộng mơ. Gần sáng dậy làm một phát vội vàng không cảm xúc. Ngày nào cũng thế” [32, tr.251]. Đổ vỡ và trải nghiệm sau hôn nhân còn gây ra những “tác dụng phụ” trong tiềm thức của con người.

gia đình với những mè nheo cơm áo tác phong sinh hoạt đã làm tôi đủ mệt trong nhiều năm rồi. Đã từ lâu rồi chấp nhận sống với đàn bà chỉ bằng một nửa ham muốn của mình. Tránh xa những lo toan ước vọng cao cả” [33, tr.97].

Những nhân vật nam trong hệ thống tiểu thuyết của Đỗ Phấn đều “làng nhàng thân phận”, không cô độc thì vừa li dị, sống cuộc đời không định gắn bó với một ai. Họ hoàn toàn mất hết ý niệm về tổ ấm: “Anh không chuẩn bị để sống một cuộc sống gia đình với những mè nheo phiền toái… nghèo nàn và tù túng như bất cứ cuộc hôn nhân nào” [31, tr.147]. Các nhân vật đàn ông thường “chẳng làm gì cho mong muốn của đàn bà ngoài chuyện lên giường” [31, tr.187].

Tiêu cực hơn, họ không còn tin vào phụ nữ: “Chẳng hiểu sao anh có ác cảm với chữ “vợ”. Những bà vợ tần tảo thương yêu kính trọng chồng có lẽ đã qua đời hết từ thời cụ Tú Xương cả rồi” [31, tr.45]. Có những khi còn buông lời chua cay, nghiệt ngã: “Đàn bà nào mà chẳng chung thủy cho đến lúc bỏ mình đi với thằng khác?” [31, tr.123].

Như vậy, mô hình gia đình trong môi trường đô thị đã bị ảnh hưởng nặng nề. Đó đây chỉ còn sót lại một vài bữa cơm ấm cúng của những gia đình chắp vá như Lão Quảng trong Chảy qua bóng tối, hay Văn và Tuyết trong Rừng người. Đỗ Phấn viết về nó như cái không khí cần có của một gia đình

đích thực. Còn những gia đình hợp pháp theo đúng giấy tờ hôn nhân lại trở nên rạn nứt, lỏng lẻo, đổ vỡ, phai nhạt.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đề tài đô thị trong tiểu thuyết của đỗ phấn (Trang 57 - 60)