Giễu nhại con người đương thời

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giễu nhại trong truyện khoa học huyễn tưởng của m bulgakov (những quả trứng định mệnh, trái tim chó) (Trang 73 - 80)

1.1.2. Văn học giễu nhại

2.2. Giễu nhại hiện thực và con ngƣời đƣơng thời

2.2.2. Giễu nhại con người đương thời

M.Bulgakov được mệnh danh là nhà văn trào phúng số một của nước Nga thế kỷ XX. Với bản lĩnh nghệ thuật cao cường, không khoan nhượng trước chế độ, ông đã tạo nên cho tác phẩm giá trị hiện thực sâu sắc. Tuy nhiên, màu sắc hiện thực trong tác phẩm của ông rất phong phú và đa dạng. Sự thật có lúc nằm ở sự phức tạp, hỗn loạn của xã hội, tệ quan liêu nạn giấy tờ của cơ quan hành chính. Song cũng có lúc, người đọc thấy lấp ló trong những trang viết của M.Bulgakov là hình ảnh của những con người có thực đương thời.

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà Bulgakov học đều coi Những quả

trứng định mệnh Trái tim chó là tác phẩm trào phúng chính trị, nhằm vào giới lãnh đạo nhà nước Xô viết giữa những năm 1920. Đó là điều dễ hiểu với một nhà văn theo đuổi bút pháp trào phúng chính trị như M. Bulgakov. Khi đọc hai tác phẩm này, chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy ở Sharikov và Trugunkin có dáng dấp của cái bóng Stalin ngoài đời. Qua hình ảnh của hai giáo sư Preobrazhensky và giáo sư Persikov dường như Bulgakov muốn ám chỉ nhà lãnh đạo Lenin (người cải tạo đất nước). Trợ lý của giáo sư Preobrazhensky - bác sĩ Bormental luôn xung đột với Sharikov là ám chỉ Trotsky; Shvonder ám chỉ Kamenev, nữ trợ lý Zina ám chỉ Zinovev, Daria và Rokk ám chỉ Dzherzhinsky.

Những thành viên trong căn hộ của giáo sư giống như một ban lãnh đạo hoàn chỉnh ngoài đời. Mỗi người có một nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể. Trong đó, Preobrazhensky và Persikov có vị trí cao nhất, vị trí thống trị. Sau ông, có Bormental trợ giúp về công việc chuyên môn, sát cánh trong các cuộc phẫu thuật quan trọng. Zina và Daria là những nhân viên đắc lực phục vụ việc ăn uống, nghỉ ngơi và đi lại. Tên của Preobrazhensky trong tiếng Nga còn có nghĩa là “cải tạo”, ám chỉ đến lãnh tụ Lenin – người cải tạo đất nước. Vẻ bề

ngoài của giáo sư Persikov có nét gì đó tương đồng với lãnh tụ Lenin như: trán hói bóng, đôi mắt nhỏ tinh nhanh, nét mặt của ông bao giờ cũng như có

một vẻ giận dỗi, trái tính, trái nết… Trong bộ phim Trái tim chó sản xuất năm

1988, đạo diễn người Nga, Vladimir Bortko cũng tạo hình nhân vật giáo sư Preobrazhensky có nhiều nét giống với lãnh tụ Lenin (như trong ảnh).

Giáo sư Preobrazhensky trong phim Hình ảnh Lenin ngoài đời

Sinh thời, V.I. Lenin là người thông minh học giỏi và có ý chí tự học rất cao. Năm 1887, V.I. Lê-nin tốt nghiệp xuất sắc bậc Trung học được nhận Huy chương vàng nên được vào thẳng bất kỳ trường Đại học nào ở nước Nga. Chỉ trong vòng hai năm miệt mài đèn sách, năm 1891, V.I. Lê-nin đã thi đỗ tất cả các môn học của chương trình 4 năm khoa Luật trường ĐH Tổng hợp Kazan với tư cách thí sinh tự do. Cả cuộc đời ông dành trọn cho cuộc đấu tranh giành chính quyền và xây dựng xã hội chủ nghĩa của nước Nga. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động, ông đã viết nhiều tác phẩm đồ sộ về sự phát

triển của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa phê phán, về những bài học quý giá trong các cuộc đấu tranh vô sản, giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những tác phẩm của ông đã trở thành lý luận chính trị quý báu trong công cuộc đấu tranh và xây dựng đất nước của Nga cũng như nhiều đất nước theo chủ nghĩa xã hội sau này. Ông là vị lãnh tụ vĩ đại và là niềm tự hào muôn đời của người Nga. Trong tác phẩm của mình, M.Bulgakov cũng xây dựng hình tượng hai vị giáo sư như những con người mang tầm vóc vĩ đại: ở họ có một khối lượng kiến thức chuyên môn phi thường. Giáo sư Persikov có thể “dễ dàng kiếm được chỗ đứng ở các khoa Động vật học tại bất kỳ trường Đại học nào trên thế giới, bởi vì ông là một nhà bác học siêu thặng, còn trong lĩnh vực ít nhiều liên quan đến lớp lưỡng cư hoặc các loài bò sát khỏa bì thì ông là người không ai sánh kịp (…). Giáo sư đọc sách bằng bốn thứ tiếng, không kể tiếng Nga, còn tiếng Pháp và tiếng Đức ông nói như tiếng Nga” [13; tr.13]. Ông đã cho ra đời nhiều cuốn sách về Động vật học, Phôi thai học, Giải phẫu học… Còn giáo sư Preobrazhensky nổi tiếng thế giới nhờ những tuyến sinh dục đực và nghiên cứu bộ não. Các giáo sư không vợ con, không quan tâm gì khác ngoài công việc chuyên môn, cũng giống như lãnh tụ Lenin dành cả cuộc đời và sự nghiệp cho nước Nga vĩ đại.

Chi tiết giáo sư Filip Filipovich bị ốm sau khi thực hiện ca cấy ghép, bác sĩ Bormental thay mặt giáo sư ghi bệnh sử và giải quyết công việc tại phòng khám khiến độc giả dễ liên tưởng đến những sự kiện cuối đời của V.I. Lenin. Sức khỏe của Lenin đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau những căng thẳng trong cuộc cách mạng và nội chiến. Đặc biệt là vụ ám sát năm 1918 khiến tình hình ngày càng trở nên tồi tệ. Tháng 5 năm 1922, Lenin bị đột quỵ lần đầu tiên, ông bị tê liệt nửa người bên phải. Do đó, ông phải đọc cho thư ký ghi lại tài liệu về chính phủ. Đây cũng là thời gian đầu Xô viết thực hiện Chính sách kinh tế mới.

Ngoài sự ám chỉ về ngoại hình, tầm cỡ, vị trí của V.I. Lenin, M.Bulgakov còn giễu nhại Chính sách Kinh tế mới do Lenin đề xuất. Trong khi Lenin ca ngợi giai cấp vô sản, tìm mọi cách đấu tranh giành quyền lợi cho giai cấp này thì Preobrazhensky lại căm thù vô sản. Ông vạch ra những thói xấu xa, giả dối của vô sản, khinh miệt chủ nghĩa Marx và nói những điều phản cách mạng. Điều này trái ngược hoàn toàn với lý tưởng mà Lenin theo đuổi và xây dựng. Qua Chính sách kinh tế mới, Lenin mong muốn khôi phục lại nước Nga sau chiến tranh, giúp người dân Xô viết có cuộc sống ấm no và tốt đẹp hơn. Nhưng những gì M.Bulgakov thể hiện trong tác phẩm của mình thì không có gì tốt đẹp hơn trong thời đại mới của đất nước: xã hội hỗn loạn, lãnh đạo và quan chức tham lam, quan liêu, thiếu hiểu biết và vô trách nhiệm, con người trong xã hội mới thì bê tha, trụy lạc…

Không chỉ ám chỉ lãnh đạo Lenin, M.Bulgakov còn có những chi tiết gợi nhắc đến Joseph Stalin thông qua hai nhân vật Sharikov-Trugunkin. Nếu như Sharikov có ngoại hình xấu xí với vết sẹo dài trên trán thì Stalin cũng có nhiều dị tật trên cơ thể. Ông sinh ra với hai ngón chân trái dính vào nhau. Lên bẩy tuổi ông bị đậu mùa và để lại những vết sẹo rỗ cho đến cuối đời. Năm mười hai tuổi ông bị một tai nạn và tay trái từ đó bị cứng khớp và ngắn hơn tay phải. Theo những người chống Stalin thì đó là dấu hiệu của quỷ. Sharikov sau khi biến thành người đã tiếp nhận toàn bộ những gì xấu xa, thấp hèn và tục tĩu của tên trộm cướp, lưu manh Trugunkin. Khi vừa sinh ra hắn đòi hỏi mọi quyền lợi, thủ tục giấy tờ để hắn được công nhận là công dân của Moskva. Hắn tham lam, lừa đảo, xấu xa nhưng sợ chết. Hắn lấy lý do vết sẹo trên đầu để trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Khi có chút quyền hành trong tay, Sharikov với những bản chất xấu xa vốn có quay trở lại đòi nơi ở, đánh đập và lăng mạ người đã tạo cho hắn cuộc sống. Chính quyền lực và chức tước đã giúp Sharikov có thêm cơ hội bộc lộ bản tính xấu xa, ích kỷ và man trá của

mình. Điều này phần nào khiến chúng ta liên tưởng đến một Stalin độc tài ngoài đời. Người ta còn gọi ông là bạo chúa. Việc Sharikov được làm Trưởng Tiểu ban làm sạch thành phố khiến độc giả liên tưởng đến việc Stalin trở thành lãnh đạo tối cao của Liên bang Xô viết. Nhưng từ ngày lên nắm chính quyền, Stalin và đẳng cấp quan liêu đã biến đổi đảng Cộng sản Nga thành đảng quan liêu, các cơ quan Xô viết thành hình nộm. Nhà nước chuyên chính vô sản thành Nhà nước độc tài quan liêu. Stalin và chính quyền quan liêu đã thi hành luật lệ và các biện pháp thu hẹp quyền dân chủ. Thanh niên bị tước đoạt quyền chính trị. Trí thức, văn nghệ sĩ bị bịt mồm, bịt miệng. Dân chúng bị kiểm soát từng lời nói, ý nghĩ, việc làm. Xã hội đầy rẫy những kẻ nịnh hót, tham ô, đầu cơ, trục lợi. Bọn hãnh tiến ngoi lên. Người trung thực bị trù dập. Thậm chí, giống như Sharikov chống lại đấng sáng tạo ra mình, Stalin tiến hành chiến dịch “khóa Lenin”, nhằm đón nhận những phần tử quan liêu cơ hội vào Đảng và giảm ảnh hưởng của Lenin trong chính quyền.

Ở sự việc Filip Filipovich quyết định phẫu thuật đưa Sharikov trở về là Sharik, Bulgakov muốn ám chỉ đến ý định loại bỏ Stalin khỏi chức vụ tổng bí thư. Bởi Stalin giống như Sharikov là con người quá thô lỗ, đối xử không thỏa đáng với các đồng chí, có tính nết thất thường và lạm dụng quyền hành. Điều này làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh ban lãnh đạo trong quần chúng và sẽ có nguy cơ để lại hậu quả tồi tệ sau này. Vì vậy, việc loại bỏ Sharikov hay Stalin là việc làm cần thiết.

Đối lập với Stalin là Lev Davidovich Trotsky. Hình ảnh của Lev Trotsky được M.Bulgakov ẩn ngầm trong nhân vật Bormental. Trong truyện, Bormental là nhân vật có nhiều xung đột với Sharik – Sharikov. Ngay từ lần đầu nhìn thấy Bormental, Sharik đã cắn ngay vào chân anh và gọi anh là gã bị cắn vào chân. Sau này, khi trở thành con người mới, Sharikov luôn khiến

Bormental khó chịu và bất mãn. Mặc dù ngủ chung một phòng nhưng họ không nói chuyện với nhau. Bormental đã từng có ý định “đánh liều cho hắn uống thạch tín” hoặc quyết tâm giết chết nó. Và cũng chính anh đã khái quát lên bản chất thực sự của Sharikov: “Một con người với trái tim chó”[14; tr. 152].

Ngoài đời, Stalin là một trong những nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi. Có những người bảo vệ, song cũng có những người phê phán ông. Trong con mắt của Trotsky, Stalin là một người trí tuệ hạn chế và tâm hồn u ám, là một anh tỉnh lẻ không có giáo dục đã thâu tóm quyền lực nhờ thao túng chính trị và bạo lực đẫm máu. Trên hết, theo Trotsky, Stalin là kẻ ban đầu đã phản bội Lenin và sau đó là sự nghiệp của chủ nghĩa Marx. Ngoài xung đột với Sharikov, Bormental còn là một phụ tá tuyệt vời của giáo sư Filip Filipovich. Anh giúp giáo sư mọi hoàn thành các công việc chuyên môn. Đặc biệt, trong lúc Filip Filipovich còn ngần ngại chưa dám động đến Sharikov thì Bormental đã đánh hắn, cho thuốc mê, khóa cửa lại và không cho phép ai vào phòng làm phiền cuộc phẫu thuật biến Sharikov quay trở lại thân phận chó Sharik. Sự quyết đoán và can đản của anh đã giúp giáo sư tránh được những phán quyết của chính quyền đương thời. Lev Trotsky là một trong những người thân cận nhất của Lenin, đã giúp Lenin lãnh đạo cuộc Cách mạng Tháng mười đến chỗ thành công, xây dựng Hồng quân Nga, sáng lập ra Liên bang Xô viết, đặt nền móng cho một chế độ xã hội chủ nghĩa xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử. Hơn ai hết, ông hiểu rõ những ưu điểm và nhược điểm của chế độ này. Ông đã theo dõi từng bước biến chuyển của nó, đánh giá khách quan những thành tựu cũng như những thất bại, đề ra những phương sách đấu tranh tránh cho nó sự băng hoại. Ngoài ra, độc giả còn bắt gặp hình ảnh của Zinovev qua nhân vật Zina, Kamenev qua Shvonder, Dzherzhinsky

qua hai nhân vật Daria và Rokk. Tuy nhiên biểu hiện không đậm nét và sinh động như các trường hợp kể trên.

Như vậy, trong hai tác phẩm của mình, M.Bulgakov đã ngầm giễu nhại tới sáu thành viên chính thức của Bộ Chính trị. Cả một bộ máy cấp cao trở thành đối tượng giễu nhại không khoan ngượng của M. Bulgakov. Không chỉ giễu nhại con người, ông còn giễu nhại rất nhiều cơ quan, tổ chức chính phủ. Ông không nói chung chung mà chỉ đích danh tên từng cơ quan: Hội đồng kinh tế quốc dân trung ương, Hội đồng ăn uống bình dân, Hội đồng nhà cửa, Hội đồng dân ủy giáo dục, Cục Chính trị quốc gia, Ủy ban đặc biệt chống nạn dịch gà, Hiệp hội hóa học, Hội đồng kinh tế cao cấp… Chưa bao giờ các cơ quan nhà nước lại xuất hiện trong tác phẩm văn học nhiều đến thế. Nhưng M.Bulgakov không kể ra để ca ngợi mà để vạch tội. Trong những cơ quan cao cấp và hoành tráng trên lại chứa những thành phần, những con người (lãnh đạo hoặc nhân viên) xấu xa, bất tài. Ví như: lão đầu bếp ở nhà ăn bình dân thuộc Hội đồng kinh tế quốc dân trung ương nhẫn tâm tạt nước nóng làm bỏng một bên mạng sườn của con chó hoang đang bới đồ ăn trong đống rác. Hội đồng ăn uống bình dân thực chất là bao gồm nhiều cửa hàng làm ăn gian dối, nấu súp và làm giò từ thịt ngựa thối. Ủy ban chống nạn dịch gà được lãnh đạo bởi một người thừa nhiệt tình và thiếu hiểu biết nên gây ra tai họa tàn phá đất nước… Chính vì tồn tại những thành phần như trên nên xã hội ngày càng trở nên hỗn loạn, tồi tệ; kinh tế chậm phát triển và nhân cách con người bị xuống cấp nghiêm trọng. Thông qua tác phẩm của mình, M.Bulgakov muốn khẳng định: một xã hội không thể tốt hơn nếu như được lãnh đạo bởi những người chưa hề tốt. Bản thân nội bộ lãnh đạo còn tồn tại sự mâu thuẫn và xung đột thì sớm muộn gì sự sụp đổ cũng sẽ xảy ra.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giễu nhại trong truyện khoa học huyễn tưởng của m bulgakov (những quả trứng định mệnh, trái tim chó) (Trang 73 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)