Thủ pháp xây dựng nhân vật nghịch dị

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giễu nhại trong truyện khoa học huyễn tưởng của m bulgakov (những quả trứng định mệnh, trái tim chó) (Trang 91 - 95)

1.1.2. Văn học giễu nhại

3.2. Thủ pháp xây dựng nhân vật nghịch dị

Nghịch dị (grotesque) hay còn gọi thô kệch, là yếu tố quan trọng trong

nghệ thuật tạo dựng tiếng cười, đặc biệt là tiếng cười cảm quan carnival. Hiện nay, có nhiều quan niệm khác nhau về nghịch dị, trong đó phổ biến nhất với quan niệm “Nghịch dị là một kiểu tổ chức hình tượng nghệ thuật dựa vào cái huyễn tưởng tiếng cười, sự phóng đại, lối kết hợp và tương phản một cách kỳ quặc cái huyễn tưởng và cái thực, cái đẹp và cái xấu, cái bi và cái hài, cái

giống như thực với cái biếm họa”[2; tr.215]. Yếu tố nghịch dị đã xuất hiện và

gắn liền với đời sống văn học từ trong thần thoại, biểu hiện quan niệm duy vật tự phát của dân gian về tồn tại và phát triển lên đến đỉnh cao với nghệ thuật thời Phục Hưng và mang tính “lưỡng trị”. Sang đến thế kỷ XX, yếu tố nghệ thuật này có những biến đổi để phù hợp hơn với hơi thở của thời đại. Nghịch dị có xu hướng biến những cái quen thuộc thành xa lạ, chuyển giữa cái thực

và cái phi lý. Nó là cái phi lý của hiện thực có thực. Như vậy, có thể hiểu, yếu tố nghịch dị là yếu tố tạo nên hình tượng trái với thông thường, ở dạng thức méo mó, lệch lạc so với thông niệm. Đây cũng là thủ pháp xây dựng nhân vật trong truyện khoa học viễn tưởng, là yếu tố phi lý trong văn học phi lý. Biểu hiện của nó là sự biến dạng: thú thành người, người thành thú, sự kết hợp ngôn ngữ, câu chuyện theo kiểu rối ren, tung hỏa mù để tạo tiếng cười. Giả tưởng chỉ là hình thức, biến dạng mới là nội dung.

Trong những sáng tác của mình, M.Bulgakov cũng sử dụng nghịch dị như một phương thức tạo mặt nạ cho các nhân vật của mình. Nhờ nghịch dị, thế giới nhân vật của ông trở nên phong phú, đa dạng, kệch cỡm và đáng cười vô cùng. Chính yếu tố nghịch dị đã tạo nên tính hài hước trong các tác phẩm trào phúng chính trị của ông. Người ta có cảm giác như những nhân vật của ông không phải là con người thực. Bởi họ dường như đang đeo mặt nạ trong một lễ hội giả trang. Không ai giống ai, mỗi người một vẻ. Họ nghịch dị ở cả ngoại hình lẫn tính cách, ở cả ngôn ngữ văn chương lẫn ngôn ngữ đường phố… Trong lễ hội giả trang nguyên thủy, ranh giới đẳng cấp dường như bị xóa nhòa. Nhưng lễ hội giả trang trong tác phẩm của M. Bulgakov, sự nghịch dị lại tạo nên nét điển hình của từng tầng lớp trong xã hội. Các nhà khoa học lập dị có thói quen và tư tưởng của tầng lớp tư sản trí thức bảo thủ; nhân vật biến dạng Sharikov là đại diện điển hình của người vô sản lưu manh và những kẻ như Rokk, Bronski, Shvonder đại diện cho công chức kém tài.

Các giáo sư Persikov và giáo sư Filip Filipovich được dựng lên là những nhà khoa học lập dị, có cuộc đời cô đơn và bi kịch. Trước tiên, họ có vẻ bề ngoài, đặc biệt là gương mặt không ưa nhìn với tập hợp những chi tiết phản cảm, mất cân đối: “Một cái đầu tuyệt vời ngang bướng, trán hói bóng, những túm tóc hoe vàng lưa thưa hai bên tai. Râu ria cạo nhẵn, vành môi dưới

vẩu ra khiến cho nét mặt của ông bao giờ cũng như có một vẻ giận dỗi, trái tính trái nết. Cặp kính gọng bạc cổ lỗ sĩ bé xíu kẹp giữa hai bên cánh mũi đỏ ửng, đôi mắt nhỏ tinh anh, dáng người dong dỏng, lưng hơi gù”[13; tr.10]. Chân dung giáo sư Persikov hiện ra giống như một bức tranh biếm họa với những đường nét thái quá. M.Bulgakov đã cố tình miêu tả đầy đủ các bộ phận của gương mặt nhưng dường như chúng chẳng có chút ăn nhập gì với nhau. Điều duy nhất người đọc cảm nhận được là vẻ mặt quái dị và khó tính của nhân vật. Trái ngược với vẻ hói bóng, cạo nhẵn của Persikov, giáo sư Preobrajensky lại hiện lên sang trọng, lịch lãm như một quý ngài trong mắt Sharik: “Sau khi cởi áo khoác ngoài, trên người quý ngài là bộ com lê đen bằng nỉ Anh, sợi dây chuyền vàng trên bụng quý ngài lấp lánh những tia sáng đùng đục vui mắt”[14; tr.29]. Không chỉ có vẻ ngoài khó tính, nhà khoa học trên còn có thói quen và lối sống kỳ quặc: khi nói điều gì chắc chắn, Persikov thường uốn ngón tay trỏ phải hình mắt câu và đôi mắt ông nheo tít lại. Báo chí ông không đọc, phim ảnh, nhà hát không xem. Vợ con các ông không có. Mối quan tâm duy nhất của các ông là những lĩnh vực khoa học mà các ông nghiên cứu. Có vẻ như cuộc sống của các nhà khoa học dường như bị biệt lập với thế giới bên ngoài. Hơn thế, sống trong chế độ người vô sản cầm quyền nhưng Filip Filipovich lại căm ghét vô sản và thẳng thắn tuyên bố: “Tôi không thích vô sản”. Ông thà bỏ ra nước ngoài chứ không chịu nhường phòng cho người vô sản cùng tòa nhà. Những nhân vật này có những biểu hiện của một nhà khoa học thuần túy, rất am hiểu lĩnh vực nghề nghiệp của mình nhưng không quan tâm tới thế giới xung quanh. Họ đại diện cho tầng lớp tư sản trí thức bảo thủ, không chịu hòa mình vào môi trường mới.

Ở nhân vật hình tượng nhân vật Sharikov, yếu tố nghịch dị mang tính đổi thay chứ không đơn thuần là đối lập. Sự thay đổi từ Sharik thành Sharikov là sự thay đổi về hình dạng. Sự di truyền từ Clim Trugunkin sang Sharikov là

sự thay đổi về tính cách. Như vậy, Sharikov có sự thay đổi ở Sharikov là biểu hiện của sự nghịch dị-biến dạng. Hiện tượng này giống với sự biến dạng trong

tác phẩm của Kafka và một số nhân vật trong Nghệ nhân và Margarita. Tuy

nhiên, ở Sharikov – con người mới, người ta tìm thấy được tất cả những gì bản chất nhất của kẻ vô sản lưu manh: gian dối, lừa lọc, trộm cắp, chửi tục, tham lam, vô nhân tính… Nếu như ở thân phận chó, Sharik ngoan ngoãn cung phụng Filip như một vị thánh bao nhiêu thì khi trở thành con người Sharikov lại đốn mạt, không tôn trọng bấy nhiêu. Hắn hiện lên với sự nghịch dị trọn vẹn cả ngoại hình lẫn tính cách: Thân hình thấp lùn, ăn mặc lố bịch. Hắn đòi giấy tờ tùy thân, quyền tước, chiếm dụng nhà cửa, sẵn sàn giết hại ân nhân. Dù đã được là người nhưng Sharikov cũng chỉ là kẻ bần cùng của xã hội, kẻ mang mang hình dạng của gã người nhưng lại có trái tim chó thì không bao giờ làm điểu gì tốt cho xã hội. Bằng phương thức nghịch dị, M.Bulgakov đã phơi bày bản chất thực sự của Sharikov cũng như những con người có bản chất lưu manh trong xã hội.

Ngoài hai kiểu nhân vật nghịch dị trên, M.Bulgakov còn tạo dựng hình ảnh những kẻ công quyền nhưng vô trách nhiệm, dốt nát và bảo thủ thông qua các nhân vật Rokk, nhà báo Bronski... Ở Rokk, ta thấy có sự kết hợp nghịch dị giữa nghệ sĩ và chiến sĩ, con người và quỷ dữ. “Mặt nạ” của nhân vật này thay đổi theo thời gian và không gian. Khi còn làm ở rạp chiếu bóng, Rokk là một nghệ sĩ thổi sáo điệu nghệ. Khi ở chiến trường, anh ta là một người dũng cảm và “khá vĩ đại”. Khi là thành viên của Hội đồng kinh tế cao cấp, anh ta là một con người nhiệt huyết với ý tưởng khôi phục đàn gà của nước Cộng hòa trong vòng một tháng. Tuy nhiên, khi tai họa xảy ra, từ một con người, anh ta đã biến thành kẻ mang hình hài của quỷ: “Tóc trên đầu Rokk trở nên bạc trắng. Trước tiên là nửa đầu bên phải, liền đó là cả nửa đầu bên trái” và tâm trí của kẻ tâm thần. Sự thay đổi “mặt nạ” Rokk là kết quả của sự nhiệt tình

thiếu hiểu biết. Còn ở nhân vật Bronski là sự nhiệt tình vô trách nhiệm. Vẻ ngoài lố bịch của y khiến người khác không khỏi bật cười: bộ mặt nhẵn nhụi, nháng mỡ, đôi lông mày bao giờ cũng nhớn lên như người Trung Quốc, cặp mắt màu mã não không bao giờ nhìn thẳng vào người đối diện, áo khoác ngoài hẹp và dài, ống quần loe rộng, chiếc mũ nhọn đầu. “Anh ta ăn mặc thật

đúng mốt và lịch sự không chê vào đâu được”[13; tr.36]. Nhưng đối nghịch

với sự chỉnh chu về ngoại hình là sự tắc trách trong công việc. Anh ta bịa ra câu chuyện với giáo sư, phóng đại sự thật về sức mạnh của tia sáng, tạo nên một sự hiểu lầm nghiêm trọng trong dân chúng.

Không chỉ ba nhóm nhân vật trên, các nhân vật khác trong tác phẩm của M.Bulgakov cũng mang vẻ méo mó, lệch lạc, dị thường. Ví như gương mặt của lão đầu bếp bình dân có “chiều ngang dài hơn chiều dọc”, Zina có vẻ ngoài gầy đét còn Daria lại béo tốt mập mạp, người đàn bà có hình dạng là con người nhưng được cấy buống trứng của khỉ… Như vậy, thế giới nghịch dị của M.Bulgakov có đầy đủ sắc thái và trạng thái nghịch dị mà ta vẫn gặp trong các tiểu thuyết thế kỷ XX: cái hài hước và kinh hãi, cái dị thường, phóng đại và hiện thực. Nhờ yếu tố nghịch dị, M.Bulgakov đã khiến hiện thực trở nên hiện thực hơn. Những nhân vật kỳ quặc, biến dạng kia thực chất là kết quả của một xã hội hỗn loạn, vô nhân đạo. Đây phải chăng là một sự dự báo ngầm ẩn của ông: trong xã hội mà con người tưởng chừng như là hoàn hảo vẫn còn có những con người chưa hoàn hảo. Và chính những cá thể bất hảo như vậy sẽ là nguyên nhân của sự đổ vỡ và hủy hoại xã hội tương lai?

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giễu nhại trong truyện khoa học huyễn tưởng của m bulgakov (những quả trứng định mệnh, trái tim chó) (Trang 91 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)