Cốt truyện giả tƣởng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giễu nhại trong truyện khoa học huyễn tưởng của m bulgakov (những quả trứng định mệnh, trái tim chó) (Trang 88 - 91)

1.1.2. Văn học giễu nhại

3.1. Cốt truyện giả tƣởng

Cốt truyện là một trong những yếu tố quan trọng hình thành nên tác phẩm. Cốt truyện là một hệ thống cụ thể những sự kiện, biến cố, hành động trong tác phẩm tự sự và tác phẩm kịch thể hiện mối quan hệ qua lại giữa các tính cách trong một hoàn cảnh xã hội nhất định nhằm thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Cốt truyện hình thành dựa trên xung đột xã hội. Trong quá trình xây dựng tác phẩm, nhà văn bao giờ cũng phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp những xung đột xã hội, điều này tạo nên tính lịch sử cho tác phẩm. Tuy nhiên, xung đột xã hội mới chỉ là cơ sở khách quan. Cốt truyện còn đòi hỏi sự sáng tạo nghệ thuật và thể hiện quan điểm chủ quan của tác giả. Bởi cùng xuất phát từ một xung đột xã hội giống nhau, những nhà văn khác nhau lại xây dựng những cốt truyện khác nhau nhằm thể hiện quan điểm, thái độ, ý đồ tư tưởng, phong cách nghệ thuật và cá tính sáng tạo của nhà văn đối với cuộc sống. Cốt truyện được hình thành có nghĩa là xung đột đang được giải quyết với nhiều tình tiết, sự kiện và biến cố khác nhau. Trong đó, có những sự kiện, biến cố đóng vai trò thắt nút, đẩy xung đột lên cao trào để nhân vật bộc lộ tâm lý, tính cách và chủ đề, tư tưởng tác phẩm.

Cũng giống như cốt truyện, cốt truyện giả tưởng bao gồm những sự kiện, biến cố thúc đẩy hoạt động, tâm lý nhân vật. Tuy nhiên, cốt truyện giả tưởng thường được xây dựng dựa trên tình huống không có thật với những chi tiết hoang đường huyễn tưởng. Là một nhà văn trào phúng yêu thích sự thần bí, M.Bulgakov đã xây dựng được những cốt truyện thú vị, thu hút sự thích thú của độc giả, trong đó phải kể đến hai tác phẩm khoa học huyễn tưởng

Những quả trứng định mệnhTrái tim chó. Tuy không quá phức tạp như kết

cấu cốt truyện đa tuyến trong Nghệ nhân và Margarita nhưng hai tác phẩm

này vẫn tạo được ấn tượng với độc giả thông qua cốt truyện giả tưởng với những biến cố kịch tính và hài hước.

Cốt truyện trong tác phẩm của M.Bulgakov được xây dựng hết sức chặt chẽ, bao gồm nhiều sự kiện, hành động được sắp xếp, kết hợp với nhau theo trình tự: trình bày – thắt nút – phát triển – cao trào – mở nút. Ở phần trình bày, ông luôn mở đầu tác phẩm bằng những tình tiết và nhân vật có đặc điểm

lạ hoặc hài hước để thu hút sự chú ý của độc giả. Trong Trái tim chó là tình

tiết con chó hoang Sharik độc thoại mô tả về hiện thực Moskva rất hài hước.

Trong Những quả trứng định mệnh là hình ảnh kỳ quặc, quái gở của vị giáo

sư thiên tài Persikov. Tuy nhiên, phần thắt nút trong hai tác phẩm có đôi chút

khác nhau. Trong Những quả trứng định mệnh, M.Bulgakov có sự thắt nút

ngay từ khi Giáo sư Persikov phát hiện ra tia sáng đỏ. Những chuyện xảy ra sau đó đều xoay quanh tia sáng kỳ diệu đó. Thông tin về tia sáng và sức mạnh sinh sản thần kỳ của sinh vật bậc thấp nhờ tia sáng được truyền đi nhanh chóng giúp cho mạch truyện phát triển tự nhiên.

Để câu chuyện thêm phần phong phú và chuẩn bị bước vào giai đoạn cao trào, M.Bulgakov bổ sung thêm tình tiết thảm họa dịch gà. Sự việc toàn nước Nga sạch không một bóng gà sau nạn dịch đã thúc đẩy cho sự xuất hiện của Rokk – Chủ tịch Nông trường Quốc doanh Tia sáng đỏ. Câu chuyện bước sang một sự phát triển mới với một không gian mới ngoài Moskva. Đó là không gian làng quê của tỉnh Smolenscaia. Ở không gian này sẽ diễn ra sự việc quan trọng trong lịch sử kinh tế nước Nga. Bằng tia sáng đỏ, Rokk sẽ tạo ra hàng trăm nghìn con gà để khôi phục nền kinh tế. Tuy nhiên, thay vì gà, Rokk lại cho nở ra những đàn trăn nước, đà điểu, cá sấu khổng lồ phá hủy làng mạc và giết chóc con người. Sự kiện các thùng trứng nở ra những loài vật khổng lồ là một cách gỡ nút tài tình của M. Bulgakov. Một kết quả bất ngờ, một câu trả lời xác đáng cho rất nhiều những sự kiện kỳ lạ liên tiếp xảy ra trước đó ở làng Konsova: trong đêm, bỗng nhiên lũ chó đồng thanh sủa lên, những tiếng sủa dần dần biến thành tiếng hú hoàn toàn đau đớn; xen vào tiếng

chó sủa là tiếng ếch rền vang trong hồ. Nhưng ngày hôm sau, chó không sủa, ếch không kêu, toàn không gian chìm trong một sự im ắng kỳ lạ và sợ hãi… M.Bulgakov tạo ra bầu không khí bí hiểm và lạ lùng để tạo kịch tính thúc đẩy mở nút thắt cho câu chuyện. Do vậy, người đọc cứ bị trôi đi, cuốn theo và hồi hộp theo từng sự kiện và diễn biến của tác phẩm.

Trong Trái tim chó, các biến cố được xây dựng nối tiếp nhau, trong đó

biến cố này dữ dội và sâu sắc hơn biến cố kia, biến cố trước là dự báo, là nguyên nhân cho biến cố sau. Chúng ta sẽ thấy toàn bộ tính căng thẳng của câu chuyện tập trung chủ yếu vào những diễn biến sau khi Sharik biến thành người. Do đó, cuộc phẫu thuật đóng vai trò như một nút thắt của tác phẩm. Qua những trang bệnh án của Bormental trong quá trình theo dõi kết quả cuộc phẫu thuật, chúng ta vẫn chưa thấy bóng dáng một Sharik - sau khi phẫu thuật - xuất hiện trực tiếp trong tác phẩm, mà chỉ hiện lên mơ hồ qua những ghi chép vắn tắt của viên phụ tá. Chỉ đến chương Sáu, Sharikov mới thật sự xuất hiện và được miêu tả tỉ mỉ, giúp người đọc hình dung cụ thể toàn bộ “công trình khoa học vĩ đại” của giáo sư Preobrazhensky. Tiếp theo chỉ là những cãi vã giữa Sharikov và người tạo ra mình xung quanh chuyện ăn mặc, ngôn ngữ, v.v… Sau đó Bulgakov đã dẫn người đọc qua nhiều sự kiện khác nhau nhằm làm nổi bật và tăng cường bản chất lưu manh của Sharikov, từ chuyện đuổi theo mèo, rượu chè, trộm cắp đến việc trở thành tay sai cho Hội đồng nhà cửa. Đỉnh điểm căng thẳng là hàng loạt các hành động của Sharikov khi trở thành Tiểu Trưởng ban làm sạch thành phố: hắn đã dùng quyền lực để ép cô nhân viên đánh máy kết hôn với hắn, gửi thư tố cáo giáo sư Preobrazhensky, đặc biệt, hắn còn chĩa thẳng súng ngắn về phía bác sĩ Bormental. Bằng cách sắp xếp các sự kiện theo hướng ngày càng nghiêm trọng, Bulgakov đã khẳng định sự sai lầm của thí nghiệm khoa học đó, cũng như bản chất xấu xa trong con người Sharikov. Bên cạnh đó, những hành động tăng cấp của Sharikov đã đẩy

giáo sư Preobrazhensky vào tình thế buộc phải ra tay để xử lý hậu quả từ sai lầm của mình.

Bằng việc xoay quanh những phát minh khoa học, M.Bulgakov đã mang đến cho độc giả những câu chuyện dở khóc dở cười. Các chi tiết, sự kiện và biến cố được sắp xếp rất chặt chẽ và tài tình với nhau. Những tưởng một tia sáng đỏ được phát hiện ở Moskva với một nạn dịch gà khởi phát ở tỉnh lẻ chẳng có mối liên hệ gì với nhau. Nhưng qua tài năng của M. Bulgakov, chúng lại trở thành những biến cố đặc sắc trong một câu chuyện đầy bi kịch. Hay đã có ai từng nghĩ đến việc một ngày một con chó có thể mang hình hài con người, đi đứng và nói năng như một con người thực thụ trong xã hội? Có lẽ chỉ có M.Bulgakov mới nghĩ ra những tình huống quái gở và kỳ lạ đó. Hơn thế, ông còn phát triển chúng trở thành những câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn đã thách thức biết bao thế hệ độc giả và các nhà nghiên cứu.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giễu nhại trong truyện khoa học huyễn tưởng của m bulgakov (những quả trứng định mệnh, trái tim chó) (Trang 88 - 91)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)