Tự giễu nhại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giễu nhại trong truyện khoa học huyễn tưởng của m bulgakov (những quả trứng định mệnh, trái tim chó) (Trang 80 - 88)

1.1.2. Văn học giễu nhại

2.3. Tự giễu nhại

Trong những tác phẩm của mình, ngoài sự giễu nhại tác phẩm, con người và hiện thực xã hội đương thời, M.Bulgakov còn có những chi tiết giễu nhại chính bản thân mình. Có nghĩa rằng, thấp thoáng trong những nhân vật, biến cố, ngôn ngữ… của tác phẩm, người đọc vẫn nhìn thấy con người, biến cố cuộc đời và những quan điểm hết mình cho sáng tạo nghệ thuật của M. Bulgakov. Sự giễu nhại bản thân trong tác phẩm có thể nằm ở sự tương đồng hoặc tương phản với con người thực ngoài đời. Nhưng chỉ cần những chi tiết đó xuất hiện, độc giả đã hiểu ngay M.Bulgakov thực sự đang nói về chính mình.

Đầu tiên, trong Trái tim chóNhững quả trứng định mệnh dù không

có một tuyên ngôn nào về tôn giáo, nhân vật cũng không phải là người mộ đạo nhưng chất Kito giáo vẫn thấm đẫm trong từng trang viết và hình ảnh nhân vật. Thậm chí, giáo sư Filip Filipovich còn hiện lên giống như một vị thánh, một đấng tạo hóa trong cuộc đời của Sharik – Sharikov. Đó là bởi ngay từ nhỏ Bulgakov đã được tắm mình trong một không khí thiêng liêng của tôn giáo. Cha ông là một tiến sĩ thần học làm việc trong một trường dòng. Mẹ ông là giáo viên và vốn là con gái của một mục sư. Vì lẽ đó, chất tôn giáo xuất hiện khá nhiều và mang một ý nghĩa nhất định trong tác phẩm của ông.

Vì sao trong cả hai tác phẩm, mặc dù đều nói về những vấn đề khoa học nhưng người thực hiện chúng lại là bác sĩ hoặc là người có kiến thức phi thường về giải phẫu học? Và tại sao câu chuyện ly kỳ về sự lai ghép bộ phận người với cơ thể loài chó được miêu tả rất tỉ mỉ, sinh động, cuốn hút và đậm chất y học? Câu trả lời nằm ngay trong chính cuộc đời của M. Bulgakov. Sinh thời, M.Bulgakov đã từng học tại Khoa Y Trường Đại học Tổng hợp Kiev. Sau khi ra trường, ông đã có thời gian làm việc tại các viện quân y trong chiến

tranh hoặc làm công việc nhân đạo của một thầy thuốc sau Cách mạng tháng Mười. Chính vì vậy, Bulgakov hiểu biết rất rõ về cơ thể người, về sinh học, đặc biệt là y học. Và tất cả những kiến thức lẫn kinh nghiệm làm việc như trên đã thể hiện phần nào trong hai các sáng tác của ông.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong hình tượng của hai vị giáo sư (Filip Filipovich và Persikov) có sự ẩn - hiện con người thực sự của M. Bulgakov. Đầu tiên, người ta nhận thấy sự nhiệt huyết với công việc nghiên cứu của hai nhà khoa học này cũng chính là sự tâm huyết hết mình với sự nghiệp sáng tác văn học của M. Bulgakov. Mặc dù tốt nghiệp y khoa nhưng năm 1920, ông đã bỏ nghề vì đam mê công việc viết lách. Giống như cuộc đời của Persikov dành trọn cho ngành động vật học, cả cuộc đời của M.Bulgakov muốn dành trọn cho công việc sáng tác. Đối với ông, “không được viết chẳng khác gì bị chôn sống”.

Thế nhưng cuộc đời văn nghiệp của Bulgakov cũng như cuộc đời nghiên cứu của các nhà khoa học trong tác phẩm của ông gặp phải không ít những sóng gió từ chính quyền và báo chí đương thời. Ngay khi tia sáng cuộc sống, hay kết quả của cuộc thí nghiệm là Sharikov ra đời, chúng đã gặp phải sự săn đón thái quá của những con người tò mò. Người dân hàng xóm, người khám chữa bệnh vây quanh căn hộ của giáo sư chỉ để “xem con chó biết nói”. Khắp Moskva đồn thổi nhau, truyền tai nhau về sức mạnh kỳ diệu của tia sáng cuộc sống – một phát minh chưa hề được kiểm chứng và công bố chính thức. Sự lan truyền thông tin một cách nhanh chóng đó là do đâu? Chính là nhờ báo chí. Báo chí có một vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin và xu hướng thời đại. Đặc biệt trong tác phẩm của mình, M.Bulgakov đã nhắc đến báo chí như một tác nhân gián tiếp thúc đẩy tai họa xảy ra. Đại diện của nó là Alfred Arcadievitr Bronski – Cộng tác viên của ba tạp chí và một tờ báo của

Moskva và phóng viên Stapanov – Cộng tác viên của báo Tin tức Công nghiệp trực thuộc Hội đồng Dân ủy. Thay vì kiểm chứng và xác nhận thông tin thì những nhà báo trên lại đưa ra những thông tin sai lệch về tên nhà bác học Persikov thành Pevsicov. Họ bịa ra câu chuyện hoang đường về sức mạnh của tia sáng cuộc sống, phóng đại tác dụng của nó lên gấp nhiều lần: “Từ nửa funt trứng ếch trong vòng ba ngày sẽ nở ra một số lượng nòng nọc nhiều đến mức không có cách nào đếm xuể”[13; tr.44]. Bài báo đó được đọc văng vẳng trên đài phát thanh. Vì vậy, tầm ảnh hưởng của thông tin sai lệch được phổ biến trên diện rộng. Persikov và ánh sáng độc nhất vô nhị kia trở thành nạn nhân của báo chí và sự bàn tán dư luận. Sự sai lệch thông tin ngay từ ban đầu đã gieo rắc vào đầu Rokk ý định khôi phục đàn gà cho nền kinh tế. Nhưng vì chưa được kiểm chứng, vì được ảo hóa sức mạnh nên tia sáng cuộc sống lại là nguyên nhân gây thảm họa cho cuộc sống. Trong khi tai họa đang ùn ùn kéo về Moskva thì những người làm báo chí lúc này lại tỏ rõ sự vô trách nhiệm của mình. Họ viết ra những điều lố bịch và cười cợt chúng “Gratrevca, tỉnh Smolenskaia. Trong quận xuất hiện một con gà mái to bằng con ngựa hay đá hậu như ngựa. Thay vào đuôi, nó có những cái lông như lông vũ của lũ đàn bà tư sản”[13; tr.127]. Tới khi biết đến sự thật thì họ quay ra khép tội cho vị giáo sư nọ và kẻ đã thực thi nhiệm vụ đó: “Cần phải xử bắn cái gã Persikov này đi (…) bắn là phải bắn cái gã chó đẻ ở nông trường ấy”[13; tr.131]. Họ đâu biết rằng chính họ đã gián tiếp gây ra thảm họa này và giờ họ khép tội người khác khi chưa có một cuộc điều tra chính thức nào. Vì vậy, Persikov và tia sáng cuộc sống kia biến mất, theo một nguyên nhân nào đó là do sự vô trách nhiệm của báo chí.

Ngoài đời thực, M.Bulgakov cũng là một nạn nhân, một đề tài nóng hổi của báo chí. Mỗi tác phẩm của ông ra đời là có biết bao con người soi mói, kiểm duyệt, phỉ báng thường xuyên trên báo chí. Trong một bức thư gửi cho

Chính phủ Liên Xô sau này, M.Bulgakov viết: “Trong khi phân tích những bài báo được lưu trữ trong hồ sơ của tôi, tôi phát hiện ra qua mười năm hoạt động văn học của tôi trên báo chí Liên Xô đã có 301 bài viết về tôi, trong đó có ba bài khen, còn số bài thù địch chửi rủa là 298. 298 bài báo này là tấm gương phản chiếu cuộc đời viết văn của tôi”[12; tr.722]. Không những vậy, nhân cách và con người của ông còn bị hạ bệ không thương tiếc: “Về Bulgakov, kẻ trước sau vẫn là một quái thai tư sản mới, phun nước bọt tẩm thuốc độc nhưng vô tác dụng lên giai cấp công nhân và lí tưởng cộng sản của họ”[12; tr.723]. So với những nhân vật của mình thì M.Bulgakov đã bị sỉ nhục từ báo chí gấp nhiều lần. Con người và những tác phẩm của ông đã phải chịu sự vu khống và hủy diệt. Sự hủy diệt đó được dư luận xã hội Xô viết đón nhận hết sức vui mừng và được gọi là thành tựu. Do đó, trong nhiều năm sách của ông bị cấm in, kịch bị cấm diễn, hết tiền, thất nghiệp, người thân xa lánh. Cuộc đời ông hoàn toàn lâm vào bi kịch, ông có ý định ra nước ngoài giống như Persikov đã từng tuyên bố: “Nếu họ không chấm dứt ngay những trò quái gở này lại… thì tôi sẽ ra nước ngoài”[13; tr.11]. Nhưng chính phủ sẽ chẳng bao giờ cho ông ra khỏi Liên Xô vì như vậy đồng nghĩa với việc họ sẽ có thêm kẻ thù. Như vậy, báo chí đã góp phần không nhỏ trong việc truy bức và hủy diệt cuộc sống cũng như những tác phẩm của ông. Từ đó, M.Bulgakov được biết đến là nhà văn có số phận – cuộc đời cũng như sáng tác chìm nổi, nhiều khát vọng và đau khổ.

Bi kịch không được người đời hiểu và đánh giá đúng sau này được M.Bulgakov chuyển tải ở hình ảnh nhân vật Nghệ nhân trong tiểu thuyết

Nghệ nhân và Margarita bất hủ của ông. Nhiều người cho rằng Nghệ nhân là hình ảnh phản chiếu con người đời thực của M. Bulgakov. Tuy nhiên có một điểm khác biệt, ngoài đời M.Bulgakov luôn đấu tranh quyết liệt cho số phận của mình còn Nghệ nhân thì không. Có lẽ M.Bulgakov muốn Nghệ nhân được

sống theo đúng theo bản chất của một người nghệ sĩ chân chính chứ không phải là một người chiến sĩ lao mình vào các cuộc đấu tranh.

M.Bulgakov là vậy, rất tài năng và thẳng thắn. Ở ông có sự yêu ghét phân minh và không chịu bó mình hay quỵ lụy trước cường quyền. Mỗi trang viết của ông là mỗi mảnh ghép hiện thực xã hội được phơi bày. Trong bức tranh hiện thực hoàn chỉnh đó không thể thiếu vắng hình bóng của một số phận thăng trầm như ông. Giễu nhại xã hội, giễu nhại con người và M.Bulgakov giễu nhại cả chính bản thân mình. Nụ cười mang vừa mang tính khách quan vừa mang tính chủ quan đó đã giúp cho những tác phẩm của ông có thêm độ sâu về mặt ý nghĩa. Để hiểu hết được những gì M.Bulgakov muốn bộc lộ quả là một thách thức lớn đối với các thế hệ độc giả về sau.

Tiểu kết

Giễu nhại là cảm hứng chủ đạo trong tác phẩm của M. Bulgakov. Các

kiểu giễu nhại biểu hiện rất phong phú và đa dạng: giễu nhại Kinh Thánh,

giễu nhại Faust từ Goethe, giễu nhại con người - hiện thực xã hội đương thời

và tự giễu nhại. Mỗi kiểu giễu nhại lại mang một sắc thái và cách biểu hiện

khác nhau. Giễu nhại Kinh Thánh mang tính ám gợi, cắt dán, giễu nhại Faust

biểu hiện qua sự song trùng của các cặp nhân vật, giễu nhại motif biến dạng của Kafka, giễu nhại con người và xã hội đương thời thông qua các thói hư, tật xấu, quan điểm sai lầm… Thậm chí, ông còn giễu nhại chính hoàn cảnh và cuộc sống của mình. Nhưng tựu trung, cảm hứng giễu nhại trong tác phẩm của ông đều phục vụ cho một mục đích: cảnh báo con người mới trong xã hội mới cần có cái nhìn khách quan, toàn diện trước hiện thực. Trong xã hội được cho là hoàn hảo hảo liệu đã thật sự hoàn hảo khi ở đó vẫn có “con người mang trái tim chó”? Những con người đó sẽ là mầm mống tai họa cho tương lai sau này. Đặc biệt, ông nhấn mạnh đến thái độ sống của những nhà khoa

học – những người có vai trò mang tính bước ngoặt cho sự phát triển kinh tế đất nước – cần có kiến thức và trách nhiệm hơn với các thí nghiệm của mình. Nếu sự thiếu trách nhiệm của nhà khoa học kết hợp với sự nhiệt tình của những kẻ thiếu hiểu biết thì tất lẽ sẽ tạo thành tai họa hủy diệt. Bên cạnh đó, ông cũng đề cập đến tinh thần nhân đạo của nhà khoa học: thiên tài kết hợp với sự thiếu đạo đức và trách nhiệm sẽ dẫn tới sự vô nhân đạo trong khoa học… Những biểu hiện trên là minh chứng rõ nét cho chất phản – không tưởng trong sáng tác của M. Bulgakov. Sau chiến tranh, Lenin và chính quyền xô viết tìm mọi phương cách để khôi phục nền kinh tế đất nước và thiết lập chế độ chuyên chính vô sản. Tuy nhiên, với một cảm quan nhạy bén, M.Bulgakov không chú trọng đề cao những thành quả của chính quyền Xô viết mà ông muốn “cho con người bình thường thấy cái giá phải trả cho hạnh

phúc là như thế nào”. Qua Những quả trứng định mệnh Trái tim chó, đặc

biệt là thông qua hình tượng nhân vật Sharikov, ông muốn dự báo về những tiêu cực có thể xảy ra trong xã hội. Liệu xã hội có thật sự tiến bộ và văn minh hơn, con người có một cuộc sống tốt đẹp hơn không hay thay vào đó là một xã hội ô hợp, náo loạn. Bộ máy chính quyền thì quan liêu, hủ lậu. Con người mới thì tha hóa, biến chất. Như vậy đồng nghĩa với lý tưởng về một xã hội tốt đẹp, hoàn hảo bị phá sản.

Chƣơng 3: NGUYÊN TẮC GIẢ CARNIVAL TRONG PHƢƠNG THỨC BIỂU HIỆN

Carnival (lễ hội dân gian, lễ hội hóa trang kiểu carnival) theo Bakhtin, không chỉ giản đơn là lễ hội, mà là cuộc sống thứ hai của con người do các yếu tố khôi hài của dân chúng tạo thành. Các nghi thức và trò chơi của lễ hội carnival đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo nên cuộc sống thứ hai cho con người, chẳng hạn nghi thức tấn phong, hạ bệ, sự tiếp xúc suồng sã, sự báng bổ, các trò phỏng nhại, trò hề… đã thực sự tạo nên “cuộc sống thứ hai”. Nhưng đây là cuộc sống thứ hai phi quan phương, bên rìa của cuộc sống thứ nhất thông thường. Carnival có tính thời gian và tính không gian. Cụ thể hơn, carnival thường xảy ra vào các ngày lễ hội mùa màng hoặc ngày lễ lịch sử trọng đại, tức là các thời điểm có sự đổi thay trong cuộc sống, nó nâng đỡ sự đổi thay trong thế giới quan. Nơi diễn ra lễ hội thường là quảng trường, bãi chợ, vốn là những nơi không có trung tâm, không có quyền uy, mọi người đều có thể tham gia tư do với khát vọng dân chủ nguyên thuỷ.

Cùng với thời gian, carnival thâm nhập sâu hơn vào quá trình sáng tác, Bakhtin gọi đó là “Văn học carnival hoá” với các thể loại văn học nghiêm túc – buồn cười, như đối thoại kiểu Socrat, trào phúng mênippê, tiểu thuyết phức

điệu Dostoievski, tiểu thuyết nghịch dị Rabơle… Trong Những vấn đề thi

pháp Đôxtôiepxki, M. Bakhtin đã khẳng định “Phỏng nhại, như chúng tôi đã nhận xét, là yếu tố không thể tước bỏ của “trào phúng Mênippê” và của mọi thể loại carnival hóa nói chung. Phỏng nhại vốn xa lạ về mặt cơ cấu với các thể loại thuần khiết (sử thi, bi kịch) nhưng nó lại rất hữu cơ với các thể loại carnival hóa.”[3; tr.124]. Như vậy, carnival và phỏng nhại (giễu nhại) có mối quan hệ gắn bó khăng khít với nhau. Do sau này, đặc biệt là trong thời đại cực quyền toàn trị, bản chất của carnival đã thay đổi. Nó không còn đơn thuần

dùng tiếng cười để soi ngắm mình từ phía bên ngoài giúp con người tự tẩy rửa hoàn thiện bản thân mà nó lấy sự sợ hãi tuyệt đối làm cơ sở. Xuất phát từ cảm quan carnival, sự sợ hãi tồn tại bên cạnh sự sùng phục đối với quyền lực/chính quyền. Sự phá vỡ quyền con người, giám sát con người cũng như khoảng cách giữa những con người thuộc nấc thang xã hội khác nhau được coi là chuẩn mực cho mối quan hệ giữa mọi người trong phản không tưởng.

Hạt nhân cấu trúc của phản không tưởng là giả carnival (pseudo-carnival).

Khác biệt chủ yếu giữa carnival cổ điển và giả carnival – sản phẩm của thời

đại toàn trị - là ở chỗ cơ sở của carnival là tiếng cười nước đôi (ambivalent

laughter) trong khi cơ sở của giả carnival là nỗi kinh hãi tuyệt đối (absolute fear). Khác với tiếng cười mang tính nước đôi, nỗi sợ là tuyệt đối và vô điều kiện. Ý nghĩa nỗi sợ hãi trong tác phẩm phản không tưởng là tạo ra một bầu không khí hết sức đặc biệt, đó gọi là “thế giới phản không tưởng”. Cũng giống như bản chất của môi trường carnival, nỗi sợ hãi tồn tại bên cạnh sự kính sợ và ngưỡng mộ trước những biểu hiện của quyền lực. Kính sợ trở thành nguồn gốc của kinh hãi, còn bản thân nỗi sợ hãi thì lại tìm đến cách giải thích hợp lý.

Đồng thời sợ hãi chỉ là một cực của giả carnival. Nó trở thành đồng nghĩa với yếu tố “giả” trong từ này. Carnival đích thực cũng hoàn toàn có thể xảy ra trong tác phẩm phản không tưởng.

Là một nhà văn có tư tưởng phản không tưởng, M.Bulgakov cũng sử dụng giả carnival như một phương thức tạo tiếng cười giễu nhại sâu sắc. Biểu hiện chính của nguyên tắc giả carnival trong truyện khoa học huyễn tưởng của M. Bulgakov nằm ở cốt truyện giả tưởng, nghệ thuật xây dựng nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giễu nhại trong truyện khoa học huyễn tưởng của m bulgakov (những quả trứng định mệnh, trái tim chó) (Trang 80 - 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)