Giọng điệu giễu nhại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giễu nhại trong truyện khoa học huyễn tưởng của m bulgakov (những quả trứng định mệnh, trái tim chó) (Trang 95 - 99)

1.1.2. Văn học giễu nhại

3.3. Giọng điệu giễu nhại

Trước tiên cần khẳng định, giọng điệu giễu nhại có vai trò quan trọng trong nghệ thuật tạo tiếng cười, là một sắc thái quan trọng của giọng điệu trần thuật. Giọng điệu giễu nhại cũng giống như khái niệm giọng điệu nói chung,

trước tiên nó thể hiện thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả. Tuy nhiên, khác giọng điệu nói chung ở chỗ nó mang lại thái độ vui cười, châm biếm, đôi khi là sự suy ngẫm và ý nghĩa cảnh tỉnh. Biểu hiện của giọng điệu giễu nhại hết sức phong phú: không chỉ được thể hiện trong cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần mà nó còn thể hiện trong lời của người kể chuyện và cách dịch chuyển điểm nhìn. Khi điểm nhìn trần thuật bị thay đổi, đồng nghĩa với việc có sự đan xen giọng điệu diễn ra. Trong tác phẩm của mình, M.Bulgakov sử dụng cả người kể chuyện ở ngôi thứ nhất (Sharik) và ngôi thứ ba. Ngôi thứ nhất tạo tính chủ quan, còn ngôi thứ ba mang màu sắc khách quan. Nhờ vậy, câu chuyện được tái hiện một cách đa diện hơn và hấp dẫn hơn.

Trong Những quả trứng định mệnh, người kể chuyện ở ngôi thứ ba –

tác giả với điểm nhìn từ trên xuống. Hầu như không có sự dịch chuyển điểm nhìn. Có chăng chỉ là sự dịch chuyển điểm nhìn sang nhân vật Persikov khi đọc thông tin trên tấm danh thiếp của Bronski, như: “Thưa giáo sư kính mến, xin được tiếp kiến và xin lỗi giáo sư ba phút về những vấn đề xã hội của báo chí và cộng tác viên của tạp chí trào phúng “Con ó đỏ”, cơ quan ngôn luận của GPU”[13; tr.36]. Tuy nhiên sự dịch chuyển điểm nhìn này không thực sự rõ ràng. Người đọc không thấy có động từ: “nhìn” hay “đọc” để nhận biết, Persikov đang nhìn vào tờ danh thiếp. Họ chỉ ngầm hiểu rằng Persikov đang đọc đoạn văn trên. Vì trước đó “Persikov một tay giật lấy tấm danh thiếp, suýt nữa làm nó rách làm đôi”. Vì vậy, giọng điệu rất khách quan và thiên về miêu tả. Đối với những đoạn miêu tả về cảnh đẹp thiên nhiên, giọng văn của tác giả rất nhẹ nhàng và có tầm nhìn xa để mở rộng không gian, tạo sự liên tưởng phong phú cho độc giả. Ngược lại, khi miêu tả con người, điểm nhìn của người kể chuyện dịch chuyển rất gần đối tượng, miêu tả chi tiết, tỉ mỉ với

giọng điệu giễu cợt. Đặc biệt, ở đối tượng phản ánh này, điểm nhìn của người kể chuyện thường tập trung miêu tả khuôn mặt với những liệt kê dồn dập. Ví như, khi miêu tả giáo sư Persikov: điểm nhìn của người kể chuyện lia từ: đầu (ngang bướng) xuống trán (hói bóng), sang tai, qua râu, xuống môi. Rồi lại quay trở lên cặp kính nhỏ xíu với đôi mắt tinh anh để tạo điểm nhấn cho hình hài kỳ dị của giáo sư. Giọng điệu có sự thay đổi linh hoạt theo sự phát triển của biến cố truyện, góp phần tạo nên sự kịch tính cho câu chuyện. Trong quá trình kể, người kể thường gọi tên nhân vật và sử dụng các cụm từ mang tính kế tiếp: “ngày thứ hai”, “tiếp liền”, “tiếp đó càng ngày càng tệ”… tạo được sự liền mạch trong tác phẩm.

So với Những quả trứng định mệnh, giọng điệu giễu nhại trong Trái tim

chó có phần phong phú và đa dạng hơn bởi có sự dịch chuyển điểm nhìn của

người kể chuyện.

Ta dễ thấy trong Trái tim chó có sự đan xen giữa các loại giọng điệu

khác nhau, xuất phát từ những nhân vật khác nhau. Đầu tiên, đó là giọng điệu có lúc nguyền rủa, chửi bới, có lúc rên rỉ, than vãn, lại có lúc thành kính hay có lúc hoài nghi, thắc mắc của Sharik. Tiếp theo, đó là giọng điệu uy quyền, giọng điệu châm biếm, thái độ mỉa mai và coi thường cũng như giọng điệu khách quan khoa học của Preobrazhensky. Người kể chuyện từ ngôi thứ nhất – Sharik – có một giọng điệu riêng, với các sắc thái riêng; còn những trang nhật ký của Bormental lại thuần túy là những ghi chép vắn tắt mang tính khoa học. Còn người kể chuyện từ ngôi thứ ba dựa vào điểm nhìn của Sharik lại có giọng điệu và cách sử dụng ngôn từ hoàn toàn khác với người kể chuyện toàn tri. Nếu từ điểm nhìn của Sharik, giáo sư Preobrazhensky được gọi là “vị thánh”, là “Quý Ngài”, còn Bormental được gọi là “anh chàng bị đớp”; thì ngược lại, người kể chuyện toàn tri đơn giản gọi tên các nhân vật khi kể chuyện.

Ngôn ngữ trong Trái tim chó cũng là sự đan xen pha tạp nhiều loại ngôn ngữ, từ hệ thống ngôn ngữ đầu đường xó chợ của Sharik và Sharikov đến hệ thống các thuật ngữ và văn phong khoa học, chính trị trong các cuộc nói chuyện của Preobrazhensky hay Bormental. Cách sử dụng phức hợp nhiều loại ngôn ngữ của Bulgakov vừa phù hợp và thống nhất với nhân vật phát ngôn, đôi khi lại tạo ra hiệu ứng giễu nhại và châm biếm mỉa mai. Ví dụ như cách mà Sharikov không ngừng lặp lại những khẩu hiệu và câu từ chính trị mà hắn học được từ Shvonder hay cuốn sách của Engels không phải do Sharikov thật sự thấm nhuần quan điểm chính trị của học thuyết này, ngược lại, nó chỉ là sự sao chép máy móc mà hắn dùng để khoe mẽ và tạo màng bảo vệ cho vị trí của mình, cũng như chống đối giáo sư Preobrazhensky. Bản chất lưu manh của Sharikov không phù hợp với những ngôn từ chính trị mà hắn sử dụng. Ngay cả cái tên mà Sharikov chọn khi đi đăng ký giấy tờ cũng đã cho thấy hắn là kết quả từ những sao chép máy móc, là kết quả từ những gì người ta nhồi vào đầu hắn và hắn biết cách sử dụng nó để có lợi cho mình. Và thông qua cách Sharikov đọc vanh vách quan niệm về việc phân chia tài sản và sự công bằng trong xã hội, Bulgakov đã phần nào thể hiện quan điểm của mình về những hiện tượng này. Đặc biệt, trong ba chương đầu, ngoài điểm nhìn chủ yếu là mắt, Sharik còn sử dụng thính giác và khứu giác để mở rộng không gian truyện. Điều này tạo nên sự độc đáo trong phương thức biểu hiện tác phẩm của ông.

Tóm lại, giọng điệu giễu nhại trong tác phẩm của M.Bulgakov rất

phong phú, đa dạng và không giống nhau giữa các tác phẩm. Ở Những quả

trứng định mệnh giọng điệu giễu nhại còn mang tính khách quan và hạn chế

việc di chuyển điểm nhìn. Nhưng trong Trái tim chó, các giọng điệu giễu nhại

đan xen một cách nhuần nhuyễn với nhau. Cùng với sự pha tạp ngôn ngữ, giọng điệu giễu nhại đã tạo giúp nhân vật hiện lên nhiều chiều trước mắt độc giả.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giễu nhại trong truyện khoa học huyễn tưởng của m bulgakov (những quả trứng định mệnh, trái tim chó) (Trang 95 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)