- Đối với doanh nghiệp nợ thuế chưa có quyết định mở thủ tục phá sản, chưa
sản được hình thành trong tương lai.
3.3.2. Giải pháp lâu dà
Hạn chế của pháp luật về đăng ký GDBĐ đã cản trở khả năng phát triển của hệ thống đăng ký GDBĐ tại Việt Nam. Do vậy, theo tôi cần thực hiện những giải pháp mang tính dài hơi như sau:
Thứ nhất: Pháp điển hoá các quy định về đăng ký GDBĐ thông qua việc
xây dựng dự án Luật Đăng ký GDBĐ. Dự án Luật Đăng ký GDBĐ phải đảm bảo những mục tiêu chủ yếu sau đây:
- Thể chế hoá chủ trương cải cách tư pháp, cải cách hành chính vào lĩnh vực đăng ký GDBĐ theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho công chúng tiếp cận với hệ thống các cơ quan đăng ký, được cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết để xem xét, quyết định trước khi giao kết các giao dịch dân sự, kinh tế;
- Phải đáp ứng yêu cầu công khai hoá và minh bạch các GDBĐ; phù hợp với các quy định có liên quan trong BLDS và các văn bản pháp luật khác, nhằm thúc đẩy GDBĐ nói riêng và giao dịch dân sự, thương mại nói chung phát triển;
- Kế thừa và pháp điển hóa các quy định hiện hành còn phù hợp; vận dụng kinh nghiệm tốt của nước ngoài phù hợp với điều kiện cụ thể của VN.
- Mở rộng phạm vi các trường hợp đăng ký GDBĐ, lợi ích được bảo đảm, để tăng cường an toàn pháp lý cho các giao dịch và đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin.
- Thống nhất quy trình đăng ký các GDBĐ, đồng thời chú trọng tới các điểm đặc thù đối với việc đăng ký GDBĐ bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; bảo đảm các nguyên tắc: Đơn giản, thuận tiện, khoa học và chính xác trong quy trình đăng ký, cung cấp thông tin; công khai hoá các GDBĐ, lợi ích được bảo đảm cho mọi cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu; xác định chính xác thứ tự ưu tiên thanh toán.
Thứ hai: Xây dựng cơ sở pháp lý để thành lập và tổ chức hoạt động cơ
quan đăng ký tập trung các giao dịch bảo đảm
Triển khai mô hình đăng ký tập trung các GDBĐ tại VN - Giải pháp chiến lược được nhiều nước trên thế giới thực hiện thành công, với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật hiện đại. Mô hình cơ quan đăng ký phân tán theo loại tài sản, theo địa giới hành chính và theo chủ thể xác lập, thực hiện GDBĐ đã hạn chế sự phát triển của hệ thống đăng ký GDBĐ hiện đại. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng hệ thống cơ quan đăng ký GDBĐ tập trung là không nhỏ. Cần triển khai thí điểm, trên cơ sở những kết quả đạt được để đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm đảm bảo tính khả thi của giải pháp. Đồng thời, phải xác định mức độ, cách thức tập trung sao cho vừa tạo điều kiện thúc đẩy các giao dịch trên thị trường, vừa đảm bảo sự quản lý của nhà nước đối với tài sản. Bước đầu có thể thực hiện giải pháp phân tán về cơ quan đăng ký GDBĐ nhưng tập trung về thông tin đã được đăng ký.
Thứ ba: Xây dựng chức danh Đăng ký viên
Việt Nam hiện chưa có quy định về chức danh Đăng ký viên, trong khi ở nhiều nước trên thế giới, Đăng ký viên là một trong những chức danh trong hệ thống các chức danh được nhà nước quản lý. Việc ban hành các quy định về chức danh Đăng ký viên sẽ giúp chuẩn hoá các tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ đăng ký. Hơn nữa, trách nhiệm cá nhân của cán bộ đăng ký khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về đăng ký GDBĐ sẽ được củng cố và tăng cường. Hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ đăng ký thời gian qua một phần bắt nguồn từ thực tế hiện ở VN chưa có chức danh Đăng ký viên. Do vậy, xây dựng chức danh Đăng ký viên là một trong những giải pháp giúp kiện toàn về tổ chức và hoạt động của hệ thống đăng ký.
Trên đây là một số giải pháp lâu dài mà Việt Nam cần nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn của giải pháp và từng bước triển khai thực hiện để hoàn thiện về thể chế của hệ thống đăng ký GDBĐ. Đồng thời, các giải pháp trên hiện đang nhận được sự quan tâm của các chuyên gia pháp lý, các chuyên gia kinh tế và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
3.3.3.Các giải pháp khác
Để pháp luật về đăng ký GDBĐ và ưu tiên thanh toán trong xử lý tài sản bảo đảm hoàn thiện về nội dung và phát huy được những tác dụng tích cực trong thực tiễn, thì ngoài các giải pháp nêu trên, cần thực hiện tốt các giải pháp khác, cụ thể là:
- Khắc phục tình trạng văn bản pháp luật được ban hành thiếu thống nhất, không đồng bộ và kịp thời, dẫn đến khó khăn, vướng mắc khi tổ chức thực hiện. Theo tôi, cần phải thường xuyên tiến hành rà soát, hệ thống hoá quy định về đăng ký GDBĐ, thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và trước khi ban hành văn bản pháp luật, thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải tiến hành trao
đổi, khảo sát của tổ chức, cá nhân là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về đăng ký GDBĐ nhằm phát hiện, xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là của các cơ quan đăng ký, cán bộ đăng ký. Đồng thời, cần phát huy tính dân chủ, minh bạch và công khai của trình tự, thủ tục đăng ký GDBĐ.
- Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá công tác đăng ký GDBĐ nhằm rút kinh nghiệm về những kết quả đạt được và những hạn chế còn tồn tại. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đăng ký GDBĐ, tăng cường tính hiệu quả trong hoạt động của cơ quan đăng ký GDBĐ.
- Chú trọng tìm hiểu, nghiên cứu nhằm đổi mới trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký, cung cấp thông tin về GDBĐ, song vẫn đảm bảo tính chính xác của thông tin liên quan đến GDBĐ được đăng ký.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đăng ký GDBĐ. Đa dạng hóa phương thức, biện pháp tuyên truyền là một trong những cách thức quan trọng để pháp luật về đăng ký GDBĐ nhanh chóng đi vào cuộc sống. Đặc biệt là phát huy hơn nữa hoạt động của Website Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đăng ký GDBĐ, nhất là trong việc thực hiện đăng ký trực tuyến về GDBĐ đối với động sản (trừ tàu bay, tàu biển) với công chúng để tiết kiệm thời gian, tiền bạc của người yêu cầu đăng ký cũng như cơ quan đăng ký.
- Chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác đăng ký GDBĐ, vì những yếu kém về năng lực của cán bộ đăng ký sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của cả một hệ thống.
KẾT LUẬN
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, pháp luật về đăng ký GDBĐ đã không ngừng được củng cố và hoàn thiện, góp phần quan trọng vào sự vận hành tích cực, an toàn và minh bạch của các giao dịch dân sự, kinh doanh, thương mại. Thông qua các quy định của pháp luật về đăng ký GDBĐ, Việt Nam đã dần thiết lập và hoàn thiện hành lang pháp lý an toàn cho các GDBĐ. Với đề tài “Đăng ký giao dịch bảo đảm và thứ tự ưu tiên thanh toán khi
xử lý tài sản bảo đảm trong pháp luật Việt Nam” tôi mong muốn luận văn sẽ góp
phần làm sáng tỏ những vấn đề khoa học pháp lý, pháp luật thực định và thực tiễn về đăng ký GDBĐ cũng như thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm tại Việt Nam.
Quá trình nghiên cứu cho thấy, để hoàn thiện pháp luật về đăng ký GDBĐ và ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm, trước hết chúng ta cần tập trung nghiên cứu những vấn đề mang tính lý luận về đăng ký GDBĐ. Muốn hiểu rõ về đăng ký GDBĐ chúng ta phải hiểu rõ khái niệm về GDBĐ là đối tượng của hoạt động đăng ký GDBĐ. Thông qua việc định nghĩa, tìm hiểu đặc điểm của đăng ký GDBĐ, tôi thấy rằng nền tảng lý luận về đăng ký GDBĐ ở nước ta đã hình thành và bước đầu đã được cụ thể hoá trong các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trước những đòi hỏi của xu thế hội nhập quốc tế và những thay đổi của pháp luật về đăng ký GDBĐ hiện đại, những vấn đề lý luận trong lĩnh vực này cần được nghiên cứu tổng thể, đánh giá toàn diện nhằm tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới. Theo tôi, đây là một trong những mục tiêu cơ bản và quan trọng đã được tập trung giải quyết trong luận văn.
Ngoài ra, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá các quy định hiện hành và đối chiếu với thực tiễn áp dụng, tôi nhận thấy, pháp luật Việt Nam về đăng ký GDBĐ và ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm đã có những thành công đáng kể
bước đầu. Song, bên cạnh đó, một số quy định hiện hành cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung hay hủy bỏ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả và phát huy được tốt nhất mục tiêu của hệ thống đăng ký GDBĐ, trước những đòi hỏi của thực tiễn và xu thế hội nhập quốc tế. Do vậy, các giải pháp về hoàn thiện pháp luật, tổ chức thực thi pháp luật đã được tập trung nghiên cứu, đề xuất trong luận văn và được xác định là đóng góp quan trọng nhất mà luận văn đạt được.
Trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, Pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về đăng ký GDBĐ nói riêng phải dựa trên nền tảng vững chắc của khoa học pháp lý và điều kiện kinh tế xã hội của đất nước chúng ta. Vì vậy, trên cơ sở kết quả đã đạt được trong 10 năm vừa qua, kể từ khi thể chế về đăng ký GDBĐ được hình thành và phát triển, theo định hướng phát triển kinh tế xã hội của đất nước qua các giai đoạn, và sự tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm lập pháp của các nước tiên tiến trên thế giới, pháp luật về đăng ký GDBĐ của Việt Nam ngày càng đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn cuộc sống, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, tiến tới xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.