Giá trị pháp lý của việc đăng ký giao dịch bảo đảm

Một phần của tài liệu đăng ký giao dịch bảo đảm và thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm trong pháp luật việt nam (Trang 41 - 45)

- Thứ hai, đăng ký là điều kiện để vật quyền hay giao dịch bảo đảm có hiệu lực đối kháng đối với người thứ ba

2.1.3.Giá trị pháp lý của việc đăng ký giao dịch bảo đảm

Theo quy định tại Điều 323 BLDS thì "trường hợp tài sản bảo đảm được

đăng ký theo quy định của pháp luật thì GDBĐ đó có giá trị pháp lý đối với người thứ ba, kể từ thời điểm đăng ký" và "việc đăng ký là điều kiện để GDBĐ có hiệu lực chỉ trong trường hợp pháp luật có quy định".

Về nguyên tắc, đăng ký GDBĐ làm phát sinh hiệu lực pháp lý đối với người thứ ba. Tuy nhiên, trong một số trường hợp ngoại lệ, việc đăng ký GDBĐ không chỉ phát sinh hiệu lực pháp lý đối với người thứ ba, mà còn làm phát sinh hiệu lực của giao dịch, vì "việc thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng,

quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, tàu bay, tàu biển có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký thế chấp" (điểm c khoản 1 Điều 10 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP).

Quy định này của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành, cụ thể là khoản 3 Điều 29 Luật Hàng không dân dụng VN, khoản 2 Điều 35 Bộ luật Hàng hải và khoản 4 Điều 146 Nghị định số 181/2004/NĐ- CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành LĐĐ. Do vậy, nếu GDBĐ bằng tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng chưa đăng ký thì chưa phát sinh hiệu lực của hợp đồng.

Người thứ ba được hiểu là bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác ngoài các bên tham gia GDBĐ bằng tài sản. Tuy nhiên, đối chiếu với thực tiễn xác lập và thực hiện GDBĐ (không chỉ của riêng VN), pháp luật thường tập trung điều chỉnh mối xung đột lợi ích liên quan đến tài sản bảo đảm giữa bên nhận bảo đảm với người thứ ba là những đối tượng sau đây:

- Các chủ nợ không có bảo đảm;

- Các chủ nợ cùng nhận bảo đảm bằng tài sản;

- Người mua, người thuê, người nhận chuyển giao tài sản bảo đảm;

- Người bán trả chậm, trả dần, cho thuê tài sản mà bên bảo đảm đem đi cầm cố, thế chấp;

- Người có quyền cầm giữ tài sản bảo đảm (Người sửa chữa, nâng cấp tài sản/người bảo quản tài sản, người làm dịch vụ).

Thời điểm có giá trị pháp lý đối với người thứ ba là thời điểm đăng ký GDBĐ. Thời điểm đăng ký này được xác định theo quy định của pháp luật về đăng ký GDBĐ. Theo quy định pháp luật hiện hành về đăng ký GDBĐ, thời điểm đăng ký GDBĐ không bị thay đổi trong trường hợp thay đổi các bên tham gia GDBĐ (Điều 11 khoản 2 Nghị định 163/2006/NĐ-CP), thay đổi tài sản bảo đảm bằng các khoản tiền thu được, quyền yêu cầu thanh toán hoặc tài sản khác có được từ việc mua bán, trao đổi tài sản bảo đảm (Điều 20 Nghị định 163/2006/NĐ-CP), thay đổi hình thức của GDBĐ.

Với ý nghĩa của việc xác lập giá trị pháp lý đối với người thứ ba, pháp luật Việt Nam đã làm rõ các nội dung chủ yếu sau đây:

Một là, GDBĐ đã có giá trị pháp lý đối với người thứ ba (thông qua cơ chế

đăng ký GDBĐ) thì tài sản bảo đảm trong giao dịch đó sẽ không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác của bên bảo đảm, trừ các trường hợp ngoại lệ (thường là rất hiếm) do pháp luật quy định. Quy định này đòi hỏi bên nhận bảo đảm cần có ý thức

trong việc sử dụng cơ chế đăng ký giao dịch trong thời gian sớm nhất để bảo vệ một cách hiệu quả quyền lợi của mình (Điều 4 khoản 4 Nghị định 163/2006/NĐ-CP);

Hai là, xác định thứ tự ưu tiên với các chủ nợ có bảo đảm khác theo quy

định tại Điều 6 và Điều 27 của Nghị định 163/2006/NĐ-CP; Điều 325 BLDS 2005;

Ba là, xác lập quyền ưu tiên với người mua, người thuê, người nhận chuyển

giao tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 20 của Nghị định 163/2006/NĐ-CP;

Bốn là, có thể được ưu tiên đối với người bán trả chậm, trả dần, cho thuê tài

sản mà bên bảo đảm đem đi cầm cố, thế chấp theo quy định tại Điều 13 của Nghị định 163/2006/NĐ-CP.

Ngoài ra, trong những trường hợp sau đây, việc xác định thứ tự ưu tiên của bên nhận bảo đảm không căn cứ vào thời điểm đăng ký GDBĐ mà được giải quyết như sau:

- Đối với chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm luôn được ưu tiên thanh toán.

- Đối với người có quyền cầm giữ, chủ nợ có bảo đảm luôn có thứ tự ưu tiên thanh toán sau.

- Đối với người mua tài sản bảo đảm là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh; người mua phương tiện giao thông cơ giới đã đăng ký GDBĐ nhưng không mô tả chi tiết số khung thì luôn trở thành chủ sở hữu tài sản đó.

- Đối với trường hợp nhận bảo đảm bằng tài sản mà bên bảo đảm mua trả chậm, trả dần có bảo lưu quyền sở hữu, tài sản thuê dài hạn thì người bán trả chậm, trả dần, người cho thuê tài sản đã đăng ký giao dịch đó trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng luôn được ưu tiên cao hơn so với bên nhận bảo đảm ngay tình.

2.1.4. Nguyên tắc đăng ký giao dịch bảo đảm

Từ khái niệm về "nguyên tắc pháp lý" của khoa học pháp lý, có thể hiểu nguyên tắc đăng ký GDBĐ là những quan điểm, tư tưởng quyết định đến cách thức tổ chức, hoạt động của hệ thống đăng ký GDBĐ.

Việc nghiên cứu nguyên tắc đăng ký GDBĐ giúp chúng ta khái quát được toàn bộ quá trình đăng ký, trách nhiệm của cơ quan đăng ký GDBĐ và hậu quả pháp lý của việc đăng ký.

Trên cơ sở các quy định của pháp luật, đăng ký GDBĐ của VN hiện đang được thực hiện theo hai nguyên tắc sau đây:

+ Nguyên tắc đăng ký xác minh

Hiện nay, pháp luật thực định của nước ta không qui định trực tiếp về nguyên tắc xác minh. Tuy nhiên theo lý luận chung như đã nghiên cứu thì "nguyên

tắc đăng ký xác minh" được hiểu là một nguyên tắc đăng ký, theo đó cơ quan đăng

ký GDBĐ sẽ thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu hợp đồng bảo đảm, các giấy tờ kèm theo trong hồ sơ đăng ký, cũng như các thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký.

Theo quy định hiện hành thì việc đăng ký GDBĐ bằng quyền sử dụng đất, tàu bay, tàu biển áp dụng nguyên tắc đăng ký xác minh. Khái quát quá trình đăng ký GDBĐ đối với các loại tài sản nêu trên, do áp dụng nguyên tắc đăng ký xác minh nên sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ, cơ quan đăng ký GDBĐ có thẩm quyền sẽ thực hiện các bước sau đây:

- Kiểm tra về thẩm quyền đăng ký;

- Kiểm tra nội dung thoả thuận trong hợp đồng bảo đảm;

- Đối chiếu nội dung trong hợp đồng bảo đảm với thông tin được kê khai trong đơn yêu cầu đăng ký và thông tin được cơ quan đăng ký GDBĐ lưu giữ;

- Chứng nhận đơn yêu cầu đăng ký, nếu không thuộc một trong các trường hợp từ chối đăng ký.

+ Nguyên tắc đăng ký thông báo

Cũng như nguyên tắc đăng ký xác minh, hiện nay pháp luật thực định của Việt Nam chưa có định nghĩa về nguyên tắc đăng ký thông báo. Tuy nhiên, theo lý luận chung, nguyên tắc đăng ký thông báo được hiểu là một nguyên tắc đăng ký, theo đó cơ quan đăng ký GDBĐ có thẩm quyền chỉ đăng ký những thông tin cơ bản (bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm và tài sản bảo đảm) được kê khai trong đơn yêu cầu đăng ký, mà không kiểm tra, đối chiếu tính hợp pháp, tính xác thực của thông tin được kê khai.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật thì việc đăng ký GDBĐ tại các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia GDBĐ được thực hiện theo nguyên tắc đăng ký thông báo. Do đó, người yêu cầu đăng ký chỉ cần nộp đơn yêu cầu đăng ký, giấy uỷ quyền (nếu có), mà không phải nộp bất kỳ một tài liệu, giấy tờ nào khác. Sau khi nhận đơn yêu cầu đăng ký hợp lệ, cán bộ đăng ký cũng không phải thực hiện các thao tác nhằm kiểm tra nội dung, tính hợp pháp và xác thực của những thông tin được kê khai trong đơn yêu cầu đăng ký.

Dù áp dụng nguyên tắc đăng ký nào thì cũng phải đòi hỏi trách nhiệm cao của cán bộ đăng ký nhằm tránh những sai sót phát sinh trong quá trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký. Điều này có ý nghĩa đặc biệt đối với trường hợp áp dụng nguyên tắc đăng ký xác minh trong quá trình đăng ký GDBĐ. Song, do VN hiện vẫn chưa có chức danh Đăng ký viên nên trách nhiệm của cán bộ đăng ký chưa được xác định cụ thể, mà vẫn áp dụng trách nhiệm như đối với cán bộ, công chức, viên chức. Đây là sự bất hợp lý, vì chuyên môn hoá hoạt động đăng ký GDBĐ, đòi hỏi phải xác định rõ trách nhiệm cá nhân của cán bộ đăng ký và cần phải xây dựng chức danh Đăng ký viên.

Một phần của tài liệu đăng ký giao dịch bảo đảm và thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm trong pháp luật việt nam (Trang 41 - 45)