7. Kết cấu của luận văn
2.1. Quan niệm của Kant về đạo đức
2.1.1. “Tự do” phạm trù trung tâm trong đạo đức học của Kant
Tự do là một ý niệm cần phải được giả định do kinh nghiệm của chúng ta về sự bó buộc đạo đức, đó là vì “Tôi phải nên, tôi có thể”, rất khó để chứng minh ý chí của mỗi con người là tự do. Kant cho rằng chúng ta buộc phải giả định bằng lý trí rằng có sự tự do, vì tự do và đạo đức hợp nhất không thể phân ly với nhau đến độ người ta định nghĩa tự do thực hành là sự độc lập của
ý chí đối với mọi việc. Con người chỉ có trách nhiệm, bổn phận khi họ có tự do. Tự do phải được giả định, vì vậy nó là định đề đầu tiên của đạo đức học là phạm trù trung tâm trong đạo đức học của Kant.
Trong tác phẩm “Phê phán lý tính thuần túy”, Kant đã đưa ra một định nghĩa về tự do.
“Tự do theo nghĩa thực hành là sự độc lập của ý chí trước sự cưỡng chế do các xung động của cảm năng gây ra. Tự do thực hành giả định tiên quyết rằng, dù một điều gì đó không xảy ra, nhưng nó phải được xảy ra, và vì thế, nguyên nhân của nó ở trong thế giới hiện tượng không phải có tính quy định nghiêm ngặt đến nỗi trong ý chí chúng ta không có một tính nhân quả nào tạo ra được một cái gì độc lập với những nguyên nhân tự nhiên và bản thân đi ngược lại sức mạnh và ảnh hưởng của tự nhiên, tức bị quy định bên trong trật tự thời gian theo những quy luật thường nghiệm, do đó không thể hoàn toàn tự mình khởi đầu một chuỗi các sự kiện…” [18,Tr.XXIV].
Tự do ở đây được Kant xem như là sự tự do có trước kinh nghiệm, theo tự do lý tưởng. Tự do này hoàn toàn độc lập với quy luật của tự nhiên. Vì vậy con người tự ban bố và hành động theo quy luật đạo đức mà không bị ràng buộc với bất kỳ một xu hướng cảm năng hay điều kiện nào.
“Tự do theo nghĩa thực hành là sự độc lập của ý chí trước sự cưỡng chế do các xung đột của cảm năng gây ra [..]. Tự do thực hành giả định tiên quyết rằng, dù một điều gì đó không xảy ra, nhưng nó phải được xảy ra, và vì thế nguyên nhân của nó ở trong thế giới hiện tượng không phải có tính quy định nghiêm ngặt đến nỗi trong ý chí chúng ta không có tính nhân quả tạo ra được một cái gì độc lập với những nguyên nhân tự nhiên và bản thân đi ngược lại sức mạnh và sự ảnh hưởng của tự nhiên” [18, tr.XXIV]. Khởi điểm của nghiên cứu đạo đức học là ý chí tự do, ý chí đã dẫn dắt con người tới tự do. Nhờ những quy luật đạo đức mà con người biết mình được tự do. Và cũng
chính nhờ những quy luật đạo đức mà tự do của con người đạt tới thực tại khách quan. Khái niệm về tự do được chứng minh bằng một quy luật tất nhiên của lý tính thuần túy thực hành, nó tạo nên viên đá đỉnh vòm cho toàn bộ tòa nhà triết học của Kant. Mọi khái niệm khác đều phụ thuộc vào khái niệm tự do. Tự do tồn tại hiện thực, tự do theo Kant hiểu là ý niệm duy nhất trong mọi ý niệm của lý tính tư biện. Kant viết: “Tự do là một ý niệm thuần túy siêu nghiệm” [20, tr.861]. Tự do chính là ý niệm duy nhất trong mọi ý niệm là điều kiện của luân lý, các ý niệm về thượng đế và sự bất tử không phải là điều kiện của quy luật luân lý.
Trong chương I cuốn “Phê phán lý tính thực hành”, Kant bắt đầu bằng một loạt các ví dụ chứng minh, rằng mục tiêu để ta thấy được tất cả những nguyên tắc hành động dựa trên thực nghiệm đều không xứng đáng với bản chất cao quý của sự tự do. Kant khẳng định rằng không có đạo đức thì con người không thể có tự do. Kant chứng minh một cách rõ ràng về mệnh đề này khi cho rằng, đạo đức chính là con người hành động theo lẽ phải, dù hành động đó có thể gây thiệt hại đối với chính chủ thể, vì bổn phận làm người buộc con người phải làm như vậy.
Dưới hình thức những “mệnh lệnh tuyệt đối” con người mới thấy mình tự do. Trong tự do đó con người có thể làm hay không làm theo mệnh lệnh của con tim và quy luật đạo đức, bởi vì ai cũng có thể nhận thức được quy luật đạo đức khi hành động. Chính những quy luật đạo đức là nguyên nhân, cầu nối cho ta biết đến tự do. Ta nhận thức được tự do vì hành vi của ta không bị kích động bởi những sự kiện khả giác. Tự do là khi ta công nhận hoạt động của chính mình như là một “vật tự thân”, tự động. Kant cho rằng tự do cũng như tự chịu trách nhiệm, nếu ta nhìn nhận lại chính mình, cho rằng mình là hữu thể tự do, ta có bổn phận phải thực hành những mệnh lệnh của quy luật đạo đức. Nếu không có quy luật đạo đức thì con người sẽ không biết và không
thấy rằng mình đang có tự do, ngược lại không có tự do con người sẽ không có được hành vi đạo đức.
Theo Kant bản chất của sinh hoạt đạo đức thực chất là sinh hoạt tự do, mà tự do đó không bị chi phối bởi dư luận, bởi định kiến xã hội. Tự do ở đây có nghĩa là khi quyết định, con người nhìn vào hình thức tuyệt đối của quy luật đạo đức, nhìn vào lý trí. Tự do xuất phát từ sự nhận thức chính mình, tự quyết, tự làm, Kant cho rằng tự do mà Kant hướng tới không chỉ đơn thuần là tự do dân chủ, tự do ngôn luận, tự do đi lại. Ở đây tự do có nghĩa mỗi người hoàn toàn tự quyết định hành vi đạo đức của mình mà không bị ràng buộc hay chi phối bởi các mối quan hệ khác, bởi tư lợi, dư luận. Bản chất của hành vi đạo đức chính là hướng tới tự do, tự do là phạm trù rộng, lý trí thuần túy tự tạo ra luật cho mình mới chính là tự do tích cực.
Tự do cũng chính là “sự tự trị” của lý trí thuần túy thực hành. “Sự tự trị” là nguyên tắc duy nhất của tất cả các quy luật đạo đức. Danh từ tự trị hàm chứa trong danh từ tự do, cho ta thấy quan niệm rõ ràng về tự do. Con người không bị chi phối bởi những quyền lực bên ngoài khi hoạt động, sinh sống. Sự tự trị đó thuộc về ý chí, đó chính là bản chất của hành vi đạo đức. Tư tưởng này thể hiện sự mong muốn có đôi chút ảo tưởng của Kant về vấn đề đạo đức. Từ sự tự trị hay “sự tự chủ” Kant đưa tới những khái niệm “nhân vị” hay “nhân phẩm”.
Tự do có hai loại một là sự tích cực hai là sự tiêu cực, vậy nghĩa tích cực được Kant hiểu như thế nào? Đó chính là khi con người không bị chi phối bởi quyền lợi cá nhân, theo nghĩa tiêu cực thì tự do là sự tự quyết của chủ thể. Tự định đoạt mục đích, số phận, hành động, tự tạo ra luật cho những hành vi của mình đối với chính mình, đối với cộng đồng, đó chính là nội dung nói lên ý nghĩa khái niệm “sự tự trị”. Nguyên tắc cao nhất của đạo đức là “sự tự trị của ý chí”. Kant đã nêu ra sự tương quan giữa tự do và quy luật đạo đức như
trên đã trình bày. Bên cạnh đó Kant cho rằng tự do chính là đối tượng mà đạo đức học hướng tới, nhờ có quy luật đạo đức mà con người tự do. Những quyết định tự do trong lĩnh vực đạo đức đưa con người tới với nhau, gắn kết tạo thành một cộng đồng, trong cộng đồng đó bao gồm những người biết hành động theo lẽ phải, tự trọng, cho mình và cho người. Mỗi người phải hành động sao cho hành vi của mình phù hợp với chuẩn mực đạo đức, như người tạo ra luật và ý thức về bổn phận trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.
Mục tiêu đối tượng mà đạo đức nhắm tới không đâu khác chính là sự tự do. Tự do là động lực thúc đẩy khiến con người trở nên người hơn. Điều mà con người luôn luôn theo đuổi không phải có thêm quyền lợi, mà mong sao cho mình được tự do hơn. Hành động của con người phải phù hợp với quy luật đạo đức phổ quát. Kant chủ trương “ý chí tự do và ý chí quy phục luật đạo đức cũng là một”. Khi luận giải ý chí tự do chỉ phục tùng các quy tắc đạo đức, Kant cho rằng cần phải làm rõ khái niệm tính nhân quả với tư cách là “tính tất yếu tự nhiên” và “khái niệm tính nhân quả với tư cách là tự do”.
Không thể gán ép tự do cho thực thể mà sự tồn tại của tự do được xác định theo thời gian. Vấn đề tự do là vấn đề tính có năng lực chịu trách nhiệm và khả năng xuất hiện tính nhân quả nội tại. Giải pháp khi xem xét vấn đề tự do hoàn toàn không phụ thuộc vào tính nhân quả nằm trong hay nằm ngoài chủ thể. Nếu tự do ý chí của con người chỉ là tự do tâm lý và tương đối, chứ không phải tự do tiên nghiệm và tuyệt đối thì theo Kant về thực chất không khác gì tự do để thích nghi. Để cứu lấy tự do, muốn có tự do, chỉ có con đường đó là sự tồn tại của sự vật theo thời gian, tính nhân quả theo quy luật tất yếu tự nhiên. Kant luận chứng cho khả năng xuất hiện tự do cần phải thừa nhận sự khác biệt giữa hiện tượng và vật tự nó chính sự khác nhau này trở thành luận điểm trung tâm trong hệ thống triết học của Kant và được Kant thể hiện cụ thể trong tác phẩm “Phê phán lý tính thuần túy”.
Trong tác phẩm “Phê phán lý tính thuần túy”, khi nói về “Antinomia” của lý tính thuần túy, Kant đề cập đến tự do và tất yếu. Tiếp đến những tác phẩm như “Đặt cơ sở cho siêu hình học”, “Phê phán lý tính thực hành” Kant tiếp tục đề cập đến vấn đề tự do và tất yếu. Vấn đề cần quan tâm theo Kant là tự do có thể được thực hiện hay không đối với hành vi mà theo bản chất của nó có thể được xác định với tư cách cái tất yếu. Quy luật tất yếu không ảnh hưởng đến sự tự do, tự do và tính tất yếu của quy luật tự nhiên có thể tồn tại độc lập với nhau và không làm phương hại đến nhau.
Trong tác phẩm phê phán lý tính thuần túy Kant chứng minh giữa tự do và tất yếu không tồn tại “Antiomia” có tính logic. Cơ sở của tự do chính là quy luật luân lý, quy luật luân lý không thể tồn tại trong mỗi con người khi con người chưa có tự do. Ta chỉ ý thức được tự do khi ta có ý thức về quy luật luân lý. Kant cho rằng những hành vi tự do là những hành vi mang tính thiện, mang tính đạo đức đều là những hành vi tốt đẹp được đánh giá tương ứng với ý đồ. Kant tách biệt lĩnh vực đạo đức tự do với lĩnh vực tự nhiên. Vì lĩnh vực đạo đức không mang ý nghĩa là những hành động nói chung vì hành động nói chung muốn tồn tại phải có nguyên nhân. Mà đó chính là ý đồ là nghĩa vụ, động cơ, cơ sở để Kant xác định nguyên tắc của tự do lựa chọn, và hành động tự do không phụ thuộc vào yêu cầu của hiện thực được cảm nhận một cách cảm tính.
Sở dĩ có được tự do là bởi có sự khác biệt giữa phạm vi hiện tượng luận với “vật tự nó”. Tự ý thức là một lý tính thuần túy thực hành, còn lý tính thực hành là hoàn toàn đồng nhất với khái niệm tích cực về tự do. Chính quy luật luân lý chứ không phải cái khác được con người ý thức một cách trực tiếp mới là cái đầu tiên xuất hiện cho ta và dẫn ta tới khái niệm về tự do. Trong hoạt động thực tiễn của con người, tự do chính là cơ sở, là bản chất của quy luật luân lý, quy luật luân lý lại là cơ sở cho nhận thức về tự do. Và ngược lại
quy luật luân lý không thể tồn tại trong mỗi con người chúng ta nếu không có tự do. Tự do gắn với mối liên hệ nhân quả.
Trong phạm trù tự do này còn bao hàm cả quan niệm về sự thiện ác, tốt xấu, thiện và ác không có gì khác hơn là kết quả của phạm trù tính nhân quả từ tự do. Thiện và ác có cách lý giải khá mới mẻ về mối quan hệ giữa các chức năng phán đoán với phạm trù. Trong “Phê phán lý tính thuần túy”, các phạm trù thuần túy của giác tính được rút ra từ chức năng phán đoán và được gọi là phạm trù về tự nhiên, nó tồn tại song song với phạm trù tự do. Tự do là một loại nhân quả, tự do được nhận thức như là một loại hình đặc biệt của tính nhân quả thực hành. Chức năng của phạm trù tự do nhằm quy định ý chí một cách thống nhất chứ không phải nhắm đến các điều kiện cảm tính nhằm thực hiện các mục đích, phạm trù tự do mang lại tính thực tại thực hành, khách quan cho những phạm trù còn lại. Tự do đó là lý tưởng đạo đức cao cả của nhân loại hướng tới. Vì vậy, phạm trù tự do có vị trí đặc biệt quan trọng và trở thành phạm trù trung tâm trong đạo đức học của Kant. Chính Kant đã thừa nhận điều này khi cho rằng “khái niệm tự do là chiếc chìa khóa để giải thích sự tự trị của ý chí” [Dẫn theo 24, tr.437].
Đạt đến đỉnh cao trong sự tự trị của ý chí là ý chí tự do. Ý chí không bị quy định bởi bất cứ cái gì ngoài bản thân mình, không phụ thuộc vào bất kỳ sự tác động bên ngoài nào. Ý chí tự do hay tự trị, tự do đối với mọi hành vi có nguồn gốc cảm tính, nó hoàn toàn độc lập với quy luật của tự nhiên, độc lập với quy luật nhân quả, đó là tự do theo nghĩa chính xác nhất, tức theo nghĩa tiên nghiệm. Phạm trù tự do có quan hệ mật thiết với “mệnh lệnh tuyệt đối” và phạm trù “nghĩa vụ đạo đức” hay “bổn phận đạo đức”. Đối với Kant tự do là năng lực của con người, xuất phát từ chính trong bản thân con người, tự do là khi con người tự giác phục tùng sự bắt buộc, sự cưỡng chế của các quy tắc đạo đức, biết tuân thủ nghĩa vụ. Lĩnh vực đạo đức không phải là lĩnh vực nào
khác mà là lĩnh vực tự do của con người. Tự do có khi con người nhận thức được nghĩa vụ mà mình phải làm, thực hiện nghĩa vụ đó xuất phát từ nội tâm của mình. Có được tự do nghĩa là con người hành động một cách có đạo đức, và trở thành con người có đạo đức. Để đạt được tự do, con người phải có lòng tin vào đạo đức, thực hiện bổn phận và nghĩa vụ của mình, để đạt tới cái thiện, cũng là đạt đến tự do.
Có thể thấy rằng trong quan niệm về đạo đức học của Kant, phạm trù tự do chiếm một vị trí vô cùng quan trọng, xuyên suốt trong toàn bộ học thuyết triết học của ông. Như “viên đá đỉnh vòm” cho cả tòa nhà của lý tính thuần túy”. Kant khẳng định rằng “tạo nên viên đá đỉnh vòm cho toàn bộ tòa nhà của một hệ thống của lý tính thuần túy, kể cả của lý tính tư biện” [18, tr.26].