7. Kết cấu của luận văn
2.2. Quan niệm của Kant về pháp quyền
2.2.2. Trách nhiệm pháp lý
Một vấn đề quan trọng khác mà Kant đề cập trong triết học pháp quyền của ông chính là trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm pháp lý không đơn thuần theo cách hiểu thông thường mà người ta gán cho nó theo nghĩa tiêu cực là chịu sự trừng phạt hay gây ra những hậu quả xấu làm ảnh hưởng đến cộng đồng và xã hội, là hành vi cần được lên án, phê phán, hay vi phạm pháp luật.
Trách nhiệm pháp lý mà Kant đề xuất ở đây được hiểu và phân tích theo ý nghĩa tích cực là nghĩa vụ của mỗi người, mỗi chủ thể đối với chính bản thân mình, và đối với người khác. Đối với bản thân mình, con người hãy là người biết nhận thức về quyền lợi trong sinh hoạt xã hội, trong các mối quan hệ với người thân, bạn bè, cộng đồng.
Phải biết khẳng định giá trị của bản thân mình, giá trị của một người, không bao giờ, và không được để mình chỉ là phương tiện cho mục đích của người khác, mà đối với người khác hãy đồng thời là mục đích. Trách nhiệm pháp lý là trách nhiệm tồn tại bên trong, không phải là cái chung chung trừu tượng bên ngoài con người, nó xuất phát từ quyền làm người của mỗi cá nhân. Với mọi người hay đối xử đúng luật, tuân thủ pháp luật, không được và không cho phép mình làm bất cứ điều gì bất công như trộm cướp, chiếm đoạt.. Con người cần tránh xa những mối liên hệ, những tổ chức, những tập thể mà có thể gây bất công, mang đến sự bất hạnh cho người khác. Quan điểm này của Kant thể hiện tính nhân văn sâu sắc, tình thương và sự quý trọng mỗi con người, sống và tồn tại trong xã hội, con người nên chỉ nhận những cái gì thuộc về mình, là của mình. Cần đấu tranh cho những điều phi nghĩa, những điều không đúng sự thật làm tổn hại tới chính mình và tới mọi người.
Khẳng định giá trị người nơi Kant xuất phát từ quyền làm người, con người không được để mình chỉ là phương tiện công cụ mà đối với người khác đồng thời là mục đích. Nó giống như việc nhận thức được nghĩa vụ của mình phải làm đối với mọi người, hãy đối xử đúng luật và chỉ nhận cái thuộc về mình, bản chất vấn đề đó là sự chuyển hóa nguyên tắc tôn trọng phẩm giá của con người trong tư tưởng đạo đức của Kant. Mỗi chủ thể cần phải nhận thức về quyền làm người của mình cũng như quyền tự do của mình để có thể hành động đúng theo nguyên tắc. Nhưng để những quyền trên được đảm bảo thì cần phải có một nhà nước hợp lý tính, tồn tại dựa trên những nguyên tắc pháp quyền thuần túy.
Kế thừa tư tưởng Montesquieu về nguyên tắc phân quyền, khi cho rằng cần phải sử dụng luật pháp trong nhà nước pháp quyền, nhà nước trước hết phải là một cộng đồng người ở đó quan hệ giữa người và người đều bị quy định bởi pháp luật, giải thích nguyên nhân của sự xung đột giữa con người với
con người từ chính những lợi ích, đòi hỏi cần phải thiết lập luật pháp giữa con người với nhau. Kế thừa sự phân chia luật của Montesquieu và Rousseau về phân chia quyền lực trong cơ cấu bộ máy nhà nước, Kant cho rằng một nhà nước muốn tồn tại được cần tối thiểu phải có ba hình thức quyền lực, tức “tam quyền phân lập”.
Để ba quyển lực này có thể hạn chế sự chuyên quyền, độc đoán, ba quyền lực này cần phải độc lập với nhau. Vì chính phủ cộng hòa tồn tại dựa trên nguyên tắc phân chia quyền lực và chỉ có hình thức nhà nước này mới có thể đảm bảo được tự do cá nhân mà không bị cản trở quyền tự do của những người còn lại. Và ba quyền mà Kant đề cập đến là quyền hành pháp, lập pháp, và tư pháp đó là chủ trương tam quyền phân lập. Mỗi một nhà nước cần có ba hình thức quyền lực này, chúng đối trọng nhau.So với các nhà triết học tiền bối khai sáng Pháp như Montesquieu và Rousseau về quan niệm triết học pháp quyền của Kant còn nhiều hạn chế, nhưng ông cũng đã tiếp thu những tư tưởng mang tính cách mạng của Rousseau khi cho rằng “lập pháp là đỉnh cao nhất của sự hoàn thiện mà sức mạnh tập thể có thể đạt tới” [67,tr.72]. Lập pháp vốn là công cụ chế ngự tham vọng sự chuyên quyền. Không nên dùng bạo lực để thi hành lập pháp, lập pháp phải đảm bảo quyền tự do bình đẳng cho mọi người. Kant cho rằng quyền lập pháp là quyền của nhà xây dựng pháp luật, quyền hành pháp là quyền điều hành, thi hành và tuân thủ theo luật pháp, còn quyền tư pháp là quyền kiểm định, công nhận việc thực thi pháp luật của bản thân nhà nước. Và không phải ai đến tuổi trưởng thành cũng đều được cho là công dân. Mà công dân đó phải là công dân của một nhà nước, một quốc gia cụ thể, được thừa nhận. Kant khẳng định cần phải sử dụng luật pháp trong nhà nước pháp quyền, phải có những đạo luật để gắn quyền hạn và nghĩa vụ của mỗi người.
Tiếp thu tư tưởng của Rousseau về xã hội dân sự, lập pháp có vai trò quan trọng đối với việc xác lập quyền hạn là cơ sở để đo lường sự phải trái trong mỗi quan hệ xã hội giữa người này với người khác. Kant cho rằng nhà nước không phải là cơ quan đứng trên pháp luật mà phải tuân thủ, tôn trọng pháp luật. Người thống trị cai quản một quốc gia cũng không phải là một người cai trị, mà chỉ đơn thuần là những người có thể là luật sư mới có thể phán quyết. Nhân dân có quyền tự phán quyết chính bản thân họ thông qua các công dân của họ, những người được lựa chọn thông qua bầu cử tự do. Tiếp thu tư tưởng của Locke và cho rằng luật chỉ có thể cấm những hành vi làm tổn hại đến xã hội. Quyền của công dân được mở rộng hơn so với những người nắm quyền lực trong tay.
Kant cũng nêu ra tư tưởng chống lại sự độc đoán chuyên quyền bằng việc nhà nước cần ban bố các đạo luật quy định nguyên tắc trừng phạt những hành vi sai trái. Kant cho rằng các quyền mà lập pháp có thể là ý chí liên kết các dân tộc với nhau. Những người do cơ quan lập pháp liên kết xã hội công dân hay xã hội dân sự. Tức là trong một nhà nước gọi là công dân nhà nước. Cùng với đó là quyền công dân bất khả xâm phạm, đó là quyền bất ly thân là sự tự do trong khuôn khổ pháp luật, sự tự do ấy phải được pháp luật thừa nhận. Không đi ngược lại với ý chí chung. Quyền lập pháp là ý chí hợp nhất của mọi công dân trong xã hội, chỉ thuộc về nhân dân, quyền lập pháp là quyền tối cao trong nhà nước và mọi quyền khác đều phải xuất phát từ quyền lập pháp. Hành pháp là quyền thuộc về người cầm quyền theo luật và tuân thủ theo quyền lực lập pháp. Người được trao quyền hành pháp được phép đưa ra những quy tắc ứng xử để định hướng và duy trì hoạt động của mọi công dân trong xã hội theo luật pháp. Tư pháp là quyền do quyền lực hành pháp bổ nhiệm. Người nào đó được bổ nhiệm quyền này là người quản lý pháp luật theo luật đã định không thay đổi, người đó chỉ có được quyền quản lý, mà
không có quyền sửa đổi, bổ sung và sẽ bị thay thế nếu không thực thi được nhiệm vụ quyền hạn mà mình nắm giữ.
Trong ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp thì tính tối cao nhất, quan trọng của quyền lập pháp là phải được thực hiện bởi tòa án do nhân dân bầu ra và chỉ được phán quyết hành động của một công dân nào đó trong nhà nước ấy theo luật pháp đã ban hành. Kant tiếp tục khẳng định sự bình đẳng của ba quyền này, chúng tồn tại một cách song song, mỗi quyền giữ vị trí, có chức năng nhất định. Sự phân chia giữa ba quyền này không chỉ cần thiết đối với sự tồn tại của nhà nước dưới chế độ cộng hòa mà rất cần thiết đối với việc ngăn chặn sự chuyên chế, lạm dụng quyền lực nhằm mục đích riêng. Mục đích của ba quyền này là đem lại sự thịnh vượng, tự do, phát triển cho quốc gia, dân tộc.
Nhưng khi so sánh sự quan trọng của ba quyền này, Kant vẫn dành sự ưu tiên cho quyền lập pháp. Vì theo ông quyền lập pháp là cái thuộc về ý chí tối cao, ý chí hợp nhất của mọi công dân trong một cộng đồng xã hội Kant cho rằng “quyền lập pháp chỉ có thể thuộc về ý chí hợp nhất của nhân dân, trên thực tế, vì mọi luật pháp đều phải xuất phát từ ý chí hợp nhất đó, nên lẽ đương nhiên là nhà nước không có quyền được đối xử với một ai đó một cách không theo luật. Tuy nhiên, khi một ai đó quyết định một vấn đề gì về một cá nhân khác, thì bao giờ cũng có một khả năng diễn ra là anh ta đối xử với cá nhân đó một cách không theo luật, song anh ta lại không bao giờ có khả năng như vậy trong quyết định về chính bản thân mình... Do vậy, chỉ có ý chí hợp nhất và nhất trí của tất cả mọi người với nghĩa là mỗi người đối với tất cả và tất cả đối với mỗi người cùng thông qua một quyết định, tức là ý chí của nhân dân được hợp nhất một cách phổ biến, mới có thể trở thành ý chí lập pháp.
Tư tưởng về quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp của Kant nêu ra kế thừa, tiếp thu mô hình của Montesquieu nhưng còn xem đó là các suy luận tất
yếu của lý tính thuần túy thực hành. Quyền cai trị thuộc về lập pháp, quyền lập pháp đại diện của dân chúng, dân chúng là người giám sát. Để tránh lạm dụng quyền lực thì các cơ quan quyền lực phải có sự kiềm chế lẫn nhau theo kiểu quyền lực ngăn cản quyền lực. Quyền thi hành của hành pháp, cơ quan hành pháp chỉ được tham gia vào những công việc lập pháp với chức năng là ngăn cản, nhưng không có quyền can thiệp tranh luận vào công việc, cũng không có quyền được ban hành pháp luật. Chỉ được quyền đưa ra ý kiến, phản đối một điều nào đó của cơ quan lập pháp. Điều đó tránh được sự chuyên chế của cơ quan lập pháp.
Kant cho rằng, cơ quan lập pháp có vai trò xem xét các đạo luật mà nó soạn thảo ra, những người hành pháp là bất khả xâm phạm. Quyền lực hành pháp phải vận dụng chức năng của mình là ngăn cản để tham gia vào việc lập pháp nếu không thì cơ quan lập pháp sẽ bị tước mất ưu quyền. Trái lại nếu quyền lực lập pháp tham gia vào cơ quan hành pháp thực hiện nhiệm vụ ngăn cản thì quyền hành pháp sẽ bị thủ tiêu. Bên cạnh việc đề cập đến cơ quan lập pháp, hành pháp, Kant cũng đề cập đến cơ quan tư pháp hay quyền tư pháp, quyền tư pháp của thẩm phán
quyền tư pháp được tách ra độc lập với quyền lập pháp và hành pháp. Nhưng chúng luôn luôn bình đẳng với nhau, có sự ràng buộc tạo nên sự vận động nhịp nhàng cho hệ thống pháp quyền. Kant phân chia các nhánh quyền lực như vậy để thấy được sự đối trọng trong ba quyền lực, trong một nhà nước pháp quyền, các quyền đó luôn luôn được đề cao và không quyền nào được phép can thiệp quá sâu vào quyền khác. Kant cho rằng “một chính quyền vừa đồng thời làm chức năng lập pháp thì gọi là độc tài chuyên chế. Cũng thế nếu lập pháp hay hành pháp nắm luôn chức năng của tư pháp” [18, tr.LIV].
Nhà nước lý tính theo quan niệm của Kant là một nhà nước cộng hòa theo nghĩa của Rousseau, vì ông xem chủ quyền đích thực thuộc về ý chí hợp
nhất một cách phổ biến của nhân dân. Chủ quyền được thực hiện như thế nào dù là chuyên chế, hay quý tộc, dân chủ thì thước đo cho tính hợp pháp của nó bao giờ cùng là những gì nhân dân không thể quyết định được về chính mình thì nhà lập pháp cũng không thể quyết định trên đầu họ được. Theo Kant, nghĩa vụ của mọi người là phải ra sức tạo ta tình trạng hài hòa tối đa giữa hiến pháp với những nguyên tắc pháp quyền vì điều này là bổn phận do lý tính đề ta bằng một mệnh lệnh nhất quyết.
Kant cho rằng cần phải cải cách lập pháp mới có thể mang lại thành công chứ không phải cuộc cách mạng, hay những cuộc chiến tranh xung đột. Ông loại trừ một quyền đề kháng chính đáng vì cho đó là điều tự mâu thuẫn trong một tình trạng pháp quyền không thể có quyền vi phạm pháp quyền. Tình trạng hài hòa tối đa giữa hiến pháp với những nguyên tắc pháp quyền do mệnh lệnh nhất quyết quy định đó chính là quy luật tối cao. Kant cho rằng cần có một nền hòa bình giữa các dân tộc với nhau. Vì vậy nền hòa bình vĩnh cửu không phải là một không tưởng, không được có chiến tranh, dù là giữa tôi với anh ở trong trạng thái tự nhiên hay giữa các quốc gia với nhau.
Có thể nói rằng tư tưởng về sự phân chia quyền lực ở Kant không có gì mới hay phát triển hơn Montesquieu, Locke hay Rousseau. Nhưng ta thấy ở Kant tinh thần tự do, với tư cách là nguyên tắc thuần túy của lý tính, quan niệm về pháp quyền cũng có giá trị ngay trong trạng thái tự nhiên, được Kant hiểu rằng tình trạng mà trong đó mọi người đều nắm quyền trong tay và do đó không bao giờ có thể an toàn trước bạo lực đối với nhau.
Kant cho rằng, tình trạng tự nhiên như trên đã nói không phải là trạng thái bất công mà là trạng thái vô luật pháp. Đó là tình trạng con người sống, sinh hoạt tự do không theo khuôn khổ pháp luật, không tuân theo một luật định nào, con người đứng ngoài pháp luật. Và muốn pháp quyền đi vào đời sống thì mọi người cần phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản. Cần có kỷ
cương, có phép tắc, cần tôn trọng luật pháp đã ban hành, tức là con người cần phải thoát ra khỏi trạng thái tự nhiên của mình. Trong đó mỗi người chỉ làm theo ý mình, điều đầu tiên cần phải làm là đi theo tình trạng công dân, biện pháp hiệu quả đảm bảo các quyền tự do cơ bản của công dân và ngăn ngừa hành vi lạm quyền là phải thiết lập một pháp chế nhằm giới hạn quyền lực nhà nước. Kant đề cập đến khái niệm công dân, phải hiểu công dân ở đây không theo nghĩa xã hội học chỉ một tầng lớp hay một giai cấp mà là chỉ chung các đặc điểm của một thành viên nhà nước.
Thực chất “tình trạng công dân” mà Kant đề cập đến cũng như Hobbes, Locke và Rousseau hiểu như một tình trạng mà trong đó mỗi người được quy định bằng pháp luật những gì phải được công nhận như là của mình và được phân phát một quyền lực vừa đủ. Nhưng quyền lực đó không phải là quyền lực của mình mà là một quyền lực từ bên ngoài, bao gồm cả sự tự do đối với các quyền của con người.
Trong sự tự do đó công dân không tuân thủ pháp luật nào khác ngoài pháp luật đang quy định họ đó chính là sự bình đẳng giữa các công dân với nhau trong mối quan hệ xã hội. Nói đến quyền tự do trong nhà nước pháp quyền, Kant cũng đã kế thừa rất nhiều điểm hợp lý của J.Locke khi cho rằng tự do là một trạng thái mà trong đó, luôn có “một quy tắc để sống theo đó, nó tồn tại thường trực và chung cho mọi người trong xã hội, được định ra từ quyền lập pháp đã được xã hội dựng lên” [28,tr.57]. Đó là sự tự do của mỗi người, tự do ý chí, tự do hành động, tự do đó hiện diện trong mọi hành động của mỗi người nó không vi phạm những quy định chung và không phải làm