Các quy luật hay định lý xác định hành vi đạo đức

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm về đạo đức và pháp quyền trong triết học immanuel kant (Trang 40 - 47)

7. Kết cấu của luận văn

2.1. Quan niệm của Kant về đạo đức

2.1.2. Các quy luật hay định lý xác định hành vi đạo đức

Triết học đạo đức của Kant là đạo đức học về hành vi, trách nhiệm, vì ông cho rằng chỉ những hành vi xuất phát từ trách nhiệm đạo đức mới được xem là hành vi đạo đức. Nội dung triết học đạo đức của Kant nhằm trả lời cho câu hỏi, tôi cần phải làm gì để hành vi của tôi được đánh giá là hành vi đạo đức? Tiêu chuẩn của hành vi đạo đức theo Kant là tính chất của ý chí, hành vi có đạo đức là hành vi xuất phát từ một ý chí tốt. Một ý chí tốt là một ý chí vô điều kiện, không bị chi phối bởi bất kỳ nguyên nhân nào. Kant cho rằng ý chí không phải là cái gì phi lý tính, không phải là “sức mạnh tối tăm từ một vực sâu ẩn mật” [18, tr.XIX] theo nghĩa của Schopenhauer, mà là cái gì hợp lý tính của bản thân lý tính trong quan hệ với hành vi. Ý chí là chỗ phân biệt một hữu thể có lý tính đó là con người với hữu thể đơn thuần là tự nhiên như thú vật hành động theo những quy luật do tự nhiên mang lại chứ không phải do chúng tưởng tượng nên.

Ý chí như là sự thôi thúc bên trong, phân biệt với cưỡng chế từ bên ngoài. Kant lấy ví dụ rằng có thể bảo thú vật có một ý chí khi chúng tuân theo

các bản năng và nhu cầu nội tại. Nhưng Kant hiểu ý chí một cách chặt chẽ hơn, đó là nếu ý chí đó có ở nơi thú vật các bản năng và nhu cầu tuy có hợp quy luật, nhưng đó là quy luật mang tính tất yếu, tuân theo các động lực hành động riêng, thực chất là tuân theo “ý chí của tự nhiên”. Ý chí riêng chỉ có được khi năng lực hành động dựa theo quy luật tự do tự mình hình dung, tưởng tượng mới có ý chí riêng, tức chỉ con người mới có ý chí riêng. Nói cách khác, bản chất của ý chí biểu thị năng lực giữ khoảng cách với động lực tự nhiên tuy không triệt tiêu chúng nhưng không để cho chúng trở thành cơ sở quy định tối hậu.

Kant nhấn mạnh rằng giá trị đạo đức của hành vi không nằm ở đâu khác ngoài chính nguyên tắc của ý chí, “ý chí biểu thị năng lực giữ khoảng cách với các động lực tự nhiên” [18, tr.XIX]. Một hành vi dẫn tới kết quả xấu vẫn được coi là tốt, nếu nó xuất phát từ một ý chí tốt. Hành vi có đạo đức là hành vi xuất phát từ ý chí tốt, từ trách nhiệm. Một hành vi vì trách nhiệm là hành vi phải làm mà không bị chi phối bởi bất kỳ điều kiện nào. Ví dụ như hành vi bảo toàn tính mạng, chỉ có thể được xem là hành vi có đạo đức, nếu thất bại và đau khổ tràn ngập trong lòng, người ta không muốn sống chút nào và mong cái chết, vậy mà vẫn ý thức rằng, mình phải có trách nhiệm bảo toàn sự sống.

Có những hành vi xuất phát từ ý thức ngẫu nhiên phù hợp với các quy định về trách nhiệm được Kant gọi là hành vi phù hợp với trách nhiệm. Hành vi thực hiện vì trách nhiệm diễn tả động cơ của người thực hiện, còn một hành vi phù hợp với trách nhiệm diễn tả hành vi khách quan mà không để ý đến động cơ của người thực hiện hành vi đó.

Theo Kant, trách nhiệm buộc ý chí và hành vi của con người phải tôn trọng quy luật đạo đức bắt nguồn từ lý tính. Con người thực hiện một hành vi đạo đức bởi đó là luật. Quy luật đạo đức là một yêu cầu tự thân, một mệnh

lệnh tuyệt đối và vì vậy có thể cưỡng bức ý chí con người thực hiện hành vi đạo đức thông qua ý thức về trách nhiệm.

Lương tâm là một phạm trù quan trọng của hành vi đạo đức và được Kant ví như một lời phán xử của một quan năng kỳ diệu có trong bản thân con người. Một ai đó có thể dùng mọi cách để biện hộ cho hành vi trái với luân lý của mình, cho rằng đó là hành vi vô ý, không cố ý hay do sự bất cẩn của bản thân, tất cả muốn biện minh cho hành vi sai trái bằng cách khẳng định bản thân vô tội. Nhưng chính bản thân chủ thể đó thấy rằng vị luật sư bên trong anh ta không có cách nào làm cho kẻ tố cáo ở ngay chính bản thân anh ta im lặng. Anh ta nhận thức được hành vi trong giây phút phạm phải sai lầm, nghĩa là anh ta cũng đang trong trạng thái tỉnh táo và tự do. Đó chính là lương tâm, cơ sở cho lòng hối hận của anh ta về những hành vi tội lỗi mà mình gây ra.

Trong tác phẩm “Phê phán lý tính thực hành”, Kant có viết: “Hành động như thể châm ngôn hành động của chúng ta là phải trở thành một luật tự nhiên phổ quát” [18, tr.139]. Chúng ta hiểu rằng không bằng lý luận mà bằng cảm thức linh động, con người phải tránh lối cư xử mà nếu mọi người áp dụng thì xã hội sẽ không được ổn định. Trong khi con người muốn dối trá thì bản thân họ lại tuyệt đối không muốn sự dối trá ấy phải là một quy luật phổ quát. Do đó lương tâm trỗi dậy và ngăn cản hành vi dối trá đó ngay dù sự dối trá ấy có lợi cho bản thân họ. Sự phòng xa là giả dối, châm ngôn của nó là chỉ lương thiện khi đó là phương cách tốt nhất mà thôi.

Một hành vi được coi là thiện không phải vì đem lại những kết quả tốt đẹp, hay vì nó khôn ngoan, mà bởi vì nó tuân theo bổn phận nội tâm, tuân theo quy luật đạo đức không do kinh nghiệm của riêng ai, mà được thiết lập tiên nghiệm cho mọi hành vi của bản thân chủ thể trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Trong lịch sử triết học trước Kant cũng có những nhà triết học đề cập nhiều đến quan niệm về hành vi đạo đức, trong đó không thể không kể đến đó chính là Arixtốt, ông cho rằng hành vi đạo đức là hành vi có điều kiện, hạnh phúc là đích mà hành vi đạo đức hướng đến. Nhưng Kant đi ngược lại với quan điểm này và cho rằng hành vi đạo đức là những hành vi hoàn toàn vô điều kiện, hiểu một cách đơn giản là nghĩa vụ, bổn phận của con người đối với chính mình, và với người khác. Quan niệm này cho thấy sự khác biệt về bản chất hành vi đạo đức của Kant so với Arixtốt. Bên cạnh đó Kant cho rằng hành vi đạo đức phải đảm bảo những yêu cầu cụ thể về nguyên tắc, mục đích của hành vi đạo đức.

Hành vi đạo đức phải lấy “mệnh lệnh tuyệt đối” làm nguyên tắc thực hiện, hành vi đạo đức xác định đối tượng của nó chính là cái thiện và cái ác. Kết quả mà nó tạo ra chính là tự do. Đối tượng của hành vi đạo đức phải được hình dung từ một ý chí tự do, không bị bó buộc, quy định bởi ham muốn dục vọng, hay bị áp đặt bởi một đối tượng bên ngoài nào đó. Cái thiện và cái ác chính là đối tượng tối cao mà hành vi hướng tới vướn tới và được xác định nhờ quy luật luân lý.

Trong lịch sử triết học các trường phái như Epiqya, Khắc kỷ và Kitô giáo lấy hạnh phúc làm đối tượng mục đích của hành vi đạo đức. Họ đưa ra những quan điểm khác nhau về đạo đức. Hành vi đạo đức ngoài bản chất, đối tượng, còn bao hàm động cơ hành động, động cơ là cơ sở quy định chủ quan đối với ý chí của một hữu thể, động cơ hành động bao hàm sự tham gia của yếu tố chủ quan vào trong hành động, động lực bên trong thúc đẩy hành vi mỗi chủ thể. Hành vi con người xuất phát từ những động cơ bên trong. Kant cho rằng có hai loại động cơ, thứ nhất là hạnh phúc riêng tư, thứ hai là lòng tôn kính đối với quy luật luân lý. Hành vi đạo đức là hành vi lấy lòng tôn kính đối với quy luật luân lý làm động cơ hành động.

Kant phân biệt có hai loại hành vi đạo đức, hành vi từ bổn phận nghĩa vụ và hành vi phù hợp với nghĩa vụ và bổn phận. Bản chất của hành vi thể hiện qua những thuộc tính cơ bản như lấy nguyên tắc thực hành là mệnh lệnh tuyệt đối, đối tượng mà hành vi đạo đức hướng tới chính là cái thiện và cái ác, và được quy định nhờ luật luân lý, hành vi đạo đức lấy lòng tôn kính đối với quy luật luân lý làm động cơ thực hiện. Kant cho rằng hành vi đạo đức phải tuân theo quy luật phổ biến. dưới sự quy định trực tiếp của đạo đức. Ai cũng có thể thực hiện được hành vi đạo đức và nó phải phù hợp với bổn phận trách nhiệm, xuất phát từ lương tâm, lấy thực tiễn sinh hoạt đạo đức làm thước đo. Con người phải biết xác định hành vi đạo đức và xác định thực hiện hành vi vì mục đích gì? Tại sao con người lại phải hành xử để có đạo đức? câu hỏi đó chính là cơ sở để hành vi đạo đức tồn tại. Hành vi đạo đức mà con người thực hiện phải xuất phát từ mục đích đúng đắn.

Đạo đức học của Kant bắt đầu bằng câu hỏi “Tôi cần phải làm cái gì?” khi xác định được động cơ hành động hành vi đạo đức, bản chất hành vi đạo đức. Với câu hỏi “tôi có thể hy vọng điều gì?”. Nhưng mục đích của hành vi đạo đức không chiếm vị trí cao nhất mà nó chỉ được ý thức sau khi con người ý thức đầy đủ về nghĩa vụ đạo đức. Mục đích hành vi đạo đức hướng tới là sự thiện tối cao, là lý tưởng con người hướng đến.

Kant phân biệt triệt để về mặt phương pháp trong lĩnh vực thực hành giữa ý chí độc lập hoặc không độc lập hoàn toàn với cơ sở quy định cảm tính, phân biệt lý tính thực hành thường nghiệm với lý tính thực hành thuần túy. Khi lý tính thực hành thường nghiệm chịu sự quy định một phần từ bên ngoài như dục vọng và nhu cầu, do thói quen và đam mê dẫn dắt con người đưa đến những hành vi, thì lý tính thuần túy thực hành là hoàn toàn độc lập với mọi điều kiện thường nghiệm và chỉ dựa vào bản thân chúng.

Định lý 1:“Mọi nguyên tắc thực hành tiền - giả định một đối tượng (chất liệu) của quan năng ham muốn như là cơ sở quy định cho ý chí thì đều có tính thường nghiệm và không thể mang lại các quy luật thực hành” [18, tr.42]. Theo định lý này thì mọi ham muốn đều có đối tượng thực hiện. Nếu lòng ham muốn đối tượng đó có trước quy tắc thực hành và là điều kiện cho việc ta biến quy tắc ấy thành một nguyên tắc, thì điều cần làm đầu tiên là chủ thể phải cho rằng: nguyên tắc bao giờ cũng có tính thường nghiệm, cơ sở quy định sự lựa chọn là tưởng tượng về một đối tượng nào đó. Và nó phải được tiền - giả định như là điều kiện cho sự quy định của ý chí. Nhưng không thể biết được một cách tiên nghiệm đối với biểu tượng về một đối tượng rằng liệu nó có mang lại sự vui sướng hay không vui sướng nên nguyên tắc quy định sự lựa chọn đó bao giờ cũng phải có tính thường nghiệm như là điều kiện và nó không mang lại một quy luật thực hành, vì nếu ai cũng lấy mục tiêu nào đó làm chuẩn mực để thực hiện hành vi thì xã hội sẽ bị suy đồi về đạo đức.

Tiếp theo đến định lý 2:“Mọi nguyên tắc thực hành mang tính chất liệu, xét như bản thân chúng, đều thuộc cùng một loại và phục tùng nguyên tắc chung của việc yêu chính mình hay hạnh phúc riêng tư” [18, tr.43]. Ở định lý này Kant cho rằng sự vui sướng của con người sinh ra từ hiện hữu của một sự việc nào đó, của một hành vi nào đó đã được thực hiện, nó thuộc về giác quan như xúc cảm. Sự vui sướng chỉ có tính thực hành trong chừng mực quan năng ham muốn bị quy định bởi cảm giác về sự dễ chịu được chủ thể đón nhận, ý thức của một hữu thể có lý tính về sự dễ chịu của đời sống vốn không ngừng đi theo nó là toàn bộ sự sinh tồn của con người và đó chính là hạnh phúc, nguyên tắc làm cho hạnh phúc trở nên cơ sở tối cao để quy định ý chí chính là nguyên tắc của việc yêu chính bản thân mình, hay còn gọi là hạnh phúc riêng tư.

Định lý 3:“Một hữu thể có lý tính, khi phải suy tưởng về những châm ngôn của mình như là những quy luật thực hành phổ biến, chỉ có thể suy tưởng chúng như là những nguyên tắc quy định ý chí không phải do chất liệu mà chỉ do hình thức của chúng” [18, tr.50].

Ở đây Kant nói đến “chất liệu” của nguyên tắc thực hành là đối tượng của ý chí, Kant hiểu khái niệm “một đối tượng” của lý tính thực hành là sự hình dung về một đối tượng như là về một kết quả có thể tạo ra bởi sự tự do, có nghĩa là mối quan hệ của ý chí với hành vi, nhờ có đối tượng được hiện thực hóa. Nếu đối tượng được xem như là cơ sở quy định cho quan năng ham muốn của bản thân mỗi người, thì việc nhận biết sự hiện hữu của vật chất để thực hiện nó bởi sự tự do, năng lực của bản thân chủ thể phải đi trước xem xét vật chất đó có phải là một đối tượng của lý tính thực hành không. Nếu đối tượng đó nằm trong phạm vi quyền lực của bản thân chủ thể, thì chủ thể đó có mong muốn tiến hành hành vi làm cho đối tượng trở thành hiện thực hay không, vì vậy khả thể luân lý của hành vi phải đi trước, trong trường hợp này không phải đối tượng mà chính là quy luật của ý chí là cơ sở quy định hành vi.

Định lý thứ 4:“Sự tự trị của ý chí là nguyên tắc duy nhất của mọi quy luật luân lý và của mọi nghĩa vụ phù hợp với chúng; ngược lại, sự ngoại trị của sự tự do lựa chọn không chỉ không thể làm cơ sở cho bất lỳ bổn phận nào mà còn đối lập lại với nguyên tắc của bổn phận và với luân lý của ý chí” [18, tr.60].

Quy luật của ý chí thuần túy vốn tự do mang ý chí vào lĩnh vực khác với lĩnh vực thường nghiệm, dựa trên những nguyên tắc chủ quan chúng đều xoay quanh nguyên tắc của hạnh phúc tiêng tư. Mọi ý muốn đều có đối tượng, vì thế một chất liệu không thể được thể hiện trong hình thức ban bố quy luật một cách phổ quát.Qua định lý này Kant cho rằng nếu dựa trên nguyên tắc tự trị của ý chí, trí tuệ bình thường nhất cũng thấy dễ dàng, nếu dựa theo nguyên tắc giả định về tính ngoại trị của ý chí, đòi hỏi phải có sự thông hiểu về ý chí

bên ngoài mới biết phải làm gì. Con người muốn truy tìm hạnh phúc của cuộc đời thì phải suy nghĩ tìm ra phương pháp hành động, không nên áp đặt một hình thức hành động nào lên cá nhân khác dù với ý chí chủ quan của mình. Kant lên án hành vi vị kỷ, lợi ích cá nhân, không phù hợp với đạo đức.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm về đạo đức và pháp quyền trong triết học immanuel kant (Trang 40 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)