Giáo dục truyền thống ở các quốc gia vùng Vịnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng giáo dục và việc làm đối với nữ giới ở các quốc gia vùng vịnh (Trang 40 - 43)

8. Cấu trúc của luận văn

2.1. Giáo dục truyền thống ở các quốc gia vùng Vịnh

2.1.1 Giáo dục Kuttab truyền thống

Trong các xã hội Islam truyền thống ở vùng Vịnh, nền giáo dục duy nhất được áp dụng là Kuttab. Trong tiếng Ả Rập, từ Kuttab có hai nghĩa: vừa là nền giáo dục, vừa là nơi giáo dục. Kuttab có nội dung chủ yếu là giảng dạy về tôn giáo Islam như: giảng Kinh Qur’an và các giáo lý cơ bản của Islam [77]. Có hai hình thức giáo dục Kuttab đó là: Kuttab thông thường và Kuttab nâng cao.

Hình thức giáo dục Kuttab có mặt ở hầu hết các ngôi làng nhưng ở giai đoạn sơ khai này, không có bất kỳ một trường lớp thực sự nào được xây dựng. Các giáo viên nam, gọi là các “Muttawa” tổ chức dạy học ở bất cứ nơi nào phù hợp, có thể là trong nhà, các cửa hiệu, thậm chí ở chợ. Trong khi đó, các giáo viên nữ (các Muttawya) chỉ được phép tổ chức dạy học cho các học sinh nữ tại nhà của chính họ. Các Muttawa và Muttawya được trả lương trực tiếp bởi gia đình người học, vì vậy cho dù là hình thức nào của Kuttab thì cũng đòi hỏi gia đình các bé trai và bé gái phải có khả năng tài chính nhất định.

Việc giảng dạy Kuttab thông thường tương đối đơn giản, chủ yếu là dạy cách ghi nhớ thuộc lòng các câu trong Kinh Qur‘an. Các lớp học này cho phép cả bé trai và bé gái dưới 10 tuổi được đi học, tuỳ thuộc nguyện vọng của gia đình mà không có thêm điều kiện nào khác. Các thầy cô giáo dạy ở Kuttab thông thường là những người đàn ông và phụ nữ bình thường, có đạo đức và có kiến thức cơ bản về Kinh Qur‘an, các Hadith, nhà tiên tri Muhammad và hiểu biết về tiếng Ả Rập. Phương pháp giảng dạy cũng rất thô sơ, nguyên thuỷ.

Trong khi đó, Kuttab nâng cao chủ yếu tổ chức ở các thị trấn lớn, trong các toà nhà riêng và chỉ dành cho nam giới của những gia đình giàu có hơn. Ngoài việc học các nguyên tắc tôn giáo và Kinh Qur‘an, họ được dạy cách đọc và viết tiếng Ả Rập và một số vấn đề số học cơ bản [15, tr.31-32].

Cho tới nay, không có một tài liệu nào lưu lại số lượng chính xác trẻ em được hưởng nền giáo dục Kuttab ở vùng Vịnh. Theo Winder [83, tr.283], có khoảng 800 bé trai và 400 bé gái theo học ở các Kuttab địa phương vào cuối những năm 1890. Mặc dù tại thời điểm này, một số Kuttab dành riêng cho nữ sinh được xây dựng, nhưng hầu hết các bé gái đều học chung với các bé trai [20, tr.155]. Trong một xã hội mà tình trạng phân biệt giới tính được theo dõi sát sao, nghiêm ngặt thì sự tồn tại của các Kuttab thông thường này là điều vô cùng đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, điều này có thể được lý giải dựa theo quan niệm của xã hội Islam là các bé gái khi đạt độ tuổi 11-13 là thời gian bước vào giai đoạn dậy thì. Từ lúc đó, các bé bắt đầu phải cách ly với thế giới bên ngoài, đeo khăn trùm đầu, mặc áo choàng che kín toàn bộ cơ thể, không được tiếp xúc với người khác phái. Có thể vì nguyên do trên mà các bé gái khi lên 11 tuổi thường thôi học ở các Kuttab. Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương, số lượng bé trai và bé gái không đủ để mở lớp học riêng cho từng đối tượng, vì vậy lớp học trộn lẫn là lựa chọn ưu tiên. Ngoài ra, trong các ngôi làng hoặc một quận nhỏ, hầu hết các gia đình đều có quan hệ họ hàng hoặc thuộc cùng một bộ tộc thì việc các bé gái học chung với bé trai không vấp phải sự phản đối nào.

Số lượng phụ nữ có đầy đủ kiến thức về Kinh Qur‘an và tiếng Ả Rập ít ỏi cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho số lượng Kuttab dành riêng cho bé gái không nhiều. Hầu hết Kuttab ở vùng Vịnh đều do đàn ông mở ra và điều hành với mục tiêu ban đầu nhằm giáo dục các bé trai và cũng không quá khắt khe nếu các bé gái cũng muốn theo học. Ví dụ, trong số 12 Kuttab nổi tiếng ở Qatar, chỉ có 4 Kuttab là do các giáo viên nữ giảng dạy

[15, tr.31]. Các nữ giáo viên được coi là đủ tiêu chuẩn để mở lớp học là những người có tuổi, được mọi người xung quanh kính trọng. Các bé gái sẽ theo học những nữ giáo viên này tại nhà riêng của họ.

2.1.2 Trường truyền giáo Ả Rập

Tại Kuwait và Bahrain, các nhóm truyền giáo được gọi với cái tên là “Arabian Mission” (Sứ mệnh Ả Rập) đã mở ra những trường học kiểu phương Tây ở đây. Phái đoàn này được nhóm Tin Lành Mỹ thành lập năm 1889 và đã thông qua Giáo hội Cải cách Mỹ năm 1934 [20, tr.47]. Nhóm truyền giáo này đã mở trường học đầu tiên dành cho nữ giới ở Bahrain vào năm 1892. Đây được coi là ngôi trường kiểu phương Tây đầu tiên ở vùng Vịnh. Một trường học khác dành riêng cho nam sinh cũng được mở ở Bahrain nhưng đã bị dừng hoạt động vào năm 1936 do những vấn đề tài chính. Cho đến tận cuối những năm 1950, ngôi trường này mới được hoạt động lại. Số lượng nam sinh và nữ sinh theo học những ngôi trường này ban đầu vô cùng khiêm tốn nhưng dần tăng lên theo thời gian. Hầu hết mục tiêu của các học sinh là học tiếng Anh và cách đọc, viết. Những ngôi trường truyền giáo này dạy Kinh Thánh (Bible), tiếng Anh, ngữ pháp tiếng Ả Rập, địa lý Ả Rập cũng như các kỹ năng thêu, may cho nữ giới và tiếp tục hoạt động cho đến ngày nay. Tuy nhiên vào năm 1973, Bộ Giáo dục Bahrain đã ra lệnh cấm các trường truyền giáo này dạy các học sinh Muslim về đức tin Kito giáo và Kinh thánh (Bible).

Tại Kuwait, trường truyền giáo đầu tiên được mở vào năm 1913 dành cho nam sinh, tiếp sau đó, một trường dành cho nữ sinh cũng được hoạt động. Các trường học trên đã phải đối mặt với làn sóng phản đối tôn giáo mạnh mẽ chỉ sau 4 tháng bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, họ vẫn cố gắng duy trì được việc giảng dạy và cho đến năm 1932, đã có khoảng 421 bé trai và 42 bé gái theo học ở hai ngôi trường này. Chương trình giảng dạy trong ngôi trường nữ sinh cũng tương tự chương trình dành cho nam sinh, bao gồm: các

bài học về Kinh Thánh (Bible), tiếng Anh và một số nguyên lý cơ bản về khoa học xã hội. Ngoài ra các bé gái cũng được học may và thêu. Cho đến năm 1933, trường học nam sinh phải đóng cửa, tiếp sau đó là trường học nữ sinh vào năm 1940 vì những khó khăn tài chính và một phần do sự cạnh tranh với các trường công lập. Sau đó, nhóm Sứ mệnh Ả Rập đã rút toàn bộ hoạt động ra khỏi lĩnh vực đào tạo vì lý do tài chính (Qatar) và sự phản đối kịch liệt (ở Bahrain, Oman và Kuwait). Mặc dù những người truyền giáo Kito rất chú trọng đến giáo dục và đã có công đóng góp một phần quan trọng trong sự phát triển giáo dục nữ giới ở một số nước Ả Rập như Ai Cập, Lebanon, Syria, nhưng dấu ấn của họ ở vùng Vịnh là vô cùng khiêm tốn. Hoạt động của Sứ mệnh Ả Rập là điểm đáng chú ý nhất trong lĩnh vực này. Ngoài ra, một số dịch vụ giáo dục khác cũng do nhóm truyền giáo mở ra nhưng không đạt được nhiều thành công như trước đó. Chính mục đích truyền giáo đã ngăn trở các bậc phụ huynh gửi con em theo học vì nỗi lo sợ con cái họ sẽ quay lưng với Islam giáo. Ngoài trường học đã nêu ở trên, tất cả những hoạt động giáo dục khác của họ ở các nước vùng Vịnh đều bị phản đối mạnh mẽ bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo địa phương thông qua các bài giảng trong thánh đường Islam và thông qua các kênh cá nhân. Có lẽ hoạt động giáo dục của Nhóm Sứ mệnh Ả Rập đã có thể thành công hơn nếu họ không xác định truyền giáo là mục tiêu cốt yếu nhất.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng giáo dục và việc làm đối với nữ giới ở các quốc gia vùng vịnh (Trang 40 - 43)