Thực trạng về việc làm đối với nữ giới ở các quốc gia vùng Vịnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng giáo dục và việc làm đối với nữ giới ở các quốc gia vùng vịnh (Trang 65 - 66)

8. Cấu trúc của luận văn

3.1 Thực trạng về việc làm đối với nữ giới ở các quốc gia vùng Vịnh

Vịnh trƣớc kỷ nguyên dầu mỏ

Như đã nói qua ở mục 1.2.3.1, trong giai đoạn trước khi dầu mỏ được phát hiện và khai khác ở khu vực vùng Vịnh Ả Rập, người phụ nữ đã tham gia rất tích cực vào các hoạt động kinh tế để đóng góp vào nguồn thu nhập cho gia đình. Vào mỗi mùa đánh bắt ngọc trai, kéo dài từ tháng 6 cho đến tháng 10, khi phần lớn nam giới được huy động tham gia hoạt động kinh tế chủ chốt này, người phụ nữ ở nhà và lo toan quản lí mọi việc trong gia đình. Lúc này, họ trở thành người trụ cột gồng gánh gia đình.

Công việc đánh bắt ngọc trai trên biển vốn không thể là một công việc ổn định và tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong các trường hợp người đàn ông gặp phải tai nạn, bất trắc trong công việc, người phụ nữ sẽ là người đứng ra gánh vác kinh tế gia đình và cả công việc nội trợ. Có những trường hợp người phụ nữ phải thay chồng tham gia đánh bắt ngọc trai để trả nợ.

Có thể nói các hoạt động kinh tế giai đoạn này cho phép phụ nữ tham gia đóng góp mạnh mẽ trong thị trường lao động với vai trò không hề kém so với nam giới. Sean Foley trong cuốn sách của ông đã nói rằng “trước thời kỳ bùng nổ của dầu mỏ, phụ nữ vùng Vịnh đã giúp chồng mình ra chợ bán những sản phẩm các ông chồng đánh bắt được”. [31, tr. 170]. Thậm chí ở giai đoạn này, việc phụ nữ trực tiếp đứng bán hàng ở chợ, giao tiếp trực tiếp với nam giới hay giao hàng tận nhà cũng rất phổ biến [53, tr. 4].

Tại Kuwait có một khu chợ với tên gọi Suq al-Harim ( chợ dành cho phụ nữ) mà tại đó những người phụ nữ tập trung lại và mua bán trao đổi từ các mặt hàng như vải vóc lụa là cho đến đồ dùng cá nhân như gương lược,

henna, đồ trang điểm,..và cả những mặt hàng khác mà chồng họ mang về sau những chuyến đi biển. Đa số phụ nữ vùng Vịnh se sợi và nhuộm vải cho mục đích sử dụng trong gia đình hoặc để buôn bán trao đổi.

Những người phụ nữ vùng Vịnh giàu có và thuộc tầng lớp từ trung lưu trở lên – vợ của các nhà cai trị hoặc thương nhân – không tham gia vào các hoạt động kinh tế vì mục đích thêm thu nhập cho gia đình. Một số phụ nữ giàu có sở hữu những cơ sở thương mại của riêng mình, hoạt động trong lĩnh vực mua bán đá quý. Shaykha Hussa bint Murr, mẹ của Tiểu Vương Dubai hiện nay, từng là một thương nhân kinh doanh ngọc trai thành công. Bà sở hữu đất đai, tham gia vào hoạt động thương mại và được biết đến như một nữ thương nhân mạnh mẽ và khôn khéo.

Như vậy, phụ nữ vùng Vịnh trong giai đoạn trước khi phát hiện ra dầu mỏ không bị cô lập khỏi đời sống kinh tế xã hội mà đã có tham gia vào các hoạt động kinh tế trong các điều kiện cho phép. Sự hiện diện của người phụ nữ vùng Vịnh tại các khu chợ và vai trò của họ trong nền kinh tế nhìn chung có ảnh hưởng đáng kể đến địa vị của họ, bao gồm cả vị trí trong phạm vi gia đình và ngoài cộng đồng. Mặc dù cơ hội tiếp cận giáo dục của phụ nữ vùng Vịnh ở giai đoạn này không nhiều, song việc họ có thể lao động tạo ra thu nhập đem lại, dù ít hay nhiều, cho họ sự độc lập kinh tế nhất định. Đóng góp vào thu nhập chung của gia đình một mặt giúp họ có một số quyền hạn trong gia đình và ngoài xã hội, mặt khác cho họ quyền đưa ra quyết định và hành động nhất định trong các vấn đề nội bộ gia đình.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng giáo dục và việc làm đối với nữ giới ở các quốc gia vùng vịnh (Trang 65 - 66)