Giải pháp của chính phủ các quốc gia vùng Vịnh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng giáo dục và việc làm đối với nữ giới ở các quốc gia vùng vịnh (Trang 75 - 78)

8. Cấu trúc của luận văn

3.3 Giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận việc làm đối với nữ giới ở

3.3.1 Giải pháp của chính phủ các quốc gia vùng Vịnh

Trước thực trạng tỷ lệ nữ giới trong lực lượng lao động quá ít ỏi, chính phủ các quốc gia vùng Vịnh cũng đã đưa ra nhiều chính sách để cải thiện tình trạng này. Hàng ngàn công việc được tạo ra cho phụ nữ, đặc biệt trong các lĩnh vực “phù hợp với phụ nữ” như ngành giáo dục. Chính phủ Saudi Arabia đã cho xây dựng nhiều chương trình làm việc mới để tạo ra thêm nhiều cơ hội việc làm cho nữ giới trong lĩnh vực giáo dục. Nhiều bộ phận dành cho nữ giới trong các tổ chức công được mở ra và nhiều chương trình tập huấn được tổ chức để trang bị thêm cho nữ giới các kỹ năng cần thiết trong công việc. Song song cùng với đó, chính phủ nước này cũng sửa đổi luật lao động để bổ sung chế độ thai sản, nuôi con và các kỳ nghỉ phép cho nữ giới [49].

Các nước vùng Vịnh khác cũng có những bước tiến quan trọng nhằm khuyến khích nữ giới tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động. Năm 2008, UAE đã đặt ra kế hoạch 5 năm với mục tiêu tăng cường vai trò của nữ giới và tìm kiếm các nữ lãnh đạo trong tương lai. Kế hoạch này bao gồm các chương trình đào tạo tại chỗ nhằm chuẩn bị cho phụ nữ UAE bước chân vào

lĩnh vực doanh nghiệp. Đối với Qatar, tầm nhìn quốc gia 2030 của nước này cũng nhấn mạnh vào cơ hội tăng cường và hỗ trợ nghề nghiệp cho các công dân nữ. Cả Qatar và Kuwait đều tổ chức các diễn đàn kinh doanh giúp khích lệ nữ giới tham gia đóng góp vào nền kinh tế đất nước thông qua các hoạt động kinh doanh.

Đối phó với những áp lực của sự cạnh tranh với lực lượng lao động nhập cư, chính phủ các quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt ở các quốc gia có lượng lao động nhập cư gấp nhiều lần số người dân bản địa như Kuwait, Qatar và UAE cũng cố gắng tìm nhiều biện pháp để tăng cơ hội việc làm cho người bản xứ [47]. Kết quả là hàng loạt các chiến lược Omanization, Emiratisation, Qatarization,…ra đời nhằm tăng tỉ lệ cư dân bản địa trong lực lượng lao động và giảm phụ thuộc vào nhập khẩu lao động. Oman là quốc gia gặt hái nhiều thành công nhất thông qua chiến lược “Omanization/Oman hóa nền kinh tế”. Kể từ khi lên nắm quyền cai trị đất nước, Sultan Qaboos Bin Said đã ra một loạt chính sách nhằm bồi dưỡng kiến thức cho người dân Oman. Đồng thời, Chính phủ Oman cũng đặt mức chỉ tiêu bắt buộc về tỉ lệ tuyển dụng người bản địa Oman trong từng lĩnh vực. Cụ thể, đối với lĩnh vực giao thông vận tải, lưu trữ và truyền thông phải có tối thiểu 60% lực lượng lao động là người Oman. Con số này là 45% với các ngành tài chính, bảo hiểm và bất động sản, 35% đối với với các ngành công nghiệp, 30% đối với lĩnh vực khách sạn và nhà hàng, 20% đối với thương mại. Các công ty hoàn thành chỉ tiêu mà Chính phủ đưa ra sẽ được trao tấm “thẻ xanh” giúp họ nhận được sự quan tâm của báo chí và ưu đãi trong các thủ tục với Chính phủ. Nếu như người nước ngoài chiếm đến 81.8% lực lượng lao động Oman vào năm 1998 [71, tr. 55-75] thì hiện nay, nhiều cơ quan chính phủ của Oman đã đạt tỉ lệ 100% nhân lực là người bản địa.

Nằm trong kế hoạch mục tiêu “Tầm nhìn quốc gia Qatar 2030”, Chính phủ Qatar đã áp dụng chính sách Qatarization với mục tiêu tăng tỷ lệ phần

trăm công dân Qatar được tham gia vào lực lượng lao động. Mục tiêu của chính phủ đặt ra là có ít nhất 50% nhân viên trong các lĩnh vực là người Qatar. Để trung hòa lợi ích giữa khu vực công và khu vực tư nhân, tất cả người dân Qatar đều được cung cấp các phúc lợi xã hội như nhau bất kể vị trí làm việc. Chính sách Qatarization cũng hướng tới việc không phân biệt giới tính trong tuyển dụng, điều này góp phần mở ra nhiều cơ hội việc làm cho nữ giới. Để đạt được điều này, Quỹ Qatar (Qatar Foundation) được lập ra và chịu trách nhiệm cung cấp cơ hội việc làm cho công dân Qatar, đồng thời tổ chức các hoạt động, chương trình bồi dưỡng cho thế hệ người Qatar trẻ với mong muốn họ sẽ trở thành những người lãnh đạo tài năng trong tương lại.

Thực tế cho thấy, xã hội các nước vùng Vịnh đang chứng kiến những bước chuyển mình to lớn trong thời đại mới, về mặt nào đó có cả những dấu ấn tích cực dành cho nữ giới. Là quốc gia bảo thủ về tôn giáo và văn hóa, nhưng Saudi Arabia cũng đang có những tiến triển về đấu tranh nữ quyền, rõ nét trong thời gian gần đây sau khi Hoàng tử Mohammed bin Salman trở thành Thái tử Saudi Arabia.

Từ lâu, lệnh cấm phụ nữ lái xe ở Saudi Arabia đã là mục tiêu công kích của cộng đồng quốc tế, ngay cả từ những nước láng giềng Ả Rập khác. Trong gần 3 thập kỷ, những người phụ nữ Saudi Arabia tiến bộ và những người ủng hộ họ đã kêu gọi quyền lái xe cho phụ nữ. Đã có nhiều trường hợp phải đối mặt với việc bị bắt giữ, cấm xuất cảnh và kỳ thị nặng nề vì vi phạm lệnh cấm phụ nữ lái xe. Tháng 9/2017, Saudi Arabia đã công bố một sắc lệnh hoàng gia chấm dứt lệnh cấm phụ nữ lái xe áp dụng trong nhiều thập kỷ. Sau nhiều năm dài đấu tranh thì từ ngày 24/6/2018, phụ nữ Saudi từ 18 tuổi trở lên sẽ được đăng ký lấy bằng lái xe và thực sự ngồi sau vô lăng. Động thái này nằm trong hàng loạt quyết định cải cách của Chính phủ Saudi Arabia, trong đó kế hoạch cải cách mang tên Tầm nhìn 2030 của Thái tử

Mohammed bin Salman hướng tới việc tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động lên gần 1/3 so với mức 22% hiện nay. Việc cho phép phụ nữ lái xe chắc chắn sẽ giúp họ năng động hơn khi tham gia lực lượng lao động, và sẽ là nguồn cổ vũ cho phụ nữ Saudi Arabia đứng lên đòi nhiều quyền lợi hơn nữa cho bản thân họ.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã nhận định về chính sách “người giám hộ” cho nữ giới ở Saudi Arabia bằng những lời nhận định khá chua chát nhưng chân thực: “Phụ nữ Saudi đang sống trong những chiếc hộp. Cuộc đời của người phụ nữ luôn bị kiểm soát bởi người đàn ông kể từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi”. Chính sách này kiểm soát tất cả những hoạt động của phụ nữ, hạn chế phụ nữ ở rất nhiều quyền, trong đó hẳn nhiên có quyền làm việc. Là quốc gia vẫn còn vô cùng bảo thủ với chính sách “người giám hộ”, thật khó để ngay lập tức thay đổi quan điểm vốn ăn sâu vào tư duy của người dân Saudi Arabia. Tuy nhiên trong một công điện của vua Salman gửi các cơ quan chính phủ ngày 17/4/2017, đức vua đã ra lệnh cho các cơ quan này không được từ chối cung cấp các dịch vụ của chính phủ cho nữ giới chỉ vì họ không có sự đồng ý của người giám hộ nam. Thay vào đó, các cơ quan này có thể yêu cầu các công dân nữ bổ sung thư chấp thuận của người giám hộ trong vòng 3 tháng sau đó. Tuy chưa giải quyết đươc hoàn toàn chính sách giám hộ nặng nề lên nữ giới, song động thái nhỏ này được coi là một bước dịch chuyển khả quan nhằm nới lỏng sự khắt khe của chính sách này. Thậm chí người ta còn tin rằng, trong thời gian tiếp theo, chính phủ Saudi sẽ tiếp tục có những cải cách hơn nữa để tiền dần tới mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn chính sách này [101].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng giáo dục và việc làm đối với nữ giới ở các quốc gia vùng vịnh (Trang 75 - 78)