gấp rút và có tính lâu dài
Một là, chất lượng giáo dục đại học. Chất lượng giáo dục nói chung và chất lượng giáo dục đại học nói riêng là vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay, mặc dù đã có những chuyển biến nhất định, nhưng nhìn chung còn thấp so với yêu cầu, khả năng chủ động, sáng tạo của sinh viên ít được bồi dưỡng, năng lực thực hành của sinh viên còn yếu, có nhiều quan niệm và cách nhìn khác nhau về vấn đề này. Ví dụ như: cơ sở vật chất của Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu để phát triển giáo dục hiện đại, nội dung chương trình cũ và lạc hậu, các quan điểm chủ trương chính sách về phát triển giáo dục chưa phù hợp với sự thay đổi không ngừng của thế giới... dẫn đến chất lượng giáo dục chưa có những chuyển biến rõ nét.
Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên trong ngành giáo dục ở Việt Nam nhìn chung là vừa thiếu lại vừa yếu, lại phân bố không đều (tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn), do đó, cần có chính sách đào tạo, bồi dưỡng giảng viên cả tài và đức, một thế hệ giảng viên nhiệt tình, trách nhiệm, hơn hết là tâm huyết với nghề. Trong khi đó một bộ phận không nhỏ sinh viên lại thiếu chủ động tích cực trong học tập, lĩnh hội tri thức; thiếu ý thức vươn lên trong học tập; chưa nhìn nhận đúng vai trò và trách nhiệm của bản thân với đất nước.
Hai là, quy mô đào tạo đại học. Trong khi đặt mối quan tâm hàng đầu vào chất
lượng đào tạo đại học, không thể không chú ý đến số lượng sinh viên đại học. Làm thế nào vừa tăng quy mô, vừa đảm bảo chất lượng trong điều kiện nguồn nhân lực còn hạn hẹp là điều có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Ba là, công tác quản lý giáo dục đại học còn kém hiệu quả. Hiện nay, cơ chế
quản lý trong giáo dục ở Việt Nam còn rất nhiều vấn đề. Nhà nước ôm đồm quá nhiều việc trong khi hiệu quả quản lý lại chưa cao. Vấn đề là phải làm sao gia tăng hiệu quả quản lý bên cạnh việc mở rộng các quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo. Phải kiểm soát được chất lượng đầu vào, đầu ra của các cơ sở công lập và ngoài công lập. Mặt khác, một số hiện tượng tiêu cực, thiếu kỷ cương trong giáo dục chưa được ngăn chặn kịp thời, các hiện tượng thương mại hóa trong giáo dục như mua bằng, bán điểm, tuyển sinh vượt chỉ tiêu, thu chi sai nguyên tắc làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của nhà trường, của nhà giáo. Đây là những vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục cần nhanh chóng giải quyết, để làm giảm sự bức xúc trong xã hội.
Thực tiễn đầy sinh động và những vấn đề còn tồn tại của giáo dục đại học Việt Nam đặt ra yêu cầu bức thiết về việc cần tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện hơn nữa về GD - ĐT, trong đó có giáo dục đại học, để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước.