Sự vận động của hệ thống hình tượng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng yêu nước từ trung nghĩa sang duy tân cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX qua tác giả phan đình phùng và phan bội châu (Trang 104 - 118)

5. Cấu trúc đề tài

3.3. Sự vận động của hệ thống hình tượng

Trong lịch sử văn học Việt Nam hình tượng văn học cơ bản không phong phú lắm. Thơ văn Lý – Trần thiên về tạo hình tượng – cảm xúc, và nếu nói đên hình tượng nhân vật, thì có hai hình tượng chính là người anh hùng vệ quốc và bước đầu hình thành hình tượng nhà nho hành đạo- ông quan trung nghĩa. Hai hình tượng cơ bản đó được tiếp tục trong văn học thời Lê và hình tượng kẻ sĩ dần dần độc chiếm văn đàn. Cuối thế kỷ XVI trở đi hình tượng nhà nho ẩn dật bắt đầu in đậm dấu vết. Những thế kỷ sau đó là sự ra đời của hình tượng người anh hùng thời loạn, sự chiếm chỗ trên văn đàn của mẫu người ―tài tử giai nhân‖trở nên là hình tượng văn học trung tâm của cả giai đoạn văn chương đã trở thành cổ điển này của lịch sử văn học Việt Nam. Nhưng sau hàng thế kỷ loạn lạc chính quyền chuyên chế với hình thức tối đa do vương triều Nguyễn thiết lập trở lại đã khiến mẫu người hào kiệt, người anh hùng thời loạn này phát triển rẽ ngoặt theo một hướng khác, trong khi tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục sinh hàng loạt các hình tượng người trung nghĩa.

Xuyên suốt các sáng tác của Phan Đình Phùng là bức chân dung tinh thần tự họa của chính tác giả. Qua bức chân dung tinh thần tự họa ấy, ta thấy nổi bật lên hình tượng một nhà nho trung nghĩa luôn đinh ninh một tấm lòng trung hiếu. Ngay cả khi đối mặt với cái chết, cảm xúc lớn nhất của ông vẫn là hổ thẹn vì chưa làm tròn sứ mệnh nhà vua giao phó, xót xa, lo lắng vì chưa làm tròn phận sự giải phóng nhân dân, dân tộc:

Nhung trường phụng mệnh thập canh đông Vũ lược y nhiên vị tấu công

Cùng lộ ngao thiên nan trạch nhạn Phỉ đồ biến địa thượng đồn phong Cửu trùng xa giá quan sơn ngoại Tứ hải nhân dân thủy hỏa trung

Trách vọng dũ long ưu dũ trọng Tướng môn thâm tự quý anh hùng". (Nhung trường vâng mệnh đã mười đông Vũ lược còn chưa lập được công

Dân đói kêu trời xao xác nhạn Quân gian chật đất rộn ràng ong Chín lần xa giá non sông cách Bốn bể nhân dân nước lửa nồng

Trách nhiệm càng cao, càng nặng gánh Tướng môn riêng thẹn mặt anh hùng).

Đến các sáng tác của Phan Bội Châu, hình tượng nhà nho trung nghĩa vẫn tiếp tục được ca ngợi như một biểu tượng của người hào kiệt sẵn sàng hi sinh vì nghĩa lớn. Song hình tượng chủ đạo lại là hình tượng nhà nho tự nhiệm – nhà nho tự đứng lên nhận lấy trách nhiệm cứu dân cứu nước. Đó là hình tượng đẹp trong chí khí mạnh mẽ, hào hùng:

Làm trai phải lạ ở trên đời Há để càn khôn tự chuyển dời Trong khoảng trăm năm cần có tớ Sau này muôn thuở há không ai

( Lưu biệt khi xuất dương)

Người anh hùng tự nhiệm ấy mang trong mình khát vọng xoay chuyển càn khôn, làm nên sự nghiệp lớn. Hình tượng con người hiện lên hiên ngang, cao lớn sánh ngang tầm vũ trụ. Đặc biệt, nhà nho tự nhiệm ý thức sâu sắc sự tồn tại của cái tôi cá nhân giữa cuộc đời. Một chữ ―ngã‖ cất lên khẳng định rõ hơn nét mới mẻ trong hình tượng nhà nho mới.

Bên cạnh đó, sáng tác của Phan Bội Châu đã xuất hiện nhiều hình tượng văn học mới. Trước hết là hình tượng người anh hùng. Trong các sáng tác của Phan, bên cạnh hình tượng người anh hùng cá nhân, đã xuất hiện hình tượng người anh hùng quần chúng.

Ở giai đoạn gắn với phong trào Đông Du, hình tượng người anh hùng xuất hiện rõ nét trong các tác phẩm Sùng bái giai nhân (1907) Việt Nam quốc sử khảo(1908). Phan Bội Châu đã quan niệm bình thường hóa người anh hùng: mọi người đều có thể là anh hùng cùng với nước thay đổi thời thế, nếu có người sang là anh hùng thì cũng có người nghèo là anh hùng. Ông đặt lòng nhiệt tình cứu nước lên hàng đầu. Và ông đề cao những người anh hùng phi thường.

Sau khi thành lập Việt Nam quang phục hội tư tưởng dân chủ tư sản đã thâm nhập sâu vào Phan Bội Châu. Qua tác phẩm Trùng Quang tâm sử, Chân tướng quân, ông thừa nhận nhân dân là đối tượng chủ yếu của chủ nghĩa anh hùng. Ông nhìn thấy tầng lớp lao động, những người nghèo khổ và ngay cả những người phụ nữ đều có lòng yêu nước, căm thù giặc, có khả năng tiềm tàng để trở thành người anh hùng. Họ chính là hiện thân của lòng dũng cảm, nghị lực phi thường.

Ông nhận thức được vai trò cá nhân của người anh hùng và quần chúng. Từ đó ông bộc lộ quan điểm quần chúng của mình khi bàn về anh hùng hữu danh và anh hùng vô danh. (Việt Nam vong quốc sử). Phan Bội Châu là người nhận thức rõ về mối quan hệ giữa người anh hùng với quần chúng và ngược lại.

Đến khi nhận thức được vai trò của giai cấp công nhân ông coi công nhân là đối tượng của chủ nghĩa anh hùng, hướng về quần chúng công nhân và nông dân, coi việc phục vụ lợi ích của công nhân và nông dân chính là mục đích của chủ nghĩa anh hùng. Tư tưởng Phan Bội Châu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng dân chủ tư sản.

Hình tượng người anh hùng trong sáng tác của Phan hiện lên trong cảm hứng ngợi ca: Hình tượng Trưng nữ vương, hình tượng người anh hùng Lê Xí, Hoàng Hoa Thám, …

Được soi rọi ánh sáng duy tân, Phan Bội Châu tiếp tục xây dựng hình tượng mới – hình tượng người thanh niên – lực lượng nòng cốt của cách mạng. Phan Bội Châu là người đầu tiên đề xuất quan niệm mới mẻ về thế hệ thanh niên. Trong thực tiễn cách mạng của mình ông luôn có ý thức dưạ vào thanh niên động viên, khích lệ tinh thần của họ. Giáo sư Đặng Thai Mai từng nhận xét: ―Chỉ vì đọc thơ văn của Phan Bội Châu mà hàng nghìn thanh niên đã cắt hết bím tóc, vứt hết sách vở, văn chương, nghề cử tử cùng mộng công danh nhục nhã, lìa bỏ làng mạc… bất chấp mọi đói thiếu, nguy hiểm, khổ sở để qua Xiêm, qua Tàu, qua Nhật học hỏi và trù tính việc đánh Tây‖.

Phan Bội Châu là người khởi xướng trực tiếp lãnh đạo phong trào Đông Du, thế hệ thanh niên là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trong công cuộc cách mạng. Điểm mấu chốt trong quan niệm của Phan Bội Châu là niềm tin vào sức mạnh, nhiệt huyết của thế hệ trẻ ―Thanh niên là hi vọng của quốc gia, ai nói thanh niên lay trời trời phải rụng….‖(Tân thế kỉ).

Hình tượng thanh niên trở thành hình tượng trung tâm trong sáng tác của Phan Bội Châu (Cảm tác trong nhà ngục Quảng Đông, Xuất dương lưu biệt, Bài ca chúc tết thanh niên, Nam quốc dân tu tri, Nữ quốc dân tu tri).Viết về thanh niên ông nhằm mục đích nêu cao lẽ sống, lí tưởng cho thanh niên. Vì thế Phan Bội Châu từng khuyên nhủ thanh niên: ―Sinh ra làm trai thì đừng để cho trời đất xoay vần tới đâu thì tới…‖. Ông tuyên truyền, kêu gọi thanh niên thực hiện ý tưởng, khát vọng ý chí nam nhi là lên đường cứu nước:

Làm trai phải lạ ở trên đời Há để càn khôn tự chuyển dời Trong khoảng trăm năm cần có tớ

Sau này muôn thuở há không ai? Non sông đã mất, sống thêm nhục Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài ( Xuất dương lưu biệt)

Phan động viên lớp trẻ, gửi gắm niềm tin, niềm hi vọng vào thanh niên- lực lượng nòng cốt của cách mạng:

Nước thanh niên cậy vào ai? Cậy vào người thanh niên

Người thanh niên gánh vác việc gì? Gánh vác việc thanh niên ( Khóc thanh niên)

Hình tượng người phụ nữ cũng hiện lên trong cái nhìn mới mẻ của Phan Bội Châu. Đối với hình tượng người phụ nữ Phan có cách nhìn tiến bộ, mới mẻ hơn so với lịch sử. Phan ca ngợi người phụ nữ là những người sống có lí tưởng, có hoài bão, có tấm lòng căm thù giặc, không chịu cúi đầu cam chịu bất công: Cô Triệu, cô Chí, cô Liên…

Xây dựng hình tượng người phụ nữ, Phan Bội Châu không chỉ thể hiện tấm lòng nhân đạo, niềm xót thương cho người phụ nữ chịu nhiều đau khổ mà ông còn đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho một hệ thống tư tưởng tiến bộ về phụ nữ. Phan Bội Châu là nhà thơ, nhà nho đầu tiên chịu ảnh hưởng của Tân thư, Tân văn, mặt khác ông là người đi nhiều, mở rộng tầm mắt ra khắp năm châu bốn bể, đưa dân tộc ta tiếp cận một nền văn minh mới thoát khỏi sự trì trệ, tối tăm nên thấy rõ sự vô lí trong những lời giáo huấn của thánh nhân như ―Nam tôn nữ ti‖ ―Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô‖. Từ đó Phan Bội Châu khẳng định người phụ nữ là người không thể thiếu trong xã hội, góp công sinh ra xã hội loài người.

Ông khẳng định vai trò của người phụ nữ trong gia đình, đồng thời ông khẳng định quyền lợi của người phụ nữ đáng được hưởng, phải được hưởng: quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng, quyền công dân.

Trong tác phẩm ―Vấn đề phụ nữ‖: ―Việc gì đáng nói, miệng con trai nói được thời con gái cũng có quyền nói. Việc gì đáng nghe tai con trai nghe được con gái cũng có quyền nghe. Lần đầu tiên hình tượng người phụ nữ xuất hiện trong văn chương nhà nho trong tâm thế hoàn toàn bình đẳng với nam giới.

Có thể nói, thế giới hình tượng trong sáng tác của Phan rất phong phú và ngày càng có xu hướng dân chủ, bình đẳng hóa trong công cuộc duy tân và cách mạng giải phóng dân tộc. Qua thế giới hình tượng ấy ta thấy một sự đổi mới trong cách nhìn thế giới, cách đánh giá mới về vai trò của con người, thể hiện tư tưởng đổi mới, tư tưởng duy tân của một tay cự phách trong làng văn cử tử chuyển sang một nhà chính trị viết văn phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Kết luận chương 3

Không chỉ dừng lại ở sự chuyển biến về nhận thức, tình cảm, Phan Đình Phùng và Phan Bội Châu còn thể hiện sự vận động mạnh mẽ của tiến trình văn học giai đoạn giao thời vô cùng ngắn ngủi thông qua quan niệm văn chương, hệ thống thể loại, cách sử dụng ngôn ngữ, hệ thống hình tượng... Nếu Phan Đình Phùng sử dụng lối văn chương truyền thống để phản ánh tư tưởng cũ thì Phan Bội Châu lại thể hiện tư tưởng duy tân trong một lối diễn đạt cách tân đáng kể. Phan Bội Châu viết nhiều, và các sáng tác của ông ngày càng thể hiện nỗ lực cách tân không ngừng trong văn chương nhà nho. Từ Phan Đình Phùng đến Phan Bội Châu, có sự giao thoa, tiếp nối và phát triển một bước khá dài trong lịch sử tư tưởng cũng như nghệ thuật biểu hiện. Sự chuyển đổi tư duy và sáng tạo của hai cụ Phan cũng là đại diện cho sự trở mình của dòng sông văn học. Phan Đình Phùng đại diện cho thế hệ đặt dấu chấm hết cho văn

học trung đại Việt Nam. Còn Phan Bội Châu tiêu biểu cho thế hệ các nhà nho cận đại đã được tiếp thu những cái mới mẻ từ Tân thư, Tân văn. Mặc dù đó mới chỉ là sự tiếp xúc một cách gián tiếp những điều mới lạ, tuy rằng còn xa các ông mới hiểu được tư tưởng và nghệ thuật hiện đại, nhưng ta vẫn không thể phủ nhận những cố gắng không ngừng và những đóng góp đáng kể của các ông vào công cuộc xây dựng nền móng cho văn học hiện đại. Thực tế, bản thân Phan Bội Châu cũng có sự vận động, dịch chuyển liên tục về tư tưởng, nghệ thuật. Sự vận động ấy càng điển hình cho quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam trong ba mươi năm đầu thế kỷ XX- một giai đoạn chuyển mình ngắn ngủi nhưng có sự thay đổi khá nhanh chóng và thú vị. Như thế, nghiên cứu văn chương hai tác giả Phan Đình Phùng và Phan Bội Châu cũng chính là xem xét những đại diện tiêu biểu để dần thấy quá trình biến đổi của văn học Việt Nam giai đoạn giao thời.

KẾT LUẬN

Cuộc xâm lăng của thực dân Pháp từ giữa thế kỷ XIX đã làm chủ nghĩa yêu nước Việt Nam có sự vận động mạnh mẽ. Đó là sự chuyển đổi từ tư tưởng trung nghĩa sang duy tân, đẩy tư tưởng yêu nước lên một nấc thang văn minh mới.

Trước khi thực dân Pháp xâm lược, Việt Nam vẫn ―ngủ ngon‖ trong quĩ đạo của chế độ phong kiến chuyên chế. Lúc này, tư tưởng trung nghĩa là biểu hiện cao nhất của chủ nghĩa yêu nước. Tư tưởng trung nghĩa là tư tưởng Nho giáo nhằm đề cao vai trò tối thượng của vua. Vua được coi là thiên tử, là người thay trời hành đạo, là người được trời giao cho quyền sở hữu đất đai và chăn dắt dân chúng. Vua là chủ của nước. Do vậy, tình yêu nước của nhân dân được thể hiện qua một khâu trung gian – yêu vua. Yêu vua là yêu nước, yêu nước thì phải yêu vua, nước với vua là một. Người thần tử có lòng trung nghĩa sẵn sàng hi sinh tất cả vì vua, nhất cử nhất động đều theo mệnh lệnh của vua. Lòng trung nghĩa là nền tảng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam trong suốt gần một nghìn năm phong kiến.

Sau khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, đặc biệt là sau thất bại của phong trào Cần vương, không còn một ông vua nào dám đứng lên lãnh đạo cuộc chiến tranh vệ quốc, tư tưởng trung nghĩa rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Các nhà yêu nước đang dò dẫm trong đêm tối mịt mùng thì Tân thư xuất hiện như ngọn hải đăng soi sáng cho con đường giải phóng dân tộc. Luồng gió Tân thư mang đến cho các nhà nho tiến bộ những tư tưởng mới du nhập từ châu Âu, thổi bùng lên ngọn lửa duy tân. Duy tân là phong trào khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh nhằm tăng cường sức mạnh cho các nước Á Đông giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Phong trào ấy phát triển trên cơ sở tư tưởng duy tân – tư tưởng dân chủ tư sản châu Âu nhưng lại được hiểu theo cách của các nhà nho Việt Nam đương thời. Tư tưởng này đề cao

vai trò của nhân dân, coi nhân dân là chủ của đất nước, vua chỉ còn đứng ở hàng thứ yếu. Dân có quan hệ trực tiếp với nước chứ không phải qua khâu trung gian là vua nữa. Dân ở đây được hiểu là quốc dân, công dân – tức là số đông, quần chúng có trách nhiệm với nước chứ chưa phải là cá nhân, công dân – những cá thể có quyền lợi gắn liền với trách nhiệm theo khế ước chung. Đất nước, đồng bào, hương hỏa tổ tiên bị giày xéo, người dân phải chịu trách nhiệm đứng lên bảo vệ. Như thế, tư tưởng duy tân ở Việt Nam là tư tưởng dân chủ nhằm mục đích giải phóng dân tộc chứ chưa phải tư tưởng đấu tranh vì dân quyền, bình đẳng, cá nhân như tư tưởng dân chủ tư sản ở châu Âu.

Tuy nhiên, sự chuyển đổi này diễn ra không hề đơn giản một sớm, một chiều mà phải là một quá trình vận động không ngừng, là cả một cố gắng nỗ lực vượt lên chính mình của chủ thể - các nhà nho đương thời trước sự tác động từ hoàn cảnh bên ngoài, đặc biệt là Tân thư. Tư tưởng duy tân nảy mầm trên mảnh đất cuả tư tưởng trung nghĩa nên không dễ dàng thoát ngay ra khỏi tư tưởng ấy. Sự nhùng nhằng biểu hiện rõ nét trong quá trình vận động tư tưởng yêu nước của Phan Bội Châu. ―Người hào kiệt tuyên bố từ giã thánh hiền Nho giáo. Quá trình ly khai khai không phải diễn ra nhanh chóng và dứt khoát. Và về sau cũng chưa dứt khoát‖[8,tr.146]. Điều đó chứng tỏ tư tưởng yêu nước kiểu phong kiến phần nào vẫn còn chút ít tác dụng với thức tế đất nước đương thời song cũng chứng tỏ Phan Bội Châu chưa thực sự dễ dàng thoát khỏi sự ảnh hưởng của tư tưởng yêu nước truyền thống.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng yêu nước từ trung nghĩa sang duy tân cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX qua tác giả phan đình phùng và phan bội châu (Trang 104 - 118)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)