Kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giáo dục đạo đức cho học viên các trường Công an nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Trang 96 - 99)

2.3. Vấn đề đặt ra và khuyến nghị về công tác giáo dục đạo đức ở các

2.3.2.4. Kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo

dục đạo đức cho học viên

Giáo dục đạo đức muốn đạt kết quả cao đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Vai trò của mỗi môi trường giáo dục tuy khác

nhau nhưng đều tác động vào con người và có tính chất quyết định sự hình thành và phát triển nhân cách. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Giáo dục các em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”[52, tr.175]. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong GDĐĐ cho HV.

Trước hết, nhà trường là nơi con người được giáo dục một cách hệ thống và toàn diện nhất. Học viên không những được trang bị kiến thức chuyên môn mà các mặt giáo dục thể chất, thẩm mỹ, giáo dục đạo đức... cũng được các trường CAND đặc biệt chú trọng. Những tri thức học được ở nhà trường rất đa dạng, phong phú và sâu sắc. Nó là hành trang tri thức và đạo đức mà con người lĩnh hội được ở nhà trường sẽ theo họ suốt cuộc đời, giúp họ có kiến thức trong đời sống và ứng xử về mặt đạo đức phù hợp với những yêu cầu của chuẩn mực xã hội và của LLCA.

Các trường CAND đang đặt HV vào vị trí trung tâm, hướng mọi hoạt động của nhà trường vào việc giáo dục toàn diện HV. Vì vậy, nhà trường phải thực sự trở thành môi trường trong sạch, lành mạnh, từ lãnh đạo đến cán bộ, giảng viên phải là những tấm gương sáng để HV noi theo.

Cùng với nhà trường, gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng trong GDĐĐ cho HV, gia đình là cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng con người trưởng thành, là môi trường cực kỳ quan trọng cho sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân. Hồ Chí Minh đã nói: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình hợp lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng CNXH mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”[54, tr.300].

Nuôi dạy con cái trở thành những người có ích cho gia đình và xã hội là mong muốn chính đáng của các bậc cha mẹ. Thế mạnh của giáo dục gia đình là ở

chỗ, gia đình có điều kiện để quan tâm, chú ý tới từng thành viên của mình, biết được những mặt mạnh, mặt yếu, hiểu được tâm lý, tính cách cũng như năng lực của từng thành viên. Từ đó có những phương pháp tác động tích cực đối với từng đối tượng trên cơ sở của tình yêu thương và trách nhiệm. Giáo dục đạo đức trong gia đình chủ yếu là giáo dục những chuẩn mực, những nguyên tắc ứng xử đạo đức, là hành trang để con người gia nhập vào đời sống đạo đức của cộng đồng, xã hội. Để phát huy tác dụng giáo dục đạo đức, gia đình cần có sự kết hợp chặt chẽ với nhà trường. Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân”[52, tr.186]. Người nhấn mạnh:Nếu nhà trường dạy tốt mà gia đình dạy ngược lại, sẽ có những ảnh hưởng không tốt tới trẻ em và kết quả cũng không tốt. Cho nên muốn giáo dục các cháu thành người tốt, nhà trường, đoàn thể, gia đình, xã hội đều phải kết hợp chặt chẽ với nhau”[54, tr.76-77].

Cùng với nhà trường và gia đình, xã hội có vai trò rất lớn trong việc giáo dục đạo đức cho HV. Khái niệm xã hội được hiểu là môi trường cuộc sống bên ngoài nhà trường và gia đình. Vai trò của giáo dục xã hội được thể hiện ở chỗ định hướng các giá trị, nhất là các giá trị đạo đức của xã hội đối với thế hệ trẻ.

Qua phân tích trên chúng ta thấy, mỗi hình thức giáo dục đạo đức: nhà trường, gia đình, xã hội đều có vai trò và thế mạnh riêng. Việc kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong GDĐĐ cho HV là một trong những hình thức cơ bản của GDĐĐ. Giáo dục nhà trường là sự tiếp tục của giáo dục gia đình, vừa trực tiếp thực hiện mục tiêu giáo dục xã hội. Giáo dục trong gia đình và giáo dục trong nhà trường phải gắn với giáo dục trong xã hội, chuyển những nhu cầu giáo dục xã hội vào đời sống gia đình và nhà trường. Sự thống nhất và đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc GDĐĐ cho HV sẽ tạo ra một sự tác động thường xuyên, thuận chiều bổ sung, hỗ trợ nhau giữa các hình

thức, phương pháp, các chủ thể giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu phát triển và hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam. Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giáo dục trong nhà trường, chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn.”[52, tr.591]

Để thực hiện tốt giải pháp này, các trường CAND phải thường xuyên trao đổi thông tin với gia đình HV; thường xuyên thông báo kết quả học tập và rèn luyện của HV tới gia đình, đơn vị sơ tuyển hoặc đơn vị công tác; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình trong việc khuyến khích những HV học giỏi, chăm ngoan; có biện pháp giáo dục đối với những HV cá biệt, đặc biệt là những HV thường xuyên vi phạm nội quy kỷ luật để cùng với gia đình giáo dục HV. Ngoài ra, nhà trường cần khuyến khích HV tham gia các hoạt động xã hội. Bằng việc tham gia các hoạt động xã hội, HV được tiếp xúc với môi trường rộng lớn hơn, phong phú hơn. Từ đó, HV học hỏi được nhiều những kiến thức xã hội, giúp các em hoàn thiện nhân cách của mình.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Giáo dục đạo đức cho học viên các trường Công an nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh (Trang 96 - 99)