5 Cấu trúc luận văn
2.2 Cảm hứng sử thi
2.2.1 Khái quát hiện thực khốc liệt của chiến tranh
Thanh Thảo đã từng tâm sự: chiến tranh là một trải nghiệm khốc liệt không ai muốn nhưng rồi khi phải đối đầu với nó, phải ngập chìm trong nó và may mắn cuối cùng là thoát khỏi nó, lúc ấy người ta có thể coi những bài thơ ấy rất bình thường mình viết được trong chiến tranh như vắt cơm đã nuôi mình khi đói, như hớp nước cuối cùng trong bi đông mà mình sẻ chia với đồng đội, lại như một ân sủng mà mình tình cờ nhận được. Ông là một trong số rất nhiều người làm thơ
viết văn đi vào chiến trường đầu những năm 70, suốt dọc Trường Sơn, theo dấu chân người lính trẻ, đến tận những con đường qua sình lầy của đồng bằng Nam Bộ. Cũng một thực tế chiến đấu bao trùm cả nước, nhưng đã ở vào một thời điểm khác, một không gian khác, một môi trường cụ thể khác, và tâm trạng người lính, đời sống chiến đấu của người lính, đời sống nhân dân trong vùng sát nách giặc đã dội vào thơ các tác giả với những âm điệu và màu sắc có khác. Thấm thía hơn với thực tế chiến tranh, có thời gian hơn để suy cảm về chặng đường chiến đấu, về trách nhiệm và số phận thế hệ mình, về đất nước và nhân dân - những điều này đem lại những nét mới mẻ hơn của thơ lớp trẻ mà chúng ta có thể thấy qua thơ của những Nguyễn Khoa Điềm, Dương Hương Ly, Nguyễn Duy, Ngô Thế Oanh, Trần Mạnh Hảo, Văn Lê, Diệp Minh Tuyền… Thanh Thảo là thuộc vào số này. Lăn mình vào cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc, nếm trải bom đạn, từng ngày đối diện với sự sống và cái chết, thơ viết về chiến tranh của ông thấm đẫm chất hiện thực khốc liệt của cuộc chiến. Thanh Thảo trở nên dạn dĩ hơn và những câu thơ của ông không còn mảnh mai, e dè. Chúng trở nên từng trải, gai góc, chắc nịch hơn rất nhiều.
Những tác phẩm Thanh Thảo viết về đề tài chiến tranh chủ yếu được viết với một độ lùi thời gian nhất định, nhà thơ có thời gian nhìn lại, chiêm nghiệm những gì mình và đồng đội đã đi qua. Vì thế, thơ ông là những bức tranh được phản ánh đa chiều kích, chúng có một nội lực vô cùng mạnh mẽ bởi sự tích tụ rớm máu của chính bản thân nhà thơ, ở đó vừa có âm hưởng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, vừa có âm hưởng đau xót, bi thương về những hi sinh, mất mát không thể kể xiết. Và đó đều là những tác phẩm mang chất giọng bi hùng, lắng sâu vào tâm hồn dân tộc.
Thanh Thảo đã bao quát diện mạo đời sống chiến tranh theo chiều dài hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc, từ những cuộc khởi nghĩa trong phong trào Cần Vương của những nghĩa sĩ Cần Giuộc cho đến cuộc khởi nghĩa đánh dấu sự phát triển một cách tự giác của những người du kích Ba tơ trên con đường giác ngộ cách mạng, cho đến cuộc chiến tranh hiện đại của dân tộc. Phản ánh hiện thực chiến tranh một cách khát quát, cụ thể, đa chiều kích, nhà thơ đã cho chúng ta những định nghĩa và lột tả khái niệm chiến tranh một cách rõ nét nhất. Thật vậy, chiến tranh hằn lên ký ức dân tộc những mất mát, tổn thương to lớn, và dai dẳng mãi mãi về sau. Nỗi kinh hoàng của chiến tranh hằn lên kí ức từ những trẻ nhỏ - những sinh linh chưa đủ sức tự vệ, cuộc thảm sát ở Sơn Mỹ là một minh chứng điển hình cho tội ác của quân thù: “Tôi thấy hai đứa bé nằm đè lên nhau/ đứa lớn che đạn cho đứa nhỏ/ mắt chúng trùm xuống tôi/ súng nổ/ Đôi mắt ấy theo tôi về nước M / theo vào căn nhà tôi đã khoá cửa/ mở trừng trừng trong giấc mơ tôi/ ở ngay cái nhìn các con tôi” (Trẻ con ở Sơn
Mỹ). Khói lửa chiến tranh bao trùm mọi miền quê tổ quốc, gieo rắc nỗi đau cho
biết bao người phụ nữ - người mẹ mất con, người vợ mất chồng… cùng nỗi đau thể xác cứ chảy âm ỉ qua bao thế hệ. Hình ảnh người bà già nua một mình nuôi cháu mồ côi đã làm nhà thơ đau xót vô tận khi ông trở về Sơn Mỹ: “bà ngồi lặng lảy từng hạt bắp/ hơn bảy mươi tuổi đời quần áo rách/ bóng tối cày trên vầng trán nhăn nheo/ cháu bên bà còm cõm giữa nia khoai/ chân bó giẻ vết thương chưa lành miệng/ câu hát ru đến lòng ta chết điếng/ chim bay về núi tối rồi/ không cây chim đậu không mồi chim ăn” (Trẻ con Sơn Mỹ).
Hiện thực chiến tranh trong thơ Thanh Thảo là một hiện thực rộng lớn, có tầm bao quát cao. Ở đó không chỉ có những âm mưu xâm lược của kẻ thù, không chỉ có ý chí vô địch của con người mà còn có vô vàn những hi sinh mất mát
không thể nào kể xiết và những tâm tư nguyện vọng sâu kín mà thống thiết của con người. Hiện thực về cuộc chiến ấy được nhà thơ nhìn với nhãn quan của chủ nghĩa nhân đạo sâu sắc, một cái nhìn tỉnh táo, một sự đối mặt trực tiếp với hiện thực, với cái giá mà dân tộc ta phải trả cho cuộc chiến dành độc lập tự do ấy.