5 Cấu trúc luận văn
2.3 Cảm hứng thế sự
2.3.2 Bức tranh hiện thực cuộc sống
Cùng với việc khắc hoạ tinh tế hình ảnh người lính thắng trận trở về sau bom đạn, thơ Thanh Thảo còn đề cập tới nhiều vấn đề thời cuộc. Cái tôi trữ tình nhà thơ có cơ hội nói thật, nói một cách riết róng những nghịch lý cuộc đời, những giá trị đích thực cuộc sống khiến người ta phải thức tỉnh và nhìn lại chính mình.
Cuộc sống mưu sinh khiến cho con người dần đánh mất những phẩm chất tốt đẹp, có lúc con người trở nên hám lợi, mưu toan, lọc lừa… Nguy cơ về sự suy giảm đạo đức con người được Thanh Thảo nhận định tương đối rõ nét trong những vần thơ ra đời vào đầu những năm đầu đất nước bước vào công cuộc đổi mới. Thi sĩ có cách nhìn thẳng hiện thực, bóc trần bản chất đời sống khiến không ít lần người đọc phải bàng hoàng, chạnh lòng nghĩ suy:
“Những tấm tôn nhà nghèo vèo sang nhà giàu Những tấm tôn nhà giàu càu nhàu về nhà nghèo” (Sau cơn bão)
Xã hội giờ lại xuất hiện thêm nhiều nghịch lý mới, sự đảo lộn giá trị cuộc sống, sự chênh lệch giàu nghèo không chỉ khiến cho xã hội mất cân bằng mà ở đây đã xuất hiện tâm lý sang hèn, sự phân biệt đẳng cấp. Con người giờ đây luôn phải đối mặt với tốt xấu, trắng đen:
“trong cơn bão một bác nông dân moi nhà sập đỡ dậy ba người
một gã thanh niên lẻn vào nhà hang xóm đâm suýt chết một người
trong cơn bão, có người chạy cứu kho hàng có người chạy cướp kho hàng”
(Tàu sắp vào ga)
Nhà thơ cay đắng nhận ra vết hoen ố trong tâm hồn con người:
“Dưới bàn tay con người biến hoá Những cặn bã của tâm hồn con người Chỉ riêng cặn bã tâm hồn con người Là vô phương chưng cất”
(Gỉ đường)
Chính con người, vì những vụ lợi cá nhân đã tạo ra những vệt đen, những góc tối trong tâm hồn mình, dần đánh mất chất người. Nhà thơ đã mạnh dạn nói thẳng và nói thật sự thật đáng buồn này.
Tiếp đến, Thanh Thảo đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ những lòng tốt bình thường khi con người tự nâng mình lên trong cảm giác về một tình thương bao la mà quên đi nhiệm vụ thường ngày đối với những người thân yêu nhất: “Tôi xoay những ô vuông. Thì ra, yêu thương cha mẹ, vợ con, bạn bè, hang xóm… lắm khi
là gánh nặng với những nhọc nhằn phiền toái thực sự, trong lúc yêu thương toàn nhân loại là một gánh nặng tưởng tượng thật dễ chịu, nó lâng lâng trong ta cái cảm giác luôn thấy mình tốt, thấy mình cần thiết cho tất cả mọi người. Mà lung mình lại nhẹ không!” (Khối vuông ru bíc). Phải chăng cuộc sống xã hội hiện đại với những sức ép vô hình đã khiến tâm hồn con người chai sạn đến nỗi “vô phương chưng cất” khi người ta dễ dàng quên đi trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, xã hội. Những lòng tốt rất bình thường ấy dễ dàng mất đi khi người ta có cơ hội gặp gỡ những chân trời của danh vọng. Đó là dự cảm tưởng như xa xôi nhưng dường như đang hiện hữu rõ nét trong xã hội của chúng ta ngày nay – xã hội chứng kiến sự đứt nối của những quan hệ gia đình thân thuộc. Qua những lời thơ ấy, ta nhận thấy một nỗi đau, niềm xót xa vô hạn trong tâm hồn thi sĩ!
Vậy giá trị đích thực của cuộc sống, thước đo phẩm chất mỗi con người là gì, đó là câu hỏi vang lên suốt đời thơ Thanh Thảo, nhà thơ đã từng viết trong
Gửi con những năm chưa ra đời những lời thơ như một lời nhắn nhủ của một
thế hệ - thế hệ đã từng hi sinh tuổi xuân, xương máu cho tổ quốc:
“Thước đo không ở áo quần hay những hột xoàn to nhỏ Thước đo mỗi gia đình không phải ở tiện nghi
Trong bóng tối nhận ra người yêu nước Chiếc áo ngắn mùi mồ hôi thân thuộc Không có thời gian để triết lý dông dài
Câu hỏi day dứt nhất một đời là sự mất còn của Tổ quốc”
Nỗi niềm này của nhà thơ trong hoàn cảnh bây giờ vẫn còn nguyên giá trị, thật vậy, đất nước ra khỏi chiến tranh vẫn rất cần những tấm lòng yêu nước, những bàn tay chung sức xây dựng nước nhà. Và hơn bao giờ hết, nhà ngthơ
thấm thía lời nói của Rơ-mác: “cái mà nhân loại đang thiếu chinh là một long tốt bình thường” (Khối vuông rubíc).
Có người cho rằng, trong thơ Thanh Thảo tốt xấu, trắng đen của cuộc đời cứ chằng chịt day dứt ông, ông đã cố tình lật mở đến tận cùng để định phận tốt xấu, và cho dù xã hội có đi đến đâu thì nhà thơ vẫn đề cao tinh thần nhân nghĩa, chất người cao quí trong mỗi con người. Những quan niệm về con người ấy khiến tác giả luôn suy nghĩ, khát vọng về những cuộc đổi thay: “bay ngang trời đàn ngựa trắng/ ta đã thấy con tàu đồ sộ của một thế giới khác/ như hiện từ giấc mơ ma quỉ/ nhưng cái gì sẽ đổi thay?/ vẫn những người da đen còng lưng kéo xe cho người da trắng/ trên sân khấu cuộc đời vẫn bôi mặt vẽ mày nhí nhố gươm dao/ mục nát lại chồng lên mục nát/ những chiếc ngai sơn son thiếp vàng những lọng vòng đình đám những tiệc tùng thừa mứa/ hệt như thời Nguyễn Du đã thấy/ và mặt trời cứ lẩn tránh/ không rõ vì xót thương hay xấu hổ hay hèn nhát/ bỏ mặc dân đen cho lũ sói diều” (Đêm trên cát). Đó là khát vọng của nhà thơ muốn cải tạo thế giới để con người sống với nhau bình đẳng và yêu thương nhau hơn. Những vần thơ ấy có âm điệu dồn nén như tích tụ những suy tư tâm huyết nhất của một nhà thơ, một đời thơ.
Có thể nói, cảm hứng thế sự trong thơ Thanh Thảo cũng là nỗi niềm, cảm hứng chung cho những lời “sám hối” xuất hiện trong thơ những năm đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Những gì còn - mất giữa truyền thống và hiện đại, giữa quá khứ - hiện tại và tương lai được nhà thơ nhận thức rõ ràng:
“Những bếp điện ga tiện nghi sạch sẽ Đã nuốt mất của ta ngọn lửa hồng Và mùi thơm nồng đượm gỗ rừng
Cuối thế kỷ này ta được hưởng nhiều cái mới Nhưng mất quá nhiều
Không thể nghĩ đến một ngày nào đó Những rô bốt trắng kia cũng biết yêu” (Thơ tám câu)
Chính thực tại cuộc sống đã tác động vào thế giới tinh thần, khiến thi sĩ bật lên những vần thơ tâm huyết. Quả thật, Thanh Thảo đã làm giàu, làm đẹp cho đời bằng những vần thơ có sức công phá lớn đối với hiện thực bằng một khát vọng đổi thay thế giới. Hiện thực cuộc sống đã mang lại cho nhà thơ những suy tư đầy nhân bản về cuộc đời, giúp cho nhà thơ có cơ hội bày tỏ những quan niệm về con người, nói không né tránh những vấn đề phức tạp của đời sống xã hội. Cảm hứng thơ thay đổi làm cho cái tôi trong thơ Thanh Thảo trở nên đời hơn với những tâm tình thực, đẹp hơn trong cái nhìn muôn mặt đời thường. Và như vậy, cuộc sống mới đã tiếp thêm những nội lực những “vùng đất màu mỡ” để Thanh Thảo làm mới cho nghệ thuật thơ ca.
Như vậy có thể nói, cảm hứng thế sự là một mạch cảm hứng quan trọng chi phối đến nhiều phương diện nghệ thuật thơ Thanh Thảo. Nhà thơ đã bộc lộ cách nhìn sắc sảo nhưng đôn hậu về đời sống. Nó bộc lộ niềm trăn trở thường trực của nhà văn trong việc xác lập những giá trị tinh thần mới vừa gần gũi vừa thiết thực với đời sống hôm nay nhưng vẫn đáp ứng được chuẩn mực nhân văn cần có. Với điều đó, tác giả đã lựa chọn một hướng đi dù không nhiều cách tân quyết liệt về mặt hình thức nhưng để lại ấn tượng sâu và đằm về diện mạo của một nhà thơ đầy trách nhiệm với đời sống, nặng lòng với những giá trị tinh thần cội rễ, dứt khoát, can đảm nhưng chân thành và nồng hậu.