5 Cấu trúc luận văn
3.2 Biểu tượng thơ
3.2.1 Biểu tượng cỏ
Nổi bật hơn cả trong thơ Thanh Thảo là hình ảnh cỏ. Cỏ mọc tràn trong thơ ông, cỏ chết đi rồi sống lại, giản dị và khiêm nhường, những tràng cỏ cứ trải mút tầm mắt trong sự lãng quên nhưng chính cỏ lại tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt. Phát hiện ra vẻ đẹp khiêm nhường của cỏ, Thanh Thảo đã biến cỏ thành hình tượng đặc trưng ttrong thơ mình, cỏ xanh cũng chính là thi sĩ, mượn hình ảnh cỏ nhà thơ đã viết những lời tâm huyết về lý tưởng thơ và lý tưởng sống của mình: “tôi đặt lên tôi là cỏ/ mọc phất phơ mọc vớ vẩn ngoài đồng/ mọc trên mộ các anh/ tràn qua những bia đá lạnh lẽo/ trước con mắt bò ngơ ngác/ tôi thấy mình trong sạch/ ngọn gió vô cùng bè bạn cùng tôi” (Giải thích). Lấy bút danh Thanh Thảo nhà thơ cũng phần nào muốn bày tỏ thái độ khiêm nhường, giản dị và chính vẻ đẹp thôn dã khiến cho hình ảnh cỏ trong thơ ông đem cho ta cảm giác về sự trong sạch, bình dị, gần gũi.
Tần số xuất hiện của cỏ dày đặc, khoảng hơn 200 lần được nhà thơ nhìn qua lăng kính của lý tưởng. Trước hết đó loài cây có vẻ đẹp chân phương, giản dị trong sáng với cái nhìn “ngơ ngơ của cỏ”. Cỏ đẹp sáng trong như tình yêu không vụ lợi: anh sẽ đeo vào tay em ghé lụa/ vòng ngọc xanh tiếng dế kêu lá cỏ (Trang
sức). Đó là vẻ đẹp quyến rũ: “cỏ ngai ngái mùi thôn nữ/ cỏ thức lăn tăn những miền cơ thể/ từ lâu ngủ quên” (Đồng Tháp Mười), cỏ với vẻ đẹp tươi non trở nên gợi cảm, đánh thức những cảm giác bị bỏ quên của con người. Cách cảm nhận của nhà thơ về cỏ quả là rất tinh tế, với ông cỏ đẹp và rất nên thơ, vẻ đẹp của cỏ bước qua mọi sự lãng quên của thời gian để đến với sự bền bỉ, trường tồn, có lẽ thế mà xuất hiện trong thơ ông cỏ mang lý tưởng của tuổi trẻ, của sức sống bền bỉ, mang lý tưởng sống của một thời bom đạn không thể làm nhụt ý chí con người.
Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ gian khổ với bao hi sinh nhưng với thế hệ trẻ Việt Nam thì ngọn lửa của niềm tin, lòng quyết tâm chưa bao giờ nguội lạnh. Lớp anh đi trước, lớp em đi sau ra chiến trường, hi sinh nối tiếp hi sinh, những đoàn quân ra chiến trường như những tràng cỏ dài mút tầm mắt, chết đi mọc lại giữa tuổi xuân tràn trề nhựa sống. Trong thơ Thanh Thảo cỏ đã trở thành biểu tượng cho những người lính trẻ - những chàng thanh niên hồn nhiên vừa rời xa vòng tay mẹ lên đường nhập ngũ: “gió hồn nhiên lăn mình trên tràng cỏ/ về với má con lại là trẻ nhỏ/ dù mái nhà đây vẫn thấp tự bao giờ” (Những
người đi tới biển). Những người lính trẻ ấy được ví với hình ảnh cỏ sắc mà như
tính cách của tuổi hai mươi giàu nhiệt huyết, bồng bột nhưng giàu dũng cảm và dám hi sinh. Cỏ xanh là vậy, đẹp là vậy nhưng ta phải giật mình khi đọc câu thơ: “cỏ dưới bàn chân mọc lại bao lần”, cỏ đã chứng kiến bao hi sinh của những người lính trẻ hay chính cỏ cũng phải hi sinh thân mình dưới làn bom đạn, có
cảm giác cuộc chiến tranh gieo bao đau thương kéo dài mãi trong một câu thơ ngắn ngủi. Thanh Thảo đã làm ta xót xa khi đọc những câu thơ đầy chất bi tráng: “những dấu chân rồi lùi lại phía sau/ dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất/ mười tám hai mươi sắc như cỏ/ dày như cỏ/ yếu mềm và mãnh liệt như cỏ” (Những người đi tới biển). Cỏ đã gắn liền với hình ảnh người lính trong sáng, yếu mềm mà mãnh liệt, cỏ biểu tượng cho tuổi trẻ, sức trẻ luôn vươn lên trong mọi hoàn cảnh khó khăn, thử thách.
Cỏ cũng là biểu tượng của ý chí bền bỉ, kiên cường của con người. Trong thơ Thanh Thảo, những tràng cỏ cứ ngút tầm mắt ta, cỏ mọc tràn trên con đường nhỏ dẫn ra đến chiến trường, theo thời gian cỏ cứ mọc và cỏ vẫn mọc cho dù bom đạn tàn phá ác liệt đến đâu. Cỏ được liên tưởng với sự hi sinh: “đáng lẽ cỏ đã xanh lối mòn thuở ấy/ cỏ không kịp mọc/ cỏ phải từng chết đi sống lại/ bao nhiêu là nước chảy/ trên dòng sông/ những khuân mặt những cánh rừng những chỗ tối tăm những vùng sáng rõ/ và những khoảng trống không” (Bùng nổ mùa xuân). Những hi sinh âm thầm của cỏ hay chính là sự sống âm thầm của cỏ đang vươn lên trong từng phút giây để phủ lấp tất cả những vết tích và nỗi đau chiến tranh: “cỏ âm thầm mọc dưới trời sao/ đã phủ lấp lối mòn năm trước/ còn trùm lên chiếc M113 đang rữa nát/ thành những gò đống lang thang” (Những người đi
tới biển). Sức sống mãnh liệt của đó của cỏ đã khiến nhà thơ kết nối ý chí quyết
tâm đánh giặc và sự quyết tâm giữ đất giữ làng của nhân dân ta, những ý chí trở nên bất diệt trước con mắt kẻ thù. Những ý chí đã vượt qua tất cả hi sinh gian khổ mà có lẽ trong đời thường chúng ta khó có thể vượt qua: “chúng ta những ngọn lao phóng về cùng một đích/ những đồi cỏ tranh cháy khô còn mai phục/ tua tủa trồi xanh” (Bùng nổ mùa xuân). Sức sống ấy của cỏ là sức sống của bản năng luôn thức tỉnh, sức sống bền bỉ trong sự đấu tranh để sinh tồn, bảo vệ nòi giống,
bảo vệ màu xanh ngút ngàn. Cỏ mang cái đẹp của sự lãng quên, cái đẹp của sự âm thầm, khiêm nhường như cái đẹp của ý chí của cả dân tộc đã đánh bại âm mưu xâm lược đế quốc có sức mạnh ghê gớm. Sức mạnh trường tồn của cỏ như ánh mặt trời xua tan đêm dài và tiếp sức mạnh cho chúng ta đi tới như nhà thơ đã cảm nhận: “mặt trời nở rộ trên bàn tay mở ra năm tia sáng/ cỏ sống lại xanh trong mắt ta/ làm gai mắt bao kẻ khác/ cỏ lời thề nguyền của mặt đất bị bỏ rơi bị dẫm nát/ mọc âm thầm giữa nhớ và quên (Những ngọn sóng mặt trời). Cách nhìn, cách cảm của tác giả về hình ảnh cỏ mang nhiều lí tưởng, cái đẹp của cỏ đã được thăng hoa. Lí tưởng ấy là lí tưởng của một thời “chân dép lốp đạp mòn tram ngọn núi mà không hề rợp bóng xuống tương lai” (Một người lính nói về thế hệ
mình), lí tưởng của thời cha ông ta đánh giặc giành hoà bình cho tổ quốc mà
không tiếc máu thương.
Cỏ xanh là một hình ảnh đẹp và lãng mạn trong thơ Thanh Thảo, yếu mền mà mãnh liệt, cỏ và những ý nghĩa biểu tượng của cỏ là minh chứng cho nguyên lý lấy nhu thắng cương trong văn hoá phương Đông. Cỏ xanh là tuổi trẻ, là sức sống bất diệt về tương lai của dân tộc ta trong trường kỳ lịch sử. Cỏ xanh cũng là lí tưởng sống đẹp, lí tưởng của tuổi trẻ luôn vươn lên, cống hiến những mùa xuân đẹp nhất của đời mình.