5 Cấu trúc luận văn
2.3 Cảm hứng thế sự
2.3.1 Chiến tranh và người lính
Là một nhà thơ trưởng thành ở giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ nên những gì là sự thật của chiến tranh Thanh Thảo đều trải qua, là một sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường nhà thơ gác bút lên đường nhập ngũ nên hơn ai hết ông hiểu bản chất của cuộc chiến tranh chống Mỹ, hiểu được cái giá dân tộc phải trả cho cuộc chiến này cũng như ông hiểu được phần sâu kín
nhất nhưng thật nhất của người lính. Mà trước đây phải chăng người nghệ sĩ không dám và không nói tới. Bài thơ đầu tay Thử nói về hạnh phúc trước hết là một bài thơ tình nói nhiều về những trăn trở cho hạnh phúc lứa đôi, cho hạnh phúc của dân tộc nhưng đồng thời cũng là tiếng nói phản chiến dữ dội với điểm nhìn thẳng vào sự thật chiến hào. Vào thời điểm ra đời bài thơ, nó được coi là uỷ mị nhưng sự thật bài thơ được người lính chép tay và cảm nhận hoàn toàn khác. Cái hay, cái mới, cái lạ của bài thơ lại chính nằm ở chỗ tác giả đã nói lên được tiếng nói chung của thế hệ người lính trẻ: dám xả thân chống Mỹ cứu nước nhưng cũng rất khao khát hạnh phúc lứa đôi, khao khát hoà bình và xót xa cho sự đổ máu của dân tộc. Giờ đây đọc lại những dòng thơ ấy, chúng ta không khỏi thương xót, đau đớn về cái giá quá đắt mà tổ quốc phải trả cho ngày chiến thắng:
“có những thằng con trai mười tám tuổi chưa từng biết đến nụ hôn người con gái chưa từng biết những lo toan phức tạp của đời câu nói đượm nhiều hơi sách vở
khi nằm xuống
trong đáy mắt vô tư còn đọng một khoảng trời hạnh phúc nào cho tôi
hạnh phúc nào cho anh hạnh phúc nào cho chúng ta hạnh phúc nào cho đất nước …
chúng tôi không muốn chết vì hư danh không thể chết vì tiền bạc
những liều thân vô ích đất nước đẹp mênh mang
đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt chỉ riêng cho Người, chúng tôi dám chết!” (Thử nói về hạnh phúc)
Và đã hơn một lần Thanh Thảo ngậm ngùi, tiếc thương cho chính bản thân mình, cho những đồng đội đã ngã xuống giữa tuổi hai mươi xuân sắc:
“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình (nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)
nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi tổ quốc? cỏ sắc mà ấm quá, phải không em?”
(Những người đi tới biển)
Từ chiến trường Đông Nam Bô ̣ , Thanh Thảo mang đến gio ̣ng thơ đầy trăn trở, suy tư , chiêm nghiê ̣m về mất mát , hy sinh . Ông cho ̣n cách diễn đ ạt cái bi hùng qua hình ảnh thơ ám ảnh “Chiếc áo dính chặt vào thân bạc màu ngắn nhanh rồi rách” với cách so sánh táo ba ̣o “Một chiếc áo có thể sống lâu hơn một cuộc đời” (Những người đi tới biển). Nhà thơ suy tư rất nhiều về sự sống – cái chết:
“Với người chết bình thường Thời gian không quí nữa Nhưng tôi biết các anh Đã cháy ruột cháy gan
Khi phải giữa đường nằm lại ...
Tôi đã bao nhiêu lần nói về cuộc sống Mà chưa hiểu gì cuộc sống các anh Những người ra đi không để lại tuổi tên Lúc ngã xuống tôi chỉ kịp nhìn nấm đất Nấm đất
Hay cả Trường Sơn cao ngất
Làm sao che được ánh mắt con người” (Các anh nằm giữa Trường Sơn)
Đằng sau tấm huy chương chói ngời là biết bao sương máu, khổ đau mà nhà thơ đã chiêm nghiệm:
“Tôi gặp ở Hồng trường
những cụ ông cụ bà mang huân chương chói lọi tự hào
thầm kín khổ đau
những huân chương cùng lúc nói hai điều trước khi nhận vinh quang
họ đã nhận những mảnh đạn thù găm vào thân thể nhưng trước vết thương
và huân chương
họ đã mang nước Nga nặng trĩu trong lồng ngực”
(Những người mang huân chương)
Những câu thơ như tất cả tấm lòng nhà thơ gửi gắm vào lời nhân vật trữ tình khiến ta không cầm nổi cảm xúc:
Lòng không nguôi thương nhớ cánh rừng này Nơi những đứa con nằm lưng đèo cuối dốc Dọc theo lối mòn chìm khuất dưới tầng cây Nếu một ngày ta dựng những hàng bia
Xin hãy đề “nơi đây những cuộc đời chưa bao giờ yên nghỉ” (Những người đi tới biển)
Tri ân những đồng đội đã khuất, những câu thơ Thanh Thảo như tấm bia lòng tạc vào kí ức những công lao, xương máu của lớp lớp thế hệ đồng đội đồng chí đã ngã xuống cho ngày độc lập, thống nhất tổ quốc. Những câu thơ viết cho người đã khuất nhưng cũng là lời nhắc nhở cho người còn, ở đó có gì đó bùi ngùi xót xa khi ta còn đấy mà bạn đã mất, đất nước độc lập thống nhất rồi mà linh hồn bạn đã ở cõi bất tử!
Thơ ông đã nói và nói thành công về cái chết, về sự mất mát hy sinh, nói trong giọng trầm xuống, trong giọng nén lại.
“Tin người bạn vừa nằm xuống đến với tôi từ một giọng bình thường một người chưa quen
gió vần vụ trên nóc rừng buổi sớm”
Thảng hoặc đâu đó có ý nghĩ cho rằng văn học viết về chiến tranh ở ta về sau này do có nói về mất mát hy sinh nên có phần chân thật hơn. Không hẳn là như vậy. Chiến thắng, thành công cũng chân thật như hy sinh mất mát, có khi còn chân thật hơn là đằng khác, vì nó đã được xác nhận bằng sự thực bao quát, sự thực cuối cùng. Chân thật là ở thái độ nhiều hơn là ở chỗ đưa ra loại sự việc nào. Cái nhìn thừa nhận thực tế, thừa nhận sự thực trong tất cả mọi loại biểu hiện của
nó bao giờ cũng dễ thuyết phục hơn là cái nhìn muốn đơn giản hóa, muốn vỗ về làm yên lòng những người đang giẫm chân trên mảnh đất thực của một cuộc đấu tranh sống còn. Thanh Thảo chính đã thành công ở phần chân thật trong cảm quan về thực tại chiến đấu, một thực tại đa dạng như ta vẫn thường nói, có hy sinh mất mát, có chiến thắng, lạc quan; thơ ông đậm sắc thái bi hùng, trữ tình ở thơ ông không tách biệt mà hòa hợp ở mức khá cao với tính sử thi, điều này đem lại thành công cho ông trong cả những bài thơ ngắn lẫn trong trường ca trữ tình sử thi Những người đi tới biển, một trường ca vào loại thành công nhất trong
hướng phát triển của thể loại này những năm gần đây.
"Ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc" - lý lẽ này đã dẫn đến sự trình bày thẳng thắn những hy sinh mất mát một cách tự nhiên, giản dị, bằng giọng nói thường, bằng giọng nói trầm.
“Những gì vỡ ra giờ rắn lại rồi bạn ngã xuống nơi cần ngã xuống
một đời ấy cho yêu thương và ước vọng phút cuối cùng trần trụi thế thôi”
Cái đau xót trầm xuống này cũng là tự nhiên, nó là cái tình giữa những người đồng đội gắn bó - chúng tôi uống nước suối ăn lương khô/ miếng đường nhỏ chia ba trên đỉnh dốc - chia nhau từng ngụm nước đến cái sống cái chết. Cảm giác sinh ly tử biệt này không hàm một sự sợ hãi. Nó là sự cứng cỏi chấp nhận. Chỉ có xuất phát từ một chủ nghĩa cá nhân cực đoan mới có sự sợ hãi nhưng nhờ được vũ trang bằng lý tưởng của Đảng, nhờ ý thức được chính nghĩa của cuộc chiến đấu, thơ Thanh Thảo đã không sa vào thứ sợ hãi bảo mạng.
“Trên bờ ruộng nhà mình anh lặng lẽ gài bãi chết
phía sau bãi chết - các con anh phía sau bãi chết - vợ anh phía sau bãi chết - nhà anh phía trước - là chúng nó
Không có cách nào khác, phải bám đất.
“Sống cồn đất, chết chôn trên cồn đất Ôi làm sao bỏ được nơi này”
Hy sinh là điều không tránh được. Cho nên, cái đáng nói hơn cả trong cuộc chiến đấu lâu dài này vẫn là niềm tin, nó cho phép ta chấp nhận thử thách, hy sinh, cũng như dân gian xưa chấp nhận mọi sự cay đắng đời thường, qua ý tứ gởi vào câu ca dao về ngọn rau răm. "Rau răm ở lại chịu đời đắng cay" mặc ai kia như
"cây cải theo gió về trời".
“Dẫu rằng thêm nữa đắng cay Niềm tin nuôi lớn đất này bao năm”
Từ sự hy sinh, thơ Thanh Thảo thường dẫn ý nghĩ chúng ta tới sự bất tử. Ông hình dung những người đã vĩnh viễn nằm lại giữa Trường Sơn vẫn dõi theo bước chân đồng đội. Và cũng như Dương Hương Ly trong Bài thơ về hạnh phúc, ông nói về tâm niệm của những người còn sống nguyện đi tiếp con đường lớn mà những người đã khuất phải dừng lại. Ý nghĩ về phần xương máu của đồng đội làm nên ngày gặp lại với người yêu được diễn đạt thật cảm động.
“Và em ơi ngày sum họp ngày mai
giữa chúng mình còn bao bạn bè ngã xuống Những người ấy, những người hay mơ mộng tha thiết yêu và muốn làm được chút gì cho em cho anh cho đất nước
đôi tay họ đôi bàn tay trong sạch đã vùi sâu trong đất
sẽ vươn giữa hai ta như những nhành cây những nhành cây ôm chặt cuộc đời này giữ cho những lứa đôi tròn hạnh phúc.”
Nhiệt tình phát ngôn bằng thơ cho sự tự ý thức của những người trẻ tuổi cùng thế hệ - ở đây là người lính - đã khiến thơ Thanh Thảo giàu khái quát, giàu chất triết lý, nhưng khái quát và triết lý ở ông thường không đưa thơ quay về dạng thuần túy chính luận. Cái cụ thể ở thơ ông cũng giàu, cũng đầy lên, sung mãn như triết lý và khái quát, thậm chí nhiều hơn thành phần triết lý và khái quát. Thơ ông không chỉ vẽ cái chân dung tinh thần qua những quan niệm, những nhận thức, những khái niệm. Trong thực tế máu lửa ác liệt, nhận thức là qua hành động, quan niệm bộc lộ trên lối sống, trên những ứng xử cụ thể. Xích lại gần sự thực cụ thể trần trụi, thơ ông đồng thời khắc họa cả diện mạo cụ thể của người lính cùng thế hệ:
“Tổ ba người như ba ông táo xáp vào − tiểu đội có cơm ăn ngủ lán hầm chỉ căng một tăng mắc võng đầu quay về một hướng lắm câu đùa, nhiều tâm sự vụn
thân thiết lúc nào cũng không hay thằng lém ba hoa tán cả ngày thằng ít nói có tài cải thiện kiếm được gì anh em cùng chén bụng ổn rồi chuyện như bắp rang ngày nắng đêm mưa chuyện của rừng bom đạn Mỹ − chiến trường phải đụng gương mặt sốt soi vào vẫn sáng
bùng tự nhiên như lửa trảng dầu”
Rồi ngày hoà bình cũng được lặp lại, người lính trở về sau chiến tranh. Nếu trước kia Thanh Thảo khám phá cuộc sống ở tầm vĩ mô thì giờ đây cũng vẫn là những đề tài đó nhà thơ nhìn nhận ở tầm vi mô. Vậy nên, đằng sau hào quang là nỗi buồn, phía sau số phận tổ quốc là số phận mỗi con người, phía sau sự khoa trương lớn tiếng là những trầm tư suy cảm, và đặc biệt Thanh Thảo đã làm độc giả rung cảm, đồng vọng bởi cuộc sống được nhìn nhận qua lăng kính của cái thường ngày. Người lính thắng trận trở về, đối mặt với những nhọc nhằn mưu sinh đã trở thành thể tài ám ảnh thơ Thanh Thảo. Nhà thơ buồn thương đau đáu cho những cảnh, những số phận:
“đất nước tôi ôi đất nước tôi những người mang AK thuở trước những người cu li xe hôm nay mặt đen nhẻm rồi khói bom bụi bẩn mắt họ chuyển từ trong veo sang tối sẫm xe ba bánh thùng xe bụng rỗng
mà dấn từng vòng khó nhọc thế này” (Lại chào đất nước tôi)
Nhà thơ đã bày tỏ nhiều tâm sự về đất nước, con người, những số phận người lính trở về với đời thường bằng những suy tư rất sâu sắc. Ông viết Tàu sắp
vào ga, Lời chào đất nước tôi, Lại chào đất nước tôi, Hà Nội nhìn từ phía tôi
với nhiều trăn trở về cuộc sống mới ở đất nước hoà bình - những vấn đề tưởng đơn giản của “phận người nô lệ” bỗng phức tạp vô cùng khi ta sống tự do. Điều khiến tác giả trăn trở nhất là chất người trong đời sống hiện đại, cách ứng sử của con người hôm nay với lịch sử hôm qua, những điều mà ông đã như dự cảm được từ bao năm trước: “những dòng sông băng qua những vết thương/ về với biển đâu phải tìm yên nghỉ/ tới cửa sông là bắt đầu sóng gió/ những cây giá xoay trần ngâm nước giữ phù sa” (Những người đi tới biển). Thanh thảo tìm đến thể tài thế sự như một niềm ưu tư tâm huyết với cuộc đời, sự tri ân với quê hương và những anh hùng đã ngã xuống. Nhà thơ viết với ý thức với trách nhiệm như của một công dân với đất nước. Đây là những câu thơ được cất lên mộc mạc nhưng là kết quả của sự nung nấu suy nghĩ đến cháy lòng:
“ta đi qua những rung chuyển vô hình không máy gì ghi lại được
con người ta nhiều lúc như phát cuồng nhiều lúc ngồi lặng im bất lực
những ngôi nhà mọc lên như tia chớp
những vật dụng tiện nghi liên tục đổi dáng hình những cặp vợ chồng li hôn
những người già mỗi phút mỗi già thêm”
(Trước thế kỷ 21)
Chính những trăn trở về hạnh phúc, đạo đức, nhân phẩm con người có nguy cơ bị mai một trong xã hội hiện đại đã khiến Thanh Thảo viết lên những câu thơ như muốn chưng cất lại những cặn bã tâm hồn. Hay đó cũng là khát khao của tác giả làm cho xã hội ngày một đẹp hơn, là giá trị nhân văn sâu sắc Thanh Thảo để lại trên mỗi trang viết, mỗi bài thơ!