7. BỐ CỤC CỦA LUẬN VĂN
1.2. Lãnh đạo xây dựng lực lƣợng, tiến hành chiến tranh du kích
1.2.1. Lãnh đạo xây dựng lực lượng
Quán triệt đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính và tinh thần Hội nghị Quân sự toàn quốc ngày 12/01/1947, Hội nghị đã nhận định: dựa vào viện binh đang kéo đến, thực dân Pháp sẽ mở những cuộc phản công và tiến công; quân và dân ta phải sửa soạn về mọi phương diện để đối phó với cuộc đại tiến công mà thực dân Pháp đang chuẩn bị gấp.
Tháng 02/1947, Bộ Quốc phòng ra Thông tư chuyển tự vệ xã thành dân quân du kích, nam nữ công dân từ 18 đến 45 tuổi được xét đưa vào dân quân. Đây là quyết định quan trọng, là cơ sở pháp lý để xây dựng lực lượng vũ trang ở cơ sở.Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến tỉnh mở đợt tuyên truyền, vận động mạnh mẽ, nên có thêm hàng chục nghìn người vào dân quân, các xã chọn những dân quân khỏe mạnh, nhanh nhẹn, gan dạ để thành lập các trung đội du kích.Các huyện có chiến sự đã tổ chức du kích công khai và du kích bí mật. Nhiều xã ở khắp trong tỉnh, nhất là các huyện Phù Cừ, Tiên Lữ, Kim Động, Ân Thi đã tổ chức các đội lão dân quân (bạch đầu quân), hội mẹ chiến sỹ và thiếu niên dân quân. Lực lượng vũ trang ở cơ sở đặt dưới sự lãnh đạo của chi bộ (hoặc liên chi bộ, chi bộ ghép) và sự chỉ đạo, chỉ huy của Ủy ban kháng chiến xã.
Cũng trong dịp này, các trung đội tự vệ chiến đấu của huyện cũng chuyển thành du kích tập trung (chủ lực huyện). Mỗi huyện có từ một đến hai trung đội du kích tập trung do nhân dân đóng góp, nuôi dưỡng là chủ yếu và mỗi huyện lập một trại dân quân để sản xuất tự túc một phần lương thực. Du kích tập trung huyện đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, chỉ huy của Ủy ban kháng chiến huyện.
Thực hiện Thông tư nói trên của Bộ Quốc phòng, Tỉnh ủy đã chủ trương và Ủy ban kháng chiến tỉnh tổ chức chuyển 250 cảnh vệ của tỉnh, điều 150 cảnh vệ từ các huyện lên, tuyển thêm 800 du kích từ các xã để thành lập các đơn vị du kích tập trung của tỉnh, lực lượng này được gọi là “chủ lực tỉnh” nhưng vẫn do ngân sách địa phương và nhân dân quyên góp nuôi dưỡng, đặt dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, do Ủy ban kháng chiến tỉnh quản lý, chỉ huy. Số 1.200 cán bộ chiến sỹ đó được biên chế thành 4 đại đội chiến đấu là các Đại đội:
- Đại đội Hoàng Văn Thụ (cuối năm 1949 được bổ sung cho Trung đoàn 64, thành lập Đại đội 95 thay thế).
- Đại đội 14 (cuối năm 1947 bổ sung cho Trung đoàn 64, thành lập Đại đội Thanh Bình) đến năm 1951 phiên hiệu là Đại đội 22.
- Đại đội Lâm Kim Cương sau phiên hiệu là Đại đội 20.
- Đại đội Vũ Hổ, lúc đầu là một Trung đội chuyên đánh địa lôi, sau phát triển thành Đại đội Bộ Binh lấy phiên hiệu là Đại đội 27.
Lực lượng vũ trang toàn tỉnh lúc này lên tới 54.469 người, bằng 11% dân số bao gồm 2.256 người thoát ly và 52.213 người không thoát ly sản xuất (4.825 du kích và 47.388 dân quân) [43, tr. 17]. Lực lượng to lớn này đã trực tiếp chiến đấu, phục vụ chiến đấu và chuẩn bị chiến đấu sôi nổi, xứng đáng với lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá “dân quân, tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc” [68, tr. 132-133].
Việc xây dựng lực lượng dân quân du kích được đẩy mạnh khắp các thôn xã.Du kích được huấn luyện cách sử dụng vũ khí, các động tác chiến đấu cá nhân. Một số huyện phía Nam như Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ lần lượt đưa lực lượng vũ trang lên các huyện Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào tham gia phá hoại giao thông, quấy rối đồn địch, tập dượt chiến đấu (lúc này gọi là đi “nghe tiếng súng”).
Thực hiện Quyết định của Chính phủ tháng 04/1947 về hệ thống tổ chức dân quân các cấp, tháng 04/1947, Tỉnh đội dân quân Hưng Yên được thành lập, đồng chí Nguyễn Hữu Nghị - nguyên Ủy viên quân sự trong Ủy ban kháng chiến tỉnh - được chỉ định làm Tỉnh đội trưởng. Các huyện đội, xã đội, thôn đội lần lượt thành lập. Các cơ quan quân sự nằm trong hệ thống Ủy ban kháng chiến các cấp đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy Đảng, và một ủy viên thường vụ cùng cấp làm chính trị viên [43, tr. 19].
Nhờ có hệ thống tổ chức dân quân hình thành, các Đảng bộ nắm chắc lực lượng vũ trang hơn, việc chỉ đạo chỉ huy được tập trung thống nhất, hoạt động có hiệu quả hơn.Các cơ quan tỉnh đội, huyện đội, xã đội đã từng bước làm tham mưu cho cấp ủy về nhiệm vụ quân sự địa phương và trở thành cơ quan chỉ huy, lực lượng vũ trang địa phương. Nhưng do thiếu cán bộ quân sự, nhiều nơi phải sử dụng cả cựu binh làm cán bộ huyện, xã đội, nhiều đồng chí phát huy tác dụng tốt nhưng một số nơi chưa thận trọng đã để phần tử xấu lợi dụng cơ hội, nắm giữ cương vị chỉ huy, gây ra những hậu quả đáng tiếc sau này.
Bên cạnh đó, tỉnh đã sớm hình thành cơ sở sản xuất vũ khí chuyên lo nhồi đạn, chế tạo mìn muỗi, địa lôi, lựu đạn và sửa chữa vũ khí cho lực lượng vũ trang trong tỉnh, gọi là Binh công xưởng. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Ty quân giới chuyển đại bộ phận máy móc từ Hưng Yên đi Việt Bắc, chỉ để lại một bộ phận nhỏ làm nòng cốt sửa chữa vũ khí cho địa phương, lúc đầu thuộc Ban vũ khí dân quân Chiến khu, là tiền thân của Công binh xưởng E – tức Công binh xưởng Hưng Yên.
Về công tác xây dựng Đảng, với tinh thần “làm cho đoàn thể thành một đoàn thể quần chúng”, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các Đảng bộ tiến hành công tác phát triển Đảng khá mạnh mẽ. Các ban chuyên môn của Đảng lần lượt được thành lập để giúp cho Tỉnh ủy chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ hơn: Ban Phụ trách vùng tạm chiếm lập ra từ tháng 03/1947; Ban Địch vận thành lập tháng 04/1947; Ban Tuyên huấn, Ban Công tác đội (08/1947); Ban Tổ chức (10/1947); Ban Dân vận (11/1947); Ban Tài chính, Ban Kiểm soát (12/1947); Ban Giao thông bưu điện, lúc đầu sử dụng chung 3 trạm (Trung ương, khu và tỉnh), mỗi trạm có một giao thông viên chạy công văn, thư từ. Tháng 01/1947, tách ra thành Ban Giao thông kháng chiến và đến tháng 06/1947 chính thức tổ chức thành một ngành dọc từ tỉnh đến huyện.
Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên tích cực thực hiện việc tản cư, của cải được sơ tán và cất giấu. Nhiều đình chùa, nhà ngói to bị tháo dỡ hoặc phá hủy với ý tưởng đơn giản làm “vườn không, nhà trống” để địch không có chỗ trú quân. Công tác phá hoại được đẩy mạnh trên các tuyến đường giao thông trọng yếu, đường 5, đường 39 và nhiều đường liên tỉnh được phá hoại; đường sắt được bóc lột hết tà vẹt và tháo rỡ hết các thanh ray, nhân dân đắp hàng vạn ụ đất, đào ổ gà để xe cơ giới không thế đi được; đê sông Hồng được đắp ụ; sông Hồng, sông Luộc được làm vật cản để tiến tới làm bè ngăn sông không cho ca nô, tàu chiến của địch hoạt động; hàng chục làng được xây dựng thành những “thôn trang chiến”, “làng chiến đấu”… hàng nghìn nam nữ thanh niên tiếp tục gia nhập lực lượng tự vệ…
Như vậy, công tác xây dựng lực lượng chuẩn bị chiến đấu đã được Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên thực hiện một cách tích cực. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, cả tỉnh đã ở trong thế sẵn sàng chuyển vào thời chiến.