Đặc điểm cuộc chiến tranh du kích trên địa bàn Hưng Yên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng bộ tỉnh hưng yên lãnh đạo chiến tranh du kích trong kháng chiến chống thực dân pháp (1946 1954) (Trang 79 - 84)

Chƣơng 3 : NHẬN XÉT VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM CHỦ YẾU

3.1. Nhận xét

3.1.2. Đặc điểm cuộc chiến tranh du kích trên địa bàn Hưng Yên

Có thể nói, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược là sự tiếp nối Cách mạng Tháng Tám - cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương (từ tháng 3 -1951 là Đảng Lao động Việt Nam) đưa toàn thể dân tộc thoát khỏi ách áp bức bóc lột của thực dân và phát xít, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Không những thế, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ 9, năm từ năm 1945 đến năm 1954, còn là cuộc chiến tranh cách mạng, chiến tranh nhân dân Việt Nam đầu tiên trong thời đại Hồ Chí Minh, đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân. Trải qua biết bao gian khó của cuộc kháng chiến, nhưng với phương châm: “du kích chiến tranh là chính”, quân dân Hưng Yên đã lập được nhiều chiến công, góp phần vào thắng lợi to lớn của toàn thể dân tộc ta.

Bên cạnh những đặc điểm chung với chiến trường cả nước, cuộc chiến tranh du kích chống thực dân Pháp trên địa bàn tỉnh dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hưng Yên cũng có những đặc điểm riêng:

Một là, chiến tranh du kích ở Hưng Yên giữ vai trò chủ đạo xuyên suốt trong kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài và tự lực cánh sinh.

Xuất phát từ đặc điểm chiến trường, so sánh lực lượng giữa ta và địch về mọi mặt… phương châm chỉ đạo tác chiến ở Hưng Yên xuyên suốt qua các giai đoạn luôn lấy “du kích chiến làm chính”. Đánh du kích theo nghĩa thông thường là cách đánh giặc của quần chúng, mọi người đều đánh, đánh bằng mọi hình thức, để tiêu hao, tiêu diệt, phân tán lực lượng địch, làm cho địch luôn ở trong tình trạng bị động đối phó, hậu phương của địch rối loạn.

Chiến tranh du kích ở Việt Nam theo quan điểm của Đảng ta còn là cuộc chiến tranh nhân dân - toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh lấy lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt. Ở Hưng Yên, du kích chiến tranh được thể hiện không chỉ đơn thuần mặt đấu tranh quân sự hay giới hạn trong phương thức hoạt động tác chiến của các lực lượng vũ trang mà còn được kết hợp trên các mặt đấu tranh chính trị, kinh tế, binh vận với địch, nhưng đấu tranhquân sự luôn giữ vai trò quyết định.

Hai là, Hưng Yên là địa bàn nằm ở vị trí “yết hầu” nối Hà Nội với Hải Phòng, nên cuộc chiến tranh ở đây diễn ra rất ác liệt.

Do điều kiện địa lý tự nhiên, với những đường giao thông chiến lược như quốc lộ 5, đường sắt nối Hà Nội với Hải Phòng, địch đã coi tuyến đường này là cái “yết hầu” nối cái “cuống họng Hải Phòng” với cái “dạ dày Hà Nội”.

Trong cuộc kháng chiến, cả ta và địch đều coi Bắc Bộ là chiến trường chính, là nơi đọ sức quyết định. Ở miền Bắc, đồng bằng lại trở thành trọng điểm, mà địch coi là “cái then, cái chốt” của vùng Đông Nam Á. Nhưng ở đồng bằng châu thổ thì địch lúc nào cũng quan tâm hơn đến phía Bắc và phía Đông Bắc đồng bằng vì ở đó có hành lang Hà Nội – Hải Phòng, có đường sắt, đường 5 mang ý nghĩa quan trọng lúc đó, hành lang đó lại nằm chủ yếu trên địa bàn Hưng Yên và Hải Dương. An toàn hay bị uy hiếp, mất hay còn của hành lang này, của tuyến giao thông này là sự mất hay còn đối với địch.

Ngoài ý nghĩa chiến lược về mặt giao thông quân sự, Hưng Yên còn là một “kho của, kho người” của một tỉnh đồng bằng với gần nửa triệu dân.Địch đã nhằm vào vùng đồng bằng màu mỡ phì nhiêu này mà chiếm đóng, khai thác.Chính vì vậy, chúng ra sức củng cố vùng chiếm đóng Hưng Yên, mọi thủ đoạn thâm độc, xảo quyệt đều được áp dụng. Để chống lại kẻ thù, quân và dân Hưng Yên dưới sự chỉ đạo của Đảng, trực tiếp là Tỉnh ủy Hưng Yên, đã tiến hành một cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh.

Trên địa bàn bị địch chiếm đóng, bao vây, quân dân Hưng Yên đã chiến đấu bền bỉ, xây dựng và phục hồi cơ sở, mở các khu du kích, tiến tới chọc thủng các phòng tuyến chiếm đóng của địch, tiêu diệt sinh lực địch, đập tan âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”.

Chiến thắng của quân và dân Hưng Yên làm sáng tỏ điều kiện căn bản để phát triển chiến tranh du kích đó là yếu tố con người với lòng căm thù giặc sâu sắc, tinh thần yêu nước nồng nàn và được Đảng tiền phong lãnh đạo, đi đúng đường lối quân sự của Đảng.

Ba là, lãnh đạo cuộc chiến tranh du kích ở Hưng Yên trong điều kiện địa bàn hình thành hai vùng tự do và vùng địch hậu.

Trong một cuộc chiến tranh, những địa bàn quan trọng luôn diễn ra sự tranh chấp rất quyết liệt. Ở đó, hai bên tập trung những nỗ lực lớn để giành đi giật lại những mục tiêu cụ thể, có ý nghĩa chiến lược sâu xa, không bên nào chịu từ bỏ, cho nên cuộc chiến đấu luôn diễn ra ác liệt, gay go, gian khổ và phức tạp.

Ở vùng địch hậu, với điều kiện địa lý tự nhiên của một tỉnh thuần đồng bằng, là nơi tập trung đông người, nhiều của, phía Bắc tỉnh lại là cấu nối huyết mạch giữa Hà Nội và Hải Phòng cho nên địch đã tập trung binh lực để chiếm đóng địa bàn này, ra sức vơ vét sức người sức của để phục vụ chiến tranh. Vùng địch hậu phần lớn các khu dân cư kinh tế trù phú, khu vực quanh các căn cứ quân sự, hệ thống đồn bốt và dọc các giao thông chiến lược trọng yếu. Tại đây địch lập bộ máy ngụy quyền, tổ chức mạng lưới cảnh sát, mật vụ dày đặc, thực hiện chính sách bình định bằng mọi thủ đoạn kìm kẹp, khủng bố, đầu độc, lừa mị, mua chuộc để kiểm soát chặt chẽ nhân dân.

Về phía ta, tại vùng địch hậu, ta tranh thủ vận động giác ngộ quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị của các đoàn thể cách mạng, tổ chức tự vệ (du kích) mật, xây dựng, tích trữ lực lượng mọi mặt, lãnh đạo quần chúng đấu tranh

giành quyền lợi thiết thực về dân sinh, dân chủ, chống khủng bố đàn áp và những biện pháp bình định của địch. Lấy đấu tranh công khai hợp pháp là chính. Nơi có điều kiện, kết hợp lực lượng bên trong với bên ngoài, từng bước đưa mũi đấu tranh vũ trang lên để hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị và các mặt đấu tranh khác của quần chúng (kinh tế, binh vận...)

Phương thức hoạt động vũ trang chủ yếu là diệt ác trừ gian, trừng trị các phần tử đầu hàng phản bội nguy hiểm, bọn đầu sỏ tay sai hoặc thực dân phản động gian ác, phá hoại các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế, kho tàng dự trữ chiến lược, các loại cơ sở vật chất - phương tiện kỹ thuật chiến tranh. Mục tiêu của ta là, làm cho hậu phương địch không ổn định, suy yếu, biến hậu phương của chúng thành tiền phương của ta.Bên cạnh đó, vùng địch hậu còn là nơi cung cấp một phần nhân tài, vật lực cho kháng chiến trong suốt cuộc chiến tranh.

Ở vùng tự do Hưng Yên, tuy không có rừng núi hiểm trở để xây dựng căn cứ nhưng lại có căn cứ vững chắc là “lòng dân” để dựa vào từ cơ quan chỉ đạo cho đến mọi lực lượng quân sự, chính trị tạo điều kiện tốt cho công tác chỉ đạo chiến đấu lâu dài.

Bên cạnh đó, còn có những mặt khó khăn trong việc lãnh đạo giải quyết tư tưởng cán bộ, đảng viên ỷ lại vào hậu phương, thiếu kiên trì trong vùng địch hậu.

Bốn là, cuộc chiến tranh du kích ở Hưng Yên luôn gắn liền với cục diện chiến trường toàn quốc và sự phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực, quá trình diễn biến của chiến tranh du kích phát triển không đồng đều.

Hưng Yên bắt đầu bị địch chiếm đóng cũng là lúc cuộc kháng chiến toàn quốc bước sang giai đoạn cầm cự, thực dân Pháp thực hiện âm mưu mở rộng đánh chiếm vùng đồng bằng Bắc bộ, chiếm “kho người, kho của”, thực hiện

âm mưu “dùng người Việt đánh người người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”.

Hưng Yên thành lập được khu du kích đầu tiên trong địch hậu là thời điểm Bộ Tổng Tư lệnh mở chiến dịch Hoàng Hoa Thám (chiến dịch đường số 18).Khi các khu du kích của Hưng Yên được mở rộng và phát triển là thời điểm ta mở chiến dịch phản công địch ở Hòa Bình.

Lực lượng kháng chiến trong suốt hơn 7 năm ở Hưng Yên là bộ đội tỉnh, bộ đội huyện, dân quân du kích xã và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Hưng Yên và các Đảng bộ, đơn vị địa phương. Bên cạnh lực lượng vũ trang địa phương, bộ đội chủ lực cũng đóng góp một phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp trên địa bàn Hưng Yên.

Tuy nhiên, quá trình diễn biến của chiến tranh du kích ở Hưng Yên diễn ra không đồng đều, có thời kỳ chiến tranh du kích phát triển mạnh mẽ nhưng cũng có lúc bị địch khủng bố trắng, phong trào tạm lắng xuống, đặc biệt là sau chiến dịch Diabolo, khi địch tiến hành càn quét lớn lực lượng của ta phải di chuyển sang Thái Bình, làm cho Hưng Yên trở thành vùng địch chiếm gần hoàn toàn. Ở Hưng Yên địch mạnh hơn ta nhiều, phong trào ta sút kém.Cơ sở non yếu, các tổ chức ngụy quyền của địch lập ra, tạm thời đứng vững được.Chính quyền của ta ở địa phương tạm thời rút lui. Nhưng từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ hai, với những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Đảng bộ Hưng Yên đã lãnh đạo dần khôi phục phong trào, các khu du kích được mở, phong trào đấu tranh của quân dân Hưng Yên được phục hồi và phát triển trong các năm 1951 - 1953. Sang đến năm 1954, phong trào du kích tiếp tục phát triển phối hợp với mặt trận Điện Biên Phủ, giành thắng lợi quyết định kết thúc cuộc chiến tranh.

Những đặc điểm trình bày ở trên cho thấy: cuộc kháng chiến ở các địa phương có sự gắn bó với chiến trường cả nước và thực hiện đầy đủ sự lãnh

đạo, chỉ đạo thống nhất của Trung ương Đảng là điều kiện tất yếu đưa đến thắng lợi hoàn toàn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng bộ tỉnh hưng yên lãnh đạo chiến tranh du kích trong kháng chiến chống thực dân pháp (1946 1954) (Trang 79 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)