Những ưu điểm và hạn chế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng bộ tỉnh hưng yên lãnh đạo chiến tranh du kích trong kháng chiến chống thực dân pháp (1946 1954) (Trang 76 - 79)

Chƣơng 3 : NHẬN XÉT VÀ MỘT SỐ KINH NGHIỆM CHỦ YẾU

3.1. Nhận xét

3.1.1. Những ưu điểm và hạn chế

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Đông Dương (từ tháng 2/1951 là Đảng Lao động Việt Nam), đứng đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh, với đường lối kháng chiến đúng đắn, sự chỉ đạo chặt chẽ của Tổng quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh, Khu ủy và Bộ tư lệnh Khu, Đảng bộ Hưng Yên đã lãnh đạo quân và dân Hưng Yên đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Trong quá trình kháng chiến, quán triệt đường lối của Trung ương Đảng, Đảng bộ Hưng Yên đã lãnh đạo chiến tranh du kích phát triển phù hợp với thực tế ở địa phương, góp phần đưa kháng chiến đến thắng lợi. Quá trình lãnh đạo đó thể hiện những ưu điểm cơ bản sau.

Đảng bộ đã quán triệt và vận dụng đường lối tiến hành chiến tranh du kích của Đảng phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Trong quá trình diễn ra cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược ở Hưng Yên, chiến tranh du kích luôn giữ vai trò quan trọng. Tỉnh ủy và đảng bộ địa phương đã nhận thức sâu sắc vấn đề này, bởi chiến tranh du kích là hình thức tác chiến phổ biến của lực lượng vũ trang và nhân dân một nước nhỏ yếu, với trang bị vũ khí thô sơ, đứng lên chống lại một đội quân xâm lược nhà nghề thiện chiến, được trang bị vũ khí hiện đại. Vận dụng phương thức tiến hành chiến tranh đúng đắn đó, chiến tranh du kích ở Hưng Yên đã phát triển từ thấp đến cao, từ ngăn chặn quấy rối đến đánh thọc sâu vào hậu cứ, tiêu diệt sinh lực địch.

Chiến tranh du kích phát triển càng cao, càng làm cho các mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán lực lượng, giữa quân sự và chính trị, giữa tấn công và mở rộng chiếm đóng của địch ngày càng trở nên gay gắt hơn.

Do tính chất, đặc điểm của địa phương, khi chiến tranh du kích phát triển thì hình thái bao vây, xen kẽ giữa ta và địch trở thành hình thái phổ biến trên chiến trường, khi địch bao vây, ta dùng hình thức hoạt động tác chiến du kích để phá vây, làm tan rã từng mảng chính quyền địch, tiêu hao, tiêu diệt một lực lượng quan trọng cầm chân và chia lửa với các mặt trận khác. Đặc biệt là trong thời gian diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Hưng Yên đã đẩy mạnh chiến tranh du kích, phối hợp có hiệu quả với mặt trận Điện Biên Phủ.

Công tác xây dựng lực lượng vũ trang được coi trọng từ rất sớm và được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng.

Sớm nhận thức được vai trò của bộ đội địa phương và lực lượng dân quân du kích cho nên Đảng bộ tỉnh đã tập trung chỉ đạo xây dựng các lực lượng vũ trang toàn tỉnh.Từ năm 1946, lực lượng dân quân du kích đã được chú ý phát triển để làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng và chuẩn bị cho kháng chiến.Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, hầu hết các xã, huyện đã xây dựng và phát triển lực lượng tự vệ và du kích tập trung.Đến tháng 02/1947, với Thông tư của Bộ quốc phòng chuyển tự vệ ở cơ sở thành dân quân du kích, lực lượng dân quân du kích ở tỉnh tăng lên hàng vạn người.Giữa năm 1949, Liên khu chủ trương chuyển các đội du kích tập trung huyện, tỉnh thành bộ đội địa phương, thay thế cho các đại đội độc lập.

Từ lực lượng dân quân du kích trưởng thành, Hưng Yên đã tiến lên xây dựng lực lượng bộ đội địa phương, Hưng Yên đã xây dựng được tiểu đoàn bộ đội địa phương (Tiểu đoàn 54 và 58) và các đại đội bộ đội địa phương huyện. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, công

tác huấn luyện, trang bị cho các lực lượng này cũng được coi trọng. Nhận thức được cán bộ là mắt xích quan trọng trong việc xây dựng lực lượng nên công tác huấn luyện cán bộ các cấp rất được quan tâm. Công tác Đảng, công tác chính trị trong các lực lượng vũ trang cũng được chú ý nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục các chủ trương, đường lối kháng chiến của Đảng.

Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được trong lãnh đạo chiến tranh du kích, Đảng bộ Hưng Yên cũng còn một số hạn chế nhất định.

Trong quá trình chuẩn bị kháng chiến, vẫn còn tư tưởng chủ quan khinh địch từ cán bộ cho tới quần chúng nhân dân. Công tác giáo dục, tuyên truyền nặng về một chiều cho nên không thấy hết được khả năng của địch và những khó khăn của ta.

Trong việc lãnh đạo, chỉ đạo có lúc biểu hiện tư tưởng chủ quan, nôn nóng. Trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến, công tác lãnh đạo chưa nhận thức đúng phương châm “du kích chiến làm chính”, có khuynh hướng muốn tập trung đánh một vài trận lớn rồi rút về nghỉ ngơi. Có lúc huấn luyện đánh tập trung cả hai, ba đại đội, đánh tập trung du kích toàn xã, đánh trận địa công đồn, chưa phù hợp với trình độ của lực lượng dân quân du kích.

Khi địch mở trận càn Diabolo tháng 12/1949, Đảng bộ lúng túng, không xác định được hình thức, phương châm tác chiến cho thích hợp, cùng với tư tưởng chủ quan địch càn qua rồi sẽ đi cho nên ta bị tổn thất nặng nề. Không nhận thức được quy luật chiến tranh và tính chất chiếm đóng bình định của địch.Không thấy được tương quan lực lượng giữa hai bên, gây cho ta những khó khăn khi xây dựng kế hoạch tác chiến.

Bên cạnh đó, việc chỉ đạo tổ chức xây dựng lực lượng dân quân và lực lượng du kích chưa được cân đối, nhất là ở thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến. Mặc dù lực lượng du kích là lực lượng nòng cốt nhưng không vì thế coi nhẹ lực lượng dân quân, bởi vì dân quân là lực lượng bán vũ trang, vừa sản xuất,

vừa chiến đấu. Khi tổ chức xây dựng, chưa thấy hết được mối quan hệ gắn bó của hai lực lượng này, cho nên ở thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến, tổ chức dân quân không được coi trọng, việc gia nhập có tính chất ồ ạt nên không đảm bảo được chất lượng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) đảng bộ tỉnh hưng yên lãnh đạo chiến tranh du kích trong kháng chiến chống thực dân pháp (1946 1954) (Trang 76 - 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)